Vi vu các resort đắt nhất Việt Nam, chàng trai Hà Nội ‘đã được miễn phí còn mang tiền về’
Với đặc thù công việc, anh Hoàng có cơ hội trải nghiệm hàng loạt resort đắt đỏ tại Việt Nam mà không mất bất cứ chi phí nào, thậm chí còn… “đem tiền về”.
Công việc cho phép ở resort… “miễn phí”
Anh Thái Quang Hoàng (sinh năm 1987) vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi 5 ngày 4 đêm tới Bali (Indonesia). Tại đây, ngoài thời gian làm việc, anh Hoàng có cơ hội trải nghiệm hai khu nghỉ nổi tiếng là The Apurva Kempinski Bali và Ayana Resort And Spa.
“Đây là hai khu resort cao cấp nổi tiếng tại hòn đảo du lịch Bali. Với đánh giá của tôi, các resort Việt Nam không thua kém gì hai địa điểm này về cảnh quan, thiết kế, dịch vụ”, anh Hoàng cho biết.
Anh Hoàng tại The Apurva Kempinski Bali
Khoảng 1,5 năm qua, anh Hoàng đã trực tiếp trải nghiệm 15 resort cao cấp khắp Việt Nam như P’apiu Hà Giang, Zannier Phú Yên, Lat Valley Đà Lạt, Intercontinental Đà Nẵng, Legacy Yên Tử, Amanoi Ninh Thuận, Ancient Hue Garden Houses… Điều đặc biệt, chàng trai này ở resort hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn “đem tiền về”.
“Tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp các gói cao cấp cho khách hàng. Hiện nay, nhiều gia đình, nhóm bạn có xu hướng vừa du lịch nghỉ dưỡng vừa kết hợp chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc kỉ niệm. Công việc này cho tôi cơ hội trải nghiệm những khách sạn, khu nghỉ nổi tiếng trên cả nước”, anh Hoàng tiết lộ.
Anh Hoàng thực hiện bộ ảnh cho khách hàng
Anh Hoàng làm nhiếp ảnh đã 12 năm. Trước đây, anh chủ yếu chụp ảnh cưới cao cấp tại Hà Nội. Dịch Covid-19 ập tới, các đám cưới, sự kiện trì hoãn, công việc của anh ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Hoàng bắt đầu tìm kiếm con đường mới, thay đổi định hướng công việc.
“Thời điểm dịch, thật may mắn khi nhiều khách hàng cũ của tôi ngỏ ý mời tham gia các chuyến chụp ảnh xa. Họ cùng bạn bè, gia đình đi nghỉ dưỡng tại những nơi đảm bảo giãn cách xã hội, sẵn sàng chi khoản phí lớn để thuê nhiếp ảnh gia”, anh Hoàng cho biết. Khách hàng thường đặt phòng riêng cho ekip của anh Hoàng hoặc nếu là khách hàng thân thiết, họ sẽ dành một phòng trong villa để anh nghỉ ngơi.
Theo anh Hoàng, khách hàng sẽ lo toàn bộ chi phí máy bay, ăn uống, khách sạn/resort cho anh và ekip (nếu có). “Chi phí công chụp của tôi trong những chuyến đi xa là 15 triệu đồng/ngày”, anh Hoàng tiết lộ.
Mỗi ngày, anh Hoàng và ekip sẽ làm việc vài tiếng, thường là thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn. “Khách hàng chủ yếu muốn dành thời gian nghỉ dưỡng, vui chơi nên thời gian chụp ảnh không quá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi phải đảm bảo làm việc tập trung, chuyên nghiệp để có bộ ảnh chất lượng nhất. Thời gian còn lại, tôi có thể nghỉ ngơi, trải nghiệm dịch vụ trong resort”, anh Hoàng cho hay.
Công việc đặc biệt cho anh Hoàng cơ hội trải nghiệm nhiều resort đắt giá tại Việt Nam
Trải nghiệm loạt khu nghỉ đắt nhất Việt Nam
Anh Hoàng đặc biệt yêu thích và ưng ý với một khu resort được xem là đắt nhất Việt Nam, nằm ở Ninh Thuận. Đây là khu resort với 36 biệt thự nhìn ra biển hoặc những ngọn đồi, ngoài ra là các nhà hàng và hồ bơi trên đỉnh vách đá, spa bên hồ, bãi biển cát trắng riêng. Có thời điểm, phòng sang trọng nhất tại đây lên tới 7.000 USD (khoảng 160 triệu đồng)/đêm, bao gồm quầy bar riêng, quản gia và đầu bếp phục vụ các món Á – Âu.
Khi tới khu resort này, ekip anh Hoàng và khách hàng được nhân viên đến tận sân bay đón, hỗ trợ lấy hành lý và mời lên xe riêng về resort cách sân bay khoảng 70km. Trên xe có phục vụ đồ uống, đồ ăn nhẹ. Trên đường di chuyển, du khách có thể ngắm núi non hùng vĩ, vùng biển xanh như ngọc tại vịnh Vĩnh Hy.
“Kiến trúc khu resort này vô cùng đẹp. Từ villa, hồ bơi, bối cảnh… đều được thiết kế tinh tế, hòa mình vào thiên nhiên. Bất cứ góc nào tại đây cũng có thể trở thành bối cảnh chụp ảnh ấn tượng”, anh Hoàng cho biết.
Ngoài kiến trúc và không gian thiên nhiên vô cùng ấn tượng, du khách được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như leo đỉnh Goga (đỉnh Núi Chúa) ngắm bình minh, chèo thuyền kayak, tập yoga, vẽ tranh, lặn biển, lướt ván, khám phá văn hóa người Chăm…
Video đang HOT
Khu nghỉ tại Ninh Thuận là resort 6 sao đầu tiên của Việt Nam
Một khu nghỉ dưỡng mới khai trương ở Phú Yên cũng là địa điểm được anh Hoàng yêu thích. Khu nghỉ nằm ở vị trí giữa sân bay Phù Cát và sân bay Tuy Hòa, cách khá xa khu dân cư nên yên tĩnh, hài hòa thiên nhiên.
Khu nghỉ có diện tích rộng tới 98ha, nằm trên một bán đảo ở Sông Cầu, gồm 71 biệt thự “ẩn mình” giữa rừng cây. Xung quanh là biển, rừng, làng chài và cánh đồng lúa, tạo khung cảnh nên thơ, lãng mạn dù vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn.
Khu nghỉ có diện tích rộng tới 98ha, nằm trên một bán đảo ở Sông Cầu
Anh Hoàng có ấn tượng tốt khi khu nghỉ này được xây dựng từ các vật liệu địa phương quen thuộc, thân thiện với môi trường như đá, gỗ, tre, mái lá. Bên trong các phòng được trang trí bởi nhiều món đồ cổ ấm cúng nhưng đẹp mắt như chậu, lọ hoa, tủ đựng đồ, bình nước…
“Hơi tiếc khi tôi tới Phú Yên đúng thời điểm nắng nóng đỉnh điểm nên nhiệt độ trong ngày lên tới 39 – 40 độ C. Tôi chỉ có thể tác nghiệp và ra ngoài tham quan vào sáng sớm hoặc chiều muộn”, anh Hoàng cho biết. “Nhân viên ở đây rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng phục vụ du khách, đưa chúng tôi đi săn cảnh đẹp, tập gym…”, anh cho biết thêm.
Không gian bình yên tại khu nghỉ đang hút khách tại Phú Yên
Khu nghỉ cao cấp – nơi được xem là “khu resort của giới thượng lưu”, tọa lạc tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng là điểm đến anh Thái Hoàng rất ấn tượng. “Khu nghỉ này do kiến trúc sư lừng danh Bill Benlsey thiết kế nên bất cứ góc nào cũng rất thu hút, từ khu villa, đường đi, khuôn viên cây xanh, bể bơi, phòng gym…”, anh Hoàng chia sẻ.
“Điểm trừ duy nhất ở đây là vì khu nghỉ này đã được xây dựng và hoạt động nhiều năm nên nội thất, thiết kế phòng có phần lạc hậu so với hiện tại. Một điều khá buồn cười là khi tôi tới nhận phòng, nhân viên cẩn thận dặn dò nên kéo kín cửa để khỉ không leo vào lấy đồ”, anh Hoàng nhớ lại.
Theo anh Hoàng, mỗi khu nghỉ tại Việt Nam đều có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giữ được nét hoang sơ, kì vĩ. “Chi phí các khu nghỉ lên tới vài chục triệu/đêm nhưng tôi nghĩ hoàn toàn xứng đáng vì dịch vụ chuyên nghiệp, nhân viên chăm sóc rất kĩ từng vị khách”, anh Hoàng chia sẻ.
Du Lịch Lãi: Chàng trai 'ngớ người' vì con vật tra Google không ra, đúc kết 5 chữ chất lừ!
Có những thứ mà lời nói không thể diễn tả hết, các bạn nhỉ! Mình chỉ xin kết lại câu chuyện của mình bằng 5 chữ thôi...
Mình tên là Đức (mọi người cũng có thể gọi mình là Harry Nguyen), năm nay 27 tuổi, từng sống ở Hà Nội . Bạn bè hay nói vui và gọi mình là "người trẻ bỏ phố đi hoang" vì có những năm mình chỉ ở nhà khoảng 150 ngày, hơn 200 ngày còn lại mình lang thang khắp mọi miền đất nước.
Cho tới hiện tại, mình đã có hàng trăm chuyến "lang thang" và đặt chân tới 57/63 tỉnh thành của Việt Nam. Khác với những chuyến du lịch nghỉ dưỡng hay check-in, mỗi chuyến đi của mình đều... vô định. Mình không đi theo hướng dẫn hay gợi ý tour của bất kỳ ai.
Thay vào đó, mình tự đến một vùng đất mới và "ném" mình vào cuộc sống của người dân nơi đó. Mình lựa chọn việc đi theo cảm xúc để có thể trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn những vẻ đẹp bình dị của người bản xứ, cùng đó là cảnh sắc và văn hóa ngàn đời của người dân nơi đây.
Kỷ niệm ở các vùng đất, vì thế, thì có nhiều lắm. Ở đây, mình chỉ xin kể lại cùng bạn rằng, một trong số những miền đất mình ấn tượng nhất và gặp những tình huống "éo le" nhất phải kể đến hành trình khám phá Cao Bằng.
Con vật mà tra Google cũng không ra!
Cho tới hiện tại, mình đã đến và quay lại Cao Bằng 6 lần! Mỗi chuyến đi đều cho mình những trải nghiệm rất đặc biệt.
Mình vẫn nhớ lần đầu mình được nhìn thấy một con vật mà người dân gọi là con Lồ, và nó có thể cày ruộng. Ngay khi nghe người dân gọi tên con vật như vậy, mình cảm thấy vô cùng bất ngờ, vì chưa bao giờ mình nghe tên con vật này, thậm chí mình lên Google tra cứu đủ kiểu, cũng không thấy thông tin.
Con Lồ thực chất là tiếng địa phương mà người dân gọi con của con Ngựa và con Lừa. Nguồn ảnh: Vi Ngọc Hà.
Chính vì vậy, mình đã phải xuống tận nơi, xem tận mắt, và cuối cùng cũng... ngã ngửa (cười - pv). Thì ra, Lồ thực chất là tiếng địa phương của người dân, chỉ con của con Ngựa và cả con Lừa! Ở một số nơi khác cũng tại Cao Bằng, người ta lại không gọi là con Lồ, mà gọi là con La!
Tại Cao Bằng, Lồ là con vật duy nhất được người dân nơi đây sử dụng để cày những thửa ruộng sâu mà trâu bò không cày nổi và cũng là con vật chuyên vận chuyển thóc lúa, rơm rạ cùng nhiều vật dụng khác qua những địa hình khó khăn như sườn núi, sông suối...
Một lần khác, mình có trải nghiệm vô cùng đáng nhớ là đi vào Núi Thủng.
Núi Thủng thì giờ có lẽ khá nổi tiếng khi nhắc tới Cao Bằng, có lẽ chỉ sau những Thác Bản Giốc, Hang Pác Bó... Nhưng bạn chớ vội... nghĩ là mình đã biết về Núi Thủng nhé.
Thực ra, ở Cao Bằng có tận 4 Núi Thủng, nhưng với mình, Núi Thủng ở chân đèo Mã Phục hay có tên gọi là Núi Mắt Thần là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng khó quên nhất.
Núi Thủng có độ cao khoảng 100m, được ví như một khối hình tháp xanh vĩ đại nằm đơn lẻ giữa lòng thung lũng. Ảnh: Bùi Hoài.
Lần đó, lúc vào mình đi bằng xe mô-tô, tâm hồn phơi phới và thấy khung cảnh thật hùng tráng. Nhưng nhiều khi thực tế không như là thơ, mình đã bị kẹt trong đó dù đã có khá nhiều kỹ năng đi phượt một mình! Đến lúc muốn trở ra, mình đã phải nhờ người dân gọi... bè vào chở cả người lẫn xe về.
Nguyên nhân là vì nước lũ lên nhanh, không còn thấy đường cũ đâu nữa. Cảm giác khi đó thực sự khá bất ngờ và có chút hoang mang vì xung quanh toàn là nước, con đường từng đi giờ không thấy đâu, không biết đâu mà về. Giờ nghĩ lại vẫn khó quên, có lẽ không phải ai cũng có trải nghiệm "lúc đi phóng xe hết mình, lúc về phải gọi bè vào chở hết hồn" như thế đâu nhỉ!
Mặc dù có chút bất ngờ nhưng đây cũng là một trải nghiệm thú vị. Ảnh: NVCC
Sau sự cố đó, mình học thêm được nhiều điều về việc rằng phải chú ý đến địa hình cùng thời tiết của nơi mình định đến. Ngoài ra phải trang bị thêm nhiều kiến thức để dự trù và đảm bảo an toàn cho bản thân trong những chuyến đi tiếp theo.
LÃI gì sau những chuyến đi Cao Bằng?
Khi được (phóng viên) đề nghị chia sẻ câu chuyện của bản thân với chủ đề Du Lịch Lãi, mình thấy khá là hứng thú. Quả thực, ai trong chúng ta cũng đều nhận được rất nhiều từ mỗi chuyến đi, mình tin là vậy.
Với mình, chỉ riêng những lần đi Cao Bằng thôi, thứ mình LÃI nhất chính là việc mình thấy bản thân được trải nghiệm vẻ đẹp của Cao Bằng bằng tất cả các giác quan. Mình luôn cảm thấy như được sống trọn vẹn với tất cả giác quan của mình, nhìn - nghe - ngửi - nếm - chạm trên khắp các hành trình.
Chẳng hạn, về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ nhưng không kém phần dịu dàng của mảnh đất Cao Bằng. Mình đã được trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp của hồ Bản Viết. Mặt hồ xanh biếc và tĩnh lặng gần như tuyệt đối, rừng cây phong hương, hay còn được người dân tộc Tày gọi là cây sau sau, vào mùa thay lá. Những hàng cây mọc xung quanh hồ, khoác lên mình những chiếc áo rực rỡ, và chuyển đỏ rực một góc trời.
Vẻ đẹp tĩnh lặng của Hồ Bản Viết khiến bất cứ ai tới nơi đây đều cảm thấy rất yên bình. Ảnh: NVCC
Mình khua mái chèo Sup trên hồ, ra đến giữa hồ thì lặng lẽ thả trôi. Xung quanh, sự yên tĩnh mà thiên niên, rừng lá phong hương đỏ rực như bên trời Âu, mình tin bất kỳ ai vào lúc đấy đều xao xuyến và không bao giờ quên được...
Ở Cao Bằng, mình từng trải nghiệm làm hương thủ công với người dân Nùng An tại làng hương Phia Thắp. Cảnh đã đẹp, con người lại càng đáng mến. Hương Phia Thắp được làm từ lá cây bầu hắt mọc tự nhiên trong rừng được người dân nơi đây hái đem về phơi thật khô, tiếp đó lá cây được tán nhỏ và dùng chất kết dính tự nhiên để gắn với những chân hương được làm từ tre hoặc cây mai.
Để tạo màu và mùi hương riêng biệt, người dân còn sử dụng thêm hỗn hợp bột từ gỗ trầm và gỗ thông. Với những nguyên liệu từ thiên nhiên, hương Phia Thắp có mùi hương rất lạ, có chút nồng nhưng rất thơm.
Hương Phia Thắp có mùi hương rất lạ, có chút nồng nhưng rất thơm. Ảnh: NVCC
Mùi hương tại Phia Thắp cùng mùi lúa trên những thửa ruộng tại Cao Bằng vào mùa lúa chín là 2 mùi hương mình thích nhất tại Cao Bằng.
Hoàng Hôn ở Ngọc Côn, Cao Bằng. Ảnh: Dương Minh Tuệ & Nguyễn Sỹ Đức.
Sông Quây Sơn cùng những ruộng lúa xanh ngát. Ảnh: Dương Minh Tuệ & Nguyễn Sỹ Đức.
Cao Bằng còn khiến mình say mê bởi ẩm thực độc đáo, cùng văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày với những khúc hát then hay còn được gọi người miền xuôi biết đến là khúc hát giao duyên. Những buổi chợ phiên của người Lô Lô Đen ở Bảo Lạc cũng khiến mình cảm thấy mê say. Một tháng, người dân sẽ họp chợ 3 lần vào ngày mùng 5, 15 và 25. Tại đây mọi người sẽ bán và trao đổi tất cả mọi thứ mà họ có v.v.
Sau 6 lần tới Cao Bằng trải nghiệm, mình vẫn cho rằng mình chưa thực sự khám phá được hết vẻ đẹp của nơi đây. Chính vì vậy, mình vẫn sẽ tiếp tục tới Cao Bằng vào mùa nước đổ và nhiều lần sau nữa!
Thực ra, có những thứ mà lời nói không thể diễn tả hết, các bạn nhỉ! Mình chỉ xin kết lại câu chuyện của mình bằng 5 chữ thôi, rằng:
VIỆT NAM MÌNH ĐẸP LẮM!!!
Bạn hãy tự mình đi và cảm nhận những vẻ đẹp đó. Và nếu có thể, đừng đi theo trải nghiệm của người khác, hãy đi theo tiếng gọi của con tim, của cảm xúc, mình muốn đi đâu thì mình sẽ tới đó, đừng ngần ngại, đừng lo lắng.
Vẻ đẹp hữu tình ở Phong Nậm. Ảnh: Dương Minh Tuệ & Nguyễn Sỹ Đức.
Vì mình dám đi thì mình ắt sẽ đến.
Còn vô vàn điều thú vị đang chờ đón chúng ta ở phía trước!
"Xê dịch" là lựa chọn cuộc sống của Đức, nhưng anh tiết lộ rằng: Đi không chỉ để trải nghiệm, mà còn để làm những điều ý nghĩa hơn cho du lịch Việt Nam...
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.
Hà Nội, mình đi đâu đây? Từ Nam ra Bắc, có rất nhiều nơi bạn đã từng đi qua, từng được khám phá. Nhưng khi đến với tour du lịch Hà Nội, nơi đây lại mang cho mọi người một cảm giác khó quên, lưu luyến. Hà Nội bình yên, Hà Nội đằm thắm là thế nhưng đâu biết được rằng để có được như ngày hôm nay, đã...