Vì sao Việt Nam không lựa chọn ‘liên minh quân sự’ với nước lớn?
Trong lịch sử cũng như lý luận quân sự Việt Nam cho đến nay không có khái niệm “liên minh quân sự” để chống lại nước thứ ba, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Gần đây, một số người tỏ ra “cởi mở”, “chân thành” tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam, nhưng thực chất là tán phát quan điểm xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận trong xã hội về vấn đề phát huy vị trí địa chính trị để bảo vệ Tổ quốc. Dư luận cần hết sức tỉnh táo trước những lý lẽ của họ.
Là quốc gia có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn… những điều kiện này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, nhiều cường quốc xem khả năng kiểm soát Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình. Chính vì vậy mà Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” lớn nhất về lợi ích giữa nhiều nước lớn. Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận thấy vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam. Từ những quốc gia xa xôi trên thế giới, thậm chí bên kia đại dương đã “vươn” tới Việt Nam, mong muốn sớm thiết lập quan hệ thân thiện. Song chính vì vị trí địa chính trị đó mà dân tộc Việt Nam đã thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, dân tộc ta một mặt đã không sợ hy sinh xương máu để giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mặt khác luôn luôn phát huy trí sáng tạo trong chính sách, chiến lược hòa hiếu, “cân bằng” với các nước để có hòa bình xây dựng đất nước.
Thế nhưng trong không gian mạng với cái gọi là tự do tư tưởng, tự do “phản biện” ồn ào, một số người “bất đồng chính kiến” đã “cởi mở”, “chân thành” tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam, mà thực chất là tán phát quan điểm xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận trong xã hội. Họ cho rằng: Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo. Họ cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có “cơ hội” này. Về “thực trạng” chính trị Việt Nam hiện nay họ cho rằng: “Chỉ có hai cách tránh họa xâm lăng: (Một) là … nhắm mắt chờ đợi một biến cố nào đó xảy ra, (hai) là cam chịu mọi sự ép bức trong đó mất dần chủ quyền biển, đảo”.
Thực tế có phải như họ nói hay không? Lý lẽ nói trên của họ có gì mới không?
Trước hết, về mặt lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta trong thế kỷ 20, sở dĩ nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước là nhờ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối đó đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có các nước XHCN và nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, kể cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ.
Chúng ta cũng không phủ nhận rằng, trong một số sự kiện cách mạng Việt Nam, một số nước lớn đã lợi dụng vị trí địa chính trị của Việt Nam, thỏa hiệp với nhau vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ. Tuy nhiên, ngày nay những trang lịch sử đó đã đi vào quá khứ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều mức độ (như “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện”)… đều dựa trên lợi ích của cả hai bên. Thực tế cho thấy, trên thế giới chưa bao giờ một nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Cho nên những ý kiến “tư vấn” của người “bất đồng chính kiến” rằng: Ngày nay Việt Nam cần thiết phải lập một liên minh (chính trị-quân sự) “bằng cách nắm lấy bàn tay” của quốc gia phát triển nào đó để “giữ lấy Biển Đông…” thiết nghĩ là tư duy chính trị chưa ngang tầm.
Video đang HOT
Thứ hai, về mặt thực tiễn, phải chăng lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang ngồi nhìn nguy cơ bị xâm lấn theo hai “kịch bản” như họ vẽ ra ở trên?
Thiết nghĩ, tất cả những người yêu nước chân chính đều có quyền chia sẻ những bức xúc của mình trước những hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Nhưng cho rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta chỉ “nhắm mắt chờ đợi một biến cố nào đó xảy ra” hoặc: “Cam chịu mọi sự ép bức trong đó mất dần chủ quyền biển, đảo” là không đúng sự thật, nếu không muốn nói là “vu oan, giá họa cho người khác”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký văn kiện “Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, trong đó hai bên nhất trí: “Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”(1).
Chẳng lẽ trong các thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước trong những năm qua lại cho phép các nước lớn chèn ép, lấn chiếm lãnh thổ, biển, đảo của Việt Nam? Việc một lực lượng chính trị, hoặc quân sự cực hữu, hiếu chiến nào đó lợi dụng các quan hệ tốt đẹp được ghi trong các văn kiện chính trị mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác vì những mục tiêu đen tối của chúng thì điều đó thuộc về trách nhiệm của họ đối với lịch sử. Tất nhiên trong các cuộc trao đổi chính thức, lãnh đạo của Việt Nam cũng như nhiều đại diện của các quốc gia luôn ghi nhận nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Thêm nữa, chiến lược xây dựng tiềm lực quốc phòng của Việt Nam với việc tập trung nguồn lực tiến thẳng lên hiện đại cho các lực lượng hải quân, phòng không-không quân… là nhằm phòng ngừa cho những tình huống “bất khả kháng” – những điều chúng ta hoàn toàn không mong đợi! Từ lãnh đạo cho đến mọi người dân Việt Nam đều thấy rõ bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc, trong đó có bảo vệ chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, là nhiệm vụ tối thượng của tất cả người dân Việt Nam,
Thứ ba, phải chăng liên minh (quân sự) với nước thứ ba là giải pháp tối ưu của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ?
Xem xét đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ từ kinh nghiệm lịch sử cũng như sự phân tích logic, việc tìm kiếm “liên minh quân sự” không phải là giải pháp tối ưu, có hiệu quả trong bối cảnh chính trị quốc tế và đặc điểm về địa chính trị của Việt Nam hiện nay. Nếu như trong lý luận quân sự nói chung thì khái niệm “liên minh quân sự” là một nguyên lý quan trọng. Tuy nhiên kinh nghiệm lịch sử lại cho thấy đã có không ít sự kiện, một số nước lớn đã lợi dụng quan hệ của mình với nước nhỏ để mặc cả với nhau nhằm phục vụ cho lợi ích chiến lược của họ.
Trong lịch sử cũng như lý luận quân sự Việt Nam cho đến nay không có khái niệm “liên minh quân sự” để chống lại nước thứ ba, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Không lựa chọn chiến lược “liên minh quân sự” với một cường quốc không có nghĩa là không thể phát triển quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh với tất cả các nước để bảo vệ Tổ quốc. Thay cho khái niệm liên minh quân sự, Việt Nam có những khái niệm khác. Chẳng hạn: “Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…”; “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”; “Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh”(2). Cần lưu ý rằng, hợp tác quốc tế về quân sự của Việt Nam cũng chỉ nhằm bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, ngoài ra không có một mục đích nào khác.
Điểm đặc sắc trong lý luận quân sự Việt Nam là sự kết hợp sức mạnh quân sự với phát triển hợp tác quốc tế trên cơ sở “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế…”(3). Hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với nhiều quốc gia, trong đó có Liên bang Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia… Nội dung của sự hợp tác bao gồm mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự; chuyển giao công nghệ; cứu hộ, cứu nạn; đào tạo nhân lực…
Trong bối cảnh chính trị quốc tế ngày nay, khi cộng đồng quốc tế đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của môi trường hòa bình, của luật pháp quốc tế thì việc thực hiện nhất quán đường lối quốc phòng, an ninh gắn chặt với đường lối đối ngoại nói trên là một tất yếu khách quan, nhất là khi Việt Nam có một vị trí địa chính trị quan trọng, nhạy cảm đối với khu vực và trên thế giới.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Bàn cờ biển Đông 2015 và '8 chữ vàng' của Việt Nam
Cho đến lúc này, bài học giá trị nhất, cũng là sự thành công của Việt Nam chính là "cách ứng xử" với Trung Quốc - được gói gọn trong tám chữ: "Lõi cứng vỏ mềm, tranh thủ quốc tế".
Việc dự báo các động thái của Trung Quốc (Trung Quốc) tại biển Đông trong năm 2015 vừa khó mà lại vừa dễ. Cái khó ở đây chính là thời gian và địa điểm chính xác mà chính quyền Bắc Kinh "tung đòn hiểm" ở biển Đông. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nước có chủ quyền thực sự tại biển Đông sẽ không còn cách đối phó với những mưu mô từ Bắc Kinh ở biển Đông.
Bài viết của PGS-TS Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Mỹ)
Đọc được gì ở nước cờ của Trung Quốc
Nhìn từ "tầm cao chiến lược" thì những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sáng tỏ như ban ngày. Bởi lẽ các động thái ấy nằm trong một chuỗi mắt xích khá rõ ràng, bài bản, nhất quán nhưng không cứng nhắc.
Triết lý nền tảng của chiến lược ấy có thể được tóm gọn trong hai chữ "thời" và "thế". Bắc Kinh "thúc thủ" hay "động binh", "động binh" gì và "động" đến đâu đều tùy vào "thời" và "thế". Khi "thời thế" chưa thuận thì "ẩn mình chờ thời", lặng lẽ và âm thầm xây dựng lực lượng. Khi có khoảng trống quyền lực mở ra thì lập tức "trám chỗ". Được lúc thế thượng phong thì không ngại tạo ra xung đột để chiếm giữ những "khoảng hời" dù đó không phải của mình. Nhưng cần lưu ý là chiến lược "thời thế" được Bắc Kinh áp dụng mềm dẻo, không tạo ra các xung đột lớn. Trung Quốc đặt nặng yếu tố đánh lừa và tạo thế để không cần đánh mà vẫn thắng.
Nếu nhìn "thời thế" hiện nay thì rõ ràng tương đối thuận lợi cho Trung Quốc tiếp tục lấn lướt ở biển Đông nhưng không trơn tru để Bắc Kinh dám gây ra xung đột quân sự. Hành vi xâm lấn cùng thái độ hung hăng của Trung Quốc trong những năm gần đây khiến nhiều nước, trong đó có các nước lớn trong khu vực phải lo ngại. Song mức độ phản ứng của nhiều quốc gia vẫn chưa đủ để có thể thay đổi các nước cờ nhìn thì mới nhưng thật ra là "bài cũ" của Bắc Kinh. Điều này dễ thấy khi các nước chỉ quyết liệt khi Trung Quốc dám dụng bài quân sự, còn với chiêu trò dùng "gậy nhỏ gõ đầu khẽ" cùng mánh khóe "tằm thực" - gặm nhấm dần dần, một phương pháp xâm lấn theo kiểu "cắt lát xúc xích" - thì Bắc Kinh dường như vẫn thoải mái "múa gậy vườn hoang".
Ảnh trên: Tàu cảnh sát biển của Việt Nam kiên trung đứng vững trong suốt quá trình đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: LÊ PHI
Nếu ví thế trận ở biển Đông như một bàn cờ thì ván cờ Trung Quốc đang tạo ra không như cờ tướng hay cờ vua - nơi mà việc bày binh bố trận phụ thuộc chủ yếu vào các "võ sĩ" như "xe, pháo, mã". Trái lại, Bắc Kinh thích chơi "cờ vây" - nơi các viên đá tưởng chừng vô dụng nhưng lại có sức mạnh bội phần khi được đặt vào các vị trí chiến lược. Chúng liên kết các "địa thế" chủ chốt, tạo thành mạng lưới vây hãm đối phương khiến nước khác bối rối, lúng túng, ngột ngạt đến mức "không còn khí". Bắc Kinh ra sức hút cát lấp biển, biến đảo chìm thành đảo nổi, biến đảo nhỏ thành đảo lớn. Với tiến độ thi công chóng mặt như hiện nay, năm 2015 sẽ chứng kiến đá Chữ Thập (của Việt Nam (Việt Nam)) được Trung Quốc mở rộng thành thực thể lớn nhất quần đảo Trường Sa, lớn gấp đôi đảo Ba Bình - hiện là hòn đảo lớn nhất thuộc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Bắt đầu từ năm 2015 sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc lấn biển và xây sân bay trên đá Xu Bi ở rìa tây nam của cụm đảo tây bắc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); lấn biển và xây cảng ở đá Vành Khăn mà Bắc Kinh bí mật chiếm đoạt năm 1995; xây dựng công trình kiên cố trên bãi Scarborough - nơi Trung Quốc đánh bật Philippines ra để độc chiếm từ năm 2012. Những "viên đá" này có khả năng làm thay đổi toàn bộ cục diện biển Đông nếu Bắc Kinh biến các vị trí "bao vây" chiến lược ấy thành các căn cứ dân sự lẫn quân sự lan tỏa sức mạnh toàn vùng. Dự báo đây sẽ là một trong những "mũi giáp công" chiến lược nhất mà Trung Quốc tiếp tục theo đuổi trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Ở mặt khác, năm 2015 là thời điểm Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển chuẩn bị phán quyết vụ kiện Trung Quốc ở biển Đông do Philippines khởi xướng. Dù không công nhận phán quyết của tòa, đồng thời không tham gia vụ kiện nhưng Trung Quốc sẽ có những hành động nhằm ảnh hưởng đến quyết định của tòa. Nắm được xu hướng chung là tòa án thường sẽ phân xử theo hướng chấp nhận được cho tất cả các bên, đồng thời để truyền thông điệp "một quyết định bất lợi cho Trung Quốc chỉ làm tăng thêm căng thẳng ở biển Đông", Bắc Kinh sẽ mở rộng phạm vi và gia tăng tần suất các động thái theo kiểu mà Trung Quốc đơn phương gọi là thực thi chủ quyền ở biển Đông. Đây là một "canh bạc" vì nếu Trung Quốc quá hung hăng thì các nước sẽ gia tăng phản ứng. Nhưng dẫu thế thì Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục lấn tới cho đến khi các quốc gia phản ứng quyết liệt mới thôi. Điều này đã từng được thấy qua sự kiện giàn khoan trái phép 981 của nước này hồi tháng 5-2014.
Ảnh dưới: Trung Quốc đang trong quá trình hoàn tất các công trình xây dựng trên đá Chữ Thập - chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: IHS JANE'S
Tám "chữ vàng"
Cho đến lúc này, bài học giá trị nhất, cũng là sự thành công của Việt Nam chính là "cách ứng xử" với Trung Quốc - được gói gọn trong tám chữ: "Lõi cứng vỏ mềm, tranh thủ quốc tế". Việt Nam đã phản ứng rất quyết liệt, tôn trọng luật quốc tế, biết kiềm chế và sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam biết cách đánh động dư luận quốc tế và huy động sức mạnh của bạn bè.
Dựa trên những thành công ấy để giải ván cờ vây của Bắc Kinh, trong năm 2015 trở về sau Việt Nam nhất quyết phải tăng cường các hoạt động trinh sát, giám sát và tuần tra trên biển Đông. Điều quan trọng là làm thế nào để phối hợp hoạt động trinh sát, tuần tra với một số nước bạn bè có năng lực và chung lợi ích.
Song song đó Việt Nam cần tăng cường đưa thông tin về hoạt động ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đến giới truyền thông và lực lượng nghiên cứu quốc tế. Sẽ rất tốt nếu Việt Nam có sáng kiến nhằm thiết lập một cơ chế thông tin kịp thời, thông thoáng đến dư luận, giới truyền thông và nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cốt yếu nhất là Việt Nam phải xác định được "cách chơi cờ" chiến lược của mình, vượt hơn kiểu chơi cờ vây hiện nay của Bắc Kinh, đập tan các "nước cờ" hòng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Theo Pháp Luật
LHQ: Hàng ngàn người sẽ bị tàn sát nếu IS chiếm Kobane Phái viên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 10/10 cho hay hàng ngàn người có thể bị tàn sát nếu thành phố Kobane của Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ, rơi vào tay phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) trong bối cảnh IS đã tiến sâu vào thành phố người Kurd này. Phái viên LHQ Staffan de Mistura cho hay Kobane có thể chịu...