Vì sao trợ lý của ông Putin được chọn làm “cầu nối” đàm phán với Ukraine?
Điện Kremlin đã lý giải vì sao trợ lý của Tổng thống Vladimir Putin được chọn làm trưởng phái đoàn Nga đàm phán với Ukraine.
Ông Vladimir Medinsky (thứ 2 từ phải qua) bước vào phòng đàm phán với phái đoàn Ukraine tại Belarus ngày 28/2 (Ảnh: Reuters).
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/2 cho biết, ông Vladimir Medinsky, trợ lý của Tổng thống Putin, được chọn làm trưởng phái đoàn Nga đàm phán với phái đoàn Ukraine, vì ông có những phẩm chất quan trọng, sự chuyên nghiệp và chuyên môn vững chắc.
“Ông Medinsky có những phẩm chất quan trọng và thuần thục trong việc đưa ra những phân tích chuyên môn sâu sắc nhất. Ông ấy là đại diện cấp cao nhất. Ông ấy cũng là trợ lý của Tổng thống”, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.
“Tất cả những yếu tố trên đều cần thiết cho việc tổ chức các cuộc đàm phán và đó cũng là điều mà Tổng thống đã tính đến”, ông Peskov nói khi được hỏi về lý do chọn ông Medinsky làm người đàm phán với phái đoàn Ukraine.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Medinsky cũng là trợ thủ đắc lực của nhà lãnh đạo Nga. “Đó nhìn chung là một vị trí cấp cao”, ông Peskov nói.
Phái đoàn Nga và phái đoàn Ukraine (phải) đàm phán tại Belarus hôm 28/2 (Ảnh: Reuters).
Ông Medinsky ngày 28/2 đã dẫn đầu đoàn đàm phán của Nga tới Gomel, Belarus để gặp phái đoàn Ukraine. Cuộc đàm phán diễn ra sau 4 ngày Nga mở màn chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trưởng phái đoàn Nga đã chia sẻ câu chuyện hậu trường khi chờ phái đoàn Ukraine tới Belarus để đàm phán.
“Chúng tôi thức cả đêm để chờ phái đoàn Ukraine đến, nhưng thật không may, họ có công tác hậu cần rất phức tạp nên thời gian đến đã bị hoãn nhiều lần suốt đêm”, ông Medinsky kể lại.
Ông Medinsky nói rằng ông muốn đạt thỏa thuận với Ukraine “càng nhanh càng tốt”.
“Vì cứ mỗi giờ xung đột trôi qua lại có người dân Ukraine thiệt mạng, binh sĩ Ukraine tử vong, nên chúng tôi chắc chắn quan tâm đến việc đạt được một số thỏa thuận càng nhanh càng tốt. Những thỏa thuận này phải đảm bảo lợi ích cho cả hai bên”, ông Medinsky cho biết trước khi bắt đầu đàm phán với phái đoàn Ukraine.
Bên trong cuộc đàm phán tháo “ngòi nổ” xung đột Nga – Ukraine
Phái đoàn Nga và Ukraine đã kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên sau 5 giờ tại khu vực gần biên giới Nga và Ukraine mà không đạt được kết quả. Tuy vậy, hai bên vẫn để ngỏ khả năng duy trì đối thoại.
Phái đoàn của Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov dẫn đầu. Yêu cầu chính do Kiev đưa ra là Nga phải ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine.
Theo ông Mihailo Podolyak, một thành viên của phái đoàn Ukraine, Kiev vẫn đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ở Ukraine và yêu cầu Nga chấm dứt các hành động gây hấn.
Ông Medinsky cho biết các bên đã “tìm thấy một số điểm nhất định mà chúng tôi có thể dự đoán các lập trường chung”. Ông Medinsky cho biết cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan trong những ngày tới.
Bình luận về cuộc đàm phán vừa diễn ra với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev vẫn chưa nhìn thấy kết quả như nước này mong muốn.
Trước đó, Tổng thống Zelensky ngày 27/2 cho biết ông không thực sự tin rằng cuộc đàm phán với Nga sẽ thành công. Tuy nhiên, ông cho rằng đây vẫn là “một cơ hội, dù rất nhỏ, để giảm leo thang căng thẳng”.
Nga giáng đòn trả đũa Thụy Sĩ
Cơ quan hàng không Liên bang Nga Rosaviatsiya hôm nay (1/3) thông báo cấm các máy bay Thụy Sĩ đi vào không phận nước này.
Nga trả đũa Thụy Sĩ
Theo hãng tin CNN và RT, thông báo của Rosaviatsiya viết: "Quyết định trên là một biện pháp đáp trả sau khi Thụy Sĩ áp lệnh cấm với máy bay Nga. Moscow đã hạn chế các chuyến bay dân dụng thuộc về hoặc đăng ký ở Thụy Sĩ".
Ngày 28/2, Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuyên bố, Thụy Sĩ đang cùng các quốc gia phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Động thái này đánh dấu sự phá vỡ với truyền thống vì Thụy Sĩ vẫn luôn giữ vai trò trung lập suốt nhiều thập niên.
Giải thích về quyết định của mình tại một cuộc họp báo ở Bern vào ngày 28/2, ông Cassis mô tả tình hình hiện thời ở Ukraine là "bất thường". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định các biện pháp trừng phạt chống Nga không có nghĩa là Thụy Sĩ đã chấm dứt sự trung lập.
Biện pháp trừng phạt mà Thụy Sĩ dùng với Nga giống với những gì Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Moscow vào cuối tháng 2.
Ngoài đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, Thụy Sĩ còn cấm các tổ chức, cá nhân của nước này giao dịch với một số công ty, quan chức và doanh nhân Nga. Bern cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm trực tiếp vào Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin và Ngoại trưởng Lavrov. Ngoài ra, Thụy Sĩ cam kết cung cấp hàng cứu trợ cho người tị nạn Ukraine chạy sang Ba Lan.
Trong thời gian vấn đề Ukraine leo thang hồi 2014-2015, Thụy Sĩ không áp đặt biện pháp nào với Nga cũng như các bên liên quan.
Tổng cộng 36 quốc gia, gồm cả các nước thành viên EU, Canada và một số nước khác, đã đóng cửa không phận với máy bay Nga trong vài ngày qua. Moscow đã đáp trả bằng các quyết định tương ứng.
Trung Quốc sơ tán công dân ở Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang Trung Quốc bắt đầu sơ tán công dân nước này khỏi Ukraine do lo ngại tình hình chiến sự leo thang. Những người Ukraine đi sơ tán tại Siret, Romania (Ảnh: Reuters). Báo Global Times dẫn lời Đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine cho biết, khoảng 600 sinh viên Trung Quốc đã được sơ tán từ thủ đô Kiev và thành phố...