Việc của vợ, việc của chồng
Chị đẻ sinh đôi nên từ những tháng mang thai đầu tiên đã phải nghỉ việc ở nhà. Đến khi sinh chúng ra bao nhiêu khoản tốn chỉ mình anh phải lo, trong khi con ốm thì lại mình chị xoay vần chăm sóc, vì chồng đi làm ở khu công nghiệp cách nhà hơn năm mươi cây.
Sáng anh đi từ sáu giờ, chiều sáu giờ mới về, mất gần ba giờ đi trên đường căng thẳng mệt mỏi, công việc thì đầy áp lực. Vậy nên theo anh cứ đòi hỏi chồng về phải chia sẻ việc nhà với vợ thì nói thật là hơi quá. Đâu phải cứ rửa đít, thay tã mới là thương con, đâu phải giúp vợ thật cật lực mới là yêu. Họ liên tục tranh cãi vấn đề này mà mãi chẳng có kết quả, ai cũng thấy công mình to hơn.
Người giúp việc thì nhờ hết ở quê đến xung quanh, cạy cục cả trung tâm giới thiệu, họ đến nhìn thấy sinh đôi thì cũng hoảng, có người chưa đâu vào đâu đã gây sức ép đòi tiền và chế độ cao trong khi không đáp ứng được mong muốn tối thiểu của chủ nhà.
Chị đành ôm hết việc vào thân kẻo còn stress hơn, thế nên đôi khi nhìn chồng về nhà là nằm thượt, kêu đói, kêu nhà bừa làm chị muốn nổi máu điên, mắng chồng lười biếng, vô trách nhiệm, mình quần quật từ sáng còn chưa ngồi thở được ít nào…
Thế là cãi cọ ai cũng có lý do cho sự điên máu của mình, để đến lúc tỉnh táo lại mới hay nhiều mũi dao đã được phóng đi, dù chiến tranh đã tàn thì những vết thương vẫn ở lại, mỗi khi nhìn nhau lại thêm day dứt muốn sửa cũng chả được nữa rồi.
Chả mấy ai dám nói rằng tôi đi làm sướng lắm, công việc nhàn lương cao chả mệt mỏi gì khi một thân gánh trọng trách nuôi bốn người, cũng như chẳng ai mạnh miệng tuyên bố một nách hai con là nhàn, không có việc gì để làm. Ai cũng có nỗi niềm riêng, vậy nên, cùng thông cảm cho công việc của nhau thì mới sớm có thể tìm được tiếng nói chung, để giải quyết triệt để những mâu thuẫn, ai cũng kể công, rồi khăng khăng giữ chặt quan điểm của mình, chả thèm lắng nghe cũng như không trình bày thì làm sao đối tác có thể chia sẻ.
Thế rồi anh chị bình tĩnh nhìn lại, cùng xác định được việc gì là quan trọng hơn cả, để tiếp tục theo đuổi mục tiêu bền vững. Rốt cuộc chị cũng nhận ra cãi cọ căng thẳng chỉ càng khiến quan hệ gia đình nhỏ thêm nặng nề mệt mỏi, chị gắng hiểu cho chồng khi một mình phải gồng gánh toàn bộ kinh tế, chị chấp nhận và dừng hẳn những bài ca cằn nhằn cau có. Anh cũng dần thông tỏ những khó khăn bị kìm kẹp của vợ qua một vài buổi ở nhà cuối tuần, bỗng thấy vợ thật phi thường. Anh thương vợ thương con hơn, tập chung cùng vợ chăm con những lúc rảnh, dẹp bớt những thú vui riêng, dừng hẳn những buổi giao lưu cùng bạn.
Khi hai đứa trẻ lớn dần, những bức bối từ từ được giải tỏa nên cả hai không còn nhiều mâu thuẫn, lúc con đi nhà trẻ chị bắt đầu được “phóng thích”, tìm ngay công việc và trở lại thực hiện những sở thích ngày nào. Hơn cả là hai vợ chồng đã hiểu nhau hơn nhờ sự cầu thị cùng tinh thần tích cực xây dựng. Nhìn hai “cục vàng” đua nhau lớn khôn chị tin nhọc nhằn nhất đã trôi lại phía sau.
Theo VNE