Vì sao Trung Quốc “cưng chiều” Campuchia?
Theo giáo sư Heidi Dahles, Trưởng khoa Nghiên cứu châu Á (ĐH Griffith, Australia), Campuchia đã ngả về phía Trung Quốc sau một cuộc “tán tỉnh chính trị” và “say sưa với mối quan hệ mới” đến mức ngang nhiên biểu hiện tình cảm này ngay trên Hội nghị thượng đỉnh của khu vực, khi nước này làm Chủ tịch ASEAN và từ chối đề cập đến vấn đề Biển Đông trên bàn nghị sự.
Giáo sư Heidi Dahles cho rằng, việc Campuchia bị Trung Quốc “quyến rũ” không phải là một điều quá bất ngờ. Những lợi ích đến từ Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – là khá rõ ràng. Campuchia đã nhận nhiều khoản đầu tư cũng như các khoản viện trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc qua cả hai hình thức hiện vật và tiền bạc. Các khoản viện trợ này đều được Trung Quốc tuyên bố “không ràng buộc”, hay nói cách khác, cho đi mà không cần nhận lại.
Chính phủ Campuchia đã mô tả Trung Quốc như “một người bạn lớn tuổi, một tình bạn đã trở lại sau một thời gian dài bị chia cắt trong lịch sử, sống sót qua nhiều lần thay đổi chế độ”. Trung Quốc đã luôn luôn “đưa tay giúp đỡ” người láng giềng của mình, nhằm kéo lại sự trung thành của Campuchia.
Năm 2009, khi chính phủ Campuchia trao trả 22 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc, Mỹ một lần nữa đình chỉ viện trợ như là một biện pháp trừng phạt. Ở phía kia, Trung Quốc đã ngay lập tức gửi cam kết trị giá đến 1,2 tỷ USD chỉ 2 ngày sau khi quyết định của Mỹ được đưa ra. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, cử chỉ hào phóng của Bắc Kinh không đồng nghĩa với sự đảm bảo về một số tiền đã thực sự được gửi đến Phnom Penh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ Thủ tướng Hun Sen trong một hội nghị ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 21/8/2013
Trong bài viết có tiêu đề “Vì sao Trung Quốc quyến rũ Campuchia”, giáo sư Heidi Dahles đặt câu hỏi: Nếu nhìn xa hơn những lời lẽ mật ngọt của “người bạn lớn tuổi”, điều gì ở Campuchia mà Trung Quốc cảm thấy có lợi để đầu tư không tính toán như vậy? Sợi dây liên kết giữa sự hào phóng của Bắc Kinh với những gì họ có thể lấy được từ Phnom Penh chắc chắn mạnh mẽ hơn và chặt chẽ hơn nhiều so với những gì họ tỏ ra “không ràng buộc”.
Khi nhìn vào mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác trên thế giới, có thể nhìn nhận rõ rằng điều mà Bắc Kinh tìm kiếm là nguồn lao động giá rẻ ở địa phương, thị trường mới và điều tối quan trọng – tài nguyên thiên nhiên. Khi lao động của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, biết đòi hỏi hơn thì lực lượng lao động giá rẻ và dễ kiểm soát ở Campuchia cung cấp một lối thoát cho các công ty nhà nước của họ đang tìm kiếm thuê ngoài các quy trình sản xuất tới nước có chi phí thấp.
Video đang HOT
Thêm vào đó, Trung Quốc đã dễ dàng tiếp cận thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng may mặc của Campuchia – trước đây đã rất hạn chế nhập khẩu trực tiếp mặt hàng này từ Trung Quốc. Ngược lại, Campuchia cũng đã thoát khỏi tình trạng phụ thuộc của mình trên thị trường Mỹ và EU, giúp Trung Quốc tránh khỏi rào cản thương mại.
Campuchia cũng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dự trữ, đất canh tác và sản xuất nông nghiệp. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã hoàn toàn lợi dụng các tài nguyên đó, thậm chí là gây nhiều thiệt hại cho dân địa phương. Các vấn đề đất đai tại Campuchia có liên quan đến việc sang nhượng đất đai phát triển dự án cho các công ty Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Người dân nghèo Campuchia đang ngày càng bị bỏ rơi khỏi chính tài sản của mình về tay các thương nhân Trung Quốc.
Nếu so sánh cân bằng về lợi ích kinh tế, Campuchia so với một số nước phát triển khác – nơi có nguồn lao động giá rẻ hơn, đất đai và tài nguyên thiên nhiên phong phú hơn – thì Trung Quốc không được nhiều như cái giá mà nước này đã đầu tư. Tài sản của Campuchia là có giới hạn và hiện đang giảm đi nhanh chóng. Điều Trung Quốc được lợi nhất từ Campuchia, cũng là điều quan trọng nhất, dẫn đến lý do chính để nước này muốn “thân thiện” với Phnom Penh, chính là những giá trị chính trị. Mối quan hệ hiện tại giữa Trung Quốc – Campuchia – ASEAN là một ví dụ sống động cho giá trị này.
Campuchia nằm trong sân sau của Trung Quốc. Vị trí này có những hệ quả địa chính trị nhất định. Campuchia có tầm quan trọng chiến lược, là một trong những viên ngọc trai trong “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang muốn tạo ra trong khu vực Đông Nam Á – vị trí đảm bảo quyền tiếp cận Vịnh Thái Lan và Biển Đông một cách thuận tiện nhất.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, Campuchia là một mắt xích đảm bảo lợi thế địa chính trị khu vực sẽ thuộc về bên nào “thân thiết” hơn với nước này.
Các chương trình hợp tác quân sự – quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Campuchia, được thiết lập từ năm 2006, sắp hết hạn. Vấn đề cấp bách hiện nay là liệu sự hợp tác này có bị bỏ rơi hay không khi đã có một liên kết quân sự gần gũi hơn giữa Campuchia với Trung Quốc. Trung Quốc, đất nước có ít bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, sẽ “bắn pháo hoa” chào đón một Campuchia ngừng thỏa thuận với Mỹ.
Điều khiến Trung Quốc sẽ phải lo lắng chính là những vấn đề chính trị hiện đang tiềm ẩn trong xã hội Campuchia. Những xáo trộn này có thể khiến Trung Quốc mất đi lợi thế tiếp cận với Campuchia, bị cắt đi những đặc quyền hiện đang rất dồi dào. Có thể lịch sử năm 1996 sẽ lặp lại, khi Trung Quốc sẽ tạo ảnh hưởng kinh tế – chính trị lên Campuchia, với bất kỳ lực lượng chính trị nào lãnh đạo chính quyền ở Phnom Penh. Vì với Trung Quốc, ai đứng đầu Campuchia không quan trọng, quan trọng là những gì Bắc Kinh đã làm vẫn sẽ có sức ảnh hưởng với chính quyền Phnom Penh.
Theo Infonet
CIA xác nhận có nghiên cứu về người ngoài hành tinh
Sau hàng chục năm và hàng loạt tin đồn, cuối cùng một tài liệu mới được CIA công bố đã xác nhận rằng Vùng 51 (Area 51), căn cứ không quân Mỹ được đồn đại là khu vực nghiên cứu và lưu giữ các bí mật về vật thể bay không xác định (UFO), là hoàn toàn có thật.
Một bức ảnh hiếm hoi khu vực 51.
Theo báo Anh Telegraph, sự tồn tại của khu vực 51 giờ đây đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chính thức công nhận và vị trí chính xác của nó là ở Nevada. Thông tin về khu vực bí mật này được tiết lộ thông qua một tập tài liệu dài 407 trang mới được công bố, trong đó nói về quá trình khám phá, nghiên cứu và phát triển căn cứ tại đây.
Mặc dù tài liệu được công bố bởi CIA cũng tiết lộ rằng thực sự đã có một số vật thể lạ xuất hiện tại căn cứ không quân bí mật này - nhưng tất nhiên tài liệu này không nói rằng Vùng 51 là nơi chính quyền Mỹ nghiên cứu và lưu giữ các bí mật về người ngoài hành tinh như những gì được đồn đoán lâu nay. Thay vào đó, đây là nơi được sử dụng làm căn cứ cho chương trình máy bay do thám U-2. Trước đó, trong Thế chiến thứ 2, Vùng 51 từng là kho đạn cho lực lượng không quân Mỹ và nó cũng có một đường băng cũ để máy bay cất và hạ cánh.
Trước đây, chính phủ Mỹ cung cấp rất ít thông tin về khu vực 51 mà trên thực tế hầu hết thông tin phần lớn được giải mã từ các tài liệu mật chứ cũng không có bất kì công bố nào.
Bản đồ chính thức thường chỉ hiển thị một khu mỏ bị bỏ hoang tại một khu vực rộng lớn bị hạn chế các hoạt động trong không phận.
Một bản đồ chứa trong tài liệu được công bố cho thấy vị trí của khu vực 51 và Groom Lake là một khu vực bằng phẳng của sa mạc Mojave. CIA cũng cung cấp các chi tiết về cách mà khu vực này đã được thành lập như là một phần của khu vực thử nghiệm năng lượng nguyên tử quốc gia của Mỹ.
Ảnh chụp từ vệ tinh bản đồ khu vực 51 và Groom Lake.
Tuy nhiên, các tài liệu không đề cập đến UFO hay các vũ khí bí mật mà nhiều người tin rằng đang được phát triển ở đó.
Jeffrey Richelson, một nghiên cứu sinh tại trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia của Đại học George Washington, người đã nhận các tài liệu, cho biết dường như CIA đã ít bí mật về sự tồn tại cũng như các hoạt động trong khu vực 51.
Các tài liệu này được phát hành là để tuân thủ Đạo luật Tự do Thông tin được thông qua năm 2005. Các đề cập đến khu vực 51 đã được chứa trong các tài liệu chi tiết lịch sử của U-2 và chương trình máy bay do thám được viết vào năm 1992 bởi Gregory Pedlow và Donald Welzenbach, những người viết sử tại CIA.
Vị trí của Khu vực 51.
Trong hồ sơ này cũng có ghi rằng đường băng nhìn từ xa thì có vẻ như được lát gạch, thế nhưng khi lại gần nó thì chỉ là được làm bằng đất. Có một giai thoại, chưa biết đúng hay không, rằng nếu như một chiếc U-2 đáp xuống đường băng này thì đất nhão sẽ khiến bánh xe bị lún sâu khiến toàn bộ phi hành đoàn, bao gồm những người chủ chốt trong dự án U-2, thiệt mạng.
Nhưng tại sao khu vực này lại được gọi là Vùng 51? Thực chất đây chỉ là tên gọi trong khi quy hoạch một vùng thử nghiệm lớn hơn (Nevada Test Site, bao phủ cả sa mạc Nevada). Sau khi tổng thống Eisenhower chấp thuận sử dụng Vùng 51 để làm nơi thử nghiệm U-2, cái tên "Paradise Ranch", tạm dịch là "Trang trại Thiên đường", cũng đã được chọn nhưng người ta không sử dụng nhiều rồi chìm dần vào quên lãng.
Theo VNN
Asean cần tiếp tục phát huy vai trò trong vấn đề Biển Đông Trả lời phỏng vấn báo chí ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 tới, tại Brunei, Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng, sẽ tiếp tục phấn...