Vì sao vừa lên tiếng về vụ Triều Tiên thử tên lửa, chính phủ TQ bị cho là “mừng thầm”?
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 vào ngày 12/2.
Trong khi thái độ chỉ trích và yêu cầu gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên dường như là phản ứng tất yếu của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên hợp quốc, phản ứng của chính phủ Trung Quốc bị giới truyền thông phương Tây cho là “có vấn đề”.
Sau khi Trung Quốc lên tiếng, đài CNN (Mỹ) bình luận rằng thái độ khiển trách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng diễn ra quá muộn màng.
Video đang HOT
Trung Quốc thường ra tuyên bố chỉ trích rất nhanh trước các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng trong các vụ thử tên lửa đạn đạo, thái độ của Bắc Kinh còn tùy thuộc vào loại tên lửa và cách thức thử nghiệm.
Theo CNN, Trung Quốc có thể không xem vụ thử Pukguksong-2 là một thách thức, mà chỉ là động tác “gây chú ý” từ phía Triều Tiên.
Tờ The Times (Anh) có bài phân tích hôm 13, nói rằng Bắc Kinh “ngầm cảm thấy vui mừng” khi Triều Tiên phóng thử tên lửa. Sự kiện này mang cho Trung Quốc cơ hội nghiên cứu phản ứng của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời nhắc nhở Washington rằng Mỹ không thể thiếu Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Tờ DailyMail thừa nhận, các biện pháp cấm vận quốc tế đối với Bình Nhưỡng đến nay không phát huy tác dụng. Mặc dù ông Trump nhấn mạnh Mỹ ủng hộ hoàn toàn Nhật và Hàn Quốc sau vụ việc, nhưng Trung Quốc mới là bên có khả năng “kiềm chế” Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13 tuyên bố nước này phản đối Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo và kêu gọi các bên liên quan “không kích động”, “nên kiềm chế và cùng gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực”. Ông cho biết Trung Quốc sẽ tham dự thảo luận “một cách xây dựng và có trách nhiệm” về sự vụ tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/2 đưa tin, Trung Quốc tin rằng thế giới cần phải tạo điều kiện để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng cũng phải quan ngại khả năng chính phủ Triều Tiên tiếp tục hoạt động này.
Tờ này chỉ trích việc truyền thông phương Tây đánh giá Bắc Kinh “mừng thầm” trước vụ thử tên lửa là “nói bừa”. Hoàn Cầu cho rằng “sự tôn trọng đối với quyền sinh tồn của chính phủ Triều Tiên” là khác biệt lớn nhất trong thái độ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Sau vụ việc hôm 12, đảng Tự do dân chủ (LDP) cầm quyền ở Nhật triệu tập hội nghị khẩn cấp, yêu cầu nội các của Thủ tướng Shinzo Abe áp đặt ngay các biện pháp cấm vận nghiêm khắc. Chính phủ Nhật xác định vụ Triều Tiên thử tên lửa là “mối đe dọa giai đoạn mới”.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se hôm 13 phát biểu trước Ủy ban ngoại giao thống nhất của Quốc hội, chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng là thách thức đa phương diện nhằm vào liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, Hội đồng bảo an và xã hội quốc tế.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 13 kịch liệt chỉ trích vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ông tuyên bố đây là hành động vi phạm các nghị quyết LHQ.
Theo Soha News