Vị Xuyên – 35 năm máu và hoa
Cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược Trung Quốc trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang từ năm 1984 -1989 còn hằn rõ trong ký ức nhiều người. Đặc biệt, với những người lính sư đoàn 356, những ngày tháng 7 này ký ức lại ùa về, cháy bỏng.
Đó là những năm tháng mà thanh xuân của họ đồng hành với những trận đánh ác liệt, những đau thương khi chứng kiến sự ra đi của đồng đội. Đã 35 năm qua, những người lính Vị Xuyên vẫn tưởng nhớ nhau, nhớ đến một thời oanh liệt đầy máu và hoa ấy.
Kỳ 1: Tháng 7, ngày giỗ trận…
Tại mặt trận Vị Xuyên ác liệt, thương vong là điều không thể tránh khỏi. Nhưng những người lính Vị Xuyên không bao giờ quên được ngày 12/7/1984, ngày mà Sư đoàn 356 đã mất gần 600 người (chính xác là 593 chiến sĩ). Ngày đó đã được gọi là ngày giỗ trận của Sư 356. Giờ đây, những người lính may mắn vẫn tụ họp về Vị Xuyên tháng 7 hàng năm để tưởng nhớ tới các đồng đội của mình, những người ra đi khi ở độ tuổi đẹp nhất – tuổi 20.
Nhiệm vụ dưới đêm mưa
Những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi tìm về mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang) để gặp lại những nhân chứng từng chiến đấu và đổ máu để bảo vệ mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). (Ảnh: T.L)
Trong căn buồng bệnh tại Bệnh viện Vị Xuyên, tôi gặp cựu binh Lê Tú Liêu – nguyên là sĩ quan thông tin của Sư đoàn 356, người trực tiếp tham gia trận chiến ngày 12/7 cách đây tròn 35 năm.
Năm nay người cựu binh mới 61 tuổi, nhưng sức khỏe không còn tốt. Khi nghe chúng tôi nhắc về Sư đoàn 356 và trận đánh ngày 12/7, ông Liêu lặng người đi. Chắc hẳn những ký ức đau thương đó, dù không muốn, vẫn luôn ám ảnh ông trong suốt 35 năm qua.
Video đang HOT
Lính thông tin như ông Liêu bao giờ cũng đi trước về sau trong mỗi trận đánh. Được lệnh ém quân ở những điểm cao đợi giờ nổ súng, các mũi đều được lệnh hành quân ban đêm. Nhưng đêm đó trời mưa tầm tã khiến bộ đội ta cơ động vô cùng vất vả. Lúc đó tâm lý lính trẻ chọn đường dễ để đi. Không ai ngờ sáng ra những đường mòn bị lộ vì cây cỏ đều bị dẫm nát.
Các cựu binh của Sư 356 dâng vòng hoa trắng để tri ân các đồng đội đã ngã xuống ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) hơn 30 năm trước. (Ảnh: Gia Tưởng)
Từ đài quan sát tại điểm cao 1509, quân bành trướng Trung Quốc dễ dàng phát hiện ra những điều bất thường trên các con đường mòn. Lập tức, chúng đã cho pháo kích dữ dội vào những vị trí nghi ta đang di chuyển và ém quân. Khi đó, do địa hình núi đá dốc, chỗ trú quân hẹp, phần lớn các mũi tấn công của ta đều nằm trong tọa độ pháo kích của quân địch.
Dù bị pháo kích trước giờ G (giờ tấn công) 2 tiếng, nhưng pháo binh của ta cũng nhanh chóng phản kích lại. Hỏa lực địch dần được áp chế để bộ binh ta cảm tử xông lên đánh chiếm các điểm cao. Những cuộc đọ súng của giữa ta và địch diễn ra vô cùng khốc liệt, ở nhiều nơi hai bên chỉ cách nhau 6 đến 8m, nghe rõ cả tiếng gọi nhau, những tiếng kêu rên của người bị thương.
“Tuy bị thương vong rất nặng nề, nhưng chúng ta vẫn cương quyết bám trụ từng vách đá, gốc cây để chiến đấu trong khi quân Trung Quốc nằm trong hầm ngầm, có công sự và được pháo binh yểm trợ. Những mũi cảm tử của ta vẫn liên tục thọc sâu, dùng hỏa lực bộ binh B40, B41 tấn công dữ dội, khiến cho lính Trung Quốc cũng hết sức hoảng loạn”- ông Liêu hồi tưởng. Sau khoảng 4 giờ giao tranh, do đều chịu những tổn thất rất nặng nề, nên 2 bên cùng lệnh tạm ngừng bắn để thu dọn chiến trường.
Những người sống sót của Sư 356 thu dọn chiến trường trong máu và nước mắt trộn lẫn. 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhiều người trong số đó không đưa được thi thể về. Hơn 800 người bị thương tật vĩnh viễn. Có những tiểu đoàn gần như bị xóa sổ. Sư 356 đã phải rút lui về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị để giành lại những cao điểm bị quân địch chiếm đóng.
Để hiểu được sự bình yên
Mùa giỗ trận Vị Xuyên năm nay, cựu binh Nguyễn Xuân Dũng (SN 1964, hiện sống tại Xuân Đỉnh, Hà Nội) dẫn cậu con trai 13 tuổi đi tri ân trong mùa giỗ trận. Ở mặt trận Vị Xuyên, ông Dũng làm y tá của Sư 356.
“Độ 10 năm trước, khi tôi nói về những trận đánh có cả vài trăm người của một Sư hy sinh, nhiều người còn không tin. Nhưng bây giờ, không chỉ cả nước mà cả thế giới người ta cũng biết. Những năm gần đây, cứ vào dịp tháng 7, cả nước lại hướng về Vị Xuyên với một tình cảm đặc biệt. Chúng tôi – những người cựu binh Vị Xuyên – cũng thấy được an ủi phần nào, nhất là khi nhiều người đã hiểu rõ hơn về những gian khổ trong suốt 10 năm của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc” – ông Dũng tâm sự.
Các cựu binh Sư đoàn 356 bên ngôi mộ tập thể các liệt sĩ mới được quy tập đầu năm 2019. (Ảnh: Gia Tưởng)
Ông Dũng kể lại: “Ngay sau trận đánh ngày 12/7, nhìn đồng đội hy sinh xác chất cao trước cửa hang Làng Lò, nhưng lúc đó đơn vị tôi vẫn có 30 chiến sĩ xung phong vào đội quân cảm tử, quyết tâm cắm cờ ở những điểm cao đang bị quân Trung Quốc chiếm. Ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm nhất, dù biết có thể hy sinh bất cứ lúc nào”.
Nói về độ khốc liệt của mặt trận Vị Xuyên năm 1984, ông Dũng khẳng định rất ít thương binh. Đa số lính của ta cứ dính đạn là hy sinh vì hỏa lực của địch quá mạnh và quá nhiều. Đạn địch bắn như vãi trấu, thậm chí biến nhiều quả đồi có rừng cây to vài ngươi ôm thành những bình địa, những núi đá thành lò vôi… Chỉ cần nhìn vào mặt trận và số người thì hiểu ngay về sự ác liệt và khủng khiếp của cuộc chiến Vị Xuyên.
Dù công việc khá bận rộn, nhưng ông Minh (59 tuổi, nhà ở Phú Diễn, Hà Nội) – một cựu binh trong đội cảm tử của Sư 356 khi được chúng tôi gợi mở vẫn dành thời gian chia sẻ: Năm nào đúng dịp này chúng tôi cũng lên Hà Giang. Ngoài thắp hương cho các đồng đội, dù chưa phải đã khá giả, nhưng anh em chúng tôi vẫn bảo nhau gom góp cả tiền và vật chất để làm công tác từ thiện, hỗ trợ bà con những nơi đã giúp đỡ, che chở những người lính Sư 356 chúng tôi trong những năm tháng ác liệt nhất.
Năm nay ông Minh đã tổ chức đoàn gồm 48 người, đều là những đồng đội và người thân trong gia đình, đội mưa lên Vị Xuyên thắp hương tri ân các đồng đội liệt sĩ. Cũng như ông Dũng, năm nay ông Minh cho con gái đi lên Vị Xuyên.
“Tôi cho cả con gái đi để cháu hiểu thêm về cuộc chiến gian khổ của thế hệ cha chú, để các cháu hiểu được sự bình yên hôm nay đã phải đánh đổi cái giá đắt thế nào”-ông Minh tâm sự.
Ông cũng rất tỉ mẩn phần sắm lễ để vào tri ân các đồng đội trong nghĩa trang. Tự tay ông lựa những đóa hoa trắng, vì “đa số anh em đồng đội lúc hy sinh còn chưa có gia đình, nhiều người chưa được cầm bàn tay con gái”.
Những vòng hoa trắng muốt, nhìn vào đó như nhắc nhớ tới tuổi thanh xuân mà các đồng đội của ông Minh đã dâng hiến ở mảnh đất Vị Xuyên. Vẫn còn xót xa lắm, khi còn hàng nghìn đồng đội khác chưa được quy tập về nghĩa trang. Họ vẫn nằm đây đó nơi khe suối vách đá của chiến trường xưa.
(Còn nữa)
Theo Danviet
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên
Chiều 11-7, trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dâng hương, dâng vòng hoa kính viếng hương hồn các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.
Tham dự buổi lễ còn có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đông đảo đại diện các cơ quan đoàn thể tỉnh Hà Giang, các cựu chiến binh và nhân dân Hà Giang.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu dâng hương, hoa kính cẩn tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên.
Trước anh linh của 1.797 anh hùng liệt sĩ và mộ liệt sĩ tập thể tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu đã kính cẩn dâng vòng hoa đỏ, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với các liệt sĩ. Sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, vì độc lập tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tin, ảnh: VĂN YÊN - LINH OANH
Theo QĐND Online
Thanh Hóa: Tiếp tục lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Theo số liệu thống kê, tỉnh Thanh Hóa có gần 60.000 liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường, nhưng hiện nay mới có gần 10.000 liệt sĩ có đầy đủ thông tin và một phần thông tin được an nghỉ tại các Nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Lễ tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ tại NTLS Quốc tế...