“Việc Nga cung cấp viện trợ cho Ukraine đã bị chính trị hóa”
Bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc, ngày 23/8 đã tuyên bố như trên.
Trả lời phỏng vấn RT, bà Amos cho biết Liên Hợp Quốc nhận thức rõ ràng về tình hình tại miền Đông Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng cần phải tránh việc chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo tại đây như đã xảy ra với đoàn xe cứu trợ của Nga.
“Chúng tôi rất lo ngại rằng tình hình tại Ukraine có thể trở nên xấu hơn bởi giao tranh vẫn chưa chấm dứt. Tại miền Đông nước này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người đang cần sự cứu trợ”, bà Amos chia sẻ.
Bà Amos trao đổi với người dân tại Slavyansk (Ảnh Reuters)
Bà Amos hiện đang đến Ukraine và trước đó bà đã thị sát nhiều khu vực tại miền Đông nước này bao gồm Slavyansk, thành phố trước đây là thành trì của lực lượng ly khai trước khi bị quân Chính phủ giành quyền kiểm soát vào tháng 7 vừa qua sau những trận giao tranh ác liệt.
“Ngày hôm nay (23/8), tôi đã được gặp và nói chuyện với người dân Slavyansk, những người đã phải trốn chạy khỏi cuộc giao tranh và chỉ muốn được quay trở về nhà. Đó là tất cả những gì họ mong muốn. Họ mong muốn hòa bình, ổn định và an ninh”, bà Amos nói thêm.
Chuyến thăm của bà Amos diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Nga phải hứng chịu những chỉ trích của phương Tây rằng Nga đã đưa đoàn xe viện trợ của mình vào thành phố Lugansk mà không được chính quyền nước này chấp thuận.
Lugansk và nhiều thành phố khác của Ukraine đang phải chịu hàng loạt loạt đạn pháo của quân Chính phủ khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng. Nhiều cơ sở vật chất tại thành phố này bị phá hủy khiến cho người dân không được tiếp cận với điện, nước và đường dây điện thoại và internet cũng đã bị gián đoạn.
Theo Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế ( ICRC), người dân Lugansk đang cần gấp những nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 21/8, Nga đã đề xuất rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần đưa ra nghị quyết ủng hộ việc đưa hàng viện trợ vào Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này của Nga đã bị Mỹ và Lithuania cản trở.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Mỹ và Lithuania đã đề xuất bỏ việc kêu gọi một lệnh ngừng bắn và đảm bảo an toàn cho việc phân phát hàng cứu trợ cũng như những thông tin liên quan đến thực tế rằng số hàng viện trợ này đang được phía Nga chuyển đến miền Đông Ukraine”.
Trước khi tiến vào Ukraine, đoàn xe của Nga đã bị kẹt lại biên giới Ukraine trong vòng 1 tuần.
Sau khi ICRC kiểm tra và công nhận đoàn xe này chở hàng viện trợ thì Kiev đã chấp thuận sự công nhận của ICRC sau nhiều ngày đàm phán. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã xong xuôi thì Ukraine vẫn trì hoãn việc bật đèn xanh cho đoàn xe của Nga tiến vào miền Đông dù không có lý do gì cụ thể.
“Chúng ta đều đồng ý rằng đang xảy ra thảm họa nhân đạo tại Ukraine và chúng ta cần làm mọi thứ có thể để đưa hàng viện trợ đến tay những người cần chúng”, bà Amos nói và cho biết bà muốn hàng được đến tay người dân càng sớm càng tốt./.
Theo VOV
Bà Valerie Amos: "Việc cứu trợ nhân đạo của Nga đang bị chính trị hóa"
Trong một tuyên bố ngày 23-8, bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhấn mạnh, việc Nga cung cấp, viện trợ cho Ukraine đang bị chính trị hóa. Cùng ngày, LHQ cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc thảm sát mới ở Iraq.
Nga khẳng định xe cứu trợ tới Ukraine không chở gì về nước
Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Kiev cho rằng, đoàn xe trở hàng viện trợ nhân đạo của nước này đã chở trang thiết bị của một công ty Ukraine chuyên sản xuất radar Pantsir hiện đại quay về Nga.
Hãng tin Interfax dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Alexander Drobyshevsky nhấn mạnh, các nhà báo ở hiện trường, kể cả những nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, đều có thể "đưa ra kết luận độc lập rằng tất cả các xe này đều trống rỗng".
Đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Nga
Trước đó, ngày 23-8, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko khẳng định, các xe cứu trợ của Nga, đi vào lãnh thổ Ukraine hôm 22-8 mà không có giấy phép chính thức, đã lấy các trang thiết bị được chế tạo từ các nhà máy quân sự ở Ukraine.
Kể từ khi Nga quyết định hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế nhằm cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân tại vùng đông nam Ukraine, chính quyền Ukraine và các đồng minh phương Tây luôn nghi ngờ Nga sử dụng đoàn xe nhân đạo làm "vỏ bọc" để cung cấp vũ khí cho lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần khẳng định Moskva không có ý định xâm nhập lãnh thổ Ukraine dưới vỏ bọc viện trợ nhân đạo. Trong một tuyên bố ngày 23-8, bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, việc Nga cung cấp, viện trợ cho Ukraine đang bị chính trị hóa. Bà Amos chia sẻ: "Chúng tôi rất lo ngại rằng tình hình tại Ukraine có thể trở nên xấu hơn bởi giao tranh vẫn chưa chấm dứt. Tại miền Đông nước này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người đang cần sự cứu trợ".
LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra "thảm sát" ở Iraq
Ngày 23-8, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng các cư dân ở thị trấn Amerli thuộc tỉnh Salaheddin, phía Bắc thủ đô Baghdad của Iraq, đang đối mặt với nguy cơ bị các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) "thảm sát" nếu không có hành động khẩn cấp để bảo vệ họ.
Thị trấn Amerli đã bị cô lập hoàn toàn với phần lãnh thổ còn lại do Chính phủ Iraq kiểm soát kể từ khi các chiến binh IS tràn vào nhiều khu vực thuộc tỉnh Salaheddin trong một chiến dịch tấn công chớp nhoáng hồi đầu tháng 6.
Hàng trăm người Yazidi đã bị phiến quân giết chết trong thời gian qua
Cùng ngày, nguồn tin cảnh sát và y tế cho biết, 3 chiếc xe gài bom đã phát nổ gần như đồng thời ở thành phố Kirkuk, miền Bắc Iraq, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và 118 người khác bị thương.
Hai trong số ba quả bom nói trên phát nổ gần các tòa nhà đang xây dựng, vốn được lực lượng an ninh sử dụng làm đài quan sát, trong khi quả bom thứ ba làm rung chuyển lối vào một khu chợ. Một sỹ quan cảnh sát cho biết vụ nổ thứ ba có thể là một vụ đánh bom liều chết.
Palestine và Ai Cập kêu gọi nối lại đàm phán về Gaza
Tổng thống Palesinte Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi các bên xung đột ở dải Gaza nối lại đàm phán.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất do Ai Cập đề xuất đã đổ vỡ và tiếp theo đó là bạo lực leo thang với hàng loạt cuộc không kích của Israel vào dải Gaza và các cuộc nã rocket của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel.
Giao tranh ác liệt giữa Israel và Palestine đã làm hư hại nhiều nhà cửa và nhiều người thiệt mạng
Tính đến nay, chiến dịch quân sự của Israel đã cướp đi sinh mạng của gần 2.100 người Palestine, chủ yếu là dân thường. Phía Israel cũng có 67 người thiệt mạng.
Tại cuộc gặp Tổng thống Ai Cập ở thủ đô Cairo, Tổng thống Palestine Abbas cho biết, Hamas đã sẵn sàng đến Cairo để tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, Hamas chưa xác nhận điều này. Còn phía Israel cũng chưa có bình luận gì.
Các nhà ngoại giao Ai Cập hy vọng sẽ nhận được phản hồi của cả Hamas và Israel về việc tham gia các cuộc đàm phán mới tại Cairo.
Theo Anninhthudo
Nga không thể tiếp tục kiên nhẫn với Ukraine Hàng trăm chiếc xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga đã rầm rập tiến vào miền đông. Ukraine trong ngày hôm qua (22/8) mà không cần sự cho phép từ phía chính quyền Kiev. Đây là kết quả của sự mất kiên nhẫn trước việc Kiev cố tình trì hoãn không cho đoàn xe của Nga vào lãnh thổ nước này,...