Vì tấm vé bóng đá hụt mà chồng “đá thúng đụng nia”, quên cả sinh nhật vợ
Càng nghĩ, My càng ấm ức chết đi được. Bao lâu nay cô có thể vì hiểu cho đam mê của Tân mà thông cảm cho những lúc anh mải mê cổ vũ bóng đá mà xao nhãng gia đình. Nhưng mà lần này…
“Anh chẳng có đam mê gì sai trái, chỉ ham coi đá bóng một chút thôi. Anh sẽ không bao giờ làm gì có lỗi với vợ, chỉ mong vợ thông cảm cho sở thích của anh nhé”, đó là lời thú nhận của Tân với My ngay từ ngày còn tìm hiểu nhau. Cũng là sở thích chính đáng nên My sẵn sàng chấp nhận. Nhưng trớ trêu thay, năm nay, trận đấu “hót hòn họt” Việt Nam – Philippines sẽ diễn ra vào đúng ngày sinh nhật My. Nhưng dường như Tân vô tình hay hữu ý chẳng để tâm, vẫn nhiệt tình săn vé còn tỏ vẻ “ngoan ngoãn” khi xin phép vợ “trận quan trọng cho anh đi bão đêm”.
Thực tình My chẳng ghét bỏ gì trái bóng tròn, cô chỉ thật sự phiền lòng khi Tân quá yêu thích bộ môn thể thao này, yêu đến mức thái quá. Mỗi khi đến các mùa giải hấp dẫn là Tân lại thoắt ẩn thoắt hiện như khách trọ trong nhà. Biết chồng thật sự chỉ muốn tụ tập với bạn bè để tiện hò hét, thoả phấn khích với các trận cầu, chứ cũng chẳng làm gì sai, nhưng My lại không hề thấy thoải mái.
Ảnh minh họa
Trong giải AFF Cup 2018 này, Tân cuồng nhiệt hơn hẳn, các trận Việt Nam đá sân nhà dù phải mua vé chợ đen đến vài triệu anh cũng chịu đầu tư. Ừ thì ai cũng có đam mê, mà đam mê của Tân cũng lành mạnh nên My chẳng can dự. Nhưng lần này ngày 6/12 diễn ra trận đấu lại đúng sinh nhật My. Dù cô không nói ra nhưng My đã ngầm để ý xem Tân sẽ ứng xử ra sao.
Trái với mong muốn của My dường như Tân chẳng có ý định từ bỏ trận đá bóng để tổ chức sinh nhật cho vợ. Từ khi có thông báo bán vé xem đá bóng online Tân cả ngày trầu trực bên cái máy tính. Nói không ngoa chứ đi vệ sinh cá nhân anh cũng không thể rời điện thoại. Các Team săn vé anh tham gia cứ nhắn tin liên tục cả ngày. Sự háo hức của Tân hẳn nhiên là tín hiệu không vui tí nào đối với My.
Video đang HOT
Đợt mở bán vé online đầu tiên, trái với mong muốn, Tân không kịp sở hữu được tấm vé bóng đá. Khỏi phải nói, anh phản ứng với điều đó vô cùng tiêu cực. Điều đầu tiên Tân làm sau khi nhận được thông báo hết vé là bao nhiêu bức xúc, ấm ức, anh “bưng” cả lên mạng xã hội để thiên hạ chia sẻ cùng anh. Tiếp sau đó là phóng vụt xe ra khỏi nhà mà chẳng kịp nói với My một câu cho tử tế. Ô hay, trong chuyện này, My còn đang là “nạn nhân” đây này. Thế mà My cứ như là người vô hình không tồn tại, và như thể vì tấm vé online đấy mà anh hờn cả thế giới.
Sang ngày thứ 2, Tân đã mua được vé. My ngỡ tưởng sẽ được yên thân với ông chồng quý hóa nhưng Tân lại vẫn giữ thái độ khó chịu, hậm hực. Nhờ anh đón con anh cũng không đón, trong khi My tay năm tay mười hết 2 đứa con lại cơm nước, dọn dẹp. Chồng thì lúc đọc báo lúc tranh cả ti vi với con để xem lại mấy pha bóng đẹp. Không thể chịu nổi, My gắt lên thì Tân vùng vằng rồi bỏ đi ra ngoài. Tất cả cũng chỉ vì anh chưa mua được vé khán đài A.
Nghe đồn nếu chưa kịp sở hữu tấm vé trong đợt mở bán đầu tiên, VFF sẽ còn tổ chức thêm một số đợt bán vé nữa. Tuy nhiên, đến giờ, My cũng chẳng còn tâm trạng nào để tâm đến việc Tân sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê ấy như thế nào, đạt kết quả hay không. Bởi có lẽ điều cô quan tâm là liệu giữa cô và cái tấm vé ấy, chồng cô sẽ chọn ai, dường như My đã có câu trả lời.
Ảnh minh họa
Càng nghĩ, My càng ấm ức chết đi được. Bao lâu nay cô có thể vì hiểu cho đam mê của Tân mà thông cảm cho những lúc anh mải mê cổ vũ mà xao nhãng gia đình. Nhưng khi cô cần sự quan tâm của anh cho ngày của riêng mình duy nhất một lần trong năm thì Tân phớt lờ. Là anh vô tâm thôi chứ thật ra vẫn sẽ có rất nhiều cách để giải quyết thỏa đáng.
Ngày diễn ra trận đấu, Tân có thể mời bạn bè đến nhà vừa để theo dõi cổ vũ, kết hợp liên hoan sinh nhật vợ, My còn sẵn sàng lăn lộn vào bếp nấu ăn chiêu đãi bạn chồng ấy chứ.
Nhưng anh lại nhất thiết vì mua hụt tấm vé ấy mà cay cú rồi bức xúc lây sang cả vợ. Suy cho cùng, trái bóng tròn không hề có lỗi. Lỗi là do Tân đã hâm mộ đúng cách hay chưa. Nếu Tân đừng vì sở thích cá nhân của mình quá lớn mà lấn át hết mọi sự quan tâm, chăm sóc cho gia đình, thì có lẽ My đã chẳng ấm ức đến thế. Cô không ích kỉ cho riêng bản thân hay quá nặng nề ngày sinh nhật. Nhưng thiết nghĩ, cái gì cũng nên có mức độ thì mới lâu bền được, kể cả sự chịu đựng của con người.
Theo afamily.vn
Thấy mẹ chồng cho em dâu nhiều vàng cưới hơn, tôi nói đùa vài câu và nhận lại lời nói như tát nước vào mặt
Mẹ không những đối xử với các con không công bằng mà còn nói lời khinh thường khiến tôi đau khổ vô cùng.
Về làm dâu được hơn 1 năm, cuộc sống của tôi ở nhà chồng tuy không phải quá căng thẳng song phận làm dâu, tôi cũng đã nhẫn nhịn khá nhiều. Bố mẹ chồng tôi khá kỹ tính, trong nhiều vấn đề ông bà cũng yêu cầu cao ở con cái, dẫu vậy, tôi vẫn luôn biết cách cư xử sao cho phải đạo, không để bố mẹ phải phiền lòng quá nhiều về mình. Mẹ chồng tôi là người tính hơi "đồng bóng", thỉnh thoảng cũng thất thường, chiều được mẹ quả thật không hề dễ dàng chút nào. Tôi và mẹ chồng không quá thân thiết nhưng cũng chưa bao giờ phải to tiếng với nhau.
Tôi biết mình sai nhưng không nghĩ mẹ chồng lại nặng lời đến vậy. (Ảnh minh họa)
Chuyện chẳng có gì nếu đợt vừa rồi, em chồng tôi cưới vợ. Ngày cưới, tôi hơi bất ngờ khi mẹ trao cho Hà - em dâu tôi một chiếc kiềng vàng 5 chỉ và một chiếc lắc tay 2 chỉ, tổng là 7 chỉ. Trong khi đó, hồi tôi cưới, mẹ chỉ cho đúng một chiếc dây chuyền 3 chỉ. Ở hoàn cảnh của tôi, chắc hẳn ai cũng thấy chạnh lòng, cùng là con dâu nhưng mẹ đối xử khác một trời một vực.
Mấy hôm sau khi chuyện cưới xin của em chồng tôi đã xong xuôi. Có dịp ngồi nói chuyện với mẹ, tôi mới nửa đùa nửa thật bảo: " Mẹ chẳng công bằng với con gì cả, mẹ quý em dâu hơn hay sao mà cho em ấy 7 chỉ vàng, còn con ngày xưa được có 3 chỉ".
Kỳ thực, khi hỏi câu này, một phần tôi cũng muốn biết lý do gì khiến mẹ có sự chênh lệch như vậy. Tôi vốn là người nếu muốn biết điều gì mà không biết được thì sẽ rất khó chịu. Chưa kể, tôi cũng nghĩ rằng, mẹ sẽ có lời giải thích khéo léo cho tôi đỡ buồn và tránh mất đoàn kết. Ai ngờ, khi vừa dứt lời, tôi nhận được một gáo nước lạnh ngắt từ mẹ chồng: " Con học được ở đâu cái thói đố kỵ như vậy hả Hoa? Mẹ nói cho con nghe, vàng của mẹ, mẹ thích cho ai ít, ai nhiều là quyền của mẹ, con lấy tư cách gì mà hỏi?".
Tôi ngớ người, chưa kịp hết bất ngờ thì mẹ lại tiếp tục: " Con xem lại mình đi, tất cả mọi cái con có bằng cái Hà không mà con đòi hỏi mẹ phải cho con bằng nó. Chưa kể nhà nó còn có điều kiện, trao cho con gái cả vài cây vàng làm của hồi môn thì mẹ cũng phải trao sao cho nó tương xứng chứ không để người ta cười cho à? Mẹ tưởng con là người thế nào, hóa ra cũng sân si, tham vật chất, đã thế chưa gì con đã ghen ghét với em dâu, con xem con có xứng đáng là một người dâu trưởng hay không?"
Hôm sau, tôi xuống nước xin lỗi nhưng mẹ chồng tỏ ra lạnh nhạt. (Ảnh minh họa)
Nói sa sả rồi mẹ tôi đi thẳng lên phòng, không cho tôi có một cơ hội nào để giải thích. Đúng là tôi đã sai khi đem câu chuyện này ra thắc mắc với mẹ chồng. Mẹ tôi nói không sai, vàng là của bà, bà thích cho ai thì cho. Thế nhưng, mẹ có cần phải nỡ buông những lời cay đắng, gay gắt như thế với tôi không? Tôi cũng chạnh lòng, tủi thân lắm chứ. Chỉ cần bà đáp lại bằng một câu nói nhẹ nhàng hơn thì tôi cũng chẳng quá bận tâm về chuyện đó nữa. Chưa kể, tối chồng tôi đi làm về, bà còn lôi anh vào phòng, không biết nói chuyện thế nào mà chồng mặt xưng mày xỉa với tôi.
Hôm sau, tôi xuống nước xin lỗi mẹ nhưng bà dứt khoát không thèm nhìn mặt. Thậm chí, bà còn thể hiện sự phân biệt đối xử ra mặt khi niềm nở, tươi cười, quan tâm con dâu thứ còn tôi thì không khác gì người vô hình. Tôi không biết phải làm thế nào với tình huống này, có lẽ những ngày tiếp theo của tôi ở nhà chồng sẽ chẳng còn dễ dàng.
Theo afamily.vn
Ngoại tình với sơn nữ, giám đốc xây dựng nhận kết đắng Tôi từng kiếm rất nhiều tiền để vợ con chi tiêu, sinh hoạt. Thế nhưng, chỉ vì một sai lầm của tuổi trẻ, tôi bị hất khỏi gia đình và bây giờ sống trong cô đơn buồn tủi... Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê. Sau khi kết hôn, tôi theo chân anh trai lên Sơn La làm xây dựng....