Vì sao trẻ vẫn mắc bệnh dù đã tiêm vắc-xin thủy đậu?
Một thực tế hiện nay tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác là 90% trẻ đã tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn mắc bệnh. Vậy phải chăng vắc-xin không có hiệu lực và không có cách nào phòng bệnh này hiệu quả?
Một trẻ mắc thủy đậu bị biến chứng viêm não đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1
Tại Hội thảo Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả do Viện Pasteur TPHCM tổ chức ngày 14/4 vừa qua, các chuyên gia y tế đều đồng tình rằng tình hình bệnh thủy đậu đang gia tăng tại khu vực phía Nam. Cụ thể, số trường hợp mắc thủy đậu năm 2011 đã là gần 5.500 ca, tăng hơn gấp đôi so với 2010.
BS Đinh Văn Thới, viện Pasteur TPHCM cho biết: bệnh thủy đậu tập trung vào tháng 4-5 hàng năm. Tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở trẻ 1-10 tuổi. Vậy nhưng chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2012, tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có hơn 1.500 trường hợp tới khám, bằng 75% số ca mắc của cả năm 2010. Đặc biệt, trong số những trẻ mắc bệnh có nhiều trường hợp đã tiêm 1 liều vắc-xin phòng thủy đậu.
Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng tiêm rồi vẫn bị bệnh, các chuyên gia cho rằng: đó là bởi trẻ đã tiếp xúc với vi-rút thủy đậu hoang dại trong khi nồng độ kháng thể sau khi chủng ngừa giảm dần theo thời gian.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy với những trẻ chỉ tiêm vắc-xin thủy đậu 1 lần, chắc chắn 90% sẽ mắc bệnh trước tuổi 13 và số còn lại sẽ mắc 1 lần vào bất kỳ thời điểm nào khác.Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy phác đồ chủng ngừa 2 liều vắc-xin cho thấy giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn và là liều vắc-xin thứ hai giúp mang lại hiệu lực vắc-xin cao hơn một cách có ý nghĩa, giảm tỉ lệ breakthrough (mắc thủy đậu mặc dù đã có chủng ngừa trước đó) đến 3, 3 lần so với 1 liều như trước kia. Do đó, từ tháng 6/2007, Ủy ban An toàn Tư vấn tiêm chủng Hoa Kỳ đã khuyến cáo: đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi đã tiêm 1 liều vắc-xin nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất tốt nhất là 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu. Và đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn nên tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Video đang HOT
Mặc dù khuyến cáo này ngay sau đó được các bác sĩ Việt Nam áp dụng nhưng tỉ lệ tiêm nhắc lại vẫn rất thấp và đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Nhân Hà
Theo Dân trí
Cảnh giác biến chứng viêm não khi bị thủy đậu
Những dịch bệnh như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella trước đây hay gặp ở trẻ nhỏ đang có xu hướng "tấn công" sang người lớn. Đáng nói, khi người lớn nhiễm các bệnh này dễ gây biến chứng nặng nề hơn ở trẻ em.
Trẻ nhỏ bị thủy đậu thường dễ bị biến chứng viêm da, nhiễm trùng
do kiêng khem hơn là những biến chứng nguy hiểm như viêm não. Ảnh minh họa: H.Hải
Thấy trên người cậu con trai 15 tuổi xuất hiện những nốt phỏng nước, chị Thùy (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội) mua thuốc Xanh Methylene về bôi cho con. Nhưng đến ngày thứ 4, bé sốt cao, co giật vội đưa con tới viện thì bé đã bị biến chứng viêm màng não, phải nhập viện điều trị.
Khi BS "mắng" sao để con tới mức sốt co giật mới đưa tới viện, chị Thùy chỉ biết mếu máo, kể: "Vì con của em gái mình mới 2 tuổi, vừa bị thủy đậu xong, chỉ bôi có vài hôm là khỏi, nên lần này thấy cu cậu có vài nốt phỏng trên tay, mình cũng chỉ lấy thuốc đó bôi, con vẫn đi học bình thường. Đến ngày thứ tư, sau buổi đi học về con rất mệt mỏi, không muốn ăn uống, hâm hấp sốt rồi đến tối thì sốt cao đùng đùng, co giật, nôn mửa....".
"Những bệnh này thường lành tính với trẻ nhỏ, nhưng khi xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, nguy cơ gặp các biến chứng nhiều hơn", TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết.
Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết: "Dù chưa có điều kiện thống kê tỷ lệ gặp biến chứng ở người lớn và trẻ nhỏ, cũng chưa nghiên cứu được cơ chế rõ rệt, nhưng thực tế điều trị cho thấy, biến chứng viêm não năm ở người lớn khi bị các bệnh này nhiều hơn hẳn ở trẻ nhỏ".
"Những tổn thương ở một cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Nếu phản ứng mãnh liệt, "chiến trường" ác liệt thì tổn thương ở cơ quan đó nặng hơn. Ở người lớn đã có một ít miễn dịch, khi gặp các tác nhân, bệnh này sẽ chiến đấu mạnh mẽ với vi-rút, gây ra tổn thương nặng nề. Trong khi đó ở trẻ em miễn dịch với các tác nhân này chưa có, sự phản ứng nhẹ nhàng nên gây thương tổn nhẹ hơn. Có thể đó là lý do khiến các ca biến chứng do các bệnh này thường chủ yếu gặp ở trẻ lớn và người lớn", TS Hà nói thêm.
Ông cũng dẫn chứng về ca bệnh điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ trước đó là nam sinh viên bị thủy đậu nhưng biến chứng viêm não nặng nề phải điều trị 3 tháng mới được xuất viện.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), biến chứng viêm não thường ít gặp ở trẻ nhỏ nhưng với trẻ lớn khi bị các bệnh này, nguy cơ bị diễn tiến nặng hơn.
"Như trường hợp của bệnh nhi trên là bị viêm màng não do vi-rút thủy đậu. Căn bệnh này vốn là bệnh lành tính, hay gặp ở trẻ nhỏ, chỉ sau vài ngày là khỏi mà không để lại biến chứng nặng nề. Nhưng kinh nghiệm của tôi, tôi nhận thấy thủy đậu gặp ở trẻ lớn và người lớn, thường biểu hiện nặng nề hơn rất nhiều so với trẻ nhỏ và nguy cơ bị biến chứng viêm não, viêm màng não cũng cao hơn", TS Dũng nói.
Các dịch bệnh thủy đậu, quai bị, sởi, rubella đều là những bệnh dễ lây lan. Trong khi đó, thời gian bảo vệ của vắc xin không phải là suốt đời mà có hiệu lực trong thời gian cụ thể, ở từng loại vắc xin. "Ví như vắc xin sởi là loại vắc xin sống hiệu quả miễn dịch cao, bảo vệ rất tốt nhưng cũng chỉ có hiệu lực trong khoảng 15 năm trở lại. Vì thế, ở trẻ em, hiện việc tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin này theo lịch đã được khuyến cáo. Còn người lớn, những người đã được tiêm vắc-xin từ nhỏ cũng nên chủ động đi tiêm ngừa lại để phòng bệnh, tránh nguy cơ biến chứng xảy ra dù biết rằng không phải ai cũng bị biến chứng, nhưng không ai có thể chắc chắn biến chứng không rơi vào mình", TS Hà khuyến cáo.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Ai nên tiêm vắc-xin phòng viêm não mô cầu? Diễn biến bệnh viêm não mô cầu những ngày qua khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, khẳng định, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch sẽ bùng phát. Bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn gây não mô cầu đã được ghi nhận ở cả ba miền....