Vì sao trên đường cao tốc hay xảy ra tai nạn?
Thật hiếm có đường cao tốc nào như Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội) lại xảy ra tai nạn nhiều đến thế, hầu như không có ngày nào không xảy ra tai nạn. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Cục CSGT Đường bộ Đường sắt đều có báo cáo tổng kết, trình bày thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhưng đâu vẫn hoàn đó. Số vụ tai nạn chỉ có tăng lên mà chưa khi nào thấy giảm đi. Lý do vì sao?
Bức tranh xấu về giao thông
Tình hình trật tự an toàn giao thông trong 8 tháng đầu năm 2011 trên phạm vi cả nước đã xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 7.550 người và bị thương hơn 20.000 người, giảm về số vụ nhưng tăng số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ nhìn vào những vụ tai nạn giao thông trên đường được cho là cao tốc của Hà Nội như Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long – Nội Bài hay Đại lộ Thăng Long trong những ngày gần đây là có thể thấy được bức tranh xấu về an toàn giao thông.
Ngày 17-9-2011, một vụ va chạm giữa xe mô tô và xe tải lưu thông cùng chiều trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã khiến hai chị em họ cùng 19 tuổi thiệt mạng ngay tại chỗ gây ùn tắc cả tuyến đường. Trước đó hơn 1 tháng, trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng xảy ra một vụ va chạm tại đường nhánh và đường chính giữa xe tải và xe mô tô khiến một người bị thương nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vào khoảng 0g ngày 9-5-2011, chiếc xe khách 29 chỗ mang BKS 20K – 8335 đang dừng trên quốc lộ 1A đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, địa phận huyện Thường Tín thì bị xe tải chở đá chạy cùng chiều mang BKS 90T – 7166 tông phải. Sau cú va chạm, cả hai xe cùng lao qua dải phân cách. Hậu quả, lái xe và 3 người khác tử vong ngay tại chỗ, hơn 20 hành khách khác hoảng loạn, nhiều người bị thương nặng. Hai chiếc xe đều bị hư hỏng nặng… 3h sáng 4-5-2009, trong khi đang chạy trên quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ (Thường Tín, Hà Nội), một ôtô chở đầy khách đã đâm thẳng vào đuôi xe tải chạy cùng chiều làm 4 người chết tại chỗ, 20 người khác bị thương.
Trước đó, 2h ngày 9-1-2007, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại ngã ba Pháp Vân. Một chiếc xe Mitsubishi 7 chỗ đã chui hẳn một nửa vào gầm sau xe tải 18 tấn đang chạy theo chiều về Hà Nội. Trên chiếc ô tô 7 chỗ, hai người ngồi tại ghế lái và ghế phụ toàn thân dập nát, đã tắt thở. Một người thoi thóp tại băng ghế sau, ít phút sau cũng không qua khỏi.
Nguyên nhân gây tai nạn
Video đang HOT
Vẫn là những vần đề đã bàn và bàn muôn thuở đó là ý thức điều khiển phương tiện và cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam. Số liệu từ Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt cho biết, có tới 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, say rượu, bia… Như chúng tôi đã bàn đến trong số Báo An ninh Thủ đô cuối tuần gần đây là quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện đang có nhiều bất cập, gian lận, đào tạo thiếu bài bản và bớt xén thời gian học. Nhưng những học viên này vẫn được các doanh nghiệp, chủ xe tuyển dụng. Hay kể cả lái xe có bằng chuẩn nhưng không đúng chủng loại cũng được tuyển. Vì lợi nhuận nhiều nhà xe chấp nhận chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách dẫn đến… tai nạn.
Những cung đường này gọi là đường cao tốc nhưng theo một số chuyên gia về giao thông, hầu hết các con đường này đều có những đoạn bị lún, nghiêng; có quy định tốc độ tối đa nhưng chưa quy định tốc độ tối thiểu; nhiều đoạn bị khuất tầm nhìn do cây cối, đặc biệt là mặt đường không đạt độ êm thuận để phương tiện có thể chạy tốc độ 80km/h… Đường cao tốc mặc dù cũng đã được đầu tư quy hoạch, làm mới và nâng cấp nhiều tuyến giao thông khá hoàn chỉnh, nhưng lại thiếu đồng bộ, đặc biệt là tại các giao cắt, nối tuyến, hệ thống biển báo… chưa hợp lý gây nhiều hụt hẫng khi điều khiển phương tiện lưu thông. Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được coi là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam, nhưng tính từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đã có hàng trăm vụ tai nạn giao thông trên con đường này.
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng không bình thường vì lẽ ra tai nạn trên đường cao tốc phải giảm vì mặt đường tốt hơn, không có đường ngang, phân làn đường rõ ràng, được quy định về tốc độ tối đa và tối thiểu… Có thể nói, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thực ra chỉ là đường cấp cao, chứ chưa phải đường cao tốc. Bởi, chỉ cần căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về dải an toàn giữa mép phần mặt đường dành cho xe ô tô chạy với mép dải phân cách; hành lang an toàn 2 bên đường và tiêu chuẩn ngành (TCN) về độ êm thuận chỉ mới đạt tiêu chuẩn đường cấp cao. Quan hệ giữa đường cao tốc với đường cấp cao có thể nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu: đã là đường cao tốc thì chắc chắn là đường cấp cao. Nhưng đường cấp cao, chưa chắc đã là đường cao tốc. Chính vì những con đường của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn “cao tốc” nên việc áp dụng các quy định; yêu cầu phương tiện; sự vận hành phương tiện của lái xe vượt quá sự cho phép cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.
Ngoài ra còn 1 nguyên nhân không nhìn thấy đó là sự ảnh hưởng của tự nhiên. Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Phóng, trường Đại học Mỏ – Địa chất thì ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan… người ta tìm ra nguyên nhân tai nạn giao thông do từ trường địa điện từ trong lòng đất nơi con đường đi qua, dân gian gọi là tia đất, ảnh hưởng tới sức khỏe con người cả tích cực lẫn tiêu cực. Trường tích cực là trường tác động làm cho con người khỏe mạnh. Còn trường tiêu cực dân gian gọi là “hung khí”, “ác khí”. Nhà khoa học gọi là ác xạ. Loại này hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất mà chủ yếu là xạ khí chất Radon, thứ cấp của phóng xạ Uraniom đi qua vết đứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất, làm con người hoảng loạn, mất tinh thần khi điều khiển phương tiện giao thông nên đã gây tai nạn…
Đinh tặc cũng là một nguyên nhân gây ra tai nạn trên đường cao tốc. Bạn đọc hẳn chưa quên cái chết của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Thủy và Võ Nguyễn Thu Thảo trên đường từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Anh Võ Ngọc Thanh (chồng chị Thủy) đèo 2 mẹ con đi đến km 979 973 QL1A thuộc địa bàn huyện Thăng Bình, Quảng Nam, thì bất ngờ bánh xe phía sau bị dính đinh trên đường làm thủng lốp, khiến anh Thanh loạng choạng tay lái, xe máy bị đổ đã hất mẹ con chị Thủy cùng ngã xuống đường. Đúng lúc đó một chiếc ô tô tải từ phía sau chạy đến lao vào mẹ con chị Thủy khiến chị tử vong tại chỗ, cháu Thảo tử vong khi đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Còn trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thì chuyện rải đinh đã trở thành nỗi lo thường trực của những người phải đi qua đoạn đường này. Và để đề phòng bị dính đinh, nhiều người điều khiển xe máy đã đi sai làn đường, lấn sang phần đường của xe ô tô, dẫn đến tình trạng bên phía mép đường thì rộng, còn phần giữa đường thì xe máy, ô tô chen lẫn. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn trên đường Pháp Vân.
Giải pháp hạn chế tai nạn?
Qua các nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho thấy, việc đường cao tốc không đạt tiêu chuẩn, trong khi các phương tiện giao thông lại đi với tốc độ của đường cao tốc nên rất nguy hiểm. Cơ quan quản lý đường bộ sớm kiểm tra thực tế hiện trường đối với các chỉ tiêu kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn của tuyến cao tốc về dải an toàn, hành lang an toàn, độ bằng phẳng… Đường cao tốc hiện nay độ sụt lún cao. Có một thực tế là khi sửa chữa, theo dõi lún, các đơn vị thi công thường tôn cao để sụt xuống là vừa, chính vì vậy, tạo nên sự không bằng phẳng, thậm chí là hẫng cho người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đoạn qua các điểm nối cầu.
Còn đối với những người tham gia giao thông ý thức kém cần phải xử phạt nghiêm, nhất là xe tải, xe khách, đối tượng chính gây ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Tuyên truyền đến các đối tượng này Quy chế khai thác đường về phân làn xe, tốc độ tối đa (V max)… Đặc biệt là cự ly an toàn giữa các xe ô tô. Từng người lái xe cần thiết tự giác tuân thủ nghiêm ngặt cự ly an toàn (giữa xe ô tô của mình với xe ô tô chạy phía trước cùng chiều), không vi phạm tốc độ, đi sai làn xe quy định và thường xuyên kiểm tra phanh, lốp xe… bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật ATGT.
Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện nay có rất ít trạm kiểm soát, chỉ cắm chốt hai đầu nên đoạn giữa, dù quy định 80km, nhưng các lái xe có khi vẫn phóng đến 100km, thậm chí là 140km vì vậy CSGT cần tích cực tuần tra kiểm soát cơ động trên toàn tuyến công vụ. Trên cơ sở được cơ quan chức năng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera thường xuyên hoạt động, hỗ trợ trong việc bắt lỗi những người lái xe vi phạm về cự ly ATGT.
Theo ANTD
Thảm án của Luyện vẫn còn những điểm "mờ" gây xôn xao
Nhiều người vẫn đoán non đoán già về các tình tiết trong vụ án còn đang bị coi là điểm "mờ".
Vụ cướp tiệm vàng mà Luyện là thủ phạm dù đã trôi qua hơn 2 tuần nhưng vẫn giữ vị trí "nóng" trong các vụ án hình sự được dư luận quan tâm. Lý do khiến "nhiệt độ bàn tán" về vụ án này chưa hạ xuống một phần vì thủ đoạn tàn độc, man rợ của hung thủ, phần khác vì các tình tiết trong vụ án còn nhiều điểm "mờ" khiến người ta phải đoán non đoán già xem sự thể thực chất ra sao.
Điểm "mờ" thứ nhất: Có mấy kẻ giết người?
Tính đến thời điểm này, đã có 5 người thân của Lê Văn Luyện bị tên này kéo vào vòng lao lý vì các hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Ngoài ra, còn một vài người thân khác của Luyện vẫn đang trọng diện bị công an theo dõi để điều tra thêm về vai trò trợ giúp cho Luyện sau khi "sát thủ" này gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích. Tuy vậy, chừng đó "tội phạm" vẫn là chưa đủ để thuyết phục dư luận tin vào lời khai của Luyện rằng đối với hành vi giết người - cướp của, hắn là thủ phạm duy nhất.
Cơ quan công an nhận định tên Luyện một mình gây án nhưng không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Về việc Luyện ra tay một mình hay có đồng phạm trợ giúp, cơ quan công an đã trả lời nhiều phương tiện truyền thông.
Chiều 5/9, Thượng tá Lê Văn Dũng - Phó phòng Công tác chính trị và Quan hệ quần chúng (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết: Kết quả giám định mới nhất của Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an đã xác định ngoài mẫu máu của các nạn nhân tại hiện trường, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện mẫu máu "lạ" duy nhất - được xác định là mẫu máu của Lê Văn Luyện.
Ngoài mẫu máu này, Thượng tá Dũng khẳng định dấu chân "lạ" tại hiện trường cũng là của Luyện (trước đó, Luyện khai đi dép khi đột nhập tiệm vàng nhưng sau đó bỏ dép đi chân đất lúc gây án). Tuy nhận định Luyện một mình gây án nhưng cũng theo Thượng tá Dũng, Ban chuyên án không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Như vậy, có thể thấy rằng những thông tin mà ngành công an cung cấp cho báo chí đều chỉ dừng ở mức "nhận định" (chứ chưa kết luận) rằng Luyện gây án một mình. Cùng với đó, cơ quan công an cho biết "công tác xác định có nghi phạm khác hay không vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ".
Thời điểm này, khi cơ quan công an đang củng cố chứng cứ để có thể đưa ra kết luận chính thức về nghi vấn "Luyện có đồng phạm giết người", dư luận và cả công luận ngày càng có nhiều ý kiến nhận định, thậm chí khẳng định rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất cướp tiệm vàng".
Người ta hướng tới giả thuyết nêu trên, trước hết vì nhân chứng duy nhất và cũng là nạn nhân duy nhất còn sống trong vụ án này - cháu Trịnh Ngọc Bích từng khẳng định với người thân rằng: Lúc gặp nạn, cháu nhìn thấy có 2-3 người.
Ngoài căn cứ trên, trong dư luận, không ít người còn băn khoăn về hai tình tiết đối lập của vụ án này. Chi tiết thứ nhất là việc Luyện khai sau khi cướp vàng, hắn dùng điện thoại gọi cho anh họ đến đón mình. Chi tiết này cho thấy dấu hiệu của việc Luyện không có đồng phạm, vì nếu có thì Luyện đã trốn theo đồng bọn hoặc được đồng bọn đưa đi chứ việc gì phải gọi người đến đón? Chi tiết thứ hai là một chi tiết chưa sáng tỏ, nhưng chính sự mập mờ ấy đã khiến dư luận hồ nghi về việc Luyện được kẻ khác giúp sức trong hành trình cướp tiệm vàng. Đó là việc Luyện đã đến tiệm vàng theo cách thức nào (Đi một mình hay đi với ai? Đi bằng phương tiện nào? Đi từ lúc mấy giờ? Đi từ nhà, từ quán game hay đi từ đâu?).
Còn trong công luận, một số chuyên gia pháp lý đã đăng đàn báo chí để phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện rằng hắn gây án một mình. Thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại tòa hình sự TAND Tối cao phân tích: Vào mùa hè, lúc 5h30 (thời điểm Luyện bắt đầu ra tay thảm sát - PV) trời đã sáng nên nhiều gia đình hàng xóm có thể đã thức dậy, một mình Luyện giết hại dã man 3 thành viên của gia đình anh Ngọc; chặt đứt bàn tay bé Bích (con gái lớn nạn nhân) mà hàng xóm không "phát hiện hoặc nghe thấy tiếng động gì từ ngôi nhà này là điều vô lý".
Ông Bình cho rằng phải có thêm người tham gia gây án cùng Luyện thì mới có thể sát hại tới 4 người, ung dung cậy mặt kính tủ trưng bày trang sức, cướp hết vàng ta rồi tẩu thoát. Ngoài ra, ông gọi việc một thanh niên nông thôn mới học hết cấp 2, đi làm thợ hồ như Luyện mà có thể đột nhập vào nhà bằng cạy cửa ở lan can tầng 3, thông thạo vị trí bên trong, lại biết các chỗ để ngắt điện camera cùng hệ thống báo động "là điều rất phi lý" (về nhận định này, có người phản bác: Luyện hay đi làm công trình xây dựng nên không loại trừ khả năng hắn có kiến thức thực tế về sơ đồ điện, hệ thống báo động)...
Điểm "mờ" thứ hai: Chiếc két sắt bí hiểm
Từ khi vụ án xảy ra đến nay, chỉ có hai luồng tin về chiếc két sắt trong tiệm vàng Ngọc Bích được đưa ra trên một vài tờ báo. Đáng tiếc rằng, đó đều là những thông tin rất sơ sài và có phần mâu thuẫn với nhau. Luồng tin thứ nhất khẳng định "két sắt bị khoắng sạch" (tin do "một điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường" cung cấp), hoặc "két sắt bị lục lọi". Luồng tin thứ hai lại khẳng định: "Tủ vàng tây và két bạc vẫn còn nguyên vẹn".
Chiếc két sắt bí hiểm trong tiệm vàng Ngọc Bích.
Bởi vậy, sự thật về chiếc két sắt nêu trên vẫn là một điều bí hiểm. Két nguyên xi hay đã bị lục lọi? Két được mở hay bị phá? Trong két có những tài sản gì? Số tiền mặt trị giá bao nhiêu? Có giấy tờ, sổ sách ghi nợ hay không? Những vật chứng quan trọng này (nếu có) thì có bị kẻ gian "khoắng" hay không? Nếu Luyện đã "khoắng" tiền trong két thì Luyện đã cất giấu hay đã đưa cho ai để đến nỗi trên đường trốn chạy, hắn phải bán cả chiếc điện thoại lấy 400.000 đồng?. Cơ quan điều tra đã thu hồi được những vật có trong két sắt (nếu đã bị lấy trộm) cùng chiếc điện thoại đó chưa?... Đó đều là những câu hỏi mà dư luận đang mong ngóng cơ quan công an đưa ra câu trả lời.
Điểm "mờ" thứ ba: Động cơ phạm tội của Lê Văn Luyện
Cứ cho là Lê Văn Luyện một mình đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích thì dư luận cũng có nhiều người hồ nghi về động cơ gây án của hắn ta: Ban đầu, Luyện đột nhập tiệm vàng với mưu đồ chính là trộm cắp tài sản hay nhằm mưu sát gia đình chủ tiệm vàng?
Các thành viên của thế giới ảo đang tranh luận gay gắt về hai giả thuyết: 1. Luyện sát hại gia đình nạn nhân nhằm rảnh tay cướp vàng (như lời khai ban đầu của hắn); 2. Luyện chủ tâm giết người, sau đó mới nảy sinh ý đồ cướp tài sản.
Trên một diễn đàn, chủ nick "maumathat..." phản bác giả thuyết thứ nhất: "Nếu Luyện chỉ nhằm mục đích trộm, cướp thì không thể phục đến 3 tiếng đồng hồ trong tiệm vàng. Tại sao không xuống tầng 1 lấy vàng và tiền và trốn đi? Trời mưa lớn vào lúc nào? Tại sao đợi đến 5h sáng mới hành động? Lúc đó trời sáng và mọi nguời xung quanh đã bắt đầu cho ngày mới, lúc này rất dễ bị lộ...".
"Nếu chỉ có ý định ăn trộm, cướp thì sau khi đột nhập nhân lúc vợ chồng gia chủ đang ngủ, hắn (tức Lê Văn Luyện - PV) phải nhanh tay cuỗm vàng rồi tẩu thoát nhanh chóng. Nhưng ở đây, Luyện khai hắn nấp ở trong nhà hẳn 3 tiếng chờ vợ chồng chủ tiệm thức giấc để sát hại họ rồi mới cuỗm vàng?" - Thạc sĩ Phạm Thanh Bình nói trên VnExpress.
Theo ông Bình, tâm lý thông thường của kẻ trộm là ít khi dùng vũ lực với chủ nhà mà chỉ ra tay khi hành tung bị phát hiện, ngăn chặn. "Đằng này anh ta chờ giết người, sau đó mới thực hiện việc cướp của. Nếu như diễn biến sự việc theo đúng lời khai thì không phù hợp với diễn biến tâm lý của kẻ ăn trộm cướp" - ông nhìn nhận.
Lời giải về các điểm "mờ" nêu trên sẽ được chuyển tới bạn đọc khi cơ quan công an có kết luận điều tra.
Công tác điều tra sẽ sớm kết thúc
Liên quan đến vụ án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong đó phóng viên có nêu câu hỏi: "Sau khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt, dư luận hồ nghi về lời khai một mình giết 3 mạng người của hung thủ, Trung tướng có thể cho biết nhận định của Cơ quan điều tra về số lượng hung thủ gây ra vụ án này?". Đáp lại, Trung tướng Ngọ cho biết: "Chúng tôi nhận định Lê Văn Luyện là chủ mưu gây ra vụ án, còn những thông tin khác chúng tôi sẽ cung cấp khi có đủ chứng cứ". Cũng theo Trung tướng, hiện cơ quan công an vẫn đang tập trung điều tra khai thác, củng cố chứng cứ căn cứ vào hiện trường để lại, đấu tranh làm rõ và điều tra mở rộng vụ án để sớm kết thúc và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Theo ANTD
'Không có ai giật dây, tham gia cướp tiệm vàng với Luyện' Chiều 8/9, Công an tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, đủ chứng cứ xác định duy nhất Lê Văn Luyện gây án tại tiệm vàng Bắc Giang. Nạn nhân Bích có thể do hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ". Trước phân tích của một số luật sư rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất",...