Vì sao Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19?
Trong một bài viết đăng tải ngày 13-4, tờ South China Morning Post đánh giá Việt Nam đã đạt được thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Bài viết cũng đề cập tới các yếu tố tạo nên thành công của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Theo tờ South China Morning Post, tuy có chung đường biên giới với Trung Quốc-nơi đầu tiên xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, nhưng nhờ kết hợp “hành động sớm và quyết đoán, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly kiên quyết cùng với sự đoàn kết trong xã hội” nên cho đến nay, Việt Nam đã tránh được những hậu quả nặng nề. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, số người hiện đang phải cách ly, theo dõi sức khỏe vì dịch Covid-19 tại Việt Nam là hơn 75.000 người. Việt Nam đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm và chỉ ghi nhận hơn 260 ca nhiễm Covid-19. “Việt Nam đã nhận được sự ca ngợi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong ứng phó với đại dịch Covid-19″, bài viết nhấn mạnh.
Người dân được lấy máu xét nghiệm tại một trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội hồi tháng 3-2020. Ảnh: EPA.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tin rằng hành động sớm đóng vai trò quan trọng vào thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. “Việt Nam đã phản ứng sớm và chủ động với sự bùng phát dịch bệnh này. Việt Nam đã bắt đầu tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh từ đầu tháng 1, ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post. Ông Kidong Park cũng cho biết thêm rằng, sau đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và “một kế hoạch ứng phó cấp quốc gia ngay lập tức được thực hiện”.
Theo South China Morning Post, để ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã cho tạm đóng cửa các trường học trên cả nước từ cuối tháng 1 và bắt đầu từ giữa tháng 3, hàng chục nghìn người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam đã được đưa đến các cơ sở cách ly tập trung bắt buộc của quân đội. Từ ngày 25-3 vừa qua, các hãng hàng không của Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay quốc tế. Cùng với đó, đa số các chuyến bay nội địa, vận tải hành khách bằng đường sắt và xe buýt cũng tạm ngừng…
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam rà soát “theo lớp” các trường hợp tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. “Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện đối với những người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh. Bất kỳ ai tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 đều bắt buộc phải bị cách ly. Tiếp đến, những người khác tiếp xúc với những người này cũng cần phải tự cách ly. Lớp cuối cùng là khu phố hoặc tòa nhà nơi ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng bị cách ly”, South China Morning Post dẫn lời ông Kidong Park.
South China Morning Post cho biết tuy số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp nhưng vào ngày 1-4 vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện “cách ly xã hội” trên phạm vi toàn quốc. Đây là một biện pháp ứng phó “nhanh chóng và quyết liệt hơn” so với nhiều quốc gia khác nhằm “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được”. Ngày 10-4, một người đàn ông tại tỉnh Quảng Ninh đã bị kết án 9 tháng tù giam vì không đeo khẩu trang và chống người thi hành công vụ trong thời gian “cách ly xã hội”.
Video đang HOT
South China Morning Post cho rằng Việt Nam có được thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 phần lớn là nhờ vào sự đoàn kết trong xã hội. Việt Nam xem các nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 như là “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020″. Chia sẻ với tờ South China Morning Post, cô Nguyễn Vân Trang, một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội cho biết, kể từ khi Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh cho đến nay, bố mẹ cô chưa bao giờ thấy được “mức độ tuân thủ, kỷ luật và đoàn kết cao đến như vậy”.
Trong khi đó, theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam chưa có lây lan cộng đồng mạnh nên những người cao tuổi bị nhiễm Covid-19 còn ít. “Bệnh nhân của chúng ta đang ít nên chúng ta đang có đủ phương tiện, thuốc men và bác sĩ để điều trị. Thêm vào đó, chúng ta đã có kinh nghiệm trong xây dựng phác đồ điều trị các bệnh dịch”, South China Morning Post dẫn đánh giá của PGS, TS Nguyễn Huy Nga trên mạng xã hội Lotus. Từ đánh giá của PGS, TS Nguyễn Huy Nga, bài viết của South China Morning Post không quên đề cập việc hồi năm 2003, Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm SARS nhưng đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO xác nhận khống chế được đại dịch này.
HOÀNG VŨ
Chính phủ lo, dân vẫn thờ ơ với virus Corona
Mặc khuyến cáo của chính quyền, người dân vẫn nô nức chen nhau ngộp thở xin lộc đầu năm tại các lễ hội, không có bóng dáng một chiếc khẩu trang.
Ảnh: SCMP
Đến giờ phút này, dịch viêm phổi do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra có thể được xem là điều "bất thường" đầu tiên của năm mới.
Tất nhiên, đây là câu chuyện của toàn cầu, không phải là của riêng nước nào, càng không phải của riêng Việt Nam.
Tính đến 23h30 ngày 30/1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus Corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục.
Số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines.
Năm 2002, phải mất gần bốn tháng để dịch SARS lây nhiễm 1.000 người. Trong khi đó, virus nCoV ở Vũ Hán đã lây nhiễm hơn 4.500 người chỉ sau một tháng.
Việc Corona lây từ người sang người đã được khẳng định và nghiên cứu gần đây nhất càng làm tăng thêm sự lo ngại khi cho thấy virus này có thể lây ngay cả khi người bệnh chưa có biểu hiện bệnh. Đây là yếu tố tăng khả năng lây nhiễm nguy hiểm của virus này, không một quốc gia nào được phép thờ ơ.
Đến thời điểm này, có thể nói Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã rất chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh. Thậm chí, Ban bí thư đã có chỉ đạo riêng, trong đó khẳng định trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ cấp bách lúc này là kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo người dân và cộng đồng không nên hoang mang, lo lắng nhưng phải thực hiện một số biện pháp phòng bệnh. Bao gồm nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu bắt buộc tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn tay hoặc giấy ăn để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Khi đến chỗ đông người nên đeo khẩu trang...
Không phải chỉ khi nCoV xuất hiện, đe dọa đến an toàn sinh mạng những điều này mới được nói đến. Gần như đó là khuyến cáo về giữ gìn sức khỏe thông thường bất cứ ai cũng từng được nghe đến. Đáng ra, nó phải trở thành nếp sống, văn hóa hàng ngày. Thế nhưng, quan sát nơi công cộng, rất ít người thực hiện.
Ngay giữa những ngày cao điểm chống dịch, đi trên máy bay, phương thức vận tải hiện đại bậc nhất, không hiếm gặp cảnh tượng nói chuyện oang oang. Nhiều người ho hen, khạc đờm, hắt xì hơi không che miệng, đeo khẩu trang lại càng không.
Để ý trên đường phố Hà Nội, tại các bến tàu, nhà ga, phương tiện vận tải công cộng lúc này đa phần số người dùng khẩu trang là... người nước ngoài.
Tại các lễ hội đầu năm, mặc chính quyền và cơ quan chức năng khuyến cáo về dịch bệch, hàng chục nghìn người vẫn chen vai thích cánh xin lộc đầu xuân, không tìm đâu ra bóng dáng một chiếc khẩu trang.
Người dân đang tiếp tục chủ quan và bất cẩn, điều này thường đi liền với nguy cơ và là mầm mống cho những "thảm họa" có thật.
Hơn thế, virus nCoV không chỉ gây chết người mà sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế. Ở Việt Nam, rõ nhất là khách du lịch sụt giảm, nông sản - vốn lâu nay bị phụ thuộc và thị trường Trung Quốc sẽ khó xuất khẩu.
Thanh long đã rớt giá thê thảm, có thể tới đây còn là dưa hấu, hành, tỏi... Vì vậy, ngoài chống dịch lây lan còn cần những biện pháp hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho nông sản, không phụ thuộc nguồn khách du lịch Trung Quốc.
Nếu không có giải pháp quyết liệt và tầm nhìn của Chính phủ, không có sự cẩn trọng, phối hợp của người dân, virus viêm phổi có thể gây thiệt hại khó lường trong thời gian tới.
Theo baogiaothong
Hơn 1.800 ca nhiễm virus corona, 55 người chết Số người chết tính đến ngày 26/1 là 55, tất cả đều ở Trung Quốc, và gần 400 ca bệnh mới được phát hiện trong khi virus mới đang lây lan ra nhiều nước. South China Morning Post dẫn lời giới chức Trung Quốc hôm 26/1 cho biết đã có 55 người chết vì chủng virus corona mới, xuất hiện đầu tiên tại...