Việc cấp giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực: Còn khó khăn, vướng mắc
Theo quy định, trước ngày 8-3-2020, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản (NTTS) đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng… phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (viết tắt là giấy xác nhận) và cấp mã số cơ sở nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có 5% số cơ sở nuôi trong tỉnh được cấp giấy xác nhận và mã số.
Mới có 50 cơ sở được cấp giấy xác nhận
Gia đình ông Trần Văn Thông có 2ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại vùng đìa Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đã 15 năm nay. Tuy gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất NTTS đối với diện tích này, nhưng đến nay, ông Thông vẫn chưa thực hiện các thủ tục để được cấp giấy xác nhận. Ông Thông cho biết: “Cứ sau mỗi vụ nuôi, gia đình lại thu bán toàn bộ cho thương lái, sau đó thương lái bán cho công ty hay tiêu thụ nội địa thì tôi không rõ. Họ không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận nên chúng tôi cũng ít quan tâm đến việc làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận này”.
Nhiều ao đìa nuôi tôm tại vùng đìa Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) chưa thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi.
Nhiều hộ nuôi tôm khác trên vùng đìa này tuy đã được chính quyền cơ sở, ngành chức năng tuyên truyền về việc đăng ký cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi nhưng không thực hiện được, bởi hồ sơ yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để NTTS nhưng các hộ lại không có. Đây là khó khăn chung của nhiều hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các địa phương ven biển trong tỉnh khi thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi.
Video đang HOT
Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Với nhóm đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, Luật Thủy sản đã có yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký để được cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như về truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ nuôi các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 2.500ha ao đìa, nhưng đến thời điểm này, mới có 50 cơ sở thực hiện các thủ tục và được cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi”.
Cần tháo gỡ khó khăn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Nghị định 26/2019/ của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực, ngành Thủy sản và các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh thực hiện các hồ sơ, trình tự để đăng ký cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, các hộ nuôi vẫn chưa thực hiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số các hộ nuôi còn vướng mắc trong thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuê đất để NTTS như: Không có giấy chứng nhận, không có hợp đồng giao, cho thuê đất NTTS. Một số hộ nuôi chưa nhận thức đúng về yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi nên chưa thực hiện các thủ tục trong cấp giấy xác nhận, cấp mã số cơ sở nuôi.
Theo ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thông Thuận Cam Ranh – đơn vị chế biến, xuất khẩu tôm lớn nhất Khu Công nghiệp Suối Dầu, hiện nay, các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc tôm nhập khẩu. Muốn truy xuất nguồn gốc thì tất cả các cơ sở nuôi đều phải được cấp giấy xác nhận, được đánh mã số cơ sở nuôi. Doanh nghiệp muốn thu mua, chế biến xuất khẩu được thì buộc phải có mã số cơ sở nuôi, cập nhật vào hồ sơ lô hàng xuất khẩu. Truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đang là yêu cầu cấp thiết, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh việc cấp giấy xác nhận, cấp mã số cơ sở nuôi tôm.
Mới đây, Chi cục Thủy sản có công văn đề nghị UBND các địa phương trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về thủ tục trên đến người NTTS trên địa bàn; hướng dẫn người nuôi thực hiện đăng ký kê khai ban đầu theo quy định tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Chi cục cũng đề nghị các địa phương phối hợp để thực hiện thủ tục đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và cấp mã số cơ sở nuôi với các hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn quản lý. “Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND các địa phương báo về Chi cục Thủy sản để phối hợp giải quyết nhằm triển khai nhanh việc cấp giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”, ông Võ Khắc Én nói.
Cảng cá sông Trà Bồng: Quản lý nhập nhằng, ngư dân chịu thiệt
"Cảng cá sông Trà Bồng rất thuận lợi cho tàu cá, nhất là tàu câu mực ra vào. Nhưng đến nay, cảng cá này chưa được công nhận, khiến ngư dân chúng tôi rất vất vả và tốn kém trong quá trình di chuyển tàu cá", ngư dân Huỳnh Tấn Hải, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết.
Chưa được bàn giao mặt nước
Cảng cá sông Trà Bồng, xã Bình Đông (Bình Sơn) được triển khai xây dựng vào năm 2010, do Ban Quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư. Dự án có tổng kinh phí trên 184 tỷ đồng, với quy mô trên 23ha, gồm: Cầu cảng cá và khu dân cư Bình Đông (giai đoạn 2). Riêng hạng mục cầu cảng cá được xây dựng trên quy mô 17ha, với 2 bến cập tàu 90CV và 45CV, cùng các công trình dịch vụ hậu cần, hạ tầng kỹ thuật và tuyến kè bảo vệ dài 1,4km... Sau đầu tư, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã tổ chức đấu giá và giao Công ty TNHH Thiên Phú quản lý và khai thác công trình.
Tàu cá của ngư dân chỉ neo trú tạm tại cảng cá sông Trà Bồng, vì cảng này chưa được công nhận.
Sau khi được bàn giao diện tích trên bờ, Công ty TNHH Thiên Phú tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá và chế biến hải sản. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua, Ban Quản lý KKT Dung Quất vẫn chưa bàn giao phần cầu cảng và diện tích mặt nước ngay trước cầu cảng. "Vì chưa có diện tích mặt nước, nên đến thời điểm này, cảng cá sông Trà Bồng không được ngành chức năng công nhận và công bố đạt tiêu chuẩn loại 2. Điều này khiến ngư dân gặp khó, còn chúng tôi cũng bị tổn thất nặng nề, nhất là việc thu mua nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến hải sản bị gián đoạn, ách tắc", Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú Phạm Thanh Ba bày tỏ.
Vấn đề này đã được chính quyền địa phương, ngư dân và doanh nghiệp kiến nghị các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ vướng mắc. Đầu tháng 6.2020, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh khẩn trương rà soát, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án Cảng cá sông Trà Bồng trước ngày 12.6.2020. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
"Gần nhà xa ngõ"
Trong khi chờ đợi các ngành chức năng của tỉnh tháo gỡ vướng mắc, phần lớn ngư dân hành nghề câu mực của huyện Bình Sơn gặp rất nhiều khó khăn, vì "neo tàu chỗ này, làm thủ tục chỗ khác".
"Tàu câu mực lớn, lại cồng kềnh, nên chạy đến cảng chỉ định không chỉ mất 8 tiếng đồng hồ, tốn 450 lít dầu, mà còn gặp rất nhiều rủi ro khi di chuyển vào cảng Tịnh Kỳ", ngư dân Huỳnh Tấn Hải, ở xã Bình Đông cho hay. Trước đây, tàu ông Hải thường cập tạm ở cảng Sa Cần, hoặc cảng cá sông Trà Bồng để xuất bán sản phẩm, vì vừa gần nhà, lại ra vào thuận lợi.
Tuy nhiên, từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, cũng như thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, thì tàu cá phải cập cảng chỉ định, để chủ tàu thực hiện các thủ tục khai báo nhập bến, xác nhận nguồn gốc hải sản, kiểm soát sản lượng khai thác... Vấn đề là, 4 cảng chỉ định, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, cộng với luồng lạch nhỏ, thường xuyên bồi lấp, khiến nhiều tàu câu mực gặp khó khăn, thậm chí thiệt hại mỗi khi ra vào.
Chính vì thế, không chỉ ông Hải, mà các chủ tàu câu mực ở huyện Bình Sơn chỉ cập cảng chỉ định khi doanh nghiệp thu mua có yêu cầu, còn phần lớn vẫn về cảng Sa Cần, hay cảng cá sông Trà Bồng, để thuận lợi trong việc bán sản phẩm. Tuy nhiên, vì 2 cảng này chưa được ngành chức năng công nhận và công bố là cảng cá, do vậy nguyên liệu hải sản cũng không được xác nhận, nên giá trị thấp, giá bán bấp bênh, thậm chí bị thương lái ép giá. "Cảng Sa Cần và cảng cá sông Trà Bồng rộng rãi, luồng lạch dài và sâu, nên tàu thuyền ra vào thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm tháo gỡ những bất cập, sớm công bố 2 cảng cá trên, để ngư dân chúng tôi thuận lợi hơn trong việc đánh bắt và tiêu thụ hải sản", ngư dân Võ Duy Chưa, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) kiến nghị.
Những hộ không chấp hành sẽ không được hỗ trợ khi xảy ra cá chết Thực hiện đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An (gọi tắt là đề án 401) đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở NN-PTNT), UBND H.Định Quán và H.Vĩnh Cửu đẩy mạnh...