Vì sao Trung Quốc không ngăn được Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân
Trung Quốc không coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu, và khó kiểm soát chặt các công ty Triều Tiên làm ăn trên lãnh thổ.
Dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên qua truyền hình. Ảnh: Yonhap
Việc Bình Nhưỡng tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ năm và mạnh nhất từ trước tới nay hôm qua đã khiến dư luận thế giới bất ngờ, đồng thời đặt câu hỏi về khả năng cũng như quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân Triều Tiên của quốc gia láng giềng Trung Quốc, theoUSAToday.
Trung Quốc là hàng xóm, đồng minh và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Dù đã lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, và đã nhất trí với các biện pháp cấm vận do Liên Hợp Quốc áp đặt sau vụ thử hạt nhân hồi tháng một của Bình Nhưỡng, chính quyền Bắc Kinh vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ có những biện pháp thực tế, mạnh mẽ để kiềm chế quốc gia đồng minh này.
“Cộng đồng quốc tế muốn thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chấm dứt tham vọng hạt nhân của mình, họ cần phải cho ông Kim thấy được rằng ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ”, Scott Snyder, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
Nguy cơ đó chỉ có thể đến từ người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, vốn luôn coi Triều Tiên là vùng đệm cần thiết giữa biên giới của họ với Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ, nơi có gần 30.000 lính Mỹ thường xuyên đồn trú.
“Trung Quốc không hề muốn tạo ra sự bất ổn về tinh thần ở Triều Tiên có lợi cho Mỹ”, Snyder nói. “Ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì sự ổn định ở biên giới. Điều đó có nghĩa là họ không hề muốn đặt sự tồn vong của Triều Tiên vào vòng nguy hiểm”.
Video đang HOT
Liên Hợp Quốc đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, trong đó có cả những biện pháp cấm vận khắc nghiệt nhất từ trước tới nay. Thế nhưng các đòn trừng phạt này dường như không mấy phát huy hiệu quả, bởi Bình Nhưỡng gần như tách biệt với hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters
Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia John Park tại Đại học Harvard và Jim Walsh thuộc Đại học MIT cho thấy các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc “không phát huy hiệu quả, và trên một số phương diện, lệnh cấm vận lại còn cải thiện khả năng mua sắm vũ khí của Triều Tiên”.
Hai chuyên gia này chỉ ra rằng sau khi bị áp đặt lệnh cấm vận, Triều Tiên đã gần như ngừng giao thương với các quốc gia khác ngoại trừ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho phép hàng loạt công ty quốc doanh của Bình Nhưỡng hoạt động trên lãnh thổ của mình, và các công ty này đã tìm ra biện pháp thích ứng với lệnh cấm vận, Park và Walsh viết trong bản nghiên cứu của mình.
Các quản lý Triều Tiên phụ trách những công ty này đã thuê những tay trung gian người Trung Quốc có trình độ hơn, chuyển địa điểm làm ăn tới Trung Quốc để tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng hoạt động mua sắm vũ khí và các nguyên vật liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua các đại sứ quán trên khắp thế giới, bản nghiên cứu viết.
Một số chuyên gia khác, chẳng hạn như Gordon Chang, tác giả cuốn “Màn trình diễn hạt nhân của Triều Tiên với thế giới” cho rằng Liên Hợp Quốc và Mỹ cần phải áp đặt lệnh cấm vận đối với các công ty Trung Quốc có hành vi hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Điều quan trọng nhất là đặt ra cái giá phải trả đối với các công ty Trung Quốc”, Chang nói. “Điều đó có thể bất lợi cho chúng ta, nhưng phải nhớ rằng Triều Tiên đang nhanh chóng phát triển năng lực hạt nhân để gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới lục địa Mỹ”.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C., cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Triều Tiên vẫn tiếp tục tham vọng hạt nhân của mình là chính phủ Trung Quốc không kiểm soát hết tất cả mọi thứ diễn ra trên lãnh thổ. Một số quan chức tham nhũng ở cơ sở có thể nhắm mắt làm ngơ hoặc làm tiền từ các giao dịch bất chính của các doanh nghiệp Triều Tiên.
Khách Trung Quốc mua đồ lưu niệm Triều Tiên bên sông biên giới Áp Lục. Ảnh:EpochTimes
“Người Trung Quốc không coi đây là ưu tiên hàng đầu cho Mỹ”, Glaser nói. “Họ sẽ chỉ coi vấn đề hạt nhân là ưu tiên hàng đầu khi Mỹ làm như vậy”.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã hành động rất nhanh chóng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một thông điệp rằng những vụ tấn công mạng và ăn cắp bản quyền là những vấn đề hàng đầu đe dọa quan hệ Mỹ – Trung. “Khi thông điệp đó được đưa ra, người Trung Quốc đã đứng lên và lắng nghe”, bà Glaser nói.
Chuyên gia này cho rằng nếu Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ sử dụng đến vũ lực hoặc thực hiện một chiến lược nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ “phản ứng rất nhanh”. “Điều đe dọa họ không phải là chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà là phản ứng đối với chương trình hạt nhân đó, đặc biệt là từ Mỹ”, Glaser nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tổng thống Obama dọa trừng phạt Triều Tiên vì thử hạt nhân
Tổng thống Mỹ lên án vụ thử hạt nhân Triều Tiên hôm nay là "mối đe doạ nghiêm trọng" đến an ninh khu vực, và ông sẽ làm việc với các đối tác để áp lệnh trừng phạt mới.
Vị trí tâm sóng rung chấn do Triều Tiên thử hạt nhân. Ảnh: AP
"Nói một cách rõ ràng, Mỹ không và sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên với tư cách một quốc gia hạt nhân", Reuters dẫn lời ông Obama hôm nay cho biết trong thông cáo. Tổng thống Mỹ sẽ làm việc để "có những bước đi đáng kể tiếp theo, như lệnh trừng phạt mới, nhằm cho Triều Tiên thấy những hậu quả từ hành động nguy hiểm, bất hợp pháp của nước này".
Lãnh đạo Mỹ đã tham vấn qua điện thoại với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau khi biết tin về vụ thử hạt nhân lần thứ 5, cũng là vụ thử mạnh nhất của Triều Tiên. Liên Hợp Quốc hôm nay cũng họp theo đề nghị của Mỹ và Nhật để thảo luận về vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hôm nay tuyên bố thử thành công vụ nổ đối với một đầu đạn hạt nhân, đúng ngày kỷ niệm 68 năm quốc khánh 9/9. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết rung chấn mạnh 5,3 độ Richter xảy ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên.
Theo Vnexpress
Trung Quốc khởi động kế hoạch khẩn cấp sau động thái của Triều Tiên Theo THX, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) ngày 9/9 đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp sau vụ việc được cho là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters/TTXVN) MEP đã khởi động kế hoạch đối phó khẩn cấp...