Vì sao Trump không thể từ bỏ các phát ngôn công kích?
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tạo dựng hình ảnh cứng rắn và các phát ngôn công kích, gây tranh cãi là một phần quan trọng làm nên dấu ấn ấy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay vẫn nổi tiếng là một người bạo miệng, thường xuyên có những phát ngôn mang tính công kích, gây tranh cãi. Nhưng mới đây nhất, Trump đã phải nhận “phản đòn” bất ngờ khi lời cáo buộc của ông về việc cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh nghe lén Tháp Trump bị bác bỏ và phản đối mạnh mẽ. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 20/3, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cũng phủ nhận cáo buộc trên, theo New York Times.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn không chịu dừng lại. Ngay sau phiên điều trần, ông lập tức đăng tải một dòng thông điệp trên tài khoản mạng xã hội Twitter, lái vấn đề sang một hướng khác nhưng vẫn nhắm mục tiêu vào người tiền nhiệm.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn được cho là đã gọi nhiều cuộc điện thoại tới đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để thảo luận vấn đề xóa bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow. Nghị sĩ bang Nam Carolina Trey Gowdy hôm qua chất vấn liệu giám đốc FBI từng thông báo cho chính quyền Obama về những cuộc trao đổi này hay chưa.
“Giám đốc FBI Comey không phủ nhận việc có thông báo cho Tổng thống Obama về những cuộc gọi giữa ông Michael Flynn và Nga”, Trump viết trên Twitter.
Vậy nguyên nhân nào khiến Tổng thống Trump không chịu từ bỏ những phát ngôn công kích dù đang ở thế yếu?
Hình ảnh cứng rắn
Đầu tiên, các cố vấn cho hay Trump luôn bị thôi thúc bởi suy nghĩ cần phải chứng minh cho những người chỉ trích thấy rõ tính hợp pháp, chính thống của chức tổng thống mà ông đang đảm nhận.
“Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ là công cụ mà các đối thủ chính trị sử dụng để phi chính thống hóa nhiệm kỳ tổng thống cũng như những chương trình nghị sự của ông ấy”, Sam Nunberg, cố vấn chính trị lâu năm cho Tổng thống Trump, bình luận. “Trump sẽ chống trả và làm điều đó tốt hơn bất kỳ ai ở Nhà Trắng này”.
Thứ hai, hành động chống trả lại những lời khẳng định cho rằng cáo buộc nghe lén điện thoại Trump đưa ra hoàn toàn sai sự thật là một phần quan trọng làm nên hình ảnh đặc trưng của Tổng thống Mỹ, chuyên gia nhận định. Trump lâu nay vẫn được nhìn nhận như một người không ngại đấu tranh với bất kỳ ai ông cho là mối đe dọa.
Sự cố chấp của Trump trước cáo buộc nghe lén hay cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ không phải điều quá mới mẻ, Tim O’Brien, tổng biên tập Bloomberg View nhận xét. “Ông ấy vẫn thế suốt 45 năm qua”.
“Trump cực kỳ bất an về cách thế giới nhìn nhận ông, về việc liệu ông có thẩm quyền và xứng đáng với những gì được nhận”, O’Brien cho biết thêm. ” Ở ông ấy có một niềm khát khao mạnh mẽ cho tình yêu và sự thừa nhận. Đấy là lý do vì sao ông ấy không thể yên lặng, dù lùi bước là một quyết định khôn ngoan, cả về mặt chiến lược lẫn cảm xúc”.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đáp trả mọi mũi nhọn công kích nhắm vào mình, đặc biệt từ truyền thông. Tỷ phú Mỹ nêu tên tất cả những phóng viên chỉ trích ông tại các buổi vận động tranh cử.
Hồi cuối tháng một, trên các trang mạng lan truyền bức ảnh cho thấy lượng người tham gia lễ nhậm chức của Trump ít hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Tổng thống Mỹ đã lập tức ra lệnh cho thư ký báo chí Sean Spicer tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng để tố báo chí “thiên vị” khi đưa tin về quy mô đám đông dự sự kiện.
Video đang HOT
Hình ảnh cứng rắn dường như là thứ mà Trump muốn bảo vệ hơn cả và mọi việc ông làm có lẽ đều hướng tới mục tiêu này, cây bút Glenn Thrush và Maggie Haberman từ NYTimes nhận xét.
Từ khi còn là ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, Trump đã muốn xây dựng hình ảnh nghiêm khắc, mạnh mẽ, loại trừ mọi dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, các cố vấn cho hay.
Thứ ba, yếu tố đánh lạc hướng cũng là một động lực quan trọng. Trump có thể thay đổi những chủ đề lấy ông làm trọng tâm chỉ trích bằng cách tung ra các giả thuyết vô căn cứ hay công kích người tiền nhiệm Obama, giới quan sát đánh giá.
Thời điểm Trump viết dòng tweet gây tranh cãi về cáo buộc nghe lén, ông có lẽ đang cố gắng hướng sự chú ý của dư luận khỏi sự việc Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ không đề cập đến chuyện ông từng có liên hệ với đại sứ Nga tại Mỹ.
Theo David Axelrod, một trong các cố vấn thân cận cho cựu tổng thống Obama, “bằng những dòng tweet gai góc, không dàn xếp, Trump đã xóa bỏ những câu chuyện mà chính quyền của ông ấy muốn kể”.
Cuối cùng, tại Nhà Trắng, không ai có thể ngăn cản Tổng thống Trump. Các cố vấn cho biết họ gần như không thể nói với Trump rằng ông đã phạm sai lầm hoặc đi quá xa trên Twitter.
Mặt khác, hai cá nhân đủ sức thay đổi suy nghĩ của Trump lại tỏ ra không mấy mặn mà, theo NYTimes. Chiến lược gia trưởng Stephen K. Bannon từng khuyên Trump điều chỉnh hành vi vào giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử song thực tế ông là người chia sẻ nhiều quan điểm nhất với Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, cố vấn hàng đầu Gary Cohn chỉ thích đưa ra những lời khuyên về kinh tế hoặc vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong một cuộc họp gần đây tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ông Cohn đang nói thì Tổng thống Trump ngắt lời. Lúc bấy giờ, Cohn đã yêu cầu Trump “để nói hết câu”, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Tổng thống Trump, người không quen với việc nhường sân khấu, im lặng và để vị cố vấn tiếp tục.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Donald Trump - bậc thầy đánh lạc hướng chú ý dư luận
Khi lâm vào thế khó, Donald Trump tự đưa mình ra khỏi rắc rối bằng cách tạo ra các tin tức mới để đánh lạc hướng chú ý của dư luận.
Những khoảng thời gian hỗn độn dưới thời Trump đi theo một khuôn mẫu quen thuộc: Khi những tin tức tiêu cực hoặc đáng xấu hổ xuất hiện, ông Trump sẽ tung ra vài dòng tweet hoặc đưa ra các cáo buộc gây nhiều nghi ngờ để thay đổi chiều hướng chú ý của công chúng, theo Guardian.
Tuyên bố về số người dự lễ nhậm chức và gian lận bầu cử
Trái: Ảnh chụp từ trên cao cho thấy nhiều khoảng trống tại Natiional Mall trong lễ nhậm chức của Trump. Phải: Các cử tri đi bầu năm 2016. Ảnh: Guardian
Trong những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump dường như ám ảnh về số người tham dự lễ nhậm chức của mình. Vào ngày làm việc đầu tiên, ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương (CIA) rằng 1 -1,5 triệu người đã tham gia, mâu thuẫn với các bức ảnh cho thấy nhiều không gian trống tại National Mall.
Ngày hôm sau, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lặp lại tuyên bố của ông Trump, nói với giới truyền thông rằng tân tổng thống đã thu hút được "lượng khán giả lớn nhất từng thấy trong lễ nhậm chức". Tuyên bố của ông Spicer bị truyền thông nghi ngờ, nhất là khi so sánh với những bức ảnh chụp đám đông tại lễ nhậm chức của Barack Obama.
Các tuyên bố của chính quyền Trump và bằng chứng chống lại họ đã làm lu mờ bất kỳ công việc thực tế nào mà tổng thống thực hiện trong những ngày đầu nhiệm kỳ, theo Guardian. Ngoài ra, tranh cãi này cũng là cú giáng vào cái tôi của tổng thống - người rất để ý đến độ nổi tiếng của mình.
Tuy nhiên, ngay sau đó, truyền thông có đề tài mới để quan tâm khi ông Trump tuyên bố rằng hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp trong cuộc bầu cử, khiến ông thua bà Clinton về phiếu phổ thông. Tổng thống đã viết trên Twitter rằng ông "sẽ yêu cầu một cuộc điều tra lớn" vào điều mà ông gọi là gian lận cử tri.
Các chính trị gia từ cả hai đảng đều tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Trump, ít ai nghe thấy thêm điều gì về cuộc điều tra kể từ đó. Ngày 15/3, Politico đưa tin rằng các nghị sĩ Cộng hòa đã "thở phào nhẹ nhõm" khi ông Trump không theo đuổi cam kết điều tra của mình.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh và cuộc điện đàm với thủ tướng Australia
Trái: Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh. Phải: Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: AP/Rex
Trump ngày 27/1 ký sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo vào Mỹ trong 90 ngày và dừng nhận người tị nạn trong 120 ngày. Lệnh này gây ra hỗn loạn tại Mỹ khi nhiều người bị giữ ở sân bay. Sắc lệnh đối mặt hàng chục vụ kiện và bị chỉ trích bởi các đảng viên Dân chủ, tổ chức nhân quyền và thậm chí cả đảng viên Cộng hòa.
Cho dù có cố ý hay không, vào ngày 2/2, một cuộc tranh cãi mới nổi lên làm sao nhãng chú ý của công chúng.
Washington Post đưa tin rằng trong cuộc điện đàm dự kiến kéo dài một giờ với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Trump đã cúp máy khi hai người mới chỉ nói chuyện được 25 phút. Ông Trump đã thất vọng khi ông Turnbull nhắc đến một thỏa thuận trước đây giữa Mỹ và Australia rằng Mỹ sẽ chấp nhận 1.250 người tị nạn, Washington Post viết.
Câu chuyện giành bớt sự chú ý vốn tập trung vào sắc lệnh cấm nhập cảnh. Những người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump thì lại càng thích hình ảnh tổng thống mạnh mẽ sẵn sàng cứng rắn với lãnh đạo nước ngoài. Theo Sydney Morning Herald, tại Canberra có những suy đoán rằng chính chiến lược gia trưởng của Trump, Steve Bannon, đã làm rò rỉ cuộc gọi.
Cố vấn an ninh quốc gia từ chức và mít tinh cảm ơn cử tri
Trái: Michael Flynn. Phải: Người ủng hộ Trump tham gia mít tinh cảm ơn cử tri. Ảnh: Guardian
Ngày 13/2, Michael Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Một loạt thông tin rò rỉ tiết lộ ông đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga với đại sứ Nga tại Washington. Ông sau đó đã nói dối về những cuộc thảo luận đó, kể cả với Phó tổng thống Mike Pence. Điều này không tốt cho ông Trump, khi mối quan hệ của ông với Nga vẫn đang bị theo dõi kỹ lưỡng.
Phản ứng của ông Trump là tổ chức buổi mít tinh cảm ơn cử tri ở Melbourne, Florida. Ông công bố nó vào ngày 15/2 và ba ngày sau, 9.000 người đã tham gia sự kiện.
Tuy nhiên, vào đúng ngày Trump tổ chức sự kiện tại Florida, một vấn đề mới đã xuất hiện khi Andrew Puzder, người được chọn là bộ trưởng lao động, đột ngột xin rút.
Trái: Andrew Puzder. Phải: Cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/2. Ảnh: AP
Diễn biến này cùng với việc từ chức của ông Flynn khiến nhiều người đặt hỏi về đội ngũ của Trump.
Ông Trump sau đó tổ chức một cuộc họp báo kéo dài, trong đó ông bác bỏ mối quan hệ với Nga, tấn công truyền thông, tuyên bố rằng mình được nhiều người ủng hộ.
Ông Trump nhấn mạnh rằng ông "không huênh hoang và cằn nhằn vô căn cứ". Ông nói rằng chính quyền đang "vận hành như một cỗ máy tinh chỉnh", khiến các nhà bình luận có việc để bàn trong vài ngày.
Rắc rối của bộ trưởng tư pháp và cáo buộc Obama nghe lén
Trái: Jeff Sessions. Phải: Tháp Trump. Ảnh: AP
Chỉ 24 giờ sau khi có bài diễn văn nhận được nhiều lời khen trước quốc hội Mỹ ngày 28/2, có thông tin rằng Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã gặp đại sứ Nga Sergey Kislyak hai lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Đây là một vấn đề vì ông Sessions đã không nhắc đến cuộc đối thoại khi được yêu cầu nói về mối liên hệ giữa chiến dịch của Trump và Nga trong phiên điều trần trước thượng viện.
Ngày 2/3, ông Sessions rút khỏi cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử. Đây tiếp tục là điều bẽ bàng cho ông Trump vì ngay trước đó ông đã khuyên ông Sessions không nên làm vậy.
Hai ngày sau, ông Trump tung ra một đòn phân tâm có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 4/3, ông cáo buộc cựu tổng thống Barack Obama nghe lén tháp Trump trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump không đưa ra bất cứ bằng chứng nào vào thời điểm đó nhưng những lùm xùm xoay quanh vụ việc đã phần nào "che khuất" các câu hỏi về mối liên hệ giữa chiến dịch của ông và Nga.
"Trong hai tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump đã chứng tỏ mình là một bậc thầy về đánh lạc hướng", cây bút Adam Gabbatt cua Guardian bình luận.
Phương Vũ
Theo VNE
Bom hẹn giờ trong quan hệ Trump - Obama Họ chưa bao giờ giống như những người bạn tốt nhưng cũng từng có thời điểm, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Trump và người tiền nhiệm Obama được cho là "xuôi chèo mát mái". Ông Trump và ông Obama bắt tay tại Nhà Trắng ngày 11/11 năm ngoái. Ảnh: Reuters Họ bắt tay và nở nụ cười tươi trước ống kính...