Vì sao VFF phải đẩy nhanh tiến độ tìm Phó Chủ tịch tài chính?
Trái với kế hoạch từng được đặt ra hồi cuối năm ngoái, VFF gặp trục trặc về tài chính do dịch ảnh hưởng Covid-19, muốn sớm tìm Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính, dựa vào chính các ứng cử viên cũ.
Ở Đại hội thường niên của chính VFF hồi cuối năm ngoái, cơ quan điều hành bóng đá nội tự tin đến mức tuyên bố chưa cần đến chức danh Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính, do các nguồn thu của VFF lúc đó rất ổn định, nhờ tiếng vang của các đội tuyển quốc gia ở các giải quốc tế.
Nhưng đấy cũng là thời điểm mà VFF không ngờ việc dịch Covid-19 xuất hiện, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực nói chung, trong đó có bóng đá và có VFF.
Sau động thái giảm lương nhân viên, VFF tiếp tục cho biết các nguồn thu trong năm 2020 dự kiến giảm thêm 6% (khoảng 15 tỷ đồng), và để các hoạt động của bóng đá Việt Nam do VFF quản lý không đi chệch kế hoạch vì nguồn thu giảm sút, cơ quan điều hành bóng đá nội buộc phải tính đến chuyện bổ sung thêm PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
VFF muốn sớm tìm ra PCT phụ trách tài chính mới, nhằm giải quyết các khó khăn hiện tại, đồng thời giúp cho hoạt động của các đội tuyển không bị ngưng trệ
Vị trí này hiện do PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm, sau khi người được bầu hồi đầu nhiệm kỳ 8 là ông Cấn Văn Nghĩa từ chức. Tuy nhiên, như đã nói, trong bối cảnh bình thường, khi mọi hoạt động đều trơn tru, ông Tuấn có thể kiêm nhiệm được, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, việc kiêm nhiệm thêm vai trò phụ trách tài chính có thể là việc quá sức đối với vị PCT chuyên về chuyên môn.
Thành ra, thay vì chờ đến cuối năm như thông lệ, VFF dự định sẽ tổ chức đại hội thường niên ngay trong tháng 8 tới, để sớm bầu người giữ cương vị PCT phụ trách tài chính. Việc tổ chức đại hội sớm cũng là để các ứng cử viên chủ động trong tâm lý cũng như trong các kế hoạch tranh cử, và kế hoạch hành động trong trường hợp trúng cử PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF.
Video đang HOT
Các ứng cử viên này cho đến nay, có khả năng không phải là những gương mặt mới, mà đa số đều là những người từng tranh cử trước khi bước vào nhiệm kỳ 8.
Những nhân vật được nhắc đến hiện tại có ông Trần Văn Liêng – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng giám đốc công ty Berjaya Việt Nam.
Đấy là những nhân vật ở ngoài VFF. Còn có thêm ít nhất 3 ứng cử viên khác hiện có tên trong Ban chấp hành (BCH) VFF, vừa là doanh nhân, vừa là những nhà quản lý thể thao ở các cấp độ khác nhau.
Đó là các ông Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Động Lực), ông Trần Anh Tú (chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam) và ông Phạm Thanh Hùng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang, PCT Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh).
Dĩ nhiên, riêng ở thời điểm hiện tại, nhận nhiệm vụ PCT phụ trách tài chính của VFF là rất khó khăn, khó khăn hơn những hoàn cảnh bình thường khác, vì như đã nói, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh của mình, chuyện tài trợ cho bóng đá giờ chỉ là chuyện phụ, nên VFF sẽ khó kêu gọi tài trợ hơn.
Nhưng khó cỡ nào thì các hoạt động của bóng đá nội cũng không thể ngưng trệ, đồng thời càng gặp hoàn cảnh khó thì vai trò của người nhận trọng trách này càng đáng giá, rồi trong cái khó mới “ló” cái tài của nhân vật nắm kinh – tài cho VFF!
V-League trước bài toán chống tiêu cực
Việc rút ngắn giải đấu giúp cho V-League căng hơn ở cuộc đua trang ngôi vô địch, nhưng cũng có khả năng dẫn đến nguy cơ "nhường điểm", "cho điểm". Điều quan trọng là nhà tổ chức giải phải tinh tường.
Bất cứ phương án nào cũng có ưu điểm và có cả mặt trái, điều quan trọng là những người cầm cân nẩy mực phải tinh, phải sáng suốt và phải đủ cái uy, cái dũng khi cần sử dụng đến cái uy và cái dũng đấy.
Phương án rút gọn V-League, tất cả 14 đội đá vòng tròn 1 lượt ở giai đoạn 1, sau đó phân nhóm đá tiếp vòng tròn 1 lượt (theo từng nhóm) ở giai đoạn 2 của V-League 2020, có ưu điểm là buộc các đội phải tập trung cao độ hơn, bởi đường đua sẽ ngắn hơn.
Đặc biệt, với các đội tranh ngôi vô địch, họ không còn nhiều thời gian để "chạy đà" như các mùa giải trước đây. Muốn vô địch, các ứng cử viên phải chiến đấu cật lực ngay từ đầu, đặc biệt là tránh sẩy chân trước các đối thủ trực tiếp.
Nhiệm vụ chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở mùa giải đặc biệt năm nay
Nhưng mặt trái của phương án này nằm ở chỗ với các đội không đá để vô địch, cũng không lo trụ hạng thì sao? Đường đua càng ngắn, số lượng đội tranh chung kết xuôi (8 đội) và chung kết ngược (6 đội) càng được phân hoá, thì vai trò của các liên minh, tức là nhóm các đội có chung mục đích và chịu chung sự ảnh hưởng nào đấy càng dữ dội.
Những đội đã yên tâm trụ hạng, nhưng lại không có chỉ tiêu leo cao sẽ yên tâm với vị trí của mình, rồi từ chỗ hết động lực, có thể dẫn đến nguy cơ "nhường điểm", "cho điểm" vì tình thân và vì ý đồ tiêu cực.
Phương thức phân nhóm đá VCK xuôi và ngược là phương thức mà bóng đá Việt Nam từng áp dụng ở giải đội mạnh toàn quốc (tương đương với V-League ngày nay) cách nay hơn 20 năm.
Ngày ấy, cũng vì phương thức này dễ nẩy sinh tiêu cực theo cách nêu ở trên, nên khi tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá nội mới bỏ kiểu VCK, để đá theo dạng league, vòng tròn 2 lượt như các nền bóng đá tiên tiến thế giới vẫn làm.
Hoàn cảnh đặc biệt sau dịch Covid-19 buộc chúng ta phải quay lại với phương thức đấy, nhưng cũng từ chỗ trở lại với phương thức tổ chức cũ, những nhà điều hành bóng đá nội phải có cách làm khác với những năm tháng cũ, để loại trừ bóng ma tiêu cực.
Ví dụ nếu đá theo kiểu cũ, xoá toàn bộ điểm số của các đội ở giai đoạn 1, đồng loạt trở lại vạch xuất phát từ giai đoạn 2, thì nhóm những đội đã chắc suất top 8 hoặc yên phận ở nhóm 6 đội cuối bảng sẽ như thế nào? Khả năng có đội lợi dụng kẻ hở này để "tát nước theo mưa" là khả năng không thể loại trừ.
Ngược lại, nếu các nhà làm giải vẫn giữ điểm số giai đoạn 1, đòi hỏi tất cả đội bóng phải tăng tốc ngay từ đầu để chiếm lợi thế mà không có nhiều toan tính. Đến giai đoạn 2, họ vẫn phải dốc sức thi đấu để tranh các thứ hạng hoặc tránh rớt hạng, vì giai đoạn 2 rất ngắn.
Dĩ nhiên, phương án nào cũng có ưu và có nhược, nhưng việc giữ lại điểm số sau giai đoạn 1 sẽ công bằng với các đội, thay vì xoá sạch đá lại từ đầu.
Ngoài ra, để chống tiêu cực thì rất cần sự tinh tường, cần cái uy, cái dũng của những nhà điều hành giải. Đòi sự tự giác của tất cả các đội và toàn bộ nền bóng đá là điều không tưởng, và nếu có sự tự giác tuyệt đối đấy thì có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ chẳng cần đến các đơn vị hành pháp, cơ quan thực thi kỷ luật và cả tổ chức điều hành.
Đây là lúc mà VPF cần thể hiện vai trò của mình, sau khi quá mờ nhạt trong thời gian vừa qua. VPF từng bị chê là thiếu nhạy bén khi đưa ra các phương án tái khởi động V-League trong thời gian đầu, nhưng toàn xa rời thực tế, trong khi phương án đá rút gọn hiện tại xuất phát từ đề xuất của HLV Chung Hae-Seong của CLB TPHCM, sau đó được cải tiến, chứ dấu ấn của VPF đối với phương án này rất nhỏ.
Mong rằng trong công tác điều hành giải V-League 2020, cũng chống tiêu cực ở mùa giải đặc biệt này, VPF có thể làm tốt hơn những gì mà họ từng thể hiện trong thời gian qua, nhằm tạo sự công bằng cho toàn bộ giải đấu!
Đội tuyển Việt Nam chờ những tính toán mới của HLV Park Hang Seo Có thể tính toán bây giờ là hơi sớm, vì bóng đá toàn cầu chưa hẹn ngày trở lại. Tuy nhiên, chuyện HLV Park Hang Seo lên kế hoạch cho đội tuyển cũng là bình thường, vì đấy là công việc của ông. Và thầy Park dường như đang có những phép tính mới cho đội tuyển Việt Nam. Xung quanh sa bàn...