Vị tướng thứ 15 bỏ rơi Tổng thống Assad
Một vị tướng, hai đại tá và hàng chục binh lính Syria hôm qua (4/7) đã đào ngũ khỏi quân đội và chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vị tướng cấp cao thứ 15 của Syria quay lưng lại với Nhà lãnh đạo đang gặp khó khăn của mình, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Có tổng số 66 người đã chạy từ Syria vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm qua. Trong số này có một vị tướng, hai đại tá cùng với hàng chục binh lính và người nhà của họ, nhà ngoại giao giấu tên trên cho tờ AFP biết.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ đào ngũ xảy ra trong quân đội Syria gần đây. Mới đây nhất, cách đây 2 ngày, 85 tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Syria cũng đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trong đoàn người tị nạn gồm gần 300 người. Trước đó nữa, hôm 24/6, một vị tướng, hai đại tá, hai thiếu tá, một trung úy và 33 binh sĩ Syria cũng đã rời bỏ chính quyền của Tổng thống Assad để chạy sang nước láng giềng.
Đáng chú ý là vụ đào ngũ hôm 21/6 khi một đại tá không quân của Syria lái chiếc chiến đấu cơ MiG đào tẩu sang Jordan và xin được tị nạn chính trị ở nước này. Đại tá Hassan Hamada là viên phi công đầu tiên mang theo cả máy bay chiến đấu đào tẩu ra khỏi đất nước Syria kể từ khi cuộc nổi dậy ở nước này nổ ra hồi đầu năm ngoái.
Hàng loạt vụ đào ngũ liên tiếp của các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Syria gần đây là một cú giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Assad trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở nước này đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện giờ đang là nhà của hàng chục tướng lĩnh và hàng ngàn binh lính, dân thường Syria. Tính đến thời điểm này, đã có 15 tướng lĩnh chạy khỏi Syria, đến xin tị nạn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 35.000 người Syria đang sống tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra hồi tháng 3 năm ngoái.
Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi chính quyền của Tổng thống Assad từ chức. Điều đó đã khiến Damascus thực sự bất mãn với Ankara. Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu leo thang nghiêm trọng hơn kể từ khi Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Hiện tại, khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đang nóng bỏng bởi các hoạt động quân sự dọa dẫm, răn đe lẫn nhau.
Theo VNMedia
Mâu thuẫn nội bộ, phe nổi dậy khó lật đổ Tổng thống Assad
Tại cuộc họp ở Cairo ngày hôm qua (4/7), các phe nhóm đối lập ở Syria đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn nội bộ sâu sắc khiến họ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thành lập một ban lãnh đạo chung. Không có một bộ máy lãnh đạo hiệu quả, phe nổi dậy sẽ khó lòng lật đổ được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc họp giữa các phe nhóm đối lập Syria ở Cairo
Khoảng 250 đại diện của các phe nhóm đối lập ở Syria đã có cuộc họp kéo dài 3 ngày ở thủ đô Cairo, Ai Cập nhằm tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở nước này. Đây là cuộc họp do Liên đoàn Ả-rập chủ trì. Cuộc họp đã kết thúc ngày hôm qua với hai thỏa thuận đạt được. Một thỏa thuận vạch ra định hướng chung nhằm đưa Syria vượt qua giai đoạn chuyển tiếp. Thỏa thuận thứ hai đưa ra những nguyên tắc chung cho thời hậu Assad. Tuy nhiên, cả hai thỏa thuận này đều hết sức mập mờ.
Điều duy nhất mà đại diện của các phe nhóm đối lập ở Syria đạt được sự nhất trí cao tại hội nghị ở Cairo là việc loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad. "Ông ấy là kẻ thù của nhân dân chúng tôi. Ông ấy nên từ chức trước khi bất kỳ bước đi nào trong giai đoạn chuyển tiếp của đất nước Syria tự do được tiến hành", ông Habib Haddad, một cựu Bộ trưởng Thông tin của Syria, cho biết.
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn bất đồng sâu sắc với nhau về việc chính quyền ông Assad sẽ bị lật đổ như thế nào. Ngoài ra, nội bộ phe nổi dậy Syria cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thành lập một cơ quan thống nhất đại diện cho lực lượng này.
Các phe nhóm đối lập còn tranh cãi nhau gay gắt về một loạt vấn đề chính khác, trong đó có việc liệu có nên kêu gọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào tình hình Syria và liệu tôn giáo sẽ có vai trò gì trong đất nước Syria thời hậu Assad.
Một nhà hoạt động nổi tiếng của Syria có tên là Walid al-Bunni thừa nhận, "rất tiếc là chúng tôi có quá nhiều bất đồng đến nỗi một số nhóm đã rút lui khỏi cuộc họp". Trước khi rút khỏi hội nghị, ông Sheik Morshid el-Huznawi, một trong những đại diện của nhóm người Kurd, đã tuyên bố, hội nghị ở Cairo là "một sự thất bại".
Thậm chí, ngay cả những thành viên trong cùng một nhóm đối lập cũng bất đồng về những vấn đề chính. Ông Abdel-Aziz al-Khayyar - một cựu tù nhân thuộc nhóm đối lập có tên Cơ quan Phối hợp Quốc gia Syria (NCB), đã bác bỏ ý kiến về việc kêu gọi sự can thiệp quân sự từ nước ngoài vào Syria. Trong khi đó, một thành viên khác của NCB - ông Abdel-Basit Hamo lại bày tỏ quan điểm hoan nghênh sự giúp đỡ từ nước ngoài. "Khi bạn đang chết đuối, một người nào đó giơ tay ra, lúc đó bạn có cần phải hỏi trước đó là tay ai không?", ông Hamo đã nói như vậy.
Mâu thuẫn còn nổi lên giữa nhóm bên trong và bên ngoài Syria. Hầu hết các phe nhóm đối lập ở Syria hiện giờ do những người lưu vong sống bên ngoài đất nước lãnh đạo. Lực lượng này không giành được nhiều niềm tin của các nhà hoạt động bên trong Syria. "Chúng tôi chỉ công nhận những ai đang làm việc bên trong đất nước Syria hoặc những người ở bên ngoài nhưng có đóng góp, giúp đỡ cụ thể chứ không phải chỉ trên lời nói", ông Jamal Akta, một chỉ huy của quân nổi dậy ở thành phố phía bắc Ariha, cho biết.
Thiếu đoàn kết, phe nổi dậy thiếu sức mạnh để lật đổ ông Assad
Rõ ràng, nội bộ phe nổi dậy Syria đang còn tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Điều đó sẽ khiến họ không thể tạo thành một khối thống nhất đủ sức mạnh để lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
Bản thân các phe nhóm đối lập tham gia hội nghị ở Cairo cũng thừa nhận, họ đã không thể giải quyết những bất đồng sâu sắc trong nội bộ và điều đó ngăn cản họ lập một mặt trận thống nhất trước cộng đồng quốc tế.
"Đây là một thực tế nguy hiểm. Nếu cũng ta không thể đoàn kết được với nhau thì đó sẽ là món quà lớn nhất của chúng ta giành cho chính quyền", ông al-Khayyar, cho biết. Hơn nữa, mâu thuẫn nội bộ cũng cản trở phe nổi dậy trong việc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Có câu, đoàn kết là sức mạnh. Thiếu đoàn kết, rõ ràng phe nổi dậy trở thành một lực lượng yếu. Không chỉ yếu về tinh thần, phe nổi dậy còn thua xa quân đội Syria về tính chuyên nghiệp, vũ khí và vấn đề tổ chức lực lượng. Nhìn vào thực tế này, phe nổi dậy khó lòng có thể địch nổi lực lượng hùng hậu và chuyên nghiệp của quân đội Syria.
Trong khi phe nổi dậy bộc lộ mâu thuẫn nội bộ thì các cường quốc cũng tỏ ra bất lực trong việc tìm được một tiếng nói chung về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria. Như vậy, tình hình đất nước Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc. Cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông được cho là sẽ còn kéo dài và leo thang ngày một nghiêm trọng hơn.
Theo VNMedia
Nga: Phương Tây bóp méo thỏa thuận về Syria Nga hôm qua (3/7) đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách bóp méo một thỏa thuận về sự chuyển tiếp chính trị ở Syria mà các cường quốc vừa nhất trí thông qua tại một hội nghị ở Geneva hồi cuối tuần qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ca ngợi thỏa thuận Geneva đạt được dựa trên những đề xuất của...