Victoria’s Secret có thêm show áo tắm vào tháng 2
Thông tin từ trang popsugar cho biết, hãng nội y hàng đầu thế giới sẽ tổ chức show thời trang áo tắm đầu tiên trong năm 2015.
Thông thường, mỗi năm Victoria’s Secret chỉ tổ chức một fashion show hoành tráng vào khoảng tháng 12 để quảng bá sản phẩm cũng như tri ân giới mộ điệu. Đó là dịp để các tín đồ trên khắp thế giới được ngắm nhìn dàn thiên thần xinh đẹp sải bước trong những bộ cánh sexy, lộng lẫy nhất. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ trang popsugar, vào ngày 26/2, hãng sẽ phát sóng show thời trang áo tắm đầu tiên mang tên The Victoria’s Secret Swim Special trên kênh CBS.
Vậy nó có gì khác với Victoria’s Secret Show? Nếu như Victoria’s Secret Show nhấn vào các màn trình diễn trên sân khấu thì show mới này lại đi sâu vào cuộc sống của các người mẫu – bao gồm những bài phỏng vấn ngắn cũng như những bức ảnh hậu trường của một buổi chụp hình bikini.
Victoria’s Secret có show áo tắm đầu tiên vào cuối tháng 2.
Chương trình sẽ được ghi hình ở Puerto Rico với sự tham gia của dàn thiên thần xinh đẹp – Lily Aldridge, Alessandra Ambrosio, Adriana Lima, Behati Prinsloo và Candice Swanepoel. Bên cạnh đó, cũng có những gương mặt thường xuyên hợp tác với hãng như Elsa Hosk, Martha Hunt, Jac Jagaciak, Stella Maxwell, Joan Smalls… Hai nghệ sĩ được tiết lộ sẽ diễn ở show lần này là ban nhạc đình đám Maroon 5 và nam ca sĩ Juanes. Giới mộ điệu đang hào hứng chờ đợi màn kết hợp ngọt ngào của cặp đôi Behati – Adam Levine.
Minh Đức
Theo Zing
Video đang HOT
Tương lai bấp bênh chưa từng có của New York Fashion Week
Năm 2015 đánh dấu việc chuyển đổi địa điểm tổ chức không mong muốn lẫn nguy cơ mất dần vị thế của 1 trong những tuần lễ thời trang danh giá nhất thế giới.
Đầu năm nay làng thời trang Mỹ đã biết chính xác tương lai của New York Fashion Week (NYFW) sau nhiều đồn đoán. Với phán quyết của Tòa án Hoa Kỳ, sau tháng 2/2015, NYFW sẽ không còn được tổ chức ở Lincoln Center như truyền thống 4 năm trước đó. Tuy nhiên, một trong những nỗi lo của những ai tâm huyết với tuần lễ thời trang danh giá nhất nhì thế giới này, là vấn đề chọn địa điểm tổ chức NYFW các mùa tới vẫn chưa được quyết định.
Trong khi tờ Elle cho rằng đang có nhiều tranh cãi giữa việc dựng sàn catwalk ở Hudson Yards, Manhattan, Brooklyn, Chelsea Piers hay Milk Studios, thì Racked, 1 trang tin chuyên sâu về lĩnh vực thời trang và cuộc sống, lại đang tỏ ra lo ngại cho tương lai bấp bênh của NYFW, khi Mercedes - Benz sẽ chính thức rút khỏi danh sách tài trợ chính cho chương trình ngay sau khi NYFW rời khỏi Lincoln Center, theo thông báo chính thức trên trang tin của Tuần lễ thời trang New York.
Sẽ không còn hình ảnh tương tự sau khi NYFW kết thúc mùa diễn cuối cùng của mình tại Lincoln Center vào tháng 2 này.
Lật lại lịch sử của NYFW, với nhiều thành công cùng hàng tá vấn đề còn tồn đọng, có thể thấy lo ngại của các biên tập Racked là hoàn toàn có cơ sở, khi từ một sự kiện chủ yếu dành cho giới thiết kế lẫn người tiêu dùng Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy kinh doanh thời trang, NYFW đang đi chệch khỏi quỹ đạo ban đầu dù số lượng tài trợ trong năm nay vẫn ở con số khổng lồ đáng mơ ước.
Chiến tranh thế giới thứ 2 là nguyên nhân quan trọng tạo tiền đề cho sự ra đời của những buổi trình diễn thời trang nhỏ lẻ, trước khi NYFW chính thức xuất hiện với mục đích xây dựng sân chơi thời trang cho giới mộ điệu Hoa Kỳ khi không thể đến Paris, Pháp, vốn là kinh đô thời trang nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để các nhà thiết kế danh tiếng cập nhật những bộ sưu tập mới nhất đến biên tập viên thời trang, vốn thường bị bỏ quên trước đó và giới thiệu cho các khách hàng mua sỉ. Trong khi đó, khách hàng lẻ không tham gia trực tiếp mà sẽ chọn mẫu ở các trung tâm trưng bày của từng nhãn hàng. Đến năm 1993, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) đã quyết định hợp nhất những buổi biểu diễn riêng lẻ thành Tuần lễ thời trang New York, được tổ chức định kỳ vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm, tại các cụm lều trắng ở công viên Bryant. Năm 2010, IMG, đơn vị tổ chức chính của các tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới, đã quyết định chuyển NYFW về Lincoln Center cho đến nay.
Dù từng là Phó Chủ tịch của IMG nhưng Fern Malliss lại không ủng hộ quyết định chuyển NYFW từ công viên Bryant về Lincoln Center.
Theo Fern Malliss, Chủ tịch CFDA từ năm 1991 - 2001 và là Phó Chủ tịch của IMG từ năm 2001 - 2010, việc thống nhất các buổi trình diễn đơn lẻ rời rạc thành một sự kiện thời trang mang tầm vóc quốc gia và thế giới như NYFW đã đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang Hoa Kỳ. "Đã có đến 50 buổi trình diễn thời trang diễn ra ở 50 địa điểm khác nhau, chưa kể hàng loạt sự cố từ mất điện, cho đến sập đường băng trước khi Tuần lễ thời trang NewYork được thống nhất tổ chức tại 1 địa điểm duy nhất là công viên Bryant vào năm 1993. Thậm chí trần nhà đã đổ sụp lên sàn catwalk trong show diễn của Michael Kors trong năm 1991. Thống nhất tổ chức tại 1 địa điểm cũng giúp ngành công nghiệp thời trang cắt giảm chi phí tổ chức, kiểm soát an ninh lẫn tiền thuê nhân công phục vụ sự kiện. Chưa kể đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, nhà thiết kế lẫn biên tập viên, vì họ có thể theo dõi xuyên suốt toàn bộ sự kiện".
Tuy nhiên, cũng theo Fern Malliss, NYFW đã thật sự "có vấn đề" khi được IMG chuyển địa điểm về Lincoln Center vì cho rằng khu phức hợp này không đủ tầm vóc để tổ chức một sự kiện quy mô lớn như Tuần lễ thời trang New York. Malliss đã phát biểu trên Racked: "IMG nên chuyển NYFW về lại địa điểm ban đầu của nó (tức công viên Bryant) để thuận lợi hơn cho khán giả và tạo ra càng nhiều hợp đồng thương mại qua sự kiện càng tốt".
Vanessa Friedman, Giám đốc thời trang của New York Times, cũng cho rằng việc tổ chức rời rạc của NYFW ngày nay là "vô cùng lộn xộn".
Đồng tình với quan điểm của Malliss - 1 trong những nhân vật quyền lực nhất làng thời trang Hoa Kỳ, Giám đốc thời trang cho tờ New York Times, Vanessa Friedman đã cho biết: "Lincoln Center không đủ sức chứa cùng lúc một danh sách ngày càng lớn các nhà thiết kế lẫn khách mời. Hậu quả là rất nhiều nhà thiết kế đã phải trình diễn bộ sưu tập off-site của họ ở các địa điểm khác trong thành phố, khiến biên tập viên, khách hàng lẫn khách mời của NYFW phải chạy "bở hơi tai" từ nơi này qua nơi khác, thậm chí là giữa các quận với nhau. Đó thật sự là một sự lãng phí quá lớn về thời gian. Mặc dù GPS đã được ứng dụng để cải thiện việc check - in và chọn chỗ ngồi, nhưng hầu hết các sự kiện trong NYFW vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức".
Cùng ý kiến với các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang như Fern Malliss hay Vanessa Friedman, Steven Kolb - Giám đốc điều hành CFDA thừa nhận việc chuyển NYFW về Lincoln Center là một sai lầm. "Thay vì gắn kết các buổi trình diễn như mục đích tổ chức NYFW vào năm 1993, Tuần lễ thời trang New York giờ đây lại tổ chức sàn catwalk ở những vị trí rất khác nhau". Ông không ngại cho rằng: "Rõ ràng có một sự nhầm lẫn nào đó ở NYFW hiện tại".
NYFW đang dần bị thương mại hóa thay vì chỉ là sự kiện để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang như lúc đầu.
Bên cạnh bất đồng về diện tích và vị trí tổ chức sự kiện, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Ban tổ chức của NYFW đang đi quá xa so với định hướng mục tiêu ban đầu của tuần lễ thời trang này, vốn được tổ chức để tăng cơ hội giao thương, bán mẫu thiết kế trực tiếp cho khách hàng mua sỉ và giúp báo chí lẫn giới mộ điệu tiếp cận nhanh nhất với các mẫu thiết kế mới. Theo Friedman: "NYFW dường như đã trở nên vô cùng lộn xộn. Thay vì tập trung cho thời trang, tuần lễ thời trang đã trở thành công cụ marketing lẫn hình thức giải trí cho vài thương hiệu. Mà sự chuyển đổi xu hướng này chẳng được ai quản lý, kể cả CFDA".
Phát biểu của Friedman dường như đã tái khẳng định những gì dân tình trong làng thời trang Hoa Kỳ vẫn thường kháo nhau, rằng đối với IMG, doanh thu mới là ưu tiên hàng đầu khi tổ chức NYFW. Chính vì thế, giới mộ điệu đã nhiều phen ngạc nhiên khi một số nhà tài trợ có vẻ "chẳng liên quan gì đến mốt" đã xuất hiện tại NYFW như việc quảng cáo trá hình nhiều sản phẩm từ kem, đồ uống, cho đến các thiết bị vệ sinh nhà tắm và hàng công nghệ cao... Biên tập viên của tờ Washington Post, Robin Givhan cho biết cô còn nhớ mình đã bối rối như thế nào vào một mùa NYFW, khi các đối tác thắc mắc vì sao các thiết bị phòng tắm cao cấp lại xuất hiện trên trang web của 1 tuần lễ thời trang quốc tế. Đồng thời, sự can thiệp của nhiều nhà tài trợ lên sân khấu buổi biểu diễn cũng được cho là làm khán giả mất tập trung vào các bộ sưu tập.
NYFW khiến làng mốt New York lẫn Hoa Kỳ "bối rối" vì vẫn chưa chọn được địa điểm tổ chức mới sau khi không thể ở lại Lincoln Center như những mùa trước.
Ngoài ra, Givhan cũng cảm thấy lo ngại cho tương lai của làng thời trang Hoa Kỳ: "Ngành công nghiệp thời trang Mỹ từng có thời hoạt động rất độc lập vào những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Nhưng ngày nay, rất nhiều xu hướng mới thường đến từ làng mốt Paris, đến mức nhiều nhà thiết kế Mỹ đã sao chép lại những gì họ thấy tại Pháp. Và với xu hướng thương mại hóa như bây giờ, có nguy cơ các thiết kế sáng tạo và nghệ thuật đúng nghĩa của thời trang sẽ bị đẩy ra ngoài rìa NYFW".
Sự quan ngại của Biên tập viên Washington Post cũng là mối lo của nhiều người hoạt động trong làng thời trang New York, trước tương lai chưa biết sẽ "định cư" ở đâu của NYFW khi rời khỏi Lincoln Center. Với Givhan, tháng 2 này được xem là thời điểm để kết thúc 1 kỷ nguyên nhất định của NYFW, và rồi tuần lễ thời trang nổi tiếng này sẽ đi về đâu, theo cô sẽ còn lệ thuộc nhiều vào định hướng của đơn vị tổ chức: "NYFW đã bị mất dần tầm ảnh hưởng thật sự trong làng thời trang, và đang có dấu hiệu đi xuống. Vấn đề là các nhà tổ chức phải tìm hiểu đâu là nguyên nhân của những gì đang xảy ra, cố gắng cải tổ và đưa NYFW tiến lên phía trước như thời hoàng kim rực rỡ trong những năm 90 của thế kỷ 20".
Mi Quỳnh
Theo Racked
Theo Zing
Kiểu thắt lưng obi Nhật Bản lên ngôi ở Xuân Hè 2015 Bên cạnh phong cách thập niên 1970, làng mốt tiếp tục chứng kiến sự quay vòng khi nhiều hãng trở lại lăng xê kiểu thắt lưng xuất hiện từ 2009. Thắt lưng obi là dạng thắt lưng được thiết kế dựa trên cảm hứng từ dây lưng kimono hay yukata truyền thống của Nhật. Manh nha xuất hiện từ năm 2009 đến 2010,...