Vì sao xuất hiện quá nhiều lao động Trung Quốc?
Sau vụ UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho tuyển 2.100 lao động Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lại có quá nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc trong khi nhiều dự án khác, nhà thầu nước ngoài chỉ đem vài trăm chuyên gia, kỹ sư?
Thông tin từ Ban Quản lý nhiệt điện Duyên Hải 3, hiện công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải có hơn 2.100 lao động Trung Quốc và 1.500 lao động Việt Nam đang làm việc. Tuy nhiên, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, làm công nhật với mức lương 140.000 đến 170.000 đồng/ngày.
Nhiều người đặt nghi vấn tại sao có quá nhiều lao động Trung Quốc sang làm việc, chiếm hết chỗ của lao động tại địa phương? Trong khi đó, trước đây có nhiều dự án đơn vị nước ngoài trúng thầu như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, nhà máy thủy điện Sông Đà… họ chỉ đưa qua một số lượng ít chuyên gia, kỹ sư, còn lại các vị trí đều do lao động Việt Nam đảm trách.
Công nhân Việt Nam được tuyển vào làm lao động phổ thông nhưng lương thấp hơn nhiều so với lao động Trung Quốc
Công nhân Nguyễn Thế Nhân, ngụ ấp Giồng Giếng (Dân Thành, Duyên Hải) làm công nhân ở đây được gần 4 năm nay, chủ yếu lao động chân tay với mức lương công nhật 170.000 đồng/ngày, nếu ngày nào tăng ca sẽ tăng lên vài chục ngàn nữa. Ông Nhân cho biết: “Trước đây tôi làm nghề làm ruộng, nuôi tôm nhưng từ khi có dự án này đã chuyển ra đây làm công nhân vì có công việc làm suốt tháng, thu nhập khá ổn định”. Theo ông Nhân, công nhân người Việt làm việc lương lương thấp hơn người Trung Quốc rất nhiều vì phải thông qua cò, công ty dịch vụ cung ứng lao động mới vào làm việc được.
Tuy nhiên, không phải lao động phổ thông nào cũng vào làm được trong dự án này. Năm 2012, anh Thạch Ngọc Thành, SN 1987, ngụ Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh, thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Trà Vinh nộp hồ sơ xin vào làm lao động phổ thông trong dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Tuy nhiên, hồ sơ nộp vào chờ hơn 1 năm vẫn không thấy ai gọi nên đành phải kiếm việc khác để trang trải cuộc sống.
Anh Thành cho biết: “Lúc dó nghe nói vô làm công nhật ở dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng nên tôi đăng ký vào làm vì đang thất nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1 năm trời chờ đợi chẳng thấy có việc làm nên mới đây tôi xin làm nhân viên đổ xăng với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng để tạm sống qua ngày”.
Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc TTGTVL tỉnh Trà Vinh rất bức xúc việc nhà thầu chỉ tuyển lao động Trung Quốc và phớt lờ rất nhiều lao động có tay nghề ở địa phương. Ông Hùng cho biết: “Trung tâm nhiều lần liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhằm mời đơn vị thầu xây dựng lên sở để 3 bên giáp mặt, bàn kế hoạch xem đơn vị sử dụng lao động cần lao động trình độ nào, tay nghề ra sao nhưng mời hoài mà họ chẳng lên, gửi hồ sơ xuống thì họ cứ để đó cho trôi qua để tuyển lao động Trung Quốc”.
Theo ông Hùng, chỉ có 3 lần họ gửi văn bản thông qua Sở LĐTB&XH cần tuyển với số lượng vài trăm lao động từ kỹ thuật, lái xe, lao động phổ thông nhưng khi trung tâm gửi hồ sơ các lao động dự tuyển theo yêu cầu thì họ chẳng gọi phỏng vấn cũng như không tuyển được người nào.
Video đang HOT
Đại công trường nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cần rất nhiều lao động
TTGTVL tỉnh trà vinh giới thiệu việc làm không công cho các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh. Chỉ 6 tháng đầu năm tỉnh Trà Vinh đã giới thiệu, tạo việc làm cho 20.000 lao động. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là từ ngày thự hiện dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đến nay trung tâm chưa từng giới thiệu thành công được bất cứ một lao động nào cho các nhà thầu Trung Quốc. Ông Hùng bức xúc: “Họ cố tình “né” để tuyển lao động Trung Quốc thì làm sao mà giới thiệu được. Họ thực hiện chiêu bài tuyển dụng mập mờ, có nhận hồ sơ thì để đó chứ có tuyển hay không cũng không nói gì hết. Người lao động thì không thể chờ đợi mãi nên bắt buộc trung tâm phải giới thiệu đến các đơn vị khác khi có nhu cầu”.
Lý giải việc có quá nhiều lao động Trung Quốc tại dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, một giám đốc công ty chuyên cung ứng lao động tại huyện Duyên Hải (xin giấu tên) cho rằng: “Ở đây có thể có hợp đồng hay thỏa thuận giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công chúng ta chưa biết. Bởi vì lao động Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhưng vẫn tuyển lao động Trung Quốc. Đồng thời đơn vị thi công có thể dùng chiêu trò lấy lý do nếu không tuyển lao động Trung Quốc sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng tới dự án… Vì vậy, lao động Trung Quốc mới ngày càng nhiều từ có tay nghề tới lao động phổ thông”.
Lao động Trung Quốc làm việc tại công trường
Ông Võ Văn Dội, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành (Duyên Hải) cho biết: “Việc có nhiều lao động Trung Quốc, lao động từ địa phương khác đến làm việc làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp. Hiện mỗi ngày chính quyền địa phương phải giải quyết trung bình 1 vụ gây rối trật tự công cộng, nhậu nhẹt, đánh nhau chủ yếu giữa các nhóm công nhân…”.
Ngoài ra, ai cũng biết khi hàng ngàn công nhân Trung Quốc làm việc, sinh sống lâu dài tại địa phương có thể bám trụ, sinh con đẻ cái ở vùng đất mới và trong tương lai xa có thể sẽ có những làng Trung Quốc, hay xóm con lai nếu việc quản lý của chúng ta không chặt chẽ. Khi đó, hậu quả không dừng lại ở việc người lao động địa phương bị “chiếm” việc làm như hiện nay.
Minh Giang
Theo Dantri
Tuyển 2.100 lao động Trung Quốc: Đúng quy định pháp luật?
Việc tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho tuyển 2.100 lao động Trung Quốc để xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 khiến nhiều người bất bình. Sau đó UBND tỉnh kịp thời "lý giải", hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Cố tình "né" lao động có tay nghề để tuyển lao động Trung Quốc
Thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm tỉnh đã tạo việc làm cho 20.000 lao động, tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có tới 1.749 lao động có tay nghề thất nghiệp, số tiền bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp phải trả khoảng 10,6 tỷ đồng.
Đại công trường nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cần rất nhiều lao động
Lao động có tay nghề thường bị nhà thầu Trung Quốc cố tình "né" để tuyển lao động Trung Quốc.
Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc TTGTVL tỉnh Trà Vinh cho biết: "Trong những lần nhà thầu Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng lao động, Trung tâm đều giới thiệu nhiều lao động đáp ứng nhu cầu nhưng từ khi dự án bước vào xây dựng tới nay, Trung tâm chưa cung ứng được bao nhiêu lao động có tay nghề vào đây làm việc. Lần gần đây nhất, Trung tâm giới thiệu 32 lao động gồm lao động có tay nghề, lao động phổ thông trên cơ sở nhu cầu cần lao động của đơn vị thi công nhưng hồ sơ gửi xuống nhà máy tới giờ vẫn không thấy trả lời, không thấy họ gọi phỏng vấn".
Lao động Trung Quốc đang làm việc tại công trường
Theo ông Hùng, cách làm của nhà thầu Trung Quốc là ra thông báo tuyển dụng nhưng nhiều vị trí "mập mờ" như: quản lý kỹ thuật, kỹ sư hiện trường... Riêng những vị trí lao động Việt Nam đáp ứng được như kế toán, kỹ sư điện, lao động phổ thông... thì khi họ nhận hồ sơ rồi lại "ngâm" để viện lý do không tuyển được nhằm quay sang tuyển lao động Trung Quốc. Vì vậy, hàng trăm lao động có tay nghề nộp hồ sơ xin việc vào dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải phải "dài cổ" chờ việc.
Kỹ sư Phạm Minh Trí, SN 1987 (ngụ Thạnh Phú, Cầu Kè, Trà Vinh) tốt nghiệp ngành điện, điện tử năm 2009, nộp hồ sơ xin việc từ năm 2012 vẫn chưa có việc làm. Trí cho biết: "Khi TTGTVL tỉnh thông báo dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cần tuyển người phù hợp chuyên ngành đã học nên tôi nộp hồ sơ mà chờ hoài không thấy họ gọi phỏng vấn. Đến năm 2013, Trường Đại học Trà Vinh lại thông báo dự án này tiếp tục cần tuyển người với vị trí như vậy, tôi lại nộp hồ sơ lần nữa và cũng tiếp tục chờ cho tới bây giờ". Theo Trí, đơn vị sử dụng lao động không gọi phỏng vấn, không thử việc thì sao biết lao động có tay nghề hay không.
Sẽ thông tin rộng rãi, rút kinh nghiệm để tuyển lao động trong nước
Thông tin UBND tỉnh Trà Vinh có văn bản gửi Sở LĐ-TB &XH tỉnh chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering tuyển 2.100 lao động Trung Quốc để xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 làm cho nhiều người bức xúc vì trong thời điểm có rất nhiều lao động có tay nghề thất nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Ban quản lý nhiệt điện Duyên Hải 3 lý giải: "Do dự án này mới được triển khai xây dựng nên lao động ít, đơn vị thầu xây dựng mới có kế hoạch dài hạn tuyển lao động tới năm 2017. Đây chỉ là việc đăng ký phương án sử dụng lao động tùy theo từng thời điểm với từng vị trí khác nhau. Sau đó tùy từng thời điểm thực tế cơ quan chức năng mới cấp giấy phép lao động".
Theo ông Dũng, việc làm này là phù hợp vì hiện nay lao động đòi hỏi có nhiều kỹ năng còn lao động tại tỉnh Trà Vinh thì không đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, khi được hỏi trong số 2.100 lao động được tuyển có bao nhiều lao động có tay nghề cao thì ông Dũng cho rằng do chỉ là kế hoạch nên chưa có số liệu chính xác.
Chỉ số ít lao đông phổ thông được tuyển vào làm việc
Phản bác hoàn toàn với việc không tuyển được lao động có tay nghề tại tỉnh Trà Vinh, ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc TTGTVL tỉnh Trà Vinh khẳng định: "Với 2.100 lao động có tay nghề nếu trong tỉnh không đáp ứng được thì chỉ cần thông báo cho các trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh bạn thì sẽ đáp ứng được ngay. Theo tôi trong số này chỉ có một số ít chừng hơn 100 lao động là chuyên gia, kỹ thuật cao trong cơ khí, kỹ thuật nồi hơi... mới cần tới lao động nước ngoài. Đây chỉ là lý do mà nhà thầu Trung Quốc đưa ra chứ thật ra lao động có tay nghề cao trong và ngoài tỉnh rất dồi dào".
Lao động phổ thông Việt Nam được tuyển vào làm việc với mức lương khá thấp
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng văn bản chấp thuận cho công ty China Chengda Engineering tuyển 2.100 lao động Trung Quốc là đúng quy định của pháp luật. Bởi vì hiện tại lao động trong tỉnh không đáp ứng nhu cầu, nhất là vần đề ngoại ngữ. Sắp tới tỉnh sẽ có thông báo tuyển dụng rộng rãi để lao động trong và ngoài tỉnh biết nhu cầu tuyển dụng lao động của dự án nhằm tạo điều kiện cho lao động Việt Nam vào làm việc. Đồng thời UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm có những văn bản bổ sung, uốn nắn kịp thời trong thời gian tới.
UBND tỉnh đã có sự "lý giải" lại kịp thời nhưng vẫn bảo lưu quan điểm của mình là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Việc dễ dàng chấp thuận cho tuyển hàng ngàn lao động Trung Quốc trong khi lao động có tay nghề trong tỉnh và trong cả nước vẫn thất nghiệp khiến dư luận rất bức xúc. Nếu văn bản đồng thuận này "trót lọt", sẽ "cướp" đi cơ hội của hàng ngàn lao động có tay nghề đang thất nghiệp.
Minh Giang
Theo Dantri
Xe khách giường nằm đang chạy, bốc cháy trơ khung Chiếc xe khách giường nằm loại 43 chỗ đang lưu thông trên quốc lộ 80 theo hướng từ hướng An Giang về TP. HCM. Khi xe lưu thông đến thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện (Châu Thành, Đồng Tháp) thì xe bất ngờ bốc cháy. Rất may vụ hỏa hoạn không làm ai thương vong. Theo đó, khoảng 1 giờ, 45 phút, ngày...