Vì sao Ủy ban Tư pháp Hạ viện dời bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump?
Sau phiên họp kéo dài 14 tiếng, ông Nadler thông báo rằng ủy ban sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào sáng 13/12 và gõ búa xuống chấm dứt phiên tòa.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler tối 12/12 (giờ địa phương) đột ngột cho dừng cuộc tranh luận tại ủy ban này về các điều khoản luận tội Tổng thống Trump và cho tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào sáng 13/12 (giờ địa phương). Động thái này đã gây ra sự phản đối dữ dội ở đảng Cộng hòa sau một phiên họp marathon kéo dài hơn 14 tiếng.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler. Ảnh: Reuters
Khi cuộc thảo luận dường như dần ngã ngũ và bước vào phần bỏ phiếu cuối cùng về các điều khoản luận tội, ông Nadler thông báo rằng ủy ban sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào sáng 13/12 và gõ búa xuống chấm dứt phiên tòa. Phiên tòa luận tội Tổng thống Trump sẽ nối lại vào 10h sáng thứ Sáu (13/12, giờ Mỹ).
“Đã trải qua 2 ngày dài cân nhắc các điều khoản luận tội và bây giờ đã quá trễ. Tôi muốn các thành viên của cả 2 bên suy nghĩ về những điều đã xảy ra trong 2 ngày qua trước khi chúng ta tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Vì vậy, Ủy ban sẽ dừng phiên thảo luận này cho tới 10h sáng ngày mai”, ông Nadler cho biết.
Đảng Cộng hòa vô cùng bất ngờ và giận dữ trước động thái này khi trước đó, họ cho rằng cuộc bỏ phiếu sẽ hoàn thành vào tối 12/12. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cáo buộc rằng đảng Dân chủ muốn tiến hành cuộc bỏ phiếu trên truyền hình và bỏ qua những sửa đổi bổ sung mà đảng Cộng hòa đề xuất lúc 17h ngày 12/12 (giờ địa phương).
Trong khi đó, đảng Dân chủ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa chính là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này. Họ cho rằng đảng Cộng hòa đã nỗ lực kéo dài tiến trình luận tội và trì hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng cho tới nửa đêm.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Debbie Mucarsel-Powell – một thành viên trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho rằng đảng Cộng hòa muốn kéo dài thời gian đến nửa đêm để không có nhiều người theo dõi phiên tòa này. Do đó, quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra vào sáng thứ Sáu là nhằm đảm bảo có nhiều người chứng kiến thời khắc lịch sử này hơn, bất chấp động thái trên có thể khiến đảng Cộng hòa tức giận.
Trước khi phiên tòa đột ngột dừng lại, Ủy ban Tư pháp đã thảo luận về 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump là lạm quyền và cản trở Quốc hội với sự bất đồng sâu sắc giữa 2 đảng.
Động thái của Ủy ban Tư pháp sẽ chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Hạ viện vào tuần sau và khiến Tổng thống Trump là Tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội.
Phiên tòa ngày 12/12 là minh chứng mới nhất và rõ ràng nhất cho thấy đảng Dân chủ sẽ luận tội Tổng thống Trump vào tuần sau. Đảng Dân chủ cáo buộc rằng Tổng thống Trump phải bị luận tội vì lạm quyền khi gây sức ép lên phía Ukraine nhằm điều tra đối thủ chính trị là cựu Phó Tổng thống Joe Biden bằng cách hoãn khoản viện trợ quân sự và cuộc họp ở Nhà Trắng, đồng thời nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã cản trở cuộc điều tra của Quốc hội.
Video đang HOT
Trong khi đó, đảng Cộng hòa phản pháo rằng đảng Dân chủ đang thúc đẩy quá trình luận tội song không có bằng chứng thuyết phục nào về những hành động sai trái của ông Trump.
(Nguồn: CNN, The Guardian)
Theo KIỀU ANH/VOV.VN
Ông Trump bị luận tội, cơn ác mộng dài với nước Mỹ
Sức hút cũng như kịch tính của các phiên điều trần luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình sẽ ghi dấu ấn vào lịch sử và vang vọng đi rất xa.
Giai đoạn quan trọng nhất của cuộc điều tra Ukraina cho đến nay có nhiều ý nghĩa to lớn, vượt ra ngoài danh tiếng chính trị và cá nhân của Tổng thống Trump cũng như câu hỏi liệu ông có lạm dụng quyền lực bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ chính trị từ một thế lực nước ngoài.
Hệ lụy khôn lường
Số phận của ông Trump sẽ dẫn đến những hệ quả sâu rộng cho những hiểu biết trong tương lai về các quyền lực được trao cho tổng thống. Các phiên điều trần sẽ sát hạch xem liệu bộ máy quản lý cổ xưa của Mỹ có thể điều tra một vị tổng thống luôn phớt lờ các cáo buộc chống lại ông hay không.
Bất chấp tường lửa bảo vệ hiện tại của phe Cộng hòa dành cho ông Trump, các phiên điều trần sẽ bắt đầu quyết định liệu việc ông lên nắm quyền ở Nhà Trắng, vốn đã làm rung chuyển cả nước Mỹ và thế giới có thể kéo dài hết nhiệm kỳ bình thường được hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất cuộc đời ông. Ảnh: Reuters
Bản thân việc rốt cuộc cũng diễn ra một quá trình luận tội và cuộc tranh cãi về việc liệu tổng thống có sai phạm đến mức cần phải bị phế truất giữa các cuộc bầu cử hay không, đã là một thảm kịch quốc gia. Đó là lý do tại sao ông Gerald Ford gọi vụ bê bối Watergate dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974 trước khi chính thức bị luận tội là một "cơn ác mộng dài với quốc gia".
Theo CNN, những gì diễn ra trong vài tháng tới sẽ tạo thành vết sẹo tồn tại trong nhiều năm nữa với nước Mỹ. Tương tự như các cuộc luận tội đối với các cựu Tổng thống Bill Clinton (năm 1998) và Andrew Johnson (năm 1868) trước đây, quá trình này sẽ phản ánh và tăng cường cuộc nội chiến tư tưởng đang xé nát sự thống nhất quốc gia và đe dọa động lực tiến lên của nước Mỹ.
Các lãnh đạo Dân chủ, những người từng chống lại yêu cầu luận tội Tổng thống Trump từ các nhà hoạt động tự do trong đảng của họ suốt một thời gian dài, đang mạo hiểm bằng cách dấn thân vào con đường hiến pháp quan trọng này. Tuy nhiên, trước những tiết lộ chấn động về cách hành xử của ông Trump với Ukraina, họ có thể chẳng có mấy lựa chọn chính trị.
Rất có thể các thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ không bỏ phiếu để kết án và phế truất Tổng thống Trump, mở ra khả năng dẫn tới một phản ứng chính trị dữ dội. Song, hiện vẫn chưa rõ liệu phe Dân chủ hay phe Cộng hòa sẽ nhận kết cục tồi tệ hơn. Ông Trump nhiều khả năng xem việc thoát khỏi sự kiểm duyệt là sự phê chuẩn đối với các hành vi không kiềm chế được của ông và là giấy phép thông hành để ông tiếp tục thử thách các tập tục hiến pháp.
Động thái của phe Dân chủ có thể khiến ông Trump trở thành tổng thống thứ ba từng bị luận tội trong lịch sử Mỹ. Ông Trump hiện đối mặt với cáo buộc chống lại đất nước và hệ thống chính trị đang bảo vệ các quyền tự do của Mỹ. Cụ thể, các nhà lập pháp Dân chủ buộc tội tổng thống đương nhiệm âm mưu dùng một thế lực nước ngoài để tác động vào một cuộc bầu cử của Mỹ.
Vụ việc rốt cuộc có thể bao gồm cả những sai phạm tài chính trong quá trình vận động tranh cử, việc ông vi phạm lời thề sẽ duy trì luật pháp và hiến pháp lúc nhậm chức cũng như nghi vấn ông cản trở công lý thông qua việc từ chối cung cấp các nhân chứng và bằng chứng. Nói một cách bóng bẩy, sự cố sẽ chứng thực nỗi sợ hãi của những người sáng lập nước Mỹ về một trong những mối đe dọa lớn đối với nền dân chủ họ xây dựng.
"Lịch sử và kinh nghiệm chứng minh, tác động của nước ngoài là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất đối với chính phủ cộng hòa", Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington từng nhấn mạnh trong bài diễn văn chia tay sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo.
Các thủ thuật của phe Dân chủ
Đảng Dân chủ cáo buộc, Tổng thống Trump đã có nỗ lực ngoại giao tinh vi nhằm gây áp lực buộc chính phủ Ukraina phải điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (đối thủ hàng đầu của ông trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020) và tạo dựng thuyết âm mưu rằng Ukraina chứ không phải Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Họ cũng tin, ông Trump đã cố tình trì hoãn các khoản viện trợ quân sự gần 400 triệu USD để gia tăng sức ép với Kiev, cũng như đặt điều kiện cho chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Theo giới phân tích, để buộc ông Trump phải rời ghế lãnh đạo, đảng Dân chủ phải tận dụng các phiên điều trần bắt đầu từ ngày 13/11 để khiến những người trung lập và các thành viên ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa chống lại tổng thống.
Họ hy vọng, lời khai của các nhân chứng bao gồm cả những quan chức ngoại giao như quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraina Bill Taylor, người sẽ mở đầu phiên điều trần ngày 13/11, được đánh giá đáng tin cậy và đủ sức chống lại các nỗ lực phản kích của đảng Cộng hòa. Họ sẽ khắc họa cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraina bị cách chức Marie "Masha" Yovanovitch, người dự kiến ra điều trần vào ngày 15/11 như là nạn nhân trong kế hoạch của ông Trump nhằm làm lợi cho bản thân, chứ không phải vì lợi ích quốc gia Mỹ.
Phe Dân chủ cũng đang cố gắng thay đổi toan tính chính trị của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa, vốn nhiều khả năng không muốn bỏ rơi ông Trump ở thời điểm hiện tại và tạo nên đa số (2/3 số nghị sĩ) bỏ phiếu kết tội ông trong một phiên xử sau đó ở Thượng viện.
Về cơ bản, phe Dân chủ đang tìm cách xây dựng những khoảnh khắc dành cho truyền hình, có thể kể câu chuyện về vụ bê bối Ukraina bằng những thuật ngữ đơn giản, tương tự như các phiên điều trần của Thượng viện trong vụ Watergate thời cựu Tổng thống Nixon.
Hiện vẫn chưa rõ liệu họ đã có trong tay một nhân chứng đủ tầm ảnh hưởng như cựu cố vấn Nhà Trắng John Dean, người từng tuyên bố với ông Nixon về "một khối ung thư đang phát triển trong chính quyền của tổng thống" hay chưa.
Hàng rào bảo vệ của phe Cộng hòa
Kể từ khi bê bối Ukraina bùng nổ, đảng Cộng hòa đã phải vật lộn để duy trì sự bảo vệ nhất quán dành cho tổng thống. Bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm gây tranh cãi ngày 25/7 giữa ông Trump với người đồng cấp Ukraina Zelensky đã tạo phản ứng ngược, vì nó không "hoàn hảo" như lãnh đạo từng tuyên bố.
Hàng loạt lời khai của các nhân chứng bị rò rỉ ra bên ngoài càng trầm trọng hóa rắc rối của ông Trump. Đáp trả, đảng Cộng hòa đã yêu cầu phải công khai danh tính người tố cáo thuộc cộng đồng tình báo, nhân vật đầu tiên lên tiếng cảnh báo về cuộc điện đàm Trump - Zelensky.
Các nghị sĩ Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện chắc chắn sẽ tìm cách dập tắt những hy vọng của đảng Dân chủ về việc phơi bày sai phạm của tổng thống một cách rõ ràng trước công chúng.
Đảng Dân chủ đã đấu tranh để ngăn chặn các phiên điều trần cấp cao trước đây biến thành chương trình biểu diễn trong rạp xiếc. Lần này, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã ra sắc lệnh, các nhân chứng sẽ bị các luật sư của cả hai đảng thẩm vấn trước, ít nhất là trì hoãn các chiêu trò chính trị.
"Các chính khách Cộng hòa đã thiết lập hàng rào bảo vệ tổng thống bằng nhiều thủ thuật khác nhau, không trực tiếp liên quan đến các cáo buộc chống ông Trump. Họ gọi đây (cuộc điều tra luận tội của Hạ viện nằm dưới quyền kiểm soát của phe Dân chủ) là một cuộc điều tra định kiến, bới lông tìm vết", Claire Finkelstein, một lãnh đạo khoa tại Trung tâm Đạo đức và Quy tắc luật pháp thuộc Trường Luật, Đại học Pennsylvania nhận định.
Theo chuyên gia Finkelstein, cách tiếp cận của đảng Cộng hòa về cơ bản là đặt cược vào những lập luận hùng hồn nhằm che mờ tính nghiêm trọng của các cáo buộc đang được trình bày trước công chúng.
Trong khi đó, ngoài việc phủ nhận tính chính thống của cuộc điều tra luận tội của Hạ viện như từng làm với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller trước đây, bản thân Tổng thống Trump cũng đang "tung hỏa mù" bằng cách tung ra hàng loạt thuyết âm mưu, những phát biểu gây hoài nghi, phân tán sự tập trung của công chúng.
Tuy nhiên, bà Finkelstein cảnh báo, các thủ thuật gây nhiễu có thể vô tác dụng vì khi các phiên điều trần công khai bắt đầu, dư luận sẽ tập trung vào các cáo buộc thực tế. Đó là điều từng xảy ra tại các phiên điều trần cựu Tổng thống Nixon trong bê bối Watergate (gài thiết bị nghe lén đối thủ) trước đây.
Tuấn Anh
Theo danviet.vn
Nhân chứng luận tội: TT Trump 'gian lận để thắng cử' Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump được chuyển sang Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nơi sẽ bỏ phiếu luận tội. Ủy ban đã có phiên điều trần gay gắt ngày 9/12. Trong phiên điều trần kéo dài nguyên một ngày, các nghị sĩ Dân chủ tiếp tục lập luận rằng việc ông Trump treo viện trợ quân sự để yêu...