Vỉa hè đường Lê Văn Lương: Mạnh ai nấy chiếm
Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực hết mình để xây dựng nền nếp trật tự, văn minh đô thị, góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông (UTGT). Thế nhưng, tuyến đường Lê Văn Lương lại ngày càng lộn xộn, lòng đường, vỉa hè bị chia năm xẻ bảy phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Vỉa hè, lòng đường thành bãi xe riêng của Lily’s Bar & cafe, số 27 Lê Văn Lương.
Đua nhau cát cứ
Tình trạng UTGT diễn ra hàng ngày trên đường Lê Văn Lương, đặc biệt trong giờ cao điểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng nói nhất là tình trạng phá vỡ tổ chức giao thông, xâm chiếm vỉa hè, lòng đường của hàng loạt nhà hàng, xưởng sửa chữa, bày bán ô tô ở cả hai chiều. Hướng đi vào trung tâm TP, từ nút giao với Khuất Duy Tiến đến đầu ngõ 39 Lê Văn Lương, hàng chục ki ốt kinh doanh, sửa chữa ô tô mọc lên, đánh số từ 112 – 118. Hàng ngày ô tô được đem ra bày bán trên vỉa hè. Thợ sửa xe xịt nước đẩy dầu mỡ, xà phòng lênh láng ra lòng đường, gây mất vệ sinh môi trường, trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Anh Phạm Văn Thái (Hà Đông) chia sẻ: “Khó chịu nhất là vào buổi sáng, đi làm qua đây tôi có thể bị nước rửa xe xịt vào mặt bất cứ lúc nào”.
Cùng hướng đi, từ nút giao Hoàng Minh Giám đến Hoàng Đạo Thúy, hàng loạt quán xá, cửa hàng quần áo ngang nhiên hướng dẫn khách đỗ ô tô dưới lòng đường. Cá biệt có quán Lily’s Bar & café tại số 27 Lê Văn Lương, còn chiếm cả 4 mặt vỉa hè xung quanh cho khách đỗ ô tô. Giờ cao điểm sáng, ô tô của khách ra vào quán đỗ dài từ số 27 đến tận ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy.
Từ số 25 – 21 Lê Văn Lương, vỉa hè lại bị biến thành một dạng kết cấu khác. Các tòa nhà cao tầng tại đây cho xẻ vỉa hè làm chỗ ô tô ra vào và đỗ xe máy, thu hẹp không gian của người đi bộ. Cá biệt như trước cửa tòa nhà Golden Pam số 21 Lê Văn Lương, vỉa hè không còn một chỗ nào cho người đi bộ, chỉ chuyên dành để “phục vụ” đỗ xe máy, ô tô.
Từ số 19 Lê Văn Lương đến đường Nguyễn Ngọc Vũ, các cửa hàng bán ô tô nối nhau san sát, biến nơi đây thành một chợ xe bất khả xâm phạm. Toàn bộ vỉa hè chỉ để bày bán ô tô. Hướng ngược lại, từ Nguyễn Ngọc Vũ đến đầu phố Hoàng Ngân, các gara ô tô cũng đua nhau cát cứ hè, đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng, là nỗi bức xúc kéo dài của người dân nhưng hiếm khi chính quyền địa phương giải quyết.
Tự ý nâng hạ vỉa hè, xây dựng nhà xưởng?
Đường Lê Văn Lương nằm trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy). Dù được cả hai địa phương quản lý, tuyến đường vẫn tràn lan hiện tượng lấn chiếm hè, đường để kinh doanh; thậm chí vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ cảnh quan đô thị. Đơn cử như từ số 112 – 118 Lê Văn Lương, các cửa hàng bán ô tô đang xây dựng trên đất dự án chậm triển khai. Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Hoàng Tùng thừa nhận, các cửa hàng đó không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế cho Nhà nước.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, các cửa hàng nói trên xây dựng trên đất dự án đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ. Nhưng căn cứ pháp lý cho phép xây dựng, kinh doanh thì quận còn phải rà soát lại. Tương tự, việc thay đổi kết cấu vỉa hè dưới chân các tòa nhà cao tầng từ số 25 – 21 Lê Văn Lương cũng chưa được chính quyền quận Thanh Xuân cung cấp các tài liệu liên quan.
Vào các giờ cao điểm sáng, trước cửa hàng bán ô tô số 19 Lê Văn Lương vẫn luôn có CSGT và Thanh tra GTVT túc trực phân luồng, điều tiết giao thông. Nhưng nghịch lý là cách đó chỉ vài mét ô tô đỗ ken kín vỉa hè.
Cuối năm 2016, khi tuyến buýt BRT 01 Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa chuẩn bị đi vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đã có Quyết định số 2879/QĐ – SGTVT về phương án tổ chức giao thông: “Cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện dọc tuyến đường hoạt động của BRT”. Nhưng lệnh cấm này hoàn toàn vô hiệu, hậu quả là ô tô dừng đỗ tràn lan dọc hai bên đường Lê Văn Lương, gây UTGT nghiêm trọng toàn tuyến.
Thực tế đó cho thấy, trật tự văn minh đô thị trên tuyến đường Lê Văn Lương đã không còn nền nếp. Do vậy, chính quyền và lực lượng chức năng cần sớm triển khai các nhiệm vụ giải quyết các vi phạm nêu trên, nhằm giảm tải tình trạng UTGT trên trục đường trọng yếu cửa ngõ Tây Nam Hà Nội.
Theo Kinhtedothi
Cháy nhà máy Rạng Đông, chính quyền quận Thanh Xuân vô cảm với dân ra sao?
Cháy công ty Rạng Đông có thể chỉ là một thảm họa nhỏ, nhưng sự vô trách nhiệm của chính quyền mới thật sự là một thảm họa lớn.
Chiều muộn 29/8, chỉ một ngày sau khi kho hàng 6.000m2 chứa đầy bóng đèn huỳnh quang của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (gọi tắt công ty Rạng Đông) bị cháy, phường Hạ Đình đã phát đi một cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân tới người dân.
Trong văn bản, phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Đồng thời, tiến hành tiêu huỷ rau quả, trái cây trong vòng bán kính 500m...
Sự cảnh báo dù theo nhiều người là có vẻ muộn màng nhưng ít nhất ở thời điểm đó thì đây cũng là cảnh báo duy nhất được đưa ra.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, thông báo mang ý nghĩa tích cực của phường Hạ Đình lại bị UBND quận Thanh Xuân thu hồi ngay vào ngày hôm sau (30/8) với lý do ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận.
Tất nhiên, sau thông báo của phường Hạ Đình, nói không hoang mang thì là nói dối, ai nhiễm thủy ngân mà chả sợ. Nhưng ít nhiều cái thông báo chỉ vỏn vẹn vài trăm chữ này cũng cho thấy rằng, chính quyền địa phương không thờ ơ trước sức khỏe của người dân.
Họ đã không im lặng, mà dũng cảm đưa ra một cảnh báo trước nguy cơ có thể xảy ra một thảm họa môi trường, bởi rõ ràng đây không phải một vụ cháy thông thường.
Cảnh sát PCCC cố gắng dập tắt đám cháy công ty Rạng Đông hôm 28/8.
Không thể phủ nhận, để có những số liệu đánh giá chi tiết cụ thể về mức độ nguy hiểm của môi trường sau vụ cháy không phải việc dễ dàng và có thể có kết quả ngay lập tức.
Nhưng UBND phường là cơ quan quản lý hành chính, chịu trách nhiệm mọi mặt trên địa bàn quản lý, nên việc ban hành văn bản khuyến cáo, hướng dẫn như phường Hạ Đình là đúng thẩm quyền. Việc phát đi một cảnh báo cũng là cần thiết.
Lẽ ra, việc làm có lợi cho người dân này cần phải được khuyến khích, thì đằng này UBND quận Thanh Xuân đã can thiệp thô bạo, yêu cầu thu hồi văn bản. Thậm chí, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND phường Hạ Đình.
Không chỉ thu hồi thông báo của phường Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân sau đó còn định lái sự việc theo một hướng khác khi dẫn thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế nói rằng các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.
Nhưng chính ông Nguyễn Đức Sơn, Viện phó Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã khẳng định không có một công bố kết quả nào như quận Thanh Xuân nêu.
Không chỉ UBND quận Thanh Xuân, chính công ty Rạng Đông - bên chịu trách nhiệm chính của sự cố cũng phát đi một thông báo đầy sự mập mờ, che đậy.
Trong thông báo gửi tới báo chí chiều 30/8, công ty này cho rằng: "Các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người". Họ sau đó còn cho biết, từ năm 2016 đã có nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế thủy ngân lỏng trước đây. Nếu ai đọc đến đây chắc chắn sẽ thở phào, nhưng trên chính trang web của công ty này họ cũng giải thích rõ rằng amalgam thực chất là thủy ngân được bọc trong vỏ kim loại.
Nếu bóng đèn bị vỡ thông thường thì sẽ không ảnh hưởng. Nhưng chắc họ không chịu hiểu rằng thông báo giải thích được đưa ra khi vừa xảy ra đám cháy lớn. Chính các chuyên gia sau đó cũng nói rằng, khi cháy thì dù có bọc cỡ nào thì chắc chắn thủy ngân cũng sẽ phát tán.
Là đơn vị trực tiếp sản xuất, lẽ ra, công ty Rạng Đông phải phát đi một thông báo tích cực mang tính chất cảnh báo, nhưng điều đáng tiếc là họ đã không làm vậy. Cũng như UBND quận Thanh Xuân, tất cả đều sợ trách nhiệm. Chính họ chứ không phải phường Hạ Đình đã đẩy người dân vào sự hoang mang.
Sự dối trá, vô trách nhiệm của công ty Rạng Đông và chính quyền quận Thanh Xuân càng được khẳng định và chẳng còn nghi ngờ khi ngày 4/9, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, nguồn thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường có thể lên tới 27,2 kg.
Bộ TN-MT đồng thời xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là trong khoảng cách 500m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.
Vậy là những người có trách nhiệm như chính quyền phượng Hạ Đình bị quy kết theo kiểu vô trách nhiệm. Còn những người được cho là có thẩm quyền ban hành khuyến cáo đã không làm đúng những việc có lợi cho dân.
Họ vì sợ trách nhiệm mà vô trách nhiệm đối với sự sống của người dân. Cháy công ty Rạng Đông có thể chỉ là một thảm họa nhỏ, nhưng sự vô trách nhiệm của chính quyền mới thật sự là một thảm họa lớn.
MẠNH QUÂN
Theo VTC
Bảo vệ Grand Plaza đuổi dân trú mưa: Lý giải lạ Quản lý khách sạn Grand Plaza khẳng định không đuổi người dân mà hướng dẫn ra khu vực hầm đứng. Tuy nhiên, khu vực hầm lại là nơi hút gió. Ngày 31/8/2019, theo Quản lý lễ tân khách sạn Grand Plaza (số 117 Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội), hành động bảo vệ "đuổi" người dân trú mưa vào chiều tối ngày 29/8...