Vì sao tranh cử Tổng thống Mỹ gay cấn đến phút chót?
Cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của Mỹ ngay từ đầu đã được xác định là cam go và khó đoán, bởi nó diễn ra giữa hai đối thủ “một chín, một mười”. Đây chính là nguyên do tại sao đến tận thời điểm này, màn so kè giữa hai ứng viên chưa ngã ngũ.
Thế trận “kẻ tám lạng, người nửa cân” vẫn đang chi phối mạnh chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử được xem là gay cấn nhất trong nhiều năm qua.
Mặc dù cả Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đều tận dụng thời gian cuối tuần để tiến hành những cuộc vận động cuối cùng ở những bang kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng, nhưng thế trận vẫn chưa ngã ngũ.
Theo cuộc thăm dò mới nhất được Reuters/Ipsos vừa công bố, tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống và cựu Thống đốc bang Massachussetts Mitt Romney về cơ bản vẫn ngang ngửa nhau tại 4 bang then chốt được cho là sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tối mai theo giờ Việt Nam.
Tại bang Ohio vốn được cho là có nhiều khả năng xoay chuyển tình thế, Tổng thống Obama mới chỉ nới rộng khoảng cách dẫn điểm mong manh trước đối thủ với tỷ lệ 48%-44%. Hôm 3/11, ông Obama chỉ có lợi thế 1 điểm ở bang này trong cùng cuộc thăm dò.
Tại các bang Colorado và Florida, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên là ngang nhau, cùng lần lượt được 48% và 46%.
Ở bang Virginia, ông Obama dẫn đối thủ 1 điểm với tỷ lệ 47%-46%.
Thế trận so kè này không phải không có lý do khi ngay từ đầu người ta đã rất khó dự đoán về kết quả cuộc cuộc so găng giữa một vị tổng thống đương nhiệm được nhìn nhận là hiểu các khó khăn và gần gũi với người dân nhưng hiệu quả điều hành kinh tế không cao, với một chính khách được cho là am hiểu kinh tế thị trường nhưng lại không thật sự nổi bật của đảng Cộng hòa.
Trước khi bước vào Nhà Trắng cách đây đây 4 năm, Tổng thống Obama từng là nghị sĩ bang Illinois 3 nhiệm kỳ (1997-2004), Thượng nghị sĩ liên bang (2004-2008) và trong cuộc bầu cử năm 2008, ông giành được 365 phiếu đại cử tri, trở thành chính khách da màu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà Trắng ở tuổi 47.
Ngày 4/4/2011, ông Obama đăng ký tranh cử nhiệm kỳ hai và hầu như không có đối thủ trong nội bộ đảng Dân chủ. Do vậy, ngày 6/9/2012, ông được Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử nhiệm kỳ hai.
Theo nhìn nhận của dư luận, nỗ lực tái tranh cử của ông Obama năm 2012 dù có nhiều thuận lợi nhưng vẫn khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Đà phục hồi kinh tế vẫn bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ quốc gia tăng mạnh cộng với thất bại trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và vụ người biểu tình Libya sát hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens ngày 11/9 vừa qua đang làm cho tỷ lệ cử tri ủng hộ ông sụt giảm.
Trong khi đó, cựu Thống đốc Romney tuyên bố ra tranh cử ghế Tổng thống lần thứ hai ngày 2/6/2011.
Video đang HOT
Sau bốn tháng trồi sụt trong vòng bầu cử sơ bộ, đến tháng 5/2012, ông Romney trở thành ứng cử viên duy nhất còn lại sau khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc. Ngày 28/8, ông chính thức được Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa trao tấm vé ứng cử viên tổng thống của đảng.
Ông Romney tuy không phải là chính khách bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Con Voi (biểu tượng của Cộng hòa) vì họ xác định ông là người có khả năng nhất chặn đường trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đương nhiệm Obama. Thế mạnh của ông là có nhiều tiền, có đội ngũ tranh cử hùng hậu, hoạt động bài bản, tổ chức chặt chẽ và được duy trì suốt từ nỗ lực bất thành năm 2008.
Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc 65 tuổi này bị cho là không có bản sắc riêng, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế vốn được cho là thế mạnh của ông. Ông cũng bị coi là ứng cử viên ít kinh nghiệm đối ngoại – an ninh, một thế mạnh truyền thống xưa nay của các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, chính khách đại diện cho đảng Cộng hòa cũng bị coi là “tiền hậu bất nhất” trong các quan điểm từ đối nội đến đối ngoại, khiến một vài cố vấn tranh cử của ông Obama thậm chí còn mỉa mai gọi đó là “bệnh mất trí nhớ”. Phát biểu của ông Romney coi 47% người Mỹ sống dựa vào các chương trình phúc lợi xã hội là “kẻ ăn bám” bị nhìn nhận là “một sự xúc phạm nghiêm trọng nhất” tới phẩm giá của những người có thu nhập thấp ở Mỹ.
Với những điểm mạnh và yếu đan xen đó của hai ứng cử viên, có thể thấy họ như hai mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh chính trị Mỹ khi điểm mạnh của người này lại là điểm yếu của người kia, và ngược lại. Cũng chính vì vậy mà cuộc tranh giành chiếc ghế nóng trên đồi Capitol cho đến tận thời điểm này vẫn đầy bất ngờ và kịch tính, khiến không có bất kỳ nhà phân tích hay chính trị nào dám nói chắc về kết quả bầu cử cho dù giờ G đã sắp điểm.
Theo Dantri
Kịch bản khó lường trong cuộc bầu cử Mỹ
Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ trong ngày bầu cử 6.11, người Mỹ sẽ biết được ai là tổng thống của họ vào cuối ngày. Song nếu mọi chuyện diễn biến phức tạp, có thể sẽ mất hàng tuần lễ tranh cãi với nhiều kết quả khác nhau.
Trong đó, kịch bản điên rồ nhất là ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney sẽ tuyên thệ nhậm chức cùng với ông Joe Biden, đương kim phó tổng thống của đảng Dân chủ.
Khả năng này có vẻ như khó thể xảy ra trên thực tế. Song cuộc đua giữa ông Romney và Tổng thống Barack Obama sít sao đến nỗi người ta buộc phải hình dung đến kịch bản khó lường nhất khi cả hai ứng cử viên giành được cùng số phiếu đại cử tri.
Sơ đồ phân bổ phiếu đại cử tri tại các bang ở nước Mỹ - Đồ họa: Daily Mail/Sơn Duân
Theo Tu chính án số 12 của Mỹ, nếu kết quả phiếu đại cử tri của hai ứng cử viên là 269 - 269 thì Hạ viện mới được bầu ra sẽ quyết định ai là tổng thống.
Phe Cộng hòa dự kiến sẽ giữ thế đa số tại Hạ viện sau ngày 6.11 và tất nhiên sẽ chọn ông Romney làm tổng thống.
Tuy nhiên, Thượng viện sẽ là nơi chọn ra phó tổng thống và cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục thuộc quyền kiểm soát của phe Dân chủ.
Tu chính án số 12 chỉ từng được áp dụng một lần vào năm 1824, khi bốn ứng cử viên có cùng số phiếu đại cử tri.
Những người mường tượng đến một tỉ số hòa không phải là không có lý bởi hiện còn đến 12 bang trung lập để hai ứng cử viên tranh giành.
Do mỗi bang có số phiếu đại cử tri khác nhau, có vài kết quả có thể dẫn đến kịch bản điên rồ nói trên.
Hai ứng cử viên có thể bất phân thắng bại nếu ông Obama chỉ giành chiến thắng tại ba bang New Hampshire, Ohio và Wisconsin trong số 12 bang trung lập.
Tỉ số hòa cũng xảy ra nếu đương kim tổng thống Mỹ giành chiến thắng tại Colorado, Iowa, New Hampshire và Virginia trong số các bang trung lập.
Ông Tad Devine, một cố vấn dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ, nói với tờ Politico: "Tôi nghĩ kết quả 269 - 269 có thể xảy ra. Nó không phải là khả năng mơ hồ mà có thật".
Whit Ayres, một chuyên gia thăm dò của đảng Cộng hòa, tán thành: "Nó nhiều khả năng xảy ra trong năm nay hơn vì sự sít sao lạ thường trong cuộc đua".
Hầu hết các bang của Mỹ xác định kết quả theo hệ thống mà trong đó người chiến thắng trong cuộc bầu cử tại bang sẽ chiếm toàn bộ số phiếu đại cử tri. Các đại cử tri sau đó sẽ nhóm họp vào tháng 12 để chính thức bầu ra tổng thống.
Tuy nhiên, có thể sẽ phải mất nhiều ngày để xác định cơ cấu các đại cử tri nếu cuộc đua quá sít sao. Cả hai đảng đều có những đội ngũ luật sư sẵn sàng cho trường hợp có tranh cãi, rắc rối kiểm phiếu hay tố giác gian lận của các cử tri.
Một sự phức tạp nữa nằm tại hai bang Nebraska và Maine vốn không áp dụng hệ thống "ăn tất". Họ phân bổ số đại cử tri theo kết quả ở từng khu vực bầu cử và do đó về mặt hiệu quả, hai bang này sẽ nắm lá phiếu quyết định trong đại cử tri đoàn gồm 538 người.
Theo tờ Telegraph, các chuyên gia cho rằng ngay cả trong trường hợp có kết quả hòa, đảng Dân chủ cũng sẽ quyết định cho phép ông Romney nhậm chức cùng liên danh là Paul Ryan bởi việc buộc ông Biden làm phó cho ông Romney là quá phi thực tế.
Ứng cử viên nào có ít phiếu phổ thông hơn cũng gánh chịu áp lực đạo đức buộc phải chấp nhận thua cuộc.
Một kết quả tranh cãi khác là ông Romney giành nhiều phiếu phổ thông hơn song thua về số phiếu đại cử tri bởi ông Obama có phần lấn lướt tại những bang trung lập.
Đây sẽ là sự lặp lại kịch bản cuộc bầu cử năm 2000 khi ông Al Gore giành nhiều phiếu phổ thống hơn song thua ông George W Bush 5 phiếu đại cử tri sau khi Tối cao Pháp viện can thiệp buộc ngưng tái kiểm phiếu ở bang Florida.
Cách thức bầu cử tổng thống Mỹ
Trong hệ thống bầu cử rắc rối của Mỹ, các cử tri không trực tiếp bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Về thuật ngữ, họ chọn ra các "đại cử tri" trong đại cử tri đoàn.
- Tổng cộng có 538 phiếu đại cử tri được phân cho 50 bang và thủ đô Washington.
- Ứng viên phải giành được 270 phiếu đại cử tri trở lên mới có thể đắc cử.
- Trong trường hợp có tỉ số hòa, khi mỗi ứng cử viên giành được 269 phiếu, Hạ viện sẽ bầu ra tổng thống.
- Mỗi bang và thủ đô Washington có tối thiểu ba phiếu đại cử tri và số lượng được phân bổ tùy thuộc vào dân số mỗi bang.
- Có gần 40 bang xem như thuộc dạng thành trì của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Do đó trận chiến thật sự xảy ra chỉ ở một số bang với số phiếu đại cử tri khác nhau.
- Florida là bang trung lập lớn nhất với 29 phiếu. Kế đến là Ohio (18 phiếu), Bắc Carolina (15 phiếu) và Virginia (13 phiếu).
- Ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở mỗi bang sẽ giành tất cả phiếu đại cử tri của bang đó, ngoại trừ hai bang Maine và Nebraska vốn sử dụng hệ thống phân chia cho từng khu vực.
- Các đại cử tri sẽ nhóm họp vào ngày 17.12 để chính thức bầu tổng thống và phó tổng thống.
- Những người chỉ trích nói rằng đại cử tri đoàn không phải lúc nào cũng phản ánh được ý nguyện của toàn dân. Vào năm 2000, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, song ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush lại có được 271 phiếu đại cử tri, sau khi ông được tuyên bố chiến thắng ở bang Florida.
- Những người ủng hộ hệ thống đại cử tri cho rằng việc chuyển đổi sang bầu trực tiếp tổng thống sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào các khu vực thành thị so với khu vực nông thôn, vốn có dân cư thưa thớt hơn nhiều.
Theo TNO
Khẩu chiến trên mạng xã hội trước thềm bầu cử Mỹ Trước thềm bầu cử ngày 6.11, những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã có những cuộc khẩu chiến kịch liệt trên trang mạng xã hội Twitter. Những người ủng hộ chia làm hai phe để tranh luận nảy lửa, bảo vệ cho ứng cử viên mà họ kỳ vọng sẽ trở...