Vì sao Trung – Nhật ‘ăn miếng, trả miếng’
Những ngày vừa qua, cả thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng đều hồi hộp dõi theo cuộc “khẩu chiến” leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đỉnh điểm là những phát biểu “đốp chát” của người đứng đầu Bộ Quốc phòng hai nước, mà theo một số người, đã đẩy mâu thuẫn hai nước lên “một cấp độ mới”. Những người bi quan còn cho rằng, hai nước dường như đã đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Tàu Hải giám số 51 của Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đề nghị gặp song phương của Thủ tướng Shinzo Abe. Đối với đa số, động thái này của Trung Quốc không gây ngạc nhiên. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn 90% dư luận của cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không mấy thoải mái về nhau.
Tình trạng căng thẳng nói trên giữa Trung Quốc và Nhật Bản có lẽ cũng làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc tại cả hai nước, đồng thời làm dấy lên câu hỏi về ý đồ của hai quốc gia này đối với nhau.
Sẽ rất khó để Trung Quốc quên đi quá khứ quan đau buồn khi bị Nhật Bản xâm lược. Nhật Bản đã phải xin lỗi nhiều lần, và đã hỗ trợ hàng tỷ USD (bồi thường chiến tranh) cho Trung Quốc kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1972. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn dễ dàng bị quên lãng bởi những phản ứng mang tính chủ nghĩa dân tộc từ người Trung Quốc đối với các lời tuyên bố gợi lại lịch sử từ phía Nhật Bản.
Cũng giống như trường hợp Pháp và Đức tại châu Âu hồi trước, chỉ sau Thế chiến thứ hai, khi hai nước bình thường hóa quan hệ được với nhau, thì châu Âu mới được ổn định và thống nhất. Từ đó chiếu sang, quan hệ Trung – Nhật đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của khu vực Đông Á. Do đó, cả Tokyo và Bắc Kinh đều cần phải bình tĩnh suy xét và tìm cách vượt qua tình trạng xung đột hiện nay.
Trung Quốc thường tỏ ra lo lắng mỗi khi Nhật Bản nâng cấp khả năng phòng thủ, gần đây nhất là khi Nhật Bản ra mắt một tàu khu trục mới. Hơn nữa, quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật cũng thường bị giới phân tích Trung Quốc cho là để kìm hãm họ.
Tàu khu trục Izumo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Kinh phí dành cho quốc phòng của Nhật Bản hiện nay, khoảng 59 tỷ USD năm 2013, quá nhỏ so với Trung Quốc, gần 120 tỷ USD. Với sự chênh lệch này, thử tượng tượng xem, bức tranh an ninh khu vực sẽ ra sao nếu Nhật Bản không là đồng minh chiến lược với Mỹ.
Mặc dù sở hữu lực lượng không quân và hải quân mạnh, cũng như có một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến, Nhật Bản vẫn chưa có khả năng tấn công. Ngay cả tàu khu trục được coi là “hàng khủng” của Nhật cũng chỉ thích hợp cho mục đích nhân đạo hoặc cứu hộ thảm họa hơn là cho các nhiệm vụ chiến đấu.
Video đang HOT
Nhiều người đánh giá, trong 35 năm qua, khi mà Trung Quốc tập trung cải cách nền kinh tế, thì quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật đóng vai trò trụ cột đối với sự ổn định của Đông Á và hỗ trợ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Và vì vậy, nhìn một cách toàn diện, quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật nên được coi là nhân tố ổn định trong mối quan hệ tay ba Mỹ – Nhật – Trung.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, và là nước dẫn đầu về khoa học công nghệ, Nhật Bản có nền tảng vững chắc để phát triển khả năng quân sự nếu cần. Những nỗ lực của Nhật Bản chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào khả năng phòng vệ, một phần cũng do bị ràng buộc bởi nền văn hóa chính trị hòa bình phát triển sau nỗi ám ảnh từ Thế chiến thứ hai, và bởi quy định của Hiến pháp.
Ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của Thủ tướng Nhật Bản Abe là củng cố nền kinh tế. Tuy nhiên, khao khát trở thành một quốc gia “bình thường” của Nhật Bản chắc chắn sẽ không mất đi. Người Nhật sẽ hỏi rằng liệu Trung Quốc có cảm thấy thoải mái không nếu hiến pháp của họ lại được viết bởi nước khác?
Hiến pháp Nhật Bản, được viết bởi các chuyên gia Mỹ sau Thế chiến thứ hai, cấm phát triển nền công nghiệp quốc phòng. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy dư luận Nhật Bản đang bị chia rẽ khi trả lời câu hỏi về việc có nên viết lại điều này hay không. Số tán thành việc thay đổi hiến pháp lập luận rằng, trong trường hợp CHDCND Triều Tiên tấn công tên lửa vào Mỹ, hoặc Trung Quốc, thì Nhật Bản sẽ không có khả năng để giúp đỡ.
Tokyo đang xây dựng kế hoạch quốc phòng 5 năm tới, và ngay cả khi quan hệ Trung – Nhật được cải thiện đáng kể, Nhật Bản vẫn cần tính toán tăng cường khả năng phòng ngự trước những đe dọa từ Triều Tiên. Nhật Bản lo lắng khi cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển hệ thống tên lửa tầm xa, đã từng bắn thử vượt qua lãnh thổ Nhật Bản, lần gần đây nhất là vào năm 2012.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc và Nhật Bản có được an toàn hơn khi Tokyo phát triển hệ thống tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân? Câu trả lời có lẽ là: Không.
Tốt nhất, cả Tokyo và Bắc Kinh nên tìm cách tránh tình trạng “ăn miếng, trả miếng” vừa qua. Vấn đề lớn nhất đặt ra cho lãnh đạo hai nước hiện nay là làm thế nào để định hình một “mối quan hệ nước lớn” trong tương lai.
Theo Báo tin tức
Nhật tuyên bố đứng đầu "chiến tuyến" chống Trung Quốc
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua (26/10), Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng, Nhật Bản nên giữ vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại cái mà ông này miêu tả là nỗ lực của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực để đạt được mục đích ngoại giao.
Thủ tướng Nhật Bản luôn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Ông Abe không ngại ngần thể hiện quan điểm, Nhật Bản sẵn sàng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Phố Wall sổ ra ngày hôm qua, Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản nên đóng vai trò hàng đầu trong việc chống lại cái mà ông này gọi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm dùng vũ lực đạt được các mục đích ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay, tại cuộc họp gần đây với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á, ông đã nhận ra một điều rằng, khu vực này đang tìm kiếm vai trò dẫn dắt từ Tokyo liên quan đến vấn đề an ninh trong bối cảnh Trung Quốc đang thực thi một chính sách ngoại giao quyết liệt.
"Có những lo ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng bằng vũ lực thay vì bằng pháp quyền. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc lựa chọn con đường đó, nước này sẽ không thể phát triển một cách hòa bình", ông Abe nhấn mạnh với tờ Thời báo Phố Wall.
"Vì thế, Trung Quốc không nên đi theo con đường đó và nhiều nước mong chờ Nhật Bản thể hiện mạnh mẽ quan điểm này. Và họ cũng hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Thủ tướng Nhật Bản nói thêm.
Sau khi những phát biểu mạnh mẽ trên được đưa ra, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả nếu bị khiêu khích.
Một nhà ngoại giao hàng đầu đã nghỉ hưu của Trung Quốc đe dọa, bất kỳ động thái nào của Tokyo nhằm kiếm chế Trung Quốc đều được xem là một nỗ lực nhằm che giấu những động cơ lớn hơn trong khu vực và nó được cho là "cực kỳ nguy hiểm". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản đừng xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc trong việc áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ bản thân.
Trung Quốc đã trực tiếp "tấn công" vào thông tin mà báo chí Nhật Bản đưa ra gần đây về việc Thủ tướng Abe thông qua chính sách cho phép lực lượng của nước ông bắn hạ các máy bay không người lái của nước ngoài nếu máy bay đó phớt lờ cảnh báo rời khỏi không phận Nhật Bản.
"Đừng đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản dùng đến các biện pháp như bắn hạ máy bay, đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với chúng tôi, một hành động gây chiến tranh", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Geng Yansheng đã tuyên bố cứng rắn như vậy trên website của cơ quan này.
Tuyên bố của ông Geng còn cảnh báo: "Chúng tôi sẽ có những hành động kiên quyết để đáp trả và bên gây rắc rối sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả".
Tranh chấp lãnh thổ
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang xấu đi một cách trầm trọng trong thời gian qua vì mâu thuẫn chính liên quan đến cuộc tranh chấp nóng bỏng và quyết liệt giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn bị ảnh hưởng thêm bởi chuyến thăm của giới nghị sĩ Nhật Bản đến đền thờ Yasukuni ở Tokyo trong tháng này nhằm tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh.
Trung Quốc cũng có tranh chấp với nhiều quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Bắc Kinh, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tang Jiaxuan cho rằng, Nhật Bản đang hy vọng sẽ tranh thủ được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế để kiềm chế các hành động của Trung QUốc trong khu vực.
Ông Tang không đả động gì đến những phát biểu mới nhất của Thủ tướng Abe nhưng nói rằng, bất kỳ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc nào đều hoặc là để đưa ra một quan điểm bóp méo về Trung Quốc hoặc "cố tình minh họa &'về mối đe dọa' Trung Quốc nhằm đạt được mục đích chính trị cao hơn".
Theo lời của ông Tang, động thái của Nhật Bản "không chỉ vô ích mà còn cực kỳ nguy hiểm".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi chính phủ ở Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và sau này là cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Hành động này của Trung Quốc nhiều lần đẩy hai nước Trung-Nhật đến sát bờ vực của một cuộc xung đột.
Thủ tướng Nhật Bản Abe lên cầm quyền từ hồi năm ngoái. Kể từ đó đến nay, ông này luôn duy trì một lập trường cứng rắn, kiên quyết không lùi bước trong cuộc tranh chấp với nước láng giềng Trung Quốc. Nhật Bản quyết liệt đối đầu với Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã ra sức củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản đồng thời tăng cường tìm kiếm liên minh để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc bắt đầu có một số dấu hiệu dịu nhẹ hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu mang tính hòa giải hơn tại một hội nghị về ngoại giao diễn ra trong tuần này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng, mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng là vô cùng quan trọng đối với một chính sách đối ngoại ổn định.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Vì sao Hàn Quốc lo sợ tên lửa KN-02 của Triều Tiên? Vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu. Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho biết, lí do của sự việc này chủ yếu xuất phát từ các loại t ên lửa tầm ngắn như KN-02 của Triều Tiên....