Vì sao Trung Quốc khó “mua” được châu Á?
Đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn không hiểu được rằng hành vi hung hăng và gây hấn (không chỉ ở Biển Đông) của họ lại có thể cuốn trôi toàn bộ những nỗ lực nhằm giành được ảnh hưởng ở châu Á.
Trong một bài bình luận mới đây, tờ “The Economist” (Anh) nhấn mạnh dù Trung Quốc đã tập trung được một sức mạnh kinh tế và chính trị đáng kể trong khu vực và đang vươn lên tầm thế giới song lại rất vụng về trong việc định hình châu Á và nắm giữ “vai trò bá chủ” của mình.
Trung Quốc viện trợ vũ khí hạng nặng cho quân đội Campuchia.
Theo bài báo, vấn đề này đã được nhắc tới ngay tại thời điểm chính sách “xoay trục” của Mỹ bị đánh giá là thất bại. Việc tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dùng những ngôn từ kích động nhằm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama không thực sự gây sốc bằng việc chỉ vài ngày sau, ông Duterte đột ngột yêu cầu Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự, bao gồm cả các hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông.
“Trung Quốc hiện đang nắm quyền và họ có ưu thế quân sự trong khu vực”, ông Duterte tuyên bố.
Trung Quốc chớ vội cả mừng
Trong những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 10% mỗi năm, phần lớn chi cho hải quân, vệ tinh và các chương trình không gian mạng nhằm ngăn Mỹ tiếp cận không phận và hải phận bao quanh Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột, cũng như làm xói mòn các cam kết của Washington đối với các đồng minh châu Á.
Thế nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới và thậm chí có lực lượng hiện diện “đáng gờm” nhất ở Đông Á. Theo ý kiến của Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, điều quan trọng là sức mạnh của Mỹ không chỉ thể hiện ở năng lực quân sự, mà còn ở khía cạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng của thương mại.
Cách đây 2 tháng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi việc phê chuẩn TPP là “phép thử” về mức độ tín nhiệm của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, do cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều phản đối TPP và ông Obama có rất ít cơ hội thúc đẩy được Quốc hội thông qua hiệp định này trong thế hiện nay, nên đây là phép thử mà nước Mỹ có thể sẽ thua.
Mặc dù bị đánh giá là thất bại, song hiện vẫn còn quá sớm để buộc Mỹ phải rút lại chính sách xoay trục và tuyên bố Trung Quốc là bá chủ mới ở châu Á. Trung Quốc còn xa mới đạt được sức mạnh như của Mỹ, dù đã không ít lần cố gắng. Cách tiếp cận hào phóng của Trung Quốc với bên ngoài – như nhà phân tích Evelyn Goh của trường Đại học Quốc gia Australia đã chỉ ra – sẽ khiến cho các nước phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khó có thể duy trì được một hệ thống an ninh khu vực với Mỹ là trung tâm.
Video đang HOT
Một vài nước hẳn đã nhìn thấy một trật tự mới đang dần hình thành với Trung Quốc ở vị trí trung tâm và các nước láng giềng là những vệ tinh vây quanh. Sự thay đổi chính sách của Tổng thống Duterte dường như là một trường hợp điển hình.
Càng hào phóng, càng bị tẩy chay?
Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào việc tiếp nối chính sách ở các nước láng giềng, vào quan điểm của tầng lớp tinh hoa chính trị ở các nước và những ưu tiên của họ trong thời điểm hiện tại.
Ban đầu, hầu hết người dân ở những nước được Trung Quốc ve vãn đều tỏ ra “lạc quan” nhưng chính sự can dự sâu của Bắc Kinh vào tầng lớp tinh hoa nắm quyền đã làm tăng tâm lý bất mãn trong lòng người dân. Ví dụ như thái độ thù ghét Trung Quốc đã bao trùm Myanmar năm 2011, thậm chí ngay cả trong giới cầm quyền, buộc chính quyền quân sự của ông Thein Sein phải tạm dừng xây dựng một đập thủy điện lớn do các công ty quốc doanh Trung Quốc thực hiện.
Người dân Myanmar biểu tình phản đối Trung Quốc xây dựng các công trình quan trọng tại đất nước này.
Sự suy yếu của chính quyền quân sự đã khiến quyền lực rơi dần vào tay thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, người sau đó đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử và hiện đang lãnh đạo chính phủ dân bầu. Và chính sự lên ngôi của bà San Suu Kyi ở Myanmar càng làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia này.
Tương tự, Tổng thống đầy quyền lực của Sri Lanca Mahinda Rajapaksa đã phải nếm mùi thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử năm ngoái một phần vì gia đình ông đã công khai ve vãn Trung Quốc đầu tư và được hưởng lợi từ các khoản đầu tư này. Ông Rajapaksa thất thế đã đẩy Trung Quốc tụt lại phía sau và mở đường cho Ấn Độ tái can dự vào quốc đảo này.
Một ví dụ khác nữa là quốc gia nhỏ bé Lào cũng bắt đầu khó chịu với Trung Quốc, nhất là trong các thương vụ liên quan đến những công ty khai thác gỗ và kinh doanh đồn điền của Trung Quốc. Chính vì thế mà quốc gia này đã quay sang đón tiếp Tổng thống Obama một cách nồng nhiệt hồi đầu tháng này.
Ở nước láng giềng Campuchia, chủ nghĩa thân hữu đang mang lại những nguồn lợi béo bở cho giới thương gia Trung Quốc có thể sẽ tạo thành một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ chính người dân Campuchia.
Thậm chí tại Philippines, một hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, như việc khởi công xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã đánh bật hải quân Philippines cách đây 4 năm, cũng sẽ khiến Tổng thống Duterte phải quay trở lại với Mỹ. Sau tất cả những gì đã xảy ra, nhìn chung người dân Philippines phần đa ủng hộ Mỹ.
Tóm lại, theo nhận định của nhà phân tích Evelyn Goh, Trung Quốc có hai điểm mù. Thứ nhất là xu hướng coi thường “khả năng tự chủ và tự quyết” của các nước láng giềng nhỏ. Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra trái với ý muốn của Trung Quốc thì đều bị Bắc Kinh gán cho là mưu đồ của Mỹ.
Thứ hai là cho đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn không hiểu được rằng hành vi hung hăng và gây hấn (không chỉ ở Biển Đông) của họ lại có thể cuốn trôi toàn bộ những nỗ lực nhằm giành được ảnh hưởng.
Thực tế mấy năm qua đã cho thấy việc “càng chi nhiều tiền càng bị tẩy chay” khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc vô cùng thất vọng. Do đó, mối quan ngại trong những năm sắp tới không phải là việc Trung Quốc tìm ra con đường cho mình, mà là việc nước này không thể tìm được hướng đi và sẽ bắt đầu hành xử một cách hằn học.
(Theo Infonet)
Rút khỏi TPP, Mỹ khó có thể bỏ rơi châu Á
Giáo sư Mỹ cho rằng châu Á quá quan trọng khiến Mỹ không thể từ bỏ hoàn toàn, dù ông Trump không mặn mà với các hiệp định thương mại đa phương.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và ông Mit Romney, phải, người có thể trở thành ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP
"Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế, nó còn bao gồm cả ý nghĩa an ninh với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng người dân Mỹ không nhìn nhận thư thế. Họ chia tách rõ hai vấn đề kinh tế và an ninh trong tâm trí và ông Donald Trump ủng hộ điều đó", giáo sư John Karaagac, Đại học Indiana, Mỹ, trao đổi với VnExpress nhân dịp ông đến làm việc tại Hà Nội.
Theo giáo sư Karaagac, khi Tổng thống Barack Obama đưa TPP ra thảo luận, nó kéo dài trong nhiều năm và quá phức tạp, khiến người dân Mỹ "sợ hãi", vì thế việc Tổng thống đắc cử Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này ngay sau khi nhậm chức là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc Washington rút khỏi hiệp định này không có nghĩa là Mỹ rời bỏ châu Á, ôngTrump sẽ vẫn duy trì chính sách xoay trục của Obama.
"Làm sao Mỹ có thể không quan tâm đến châu Á, khu vực này quá quan trọng, hãy nhìn vào hợp tác kinh tế, vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây. Washington sẽ không rời khỏi châu Á", ông Karaagac nhận định.
Chuyên gia người Mỹ lưu ý Tổng thống đắc cử Trump sẽ có cách tiếp cận với chính sách xoay trục khác với Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama.
"Trump thiên về tách bạch vấn đề thương mại và quân sự trong các thỏa thuận với các đối tác ở châu Á, có thể theo đuổi hợp tác song phương giữa Mỹ với Việt Nam, với Nhật Bản hay Hàn Quốc", ông Karaagac nói.
Hơn thế, giáo sư còn dự báo ông Trump sẽ gia tăng xây dựng lực lượng quân đội hoặc hải quân để gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực.
"Có thể gọi nó là mô hình hợp tác Trục bánh xe và Nan hoa (Hub and Spoke), gồm hợp tác giữa Washington với Tokyo, Washington với Seoul, Washington với Manila và Hà Nội có thể tham gia vào cấu trúc này", ông Karaagac gợi ý.
Lựa chọn mới cho các nước thành viên TPP
Giáo sư Karaagac đánh giá 11 nước tham gia đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam, đã dành nhiều năm để thảo luận về hiệp định, nhưng thời điểm này không phải lúc để xúc tiến các thỏa thuận đa phương.
"Tôi cho rằng các nước cần giữ mục tiêu của mình với TPP nhưng cũng cần giảm tông xuống, hãy nghĩ về điều các bạn có thể làm khi Mỹ có thể xúc tiến các thỏa thuận song phương có quy mô nhỏ hơn. Hãy thay đổi khung thời gian", ông Karaagac nói.
Dự báo về khả năng Mỹ quay trở lại với TPP, giáo sư cho rằng có thể ông Trump sẽ đưa ra quyết định muộn hơn sau khi cân nhắc kỹ về việc "mặc cả". Chuyên gia lưu ý, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu sự tham gia của Mỹ, vì vậy không loại trừ khả năng Washington trở lại với hiệp định.
Theo ông Karaagac, việc Tổng thống đắc cử Trump thay đổi một số chính sách so với các tuyên bố khi tranh cử là điều dễ hiểu, các tổng thống Mỹ đều thực hiện sự điều chỉnh vì ngay trong đảng Cộng hoà hay Dân chủ đều có những nhóm khác nhau, có những quan điểm khác nhau. Vấn đề là ông Trump thay đổi các chính sách ở mức độ nào, nếu thay đổi quá nhiều sẽ khiến người ủng hộ ông lo ngại.
Thời điểm này, Donald Trump đang thực hiện chính sách đàm phán, mặc cả để đưa ra các thoả thuận trong lúc lựa chọn nhân sự cho bộ máy chính quyền mới của mình.
"Người Mỹ chúng tôi có câu 'Nhân sự là chính sách', hãy chờ xem các cố vấn thân cận của ông Trump là ai, chờ xem ai là cố vấn về châu Á, chúng ta sẽ biết định hướng của Mỹ với khu vực này", giáo sư nói.
Việt Anh
Theo VNE
Bí ẩn virút Zika ở châu Á Trong bối cảnh dịch Zika bùng phát mạnh tại châu Á, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu mức độ nguy hiểm thực sự của loại virút này. Một nhân viên phun thuốc diệt muỗi ở thủ đô Bangkok của Thái Lan - Ảnh: Reuters Theo Hãng tin Reuters, những câu hỏi chưa thể lý giải liên quan tới một bí...