Vị thế của Đảng chỉ có được khi ở trong trái tim của nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện như là một sự tất yếu, là lẽ đương nhiên của cuộc sống, là kết quả của những nỗi đau đời triền miên nhiều năm tháng của những kiếp người.
Tháng12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp tại Tours, với tư cách là đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định sự lựa chọn chính trị của mình và dân tộc đi theo con đường của Lê-nin (Ảnh tư liệu: TTXVN)
“Cơn đau vĩ đại” của dân tộc đã sinh thành ra một Đảng vĩ đại
Nỗi đau dân nước “ngót một thế kỷ lầm than, nô lệ,” Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, tình hình đen tối như không có đường ra. Biết bao là hy sinh, biết bao là vật vã, cả dân tộc trăn trở kiên trì, thử nghiệm; thất bại nối tiếp thất bại, đau thương kế tiếp đau thương, nhưng lòng dũng cảm được nhân lên và “trí khôn” của dân tộc đã lên tiếng trả lời.
Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện như là một sự tất yếu, là lẽ đương nhiên của cuộc sống, là kết quả của những nỗi đau đời triền miên nhiều năm tháng của những kiếp người.
Chính “cơn đau vĩ đại” của lịch sử dân tộc đã làm cho nhân dân, dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là những người cộng sản, biết vượt qua, biết sinh thành và tái tạo để trở thành vĩ đại. Một nhà văn lớn viết rằng: không có gì làm cho ta vĩ đại hơn là cơn đau vĩ đại.
“Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như Mặt Trời mới mọc, xé tan màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong” (Hồ Chí Minh).
Ngọn cờ vẫy gọi – một đường lối đúng dẫn dắt, chỉ đường cho nhân dân ta tiến bước theo Đảng, đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Đó chính là chủ nghĩa khoa học của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của dân tộc Việt Nam ta.
Để có một đường lối đúng là cả một sự nỗ lực, tìm học và nghĩ suy, chọn lọc và quyết định. Làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ di sản văn hóa tinh thần của dân tộc; bằng sự hấp thụ tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hấp thụ và tiêu hoá, tất cả như phương tiện, là điều kiện để ta đích thực là ta, ta vì ta, vì mục đích Độc lập-Tự do-Hạnh phúc của nhân dân. Đó chính là chủ nghĩa khoa học của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của dân tộc Việt Nam ta.
1930 – mốc lịch sử trọng đại: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đất nước sau những cơn đau kéo dài, vật vã bắt đầu bước vào một thời kỳ mới: Một con đường đúng đã tìm ra.
Ngày 22/12/1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
1945 – 1954 – 1975 – 1986… Những cái mốc của một con đường, tuy rực rỡ chiến công, nhưng không ít mất mát và sai lầm.
Đảng Cộng sản Việt Nam từng mắc những sai lầm, khuyết điểm trên con đường chưa được khai thông, đầy chông gai trở lực để tiến tới mục tiêu. Nhưng mắc sai lầm mà biết nhận ra và cố gắng sửa, vấp ngã lại đứng lên; không giấu giếm lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa; vì dân mà nghĩ suy, hành động.
Từ năm 1945 tới nay đã 60 năm cầm quyền, nhiều khi đúng, có lúc sai, nhưng xuyên suốt vẫn một Đảng được nhân dân tin cậy, trao phó cho trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng. Để có được sự tin cậy ấy, trước hết là Đảng phải biết tìm ra con đường cần phải đi và cách thức để không bao giờ lạc hướng, sai đường.
Ngày nay, nhìn rộng ra thế giới, suy ngẫm kỹ về đất nước mình, chúng ta càng thấm thía rằng, nhờ có Hồ Chí Minh mà Đảng ta có một quy trình để tìm ra và thực hành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Và chính vì biết thực hành chân lý ấy một cách xuất sắc, Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng duy nhất cầm quyền – đã từng đạt tới một vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực ở Việt Nam.
Vị thế ấy chẳng phải do sức mạnh bạo lực nào áp đặt mà do sự suy tôn của dân tộc, là sức mạnh của niềm tin trong hàng chục triệu trái tim đồng bào: ĐẢNG CỦA TÔI! ĐẢNG TA! ĐẢNG CỦA CHÚNG TA, được nhân dân gọi tên trìu mến, thiết tha: Đảng của tôi ơi, mãi mãi tin yêu, đi theo người!
Video đang HOT
Vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền chỉ có được khi Đảng ở trong trái tim của nhân dân – uy tín chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: Muốn lãnh đạo được người khác thì “trước hết mình phải làm mực thước cho người ta noi theo,” “đảng viên đi trước làng nước theo sau,” “đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của nhân dân.” Muốn cầm quyền thì phải trở thành “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Đó chính là một hằng số, là nội hàm chính xác nhất của khái niệm uy tín chính trị.
Trước hết, uy tín chính trị của một đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng được quyết định bởi trình độ lý luận của Đảng. V.I. Lenin khẳng định rằng chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới làm tròn được nhiệm vụ của một đảng tiên phong.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc chỉ dẫn đó và nói một cách dung dị, nhưng chính xác, bao quát được tính quyết định của lý luận tiên phong đối với toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng. Người coi lý luận như là “trí khôn” của Đảng. Trí khôn ấy đạt tới đâu thì toàn bộ hành động của Đảng sẽ thành đạt tới đó, và do vậy uy tín của Đảng được xác lập và được nhân dân thẩm định.
“Trí khôn” – trình độ lý luận của Đảng – không thể có một cách dễ dàng và chẳng bao giờ có sẵn. Tư duy lý luận cũng không thể hình thành ngay trong một lần, không thể cảm tính, ngẫu hứng trong một khoảnh khắc mà ngược lại nó được xác lập một cách lâu dài, được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn, được bổ sung và sáng tạo không ngừng.
Trong những bước ngoặt của lịch sử, đòi hỏi “trí khôn” phải lên tiếng trả lời, phải quyết định. Đó là khi ấy vai trò của lý luận cách mạng của Đảng đi tiên phong, mang tính quyết định. Nói tóm lại, sự đúng đắn của những quyết định lịch sử đều phụ thuộc vào lý luận của Đảng. Và qua đó, uy tín chính trị của Đảng được xác lập.
Đảng Cộng sản Việt Nam từng làm được như thế và nhờ đó, dân tộc mới thừa nhận: “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng.” Nhưng từ sau khi thống nhất nước nhà tới nay, có không ít vấn đề khó nhất của nội trị và ngoại giao đòi hỏi sự sáng tạo của lý luận trả lời thì dường như trong cuộc sống vẫn còn đó những sự chưa ngang tầm, với những câu trả lời chưa thật thỏa đáng.
Sự sáng tạo lý luận, để có lý luận tiên phong làm tròn nhiệm vụ của Đảng tiên phong thì thế hệ chúng ta vẫn chưa ngang tầm.
Thứ hai, uy tín chính trị của Đảng được quyết định từ chính bản thân tổ chức của Đảng. Đảng không thể đòi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải chứng tỏ là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân làm tốt mọi nhiệm vụ, công việc, thì bản thân mình phải làm mực thước để cho nhân dân học và làm theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI – Đại hội “Đổi mới” của Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-18/12/1986) với chủ đề “Hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để.” (Ảnh: TTXVN)
Giữ gìn và nâng cao tư cách, bản lĩnh chính trị của một đảng chân chính cách mạng luôn là vấn đề sống còn của sinh mệnh Đảng. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.
Bởi vậy đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu lý tưởng của những người cộng sản. Đảng lãnh đạo xã hội, phải đủ uy tín và năng lực làm tròn nhiệm vụ đó.
Trong Đảng vẫn có một bộ phận không nhỏ đảng viên không xứng đáng, “cũng còn những người hủ hoá.” Do vậy, Đảng luôn luôn phải tự chỉnh đốn bản thân “có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó.” Tổ chức đảng phải biết làm cho mình trong sạch, vững mạnh.
Điều quan trọng nhất là danh hiệu người đảng viên, cán bộ phải được bảo vệ và chứng minh trên thực tế, bằng những hành động thực tế, chứ không phải qua lời nói. Quần chúng quan niệm về Đảng, thường là qua những đảng viên cụ thể ở nơi làm việc và khu dân cư. Không có Đảng trừu tượng, vô hình, nằm ngoài con mắt của quần chúng.
Do vậy mà năng lực trí tuệ, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, sống trung thực với mình, với đồng chí, đồng bào, có tác phong sâu sát quần chúng, vì nhân dân mà phấn đấu, hy sinh… là điều kiện cơ bản, quyết định uy tín chính trị của Đảng.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng phải tự chứng tỏ mình để nhân dân thấy và tin rằng Đảng là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh; nhân dân thấy có Đảng là có lẽ công bằng, đến với Đảng là đến với chân lý và lòng nhân ái; nhìn vào những người cộng sản người ta thấy hiện diện của những nhân cách đáng noi theo, đáng hướng vào họ như là sự hướng thiện để hoàn lương, để nỗ lực hơn trong công việc, tin yêu vào con người, vào cuộc đời.
Thay cho lời kết
Trải qua 85 năm cùng nhân dân đấu tranh để giành độc lập, tự do, nhiều cán bộ, đảng viên cộng sản đã thể hiện rõ nhân cách của mình, xứng đáng làm gương cho quần chúng noi theo.
Đường Trường Sơn, con đường nối liền Bắc-Nam, là biểu tượng oai hùng của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Đảng ta đã và đang được nhân dân, dân tộc tin cậy. Nhưng “kẻ thù bên trong” đang tấn công Đảng, làm tha hóa con người đảng viên, đục ruỗng cơ thể Đảng. Kẻ thù đó là chủ nghĩa cá nhân, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa…
Những căn bệnh ấy đã làm cho nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng. Cuộc sống đời thường với bao bộn bề gian khó và phức tạp. Cái xấu, cái ác cứ lẩn khuất quanh ta, níu kéo ta từng khắc, từng giờ.
Với tư cách là đảng viên của một Đảng đã cùng nhân dân làm nên lịch sử, đã từng là đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn dũa ý chí, phẩm chất chính trị, đạo đức, trau dồi kiến thức, biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi.
Đó là thái độ của người cách mạng. Đó chính là cái cẩm nang thần kỳ để Đảng ta mãi mãi được nhân dân tin yêu, kính trọng.
Theo Trần Đình
Tạp chí Cộng sản
Theo Dantri
"Lựa chọn cán bộ sai sẽ rất nguy hiểm"
"Công việc lựa chọn cán bộ mà sai sẽ rất nguy hiểm! Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phải có đạo đức. Có trách nhiệm đối với nước với dân, hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc" - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã chỉ ra một số yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó có nêu vấn đề: Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Liên quan đến nội dung trên, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Tôi tin tưởng lứa cán bộ đang học lớp dự nguồn lần này sẽ đáp ứng tốt cho Đại hội Đảng XII tới đây".
Nhiệm vụ cấp bách thứ 2 trong Nghị quyết TƯ 4 đã nêu, đó là công tác quy hoạch cán bộ. Theo PGS nhìn nhận, công việc này đang được Đảng ta tiến hành như thế nào trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Đại hội Đảng XII đang đến gần?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chúng ta đang làm rất mạnh, rất tốt. Tôi là người nghiên cứu lịch sử Đảng đã nhiều năm, đồng thời là người đang trực tiếp tham gia giảng dạy lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng. Tôi thấy chưa chặng nào chúng ta làm tốt, bài bản và rất có hệ thống như hiện nay.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII, chúng ta đã mở 5 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng, mỗi lớp có khoảng 100 đồng chí. Sắp kết thúc lớp thứ 5 và mở lớp thứ 6 là xong. Công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ cấp bách thứ 2 mà Nghị quyết TƯ 4 đã nêu, do đó công việc này chúng ta đã chuẩn bị từ 2 năm nay rồi, bây giờ mới làm thì sao mà kịp được.
Ở các cấp tỉnh, thành phố họ cũng đang mở các lớp dự nguồn và đang được làm rất khẩn trương.
Việc lựa chọn cán bộ được thực hiện qua các bước như nào? Làm thế nào để công việc này được diễn ra công tâm, khách quan, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền thưa ông?
Lựa chọn cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng. Tại hội thảo "Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay" diễn ra ở Quảng Ninh hôm 28/1 vừa qua, có có đồng chí đã nói: "Trong Đảng cũng còn có những kêu ca, dân chưa đồng tình. Có những nơi đánh giá cán bộ chưa đúng, chưa trúng, cán bộ ngồi nhầm chỗ làm nản lòng người dân". Tôi rất đồng tình với ý kiến này, công việc lựa chọn cán bộ mà sai là sẽ rất nguy hiểm.
Bởi vậy, việc lựa chọn cán bộ phải thực hiện qua các khâu: Đầu tiên là khâu đánh giá, khâu này rất quan trọng, bởi nếu đánh giá mà sai là hỏng ngay từ đầu. Sau khi đánh giá xong mới đưa người đó vào quy hoạch. Tiếp theo mới đưa vào bồi dưỡng, rồi mới sắp xếp vào các vị trí. Sắp xếp xong, sau đó mới luân chuyển các vị trí để rèn luyện qua thực tế...
Công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ chúng ta đang làm rất chặt chẽ, bài bản, có hệ thống hơn. Nhưng cũng không tránh được hết những cái sai, hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Những tiêu cực đó thường diễn ra rất tinh vi, khó phát hiện, nhưng khi phát hiện ra thì kiên quyết phải sửa, điều chỉnh ngay, tránh dung túng bao che cho cái đó.
Muốn khâu lựa chọn cán bộ diễn ra công tâm, thì theo tôi phải dựa vào nguyên tắc tập thể. Chứ không được chen vào đó lợi ích cá nhân, tránh tình trạng "ưu tiên" người nhà, người quen, hay "cạ" của mình mà lựa chọn. Tập thể phải có trách nhiệm với việc lựa chọn cán bộ của mình.
Vậy theo ông, cán bộ đảng viên được lựa chọn vào các vị trí chiến lược cần phải có những tiêu chuẩn nào?
Như Bác Hồ đã dạy "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phải có đạo đức. Có trách nhiệm đối với nước với dân, hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc.
Thứ 2 là phải có trí tuệ, trình độ học vấn cao, hiểu biết rộng, cái này rất quan trọng. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chúng ta đang hội nhập sâu hơn với quốc tế; nền kinh tế bây giờ là nền kinh tế trí thức mà học vấn thấp thì không thể làm được cán bộ.
Thứ 3 là người cán bộ phải có năng lực thực tiễn, bởi bên cạnh trình độ lý luận thì thực tiễn rất quan trọng. Ai thiếu thực tiễn thì phải rèn luyện thêm. Thực tế đã có nhiều cán bộ trung ương phải xuống địa phương, lăn lộn thực tiễn, sau đó mới trở về hiểu được cấp chiến lược như nào. Ngoài ra, cán bộ phải nhạy bén với thời cuộc, thời cơ mang đến để đưa ra những quyết định đột phá, thúc đẩy đất nước phát triển.
Thứ 4 là phải có uy tín với nhân dân, được dân yêu mến. Khi là cán bộ thì không được xa dân, phải gần dân lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để từ đó có những hướng giải quyết hợp lý, hợp lòng dân.
Như PGS cho biết, ông là người trực tiếp tham gia giảng dạy lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng đợt này. Vậy, theo ông đánh giá đội ngũ cán bộ đợt này như nào, có khác gì so với thế hệ trước?
Mỗi một thế hệ cán bộ đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ đó, chứ ta không nên so sánh thế hệ cán bộ này với thời kỳ trước đó. Ở thế hệ trước đòi hỏi bản lĩnh chính trị, sự hy sinh nên các cụ mới vượt qua được sự khốc liệt của chiến tranh như vậy.
Ở thời kỳ này đòi hỏi cán bộ phải có hiểu biết sâu, rộng hơn nhiều mặt như: văn hóa, chính trị, kinh tế... Người cán bộ cũng tự nâng trình độ lên và rồi cũng được trang bị đầy đủ.
Qua tiếp xúc giảng dạy, qua chấm bài tôi thấy nhiều đồng chí rất có tâm huyết, có trách nhiệm cao và tư duy rất tốt. Tôi tin tưởng lứa cán bộ dự nguồn này đáp ứng tốt cho Đại hội Đảng XII sắp tới, chúng ta sẽ có những cán bộ giỏi về mọi mặt cho nhiệm kỳ tới, đất nước ta sẽ ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương ( thực hiện)
Theo dantri
Gần chục năm xa cách vì chiến tranh, 5 cha con bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội Năm 1955, ngày đón Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, cụ Hồ Kỷ được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ duyệt binh lớn nhất của Quân đội ta hồi đó. Điều đặc biệt bất ngờ là chính tại đây, cụ được gặp lại bốn người con trai từ các chiến trường sau 8, 9 năm xa cách... Tháng 4/1958,...