Vị sầu riêng quyến rũ trong bánh pía Sóc Trăng
Bánh pía có vị ngọt thơm của sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được.
Đi dọc đường từ miền Tây về Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những gian hàng bán bánh pía dọc theo quốc lộ. Bánh pía là một sản phẩm của người Hoa, nhưng từ khi vào Việt Nam, loại bánh này đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân ở đây.
Những chiếc bánh pía thơm hương sầu riêng đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…
Bánh pía có nguồn gốc từ người Hoa, những chiếc bánh pía nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo và đậu xanh. Tuy nhiên, khi đến miền Tây Nam bộ, những người dân ở đây đã biến tấu, thay đổi theo khẩu vị cho phù hợp. Những chiếc bánh pía ngày nay ngoài nhân thịt và đậu xanh còn được chế biến thêm nhiều loại nhân như khoai, hột vịt muối… và một nguyên liệu quan trọng giúp chiếc bánh trở thành đặc sản của vùng Nam bộ là sầu riêng.
Video đang HOT
Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Cho vào một ít chất phụ gia vào bột, chia ra làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, được dùng làm vỏ bánh bên trong.
Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, nhân đậu xanh, sầu riêng. Lấy đậu xanh và khoai môn hấp chín đem trộn đường, xay nhuyễn, chế thêm mỡ nước tạo nên mùi vị bùi bùi, beo béo hấp dẫn. Lòng đỏ hột vịt muối được đặt giữa nhân, bao bọc xung quanh là mỡ được thái sợi và ướp với đường.
Tùy từng loại bánh mà người ta sẽ đặt loại nhân phù hợp. Trước khi đem nướng, người thợ thoa dầu ăn lên khay bánh rồi cho vào lò. Sau 15 phút, khi chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm hấp dẫn cũng là lúc chiếc bánh đã được hoàn thành.
Những chiếc bánh pía có hình dáng nhỏ, tròn, vừa phải rất tiện lợi, có thể cầm ăn. Bánh không quá bở, mềm, có độ dẻo vừa phải để khi mới ăn không tan ngay.
Khách phương xa đến đây thường được mời ăn bánh pía và uống trà gừng. Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ.
Tiêu Phong
Theo NS
Bánh pía Sóc Trăng
Dọc theo mọi con đường của tỉnh Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tròn, dẹp, nhìn đẹp mắt và có mùi vị ngọt ngào được bày bán tại nhiều cửa hàng. Đó là món bánh pía - đặc sản số một của vùng đất này.
Theo chuyện kể của ông bà, bánh pía Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất này từ thế kỷ 17, theo chân những người Hán di cư đến phươngNam, chiếc bánh này khi đó là lương thực để ăn dọc đường. Đầu tiên, bánh được làm khá đơn giản: vỏ ngoài là bột mì cán thành da mỏng bao quanh nhân ở bên trong. Nhân gồm có: đậu xanh và mỡ heo. Cùng với sự phát triển của xã hội, bánh pía Sóc Trăng được "biến tấu" với các nguyên liệu khác như khoai môn, sầu riêng... tạo cho chiếc bánh có mùi thơm hấp dẫn.
Thông thường, bánh pía Sóc Trăng có 2 loại là bánh pía khoai môn và bánh pía đậu xanh. Các công đoạn làm bánh đòi hỏi sự khéo léo và khá cầu kỳ. Đầu tiên, bột mì được cán mỏng để làm vỏ. Để có những lớp vỏ mỏng tang, người ta phải chế biến bột mì qua nhiều công đoạn như: trộn bột, cán mỏng và cuộn tròn... Khâu làm nhân bánh quan trọng từ việc lựa chọn nguyên liệu cho đến cách phối hợp hài hòa chúng với nhau để làm nên hương thơm riêng. Nhân bánh được thực hiện như sau: đậu xanh hoặc khoai môn đem hấp chính, chà nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi, lòng đỏ trứng muối. Sau khi cho nhân vào vỏ bánh, người ta thoa bên ngoài vỏ bánh lòng đỏ trứng muối và đưa vào lò nướng.
Được kết hợp hài hòa từ các nguyên liệu khác nhau, bánh pía Sóc Trăng đem lại cho thực khách một cảm giác rất đặc biệt: sự mềm, dẻo của lớp vỏ bánh; vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối... Bánh pía Sóc Trăng có độ ngọt vừa phải và không quá béo, khiến thực khách không cảm thấy ngán.
Ăn bánh pía phải uống trà mới đúng kiểu. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, bạn sẽ cảm thấy độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi. Thú ẩm thực tao nhã này đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Sóc Trăng.
Bánh pía Sóc Trăng giờ đây đã trở thành một món bánh nổi tiếng trong nền ẩm thực của Việt Nam. Du khách nào ghé qua vùng này cũng không thể quên đem những hộp bánh pía về làm quà cho người thân, như đem theo hương vị ngọt ngào của tâm hồn người miền Tây Nam Bộ gửi gắm trong từng chiếc bánh.
Theo PNO
Ngọt Thơm Bánh Pía Sóc Trăng Ẩm thực Sóc Trăng rất đa dạng phong phú với các đặc sản lạp xưởng, nhãn Vĩnh Châu, bánh cống, bánh pía... Những ai đã từng một lần nếm bánh pía đều khẳng định món này quá ngon và là thứ quà vặt không thể bỏ qua khi mang về biếu người thân. Theo lời kể của người địa phương từ thế kỷ...