Vì sao video độc hại thu hút trẻ em?
Chỉ cần mở YouTube, gõ vài từ khóa, trước mắt trẻ có vô vàn video gợi ý với nội dung tương tự từ khóa tìm kiếm, nhưng không phải video nào cũng lành mạnh.
Các kênh giải trí mang tính bạo lực tràn lan trên mạng bao vây trẻ – ẢNH: CHỤP LẠI TỪ CLIP
Từ nhân vật hoạt hình bị biến dạng… đến giang hồ mạng
Ví dụ khi gõ “ Peppa Pig”( heo Peppa), một trong những nhân vật hoạt hình cho trẻ nhỏ nổi tiếng nhất thế giới thì ngoài những tập phim chính thống ra, có hàng ngàn video khác về nhân vật hoạt hình này bị bóp méo hoàn toàn. Đó là cảnh heo Peppa cha lấy dao chặt đầu heo mẹ, sau đó nhân vật chính Peppa Pig lấy súng bắn cha mình.
Hay nhân vật hoạt hình Elsa – Nữ hoàng băng giá khiến bao bạn trẻ say mê cũng bị biến dạng dưới tay của các YouTuber khi nữ hoàng này lại diễn cảnh nóng với siêu nhân nhện.
Đầy những cảnh ôm hôn, cảnh nhạy cảm, bạo lực, phản giáo dục… trong những video dành cho trẻ đăng trên các nền tảng của mạng xã hội…
Những ‘hot trend’ chết chóc trên mạng xã hội xúi giục trẻ em bắt chước
Vài năm trở lại đây, “giang hồ mạng” nổi lên như một hiện tượng thu hút giới trẻ, đặc biệt là con trai ở lứa tuổi vị thành niên. Những cái tên như K.B., Ngọc R., Khánh S… không mấy xa lạ, được xem như những “đại ca mạng xã hội” có kênh YouTube riêng, với hàng trăm ngàn người theo dõi.
Các kênh này thường xuyên tạo các clip trò chuyện hoặc quay lại các hoạt động thực tế như kéo một nhóm đi đòi lại công bằng cho một ai đó… Hình ảnh của họ được xây dựng như những anh hùng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” nên tạo được sự thu hút cực lớn, gây thích thú và không tránh khỏi việc trở thành hình mẫu trong một bộ phận trẻ vị thành niên.
Không chỉ tràn lan những clip của “giang hồ mạng” mà trên YouTube còn xuất hiện hàng loạt “ giang hồ phim ảnh”, với nội dung là các băng nhóm giang hồ tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau…
Video độc hại tràn lan trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem – CHỤP MÀN HÌNH
Người xem dễ bị tác động tiêu cực
Phân tích về các video clip này, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên (chuyên khoa Tâm thần kinh – Trị liệu tâm lý, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1) cho biết trẻ em đang trong giai đoạn phát triển chịu tác động rất nhiều từ môi trường sống và thói quen hằng ngày trong việc hình thành thói quen, tính cách, lớn lên sẽ tạo thành nhân cách.
Tương tự, trẻ xem video, hình ảnh và nội dung trên các kênh cũng chịu tác động theo cơ chế này. Những em thuộc týp thần kinh trung bình và yếu dễ bị căng thẳng, lo âu… khiến khả năng học tập giảm sút. Cũng có những em trong lứa tuổi thanh thiếu niên bị thất bại trong học tập, cuộc sống nếu được tiếp xúc với game, mạng xã hội, video về những trào lưu bạo lực thì rất dễ bị thu hút.
“Khi tiếp xúc nhiều với những video, trò chơi và những thử thách độc hại trên mạng xã hội lâu ngày, các em có thể bị rối loạn về tính cách, lối hành xử không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, khi tiếp xúc nhiều với những video này, trẻ có thể bị nghiện và bị nội dung của những video độc hại ăn sâu vào suy nghĩ nên rất khó để thành công ngoài đời thực”, bác sĩ Khuyên phân tích.
Lý giải tại sao những video trên mạng lại có sức mạnh sai khiến trẻ đến vậy, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho rằng những video được sản xuất bởi các YouTuber đa phần là để câu view, rất dễ dàng dẫn dụ người xem vì nội dung hình ảnh bắt mắt, những câu chuyện kinh dị khiến người xem tò mò. Vì sự tò mò, trẻ sẽ bị cuốn theo những video này, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen và trẻ dễ bị nghiện lúc nào không hay.
Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, nghiên cứu sinh tâm lý Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng những video tồn tại được trên mạng và thu hút được thị hiếu vì đánh trúng tâm lý từng độ tuổi. Ngoài ra, việc tiếp cận những video này cũng rất dễ khi cha mẹ thả điện thoại, thiết bị điện tử cho con.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt tuổi vị thành niên, ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Thạc sĩ Tiến nhìn nhận: “Những cảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên YouTube, Facebook mà ở đó giang hồ xuất hiện như những anh hùng, một người thành đạt, có chí khí là một món ăn độc hại đối với những đứa trẻ của thời mạng xã hội lên ngôi”.
Thật vậy, dư luận gần đây không khỏi bàng hoàng, sửng sốt bởi hàng loạt vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực rồi tung lên mạng xã hội. Đáng sợ hơn, không ít vụ giết người mà tội phạm còn đang ở tuổi vị thành niên.
Đừng quên tạo giá trị cho xã hội
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM, đánh giá nhiều người sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) đều chạy theo thị hiếu để câu view, tạo like để kiếm quảng cáo.
“Càng giật gân, càng khác người thì lại càng thu hút, nên rất nhiều người vì lòng tham mà bất chấp pháp luật và quên đi các giá trị đạo đức, tinh thần, nhân văn để kiếm tiền. Mỗi lần tạo sản phẩm đưa lên mạng, các bạn hãy nghĩ những đứa trẻ đang xem mình giống như là con của mình vậy. Nếu xem chúng như con mình thì hãy làm những nội dung phù hợp, hấp dẫn nhưng phải có giá trị giáo dục. Một kênh như vậy thì sẽ rất bền vững”, tiến sĩ Thúy nhìn nhận.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế (ĐH Huế), cũng cho rằng các YouTuber không nên kiếm tiền bằng mọi giá, hãy đặt cái tâm của mình lên trước và khi đã tạo được giá trị cho xã hội từ cái tâm thì sẽ tồn tại lâu bền.
Vụ YouTuber Thơ Nguyễn, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước video độc hại?
Hình ảnh heo peppa cha chặt đầu heo mẹ, còn heo con lấy súng bắn cha, hay cảnh ôm hôn nhạy cảm của siêu nhân, lấy dao chém nhau... là những hình ảnh video độc hại tràn lan trên mạng với lượt xem rất cao.
Video độc hại tràn lan trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem - CHỤP MÀN HÌNH
Mới đây đoạn clip YouTuber Thơ Nguyễn cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để "xin vía học giỏi" được đăng tải trên kênh youtube gần 10 triệu người đăng ký và kênh TikTok khiến dân mạng rất bức xúc.
Cụ thể, YouTuber Thơ Nguyễn, một "hot" YouTuber mà nhiều thiếu nhi và cha mẹ theo dõi, đã đăng tải clip trên tay ôm một con búp bê, tay kia cầm chiếc vòng để trước mặt búp bê và giới thiệu có nhiều bạn nhỏ nhờ xin vía học giỏi.
Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt.Trên thế giới mạng hiện nay tồn tại rất nhiều kênh, các clip với đa dạng nội dung dành cho trẻ em có cả tốt lẫn xấu rất khó kiểm soát.
YouTuber Thơ Nguyễn "cảm thấy suy sụp" sau vụ xin vía búp bê
Những nhân vật hoạt hình bị... biến dạng
Heo peppa (Peppa Pig) là một trong những nhân vật hoạt hình rất phổ biến, ra mắt khán giả truyền hình năm 2004 tại Anh. Peppa Pig - con heo hoạt hình mặc váy đỏ 4 tuổi và được đánh giá là một trong những nhân vật hoạt hình đắt giá nhất thế giới với hàng loạt video trên nhiều kênh.
Nhưng ngoài những bộ phim chính thức do Công ty Canada Entertainment One Ltd., nhà phân phối phim điện ảnh và truyền hình làm ra thì trên mạng xã hội, đặc biệt là trên YouTube còn có hàng triệu phiên bản video "chế" mang tên nhân vật hoạt hình này. Trong đó có cả những video heo peppa kinh dị đầy cảnh bạo lực, máu me, chém giết... Điều đặc biệt là những video chế cũng thu hút lượt xem không kém các video chính thống khi đạt tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem chỉ sau vài tháng.
Ví dụ, như trong tập phim 'Peppa Pig" - tập phim kinh dị do kênh J5 đăng tải đã thu hút tới hơn 27,4 triệu lượt xem chỉ sau 4 tháng. Mở đầu tập phim này là những âm thanh rùng rợn cùng tiếng la hét thất thanh, heo peppa tò mò đi ra khỏi phòng ngủ cùng một chú heo khác thì nhìn thấy hình ảnh chiếc đầu của mẹ đầy máu me đặt trên bàn, sau đó heo peppa cha đi vào với cây dao còn dính máu, cuối cùng heo pappa đã lấy súng bắn cha mình...
Video này sau đó được rất nhiều Youtuber Việt nhận xét, đăng phát lại và cũng thu hút cả triệu lượt xem chỉ sau 1-2 tháng.
Cũng nhân vật hoạt hình này, trên mạng xuất hiện đầy những video bạo lực, ma quỷ khác như hình ảnh heo peppa tự cầm dao làm thương chính mình, hình ảnh kim tiêm đầy máu, cầm dao đâm chém nhau...
Tương tự, trên các kênh này cũng xuất hiện nhan nhan những nhân vật hoạt hình nổi tiếng đã bị bóp méo, biến dạng như hình ảnh công chúa Elsa mang bầu với siêu nhân người nhện, công chúa Elsa ngoại tình...
Trong video "Pregnant Elsa & Spiderman" xuất hiện hình ảnh công chúa Elsa đang mang bầu, mặc đồ bikini và đang hôn... Spiderman. Trong một tập phim khác, nữ hoàng băng giá lại bị các YouTuber bóp méo thành hình ảnh cô gái mặc bikini hở hang, ôm hôn Jack (một nhân vật khác trong phim Nữ hoàng băng giá) trong bồn tắm cùng nhiều cảnh nhạy cảm khác. Những video đô này cũng thu hút lượt xem rất cao.
Điều đặc biệt là những nhân vật hoạt hình nổi tiếng, những video khác dành cho trẻ em với những nội dung bạo lực, cảnh nhạy cảm, máu me, phản giáo dục... xuất hiện tràn lan trên các kênh và trẻ em rất dễ dàng tiếp xúc với những video này.
Những 'hot trend' chết chóc trên mạng xã hội xúi giục trẻ em làm theo
Hãy chủ động bảo vệ con mình
Cũng là một Youtuber nỗi tiếng, sở hữu hơn 46.000 người đăng ký cùng trang Facebook cá nhân lên tới gần 290.000 người theo dõi, anh Lê Xuân Đức (34 tuổi, Hà Nội), chủ Fanpage và kênh YouTube Bố Con Sâu cho rằng rất khó để các kênh này kiểm soát được hết video độc hại. Phụ huynh cần phải chủ động "lập hàng rào" để bảo vệ con mình.
Hình ảnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng bị bóp méo nhan nhản trên các kênh video dành cho trẻ em - CHỤP MÀN HÌNH
Bàn về đoạn clip YouTuber Thơ Nguyễn cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để "xin vía học giỏi", anh Lê Xuân Đức phân tích: "Thực tế bản chất của vấn đề không nằm ở Thơ Nguyễn, mà nằm ở chính phụ huynh. Nếu không còn Thơ Nguyễn, thì sẽ còn có rất nhiều kênh khác, những nội dung phản cảm, phi giáo dục vẫn đầy rẫy ở trên mạng xã hội. Ai cũng muốn bảo vệ con mình tránh những nội dung không lành mạnh, nhưng chúng ta không thể khoá hết được".
"Trẻ em không phân biệt được tính giáo dục hay không giáo dục. Trẻ em chỉ thích những thứ ngược đời, màu mè, những thứ bố mẹ không đồng ý cho làm ở nhà... Và nhiều YouTuber đang làm được điều đó", anh Xuân Đức chia sẻ.
Cũng theo YouTuber này, hiện nhiều phụ huynh thường xuyên cho con xem YouTube, Tik Tok và các trang mạng khác mà không kiểm soát nội dung, mặc kệ con thích xem gì thì xem. Nếu có phát hiện thì cũng chỉ la rầy rồi bắt chuyển kênh chứ không có những cách xử lý quyết liệt. Trách nhiệm của bố mẹ là tìm cách kiểm soát nội dung cho con xem, nghiêm cấm xem các kênh không được phép. Người lớn phải có trách nhiệm dẫn dắt, định hướng cho trẻ, đừng để người trên mạng làm việc đó thay chúng ta.
Bản thân cũng là một YouTuber sở hữu hàng chục ngàn lượt đăng ký, anh Lê Xuân Đức cho biết nội dung video của anh chủ yếu xoay quanh sinh hoạt của hai cha con, một số bài hát do cả hai thể hiện.
"Mình đặt tiêu chí giáo dục và nhân văn mỗi khi làm hay đăng tải bất kỳ video nào", anh Xuân Đức nói.
Các biện pháp kỹ thuật bảo vệ con khỏi video độc hại
Cũng có con nhỏ, chủ Fanpage và kênh YouTube Bố Con Sâu cho biết, để bảo vệ con, bản thân anh đã cài đặt chế độ lọc nội dung trên YouTube, vô hiệu hoá tính năng gợi ý các video. Thường thì YouTube sẽ đề xuất hàng loạt các video căn cứ vào nội dung mà bạn đã xem trước đó, đôi khi con bạn có thể sẽ tìm thấy những nội dung tiêu cực.
Ngoài ra, với con nhỏ, anh để con dùng ứng dụng YouTube Kids, đồng thời tắt tính năng tìm kiếm, tạo danh mục phát video, có thể tự tạo lập danh sách 50 hoặc lớn hơn các video mà bạn muốn cho con xem để hạn chế các video độc hại...
Để con trẻ không lạc lối trên internet Giữa muôn trùng nội dung tốt xấu trên internet hiện nay, các phụ huynh có thể tận dụng nhiều biện pháp nhằm không chỉ kiểm soát mà còn định hướng con mình không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nội dung chưa phù hợp. Cha mẹ cần hướng dẫn con trẻ tiếp cận các nội dung phù hợp - ẢNH: ĐỘC LẬP...