Vị trí triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga ở Belarus có thể gây leo thang căng thẳng
Ngày 2/4, Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai gần biên giới phía tây của Belarus, trước cửa ngõ NATO.
Thành viên của Lực lượng Biên phòng Ukraine canh gác tại trạm kiểm soát Senkivka gần biên giới với Belarus và Nga ở vùng Chernihiv, Ukraine ngày 16/2/2022. Ảnh: Reuters
Theo ông Grizlov, việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến biên giới phía tây Belarus là một phần của các động thái nhằm “đảm bảo an ninh”.
“Vũ khí hạt nhân của Nga sẽ được triển khai tới biên giới phía tây của quốc gia đồng minh của chúng tôi và sẽ tăng cường năng lực an ninh của chúng tôi. Kế hoạch này sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối của châu Âu và Mỹ”, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời Đại sứ Nga tại Belarus Grizlov nói với kênh truyền hình của Belarus hôm 2/4.
Ông Grizlov cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Putin rằng cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân sẽ hoàn thành trước ngày 1/7, nhưng không tiết lộ chính xác địa điểm lưu trữ loại vũ khí này.
Đại sứ Nga cho hay điều quan trọng là cần đảm bảo sự công bằng về việc triển khai vũ khí hạt nhân toàn cầu.
“Nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân của họ ở các nước châu Âu như Italy, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi cũng phải thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường an ninh cho quốc gia đồng minh của chúng tôi”, ông Grizlov nói.
Video đang HOT
Ông Grizlov cũng nhấn mạnh Nga và Belarus là các quốc gia đồng minh, khác với lãnh thổ của các quốc gia mà Mỹ đang triển khai vũ khí hạt nhân.
Bình luận của đại sứ Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Putin cho biết Nga đã đạt thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Tổng thống Putin khẳng định động thái này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh châu Âu. Ông nói: “Không có gì bất thường ở đây cả. Thứ nhất, Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh. Chúng tôi đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự”.
Giới chuyên gia nhận định động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới phía tây của Belarus, cửa ngõ của NATO, có khả năng sẽ khiến căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang hơn nữa.
Theo hãng tin AP, Belarus có chung đường biên giới dài 1.250 km với các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – Latvia, Litva và Ba Lan.
Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng để tiêu diệt quân địch và vũ khí ngay trên chiến trường. Chúng có tầm bắn tương đối ngắn và năng suất thấp hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa chiến lược tầm xa vốn có khả năng hủy diệt toàn bộ thành phố.
Giới chức phương Tây lo ngại việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tới biên giới Belarus sẽ đưa lực lượng lượng nước này đến gần hơn với các mục tiêu tiềm năng ở Ukraine và các thành viên NATO ở Đông và Trung Âu.
Về phần mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/3 cáo buộc các quốc gia phương Tây “có âm mưu xâm chiếm và phá hủy” Belarus. Do đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ giúp nước này bảo đảm an toàn trước nguy cơ này.
Bộ Ngoại giao Belarus cũng cáo buộc các biện pháp cưỡng ép đơn phương về chính trị và kinh tế đang được thực hiện cùng với việc xây dựng tiềm lực quân sự ngày càng tăng của các nước láng giềng NATO ở gần biên giới của Belarus. Trước những tình huống này, cũng như tất cả các lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia, Belarus buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để tăng cường an ninh và quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định việc cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus không trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Lầu Năm Góc: Mỹ không nhận thấy dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân
Lầu Năm Góc cho biết chính quyền Mỹ không nhận được bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phòng họp tại Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo hãng thông tấn TASS, cơ quan báo chí của Lầu Năm Góc đã đưa ra tuyên bố trên ngày 25/3, bình luận về việc Moskva quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của Minsk.
"Chúng tôi đã xem xét các báo cáo về tuyên bố của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này. Hiện tại, chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể liên minh NATO", tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ cũng đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố tương tự, bình luận về một số quyết định của chính quyền Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Trước đó, cùng ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết theo yêu cầu của phía Belarus, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, như Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ của các nước đồng minh. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng không có gì bất thường về điều này.
"Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO ở châu Âu từ lâu. Và chúng tôi đã đồng ý với Belarus rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Tôi nhấn mạnh động thái này không vi phạm các nghĩa vụ của chúng tôi, không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về thoả thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân", hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Putin cho biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nói rằng Moskva không có kế hoạch trao quyền kiểm soát bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cho Minsk, mà sẽ chỉ triển khai vũ khí của mình tới lãnh thổ nước này. Ông cũng không tiết lộ thời điểm chính xác chuyển loại vũ khí này đến kho mới, song cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể đến Belarus sớm nhất là vào mùa hè này.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ông cũng cho hay Moskva đã chuyển giao cho Belarus một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin giải thích động thái trên đưa ra sau khi London quyết định cung cấp cho Kiev các loại vũ khí uranium nghèo. Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch gửi những quả đạn này tới Ukraine để sử dụng cho xe tăng chiến đấu Challenger 2 vào đầu tháng 3. Moskva chỉ trích động thái này là dấu hiệu của "sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm" từ phía London và Washington.
Về phần mình, Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của Nga khi gọi đạn uranium nghèo là "loại đạn thông thường đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ". Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo việc sử dụng loại vũ khí này có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, viện dẫn hậu quả của việc NATO sử dụng những loại vũ khí này ở Iraq.
Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã đạt thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc gặp tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, Nga ngày 17/2. Ảnh:...