Vì sao VNA chưa bay thẳng đến Mỹ?
Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) Dương Trí Thành cho biết việc mở đường bay đến Mỹ đang có nhiều thuận lợi và dự kiến năm 2018, hãng sẽ hiện thực hóa kế hoạch này
Điều gì đã khiến cho việc mở đường bay đến Mỹ của VNA phải mất tới 15 năm, kể từ ngày Việt Nam và Mỹ ký hiệp định hàng không song phương?
Phụ thuộc năng lực cơ quan quản lý
Năm 2003, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Hàng không, cho phép các hãng hàng không 2 nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau 2 năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa.
Đội bay của Vietnam Airlines đã đủ khả năng bay thẳng đến Mỹ Ảnh: TẤN THẠNH
Thế nhưng, mới chỉ có phía Mỹ hiện thực hóa hiệp định này bằng việc chỉ định hãng hàng không United Airlines mở đường bay thẳng San Fransisco – TP HCM, quá cảnh ở Hồng Kông. Đường bay này sau đó mở/đóng lại theo nhu cầu khác nhau trong từng giai đoạn của thị trường.
Ngược lại, Việt Nam vẫn chưa thể hiện thực hóa hiệp định dù từ năm 2004, VNA đã nỗ lực cho việc mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Nước Mỹ có một cơ chế khác biệt so với thông lệ quốc tế trong hoạt động hàng không dân dụng. Đối với các nước khác như Anh hay Liên minh châu Âu (EU), để chấp thuận mở đường bay, nhà chức trách hàng không chỉ đánh giá năng lực của hãng hàng không muốn mở đường bay đến lãnh thổ của mình. Còn với Mỹ, để được bay đến đây, nhà chức trách hàng không của quốc gia đó phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như quy chế an toàn của Cục Hàng không Mỹ (FAA), cụ thể là phải được phê chuẩn mức 1 (CAT1).
Video đang HOT
Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ ba.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết hiện tại, cục chưa đạt CAT1 nên VNA nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung chưa thể mở đường bay đến Mỹ. Trong một ký kết với Boeing vào năm 2015, dự kiến quý IV/2015, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đạt CAT1 song việc này đã được lùi đến quý III/2016.
Đội bay đã sẵn sàng
Ông Dương Trí Thành cho biết hơn 10 năm lên kế hoạch bay đến Mỹ, đến nay, VNA đã sẵn sàng về thiết bị. Từ giữa năm 2015, hãng đã cùng lúc tiếp nhận, quản lý, khai thác 2 máy bay thế hệ mới Airbus 350-900 XWB và Boeing 787-900 Dreamliner để thay thế toàn bộ đội bay thân rộng, tập trung khai thác trên các đường bay xuyên lục địa. “Nhu cầu thị trường và tính kinh tế của đường bay vào lúc này cũng có nhiều thuận tiện hơn” – ông Thành nhìn nhận.
Mới đây, nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng đã khởi động đàm phán với Nhật Bản để chọn Tokyo hoặc Osaka làm điểm dừng kỹ thuật. Đây được cho là phương án tối ưu cho đường bay đến Mỹ vì thời gian bay từ Hà Nội/TP HCM đến Tokyo/Osaka khoảng 5 giờ, chặng tiếp theo còn lại 12-13 giờ là phù hợp, máy bay có thể chở đầy tải để tối ưu hóa lợi nhuận. Trước đây, Việt Nam từng đặt vấn đề chọn điểm dừng là Hồng Kông hoặc Hàn Quốc nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, 2 điểm dừng này quá gần khiến chặng bay sau phải giảm tải.
Việc mở đường bay đến Mỹ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là uy tín của ngành hàng không Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian lỗ kế hoạch để bay đến Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn so với bay đến các thị trường khác nên ngoài việc phải sẵn sàng về phương tiện, hãng hàng không cần xây dựng được một chiến lược tốt và có tiềm lực tài chính vững vàng. Hiệu quả kinh tế của đường bay đến Mỹ phụ thuộc vào phương thức bay thẳng hay có điểm dừng và loại phương tiện.
Theo tính toán của VNA trong giai đoạn 2005-2006, bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm hãng lỗ khoảng 100 triệu USD. Những tính toán gần đây cho thấy nếu bay bằng máy bay A350, mức lỗ giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm.
Khai thác khu vực có nhiều người châu Á
90% hãng hàng không ở châu Á đang bay đến Mỹ đều mở đường bay đến bờ Tây – nơi có đông đảo cộng đồng người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng sinh sống. Khách hàng ở khu vực này được đánh giá là có khả năng chi trả thấp hơn so với bờ Đông nước Mỹ.
Các hãng hàng không đang khai thác tốt thị trường này là China Airlines, Cathay Pacific, trong khi Singapore Airlines, Thai Airways vừa ngừng khai thác.
Theo Người Lao Động
Nghi vấn máy bay Vietnam Airlines rách cánh đuôi do va cột đèn
Dù bị vết rách ở cánh thăng bằng ngang đuôi nhưng chiếc Airbus A 321 của Vietnam Airlines (VNA) vẫn bay an toàn từ Tân Sơn Nhất tới Vinh, sau đó mới được phát hiện, sửa chữa.
Cận cảnh vết rách ở thăng bằng ngang đuôi máy bay A 321 - Ảnh: CTV
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Minh Tấn - Trưởng Ban tiêu chuẩn An toàn bay của Cục Hàng không Việt Nam cho biết nhiều khả năng cánh thăng bằng ngang ở đuôi máy bay Airbus A 321 của Vietnam Airlines (VNA) bị rách do va chạm với cột đèn tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 23-8.
Qua kiểm tra ban đầu của các bộ phận liên quan, khả năng chiếc máy bay trên đã xảy ra va chạm phần đuôi với cột đèn tại sân đỗ từ Tân Sơn Nhất do thao tác không hợp lý của xe kéo máy bay từ sân đỗ ra đường lăn.
Hiện nay, Cục hàng không đang cùng VNA tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cụ thể để có kết luận chính thức.
Lý giải vì sao máy bay bị rách cánh thăng bằng ngang vẫn bay an toàn từ Tân Sơn Nhất tới Vinh, ông Tấn cho biết may mắn là vị trí rách nằm ở mép ngoài cùng của thăng bằng ngang, không ảnh hưởng tới phần bánh lái độ cao (elevator) bên cạnh nên máy bay vẫn bay bình thường, không bị rung, lắc khi bay.
Vết va chạm ở cột đèn sân đậu máy bay Tân Sơn Nhất nghi do đuôi máy bay va vào - Ảnh: CTV
Theo lý giải của một kỹ sư cơ khí hàng không, bộ phận thăng bằng ngang ở máy bay (hay gọi là cánh đuôi) của Airbus A321 dài khoảng 1,5m, phần bị rách là phần cố định ngoài cùng của bộ phận thăng bằng ngang nằm bên cạnh bánh lái độ cao.
Vết rách nhỏ, nằm ở vị trí này không có cảm biến nên máy bay không báo lỗi trước khi cất cánh.
"Vết rách nhỏ nằm ở mặt sau của thăng bằng ngang, không phải mặt tiếp xúc với gió nên khi bay không bị xé rộng. Vì vậy, phi công không cảm nhận được sự bất thường của máy bay.
Trường hợp nếu bị rách bánh lái độ cao thì máy bay sẽ có hiện tượng rung lắc khi bay. Lúc đó sẽ phải dùng các hệ thống khác trên máy bay để cân bằng lại hướng gió" - vị này cho biết.
Trước đó, qua kiểm tra kỹ thuật chiếc máy bay A321 của VNA thực hiện chuyến bay VN1262 chở khách từ TP.HCM tới Vinh lúc 8g30 sáng 23-8, các nhân viên kỹ thuật đã phát hiện vết rách tại vị trí thăng bằng ngang ở đuôi máy bay
Sự cố trên khiến chiếc máy bay Airbus A321 số hiệu đăng ký VNA 338 phải dừng khai thác, nằm chờ sửa chữa.
Theo Tuổi Trẻ
Máy bay Vietnam Airlines bị rách cánh đuôi do va cột đèn Được xe chuyên dụng kéo đi quá xa phạm vi cho phép, chiếc Airbus A321 va phải cột đèn chiếu sáng trên đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và bị rách cánh đuôi. Theo lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, khoảng 7h sáng 23/8, máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines được kéo ra đường lăn sân bay để chuẩn...