Vì sao TQ không tham gia vụ kiện của Philippines về tranh chấp Biển Đông?
Trong một tài liệu được công bố gần đây, Bắc Kinh đã nêu ra các lý do nhằm phản đối yêu cầu của Philippines về việc tham gia vụ kiện tranh chấp Biển Đông tại tòa án trọng tài quốc tế.
(Ảnh minh họa)
Vào ngày 7/12, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã công bố một văn kiện chính thức về lập trường của Bắc Kinh liên quan tới đề nghị của Philippines về sự phân xử quốc tế trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Đó là lần đầu tiên Trung Quốc nêu chi tiết lập trường của nước này liên quan tới vụ kiện do Philippines khởi xướng. Bắc Kinh từ lâu đã khẳng định sẽ không tham gia và cũng không chấp nhận kết quả phân xử và văn kiện mới công bố đã đưa ra giải thích pháp lý cho lập trường đó.
Ông Xu Hong, người đứng đầu Ủy ban luật và hiệp ước thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc, nói rằng chính phủ nước này đã quyết định công bố văn kiện để xóa bỏ những hiểu sai về lập trường của Bắc Kinh.
Điểm cốt lõi của việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines là Bắc Kinh không tin tòa trọng tài có thẩm quyền để phân định vụ việc. Rộng hơn, Trung Quốc bác bỏ ý kiến rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển ( UNCLOS) có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, mà Bắc Kinh là trung tâm vụ kiện của Philippines.
“Để xác định bất kỳ tuyên bố nào của Philippines, tòa trọng tài chắc chắn phải định đoạt, dù là trực tiếp hay gián tiếp, vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông… Mà vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại vượt quá phạm vi của công ước”, văn kiện lập trường của Trung Quốc viết.
Trên thực tế, một trong những điều đầu tiên mà tòa sẽ phải quyết định là liệu tòa có thẩm quyền xem xét vụ kiện hay không. Còn Bắc Kinh thì đã làm rõ lập trường rằng vụ kiện không nên tiếp tục.
Văn kiện của Trung Quốc cũng phản hồi các điểm cốt lõi trong vụ kiện của Philippines: rằng tuyên bố về “các lợi ích lịch sử” của Trung Quốc mâu thuẫn với UNCLOS và rằng các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển đã vượt quá giới hạn 200 hải lý do UNCLOS thiết lập.
Bắc Kinh đã đáp trả khi nói rằng vấn đề cơ bản là chủ quyền cần phải được giải quyết trước tiên. “Chỉ sau khi phạm vi của tuyên bố chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông được xác định thì mới có thể đưa ra quyết định về phạm vi các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông”, văn kiện viết. Nói cách khác, trước khi UNCLOS hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác có thể giải quyết vấn đề các tuyên bố hàng hải, Trung Quốc và các bên liên quan phải làm rõ ai sở hữu cái gì.
Trung Quốc cũng nói rằng, vào năm 2006, Bắc Kinh đã tuyên bố không chấp nhận các thủ tục phân xử do UNCLOS đưa ra, trong đó có các vấn đề liên quan tới phân định hàng hải. Vì Philippines đang đề nghị tòa trọng tài phán quyết về việc liệu các khu vực tranh chấp có thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines hay không, thì quyết định của tòa chắc chắn có liên quan tới tiến trình phân định hàng hải. Dù tòa có thẩm quyền phán quyết về vụ việc, Trung Quốc cũng khẳng định nước này không có nghĩa vụ phải chấp nhận phán quyết.
“Bằng việc bắt đầu sự phân xử hiện thời như một nỗ lực nhằm bác bỏ tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc, Philippines đang lạm dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công ước”, văn kiện của Trung Quốc viết.
Cuối cùng, Bắc Kinh khẳng định rằng, bằng việc đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế, Philippines đang vi phạm một thỏa thuận hiện thời nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Video đang HOT
“Philippines bị cấm khởi xướng sự phân xử đơn phương”, Trung Quốc khẳng định, trích dẫn các thỏa thuận song phương và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và khối ASEAN ký kết năm 2002.
Theo đó, Trung Quốc nói rằng vụ kiện của Philippines không phải là một nỗ lực thiện chí nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, mà là một nỗ lực “nhằm tăng sức ép chính trị lên Trung Quốc”.
Văn kiện của Trung Quốc khăng khăng:
“Việc Philippines khởi xướng đơn phương sự phân xử hiện thời sẽ không thay đổi lịch sử và sự thật về chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, cũng không làm lung lay quyết tâm của Bắc Kinh nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hàng hải liên quan, cũng không ảnh hưởng tới chính sách và lập trường của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng đàm phán trực tiếp và hợp tác với các nước khác trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Trung Quốc vẫn luôn nói rằng nước này sẽ không thay đổi mọi quan điểm về Biển Đông do vụ kiện của Philippines, dù tòa án có ra phán quyết thế nào.
An Bình
Theo Dantri/Diplomat
"Lời đồn" Mỹ trực tiếp can thiệp Biển Đông?
Năm 2010, một điểm có lẽ sẽ thu hút được nhiều chú ý nhất là quan điểm cho rằng Mỹ có thể tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở Biển Đông.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 2, Nghiên cứu Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp tại biển Đông từ 1995* của M. Taylor Fravel. Tác giả là PGS Khoa học chính trị và là thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp ở Biển Đông chủ yếu mang tính đối phó. Mỹ chỉ thay đổi nội dung chính sách khi xảy ra những sự kiện đe dọa các mối quan tâm của Mỹ tại khu vực này. Có thể xem xét chính sách mà Mỹ đã tuyên bố theo các bước ngoặt nổi bật.
1995: TQ chiếm bãi đá Vành Khăn
Lần đầu tiên Mỹ công khai đưa ra quan điểm về các tranh chấp trên Biển Đông là sau sự kiện TQ chiếm bãi đá Vành Khăn cuối năm 1994. Đáp lại mối lo ngại gia tăng về tình hình ổn định trong khu vực, tháng 5/1995, qua Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chính sách. Theo tuyên bố này, chính sách của Mỹ có 5 điểm như sau:
(1) Giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp: "Mỹ cực lực phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tuyên bố chồng lấn và hối thúc các bên ra tuyên bố kiềm chế và tránh những hành động gây mất ổn định."
(2) Hòa bình và ổn định: "Mỹ luôn muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông."
(3) Tự do hàng hải: "Duy trì tự do hàng hải là mối quan tâm cơ bản của Mỹ. Quyền tự do đi lại của tất cả các tàu thuyền và máy bay trong khu vực Biển Đông là điều kiện cần để đảm bảo hòa bình và sự thịnh vượng của toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ".
(4) Trung lập trong vấn đề chủ quyền: "Mỹ không đứng về bên nào về mặt pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với các đảo, dải đá ngầm, san hô, và bãi đá ở Biển Đông".
(5) Tôn trọng các quy định hàng hải, đặc biệt là UNCLOS: "Tuy nhiên, Mỹ sẽ nghiêm túc xem xét bất kỳ tuyên bố hàng hải hoặc hạn chế hoạt động hàng hải nào ở Biển Đông mà không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982".
Sau khi TQ chiếm Vành Khăn, dù không biến mất hoàn toàn, song căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông bắt đầu lắng dịu. Cuối thập niên 1990, TQ và ASEAN bắt đầu tiến trình đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử đối với các tranh chấp trên Biển Đông. Năm 2002, hai bên đi đến thống nhất về việc đưa ra tuyên bố về một bộ quy tắc ứng xử, trong đó các bên cam kết tới một thời điểm nào đó sẽ cùng ký vào bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc này.
Đá Vành Khăn (ảnh: Victor Robert Lee/ Thewangpost)
2010: Phản ứng trước các căng thẳng ngày càng tăng từ tất cả các bên tranh chấp
Năm 2010, Mỹ quyết định mở rộng và làm rõ chính sách của mình đối với Biển Đông nhằm đáp lại sự leo thang căng thẳng giữa các bên tuyên bố kể từ sau năm 2007. Trong suốt thời gian từ năm 2007 đến giữa năm 2010, tất cả các bên tuyên bố, đặc biệt là TQ đều chủ động hơn trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình, và có lúc còn có hành động củng cố hoặc bảo vệ các yêu sách này, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Cụ thể, TQ đã đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài (trong đó có một số công ty Mỹ) đang đầu tư vào các khu khai thác ngoài khơi Việt Nam trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008, ra tuyên bố và phản đối tuyên bố về quyền khai thác thềm lục địa mở rộng tới một cơ quan của Liên hợp quốc, cố ý bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa trong năm 2008 và 2009, cố tình cản trở hoạt động của tàu khu trục USNS Impeccable khi tàu này ở vị trí cách đảo Hải Nam khoảng 75 hải lý hồi tháng 3/2009, đính kèm một bản đồ có "đường chín đoạn" vào một công hàm gửi Liên hợp quốc hồi tháng 5/2009, áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa ở khu vực phía bắc Biển Đông, gia tăng số lượng tàu tuần tra của các cơ quan chấp pháp ở các vùng nước tranh chấp, tăng tần suất và quy mô tập trận ở Biển Đông.
Đến năm 2009, Mỹ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Biển Đông. Có hai nguyên nhân mật thiết. Thứ nhất, lần đầu tiên TQ trực tiếp thách thức lợi ích thương mại của Mỹ, cụ thể là các công ty dầu khí của Mỹ đang hoạt động ngoài khơi Việt Nam năm 2008.
Thứ hai, việc TQ cản trở hoạt động của tàu khu trục USNS Impeccable và các tàu khảo sát khác của lực lượng hải quân Mỹ lại làm dấy lên câu hỏi về cách tiếp cận của TQ đối với vấn đề tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế.
Đến năm 2010, chính quyền của Tổng thống Obama quyết định cần đưa ra một tuyên bố mới về chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Thời điểm được chọn là hội nghị hàng năm của Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra vào tháng 7/2010. Trong suốt phiên họp kín, Mỹ và 12 nước khác đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra tuyên bố công khai về lập trường của Mỹ, tính thời điểm đó đây là tuyên bố công khai ở cấp cao nhất của chính quyền Mỹ.
Trong tuyên bố của mình, bà Clinton khẳng định các điểm cốt lõi trong chính sách năm 1995, đồng thời cũng đưa thêm vào những điểm mới, cụ thể là:
(1) Không giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp cưỡng ép
(2) Ủng hộ "các bên theo đuổi một tiến trình ngoại giao hợp tác," Mỹ sẵn lòng "hỗ trợ các sáng kiến và các biện pháp xây dựng lòng tin, phù hợp với [Tuyên bố về Bộ Quy tắc Ứng xử năm 2002]
(3) Ủng hộ soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử đầy đủ
(4) Giữ lập trường "các tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với không gian trên biển ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với các thực thể".
Bản tuyên bố không nêu đích danh TQ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton nhắm trực tiếp vào TQ hơn bất kỳ bên tuyên bố nào khác.
Trước hết, cách nói "các tuyên bố chủ quyền hợp pháp" cho thấy Mỹ phản đối bất kỳ tuyên bố quyền trên biển nào của TQ dựa trên bản đồ đường chín đoạn. Thứ hai, việc nhấn mạnh vào "tiến trình hợp tác" ngụ ý tới các cuộc nói chuyện đa phương, trái ngược hẳn với mong muốn đàm phán song phương với từng bên tranh chấp của TQ.
Trong thời gian này, một điểm có lẽ sẽ thu hút được nhiều chú ý nhất là quan điểm cho rằng Mỹ có thể tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở Biển Đông. Quan điểm này dựa trên một số lý lẽ.
Đó là, tại cuộc họp diễn ra vào tháng 7/2010 trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN, Mỹ đã phối hợp với các nước khác (bao gồm cả các bên có tuyên bố trong tranh chấp và các bên không), cùng nhau, 12 quốc gia bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang tại biển Đông, mà TQ góp phần gây ra.
Thứ 2, Mặc dù bà Clinton không tuyên bố rằng Mỹ sẽ trở thành một bên trong tranh chấp, song tuyên bố chính sách mới này rõ ràng ngụ ý rằng việc này có thể xảy ra, và cảm nhận này được giữ nguyên mà không có đính chính.
Bằng tuyên bố chính sách mới năm 2010, Mỹ cho thấy mình đã lên kế hoạch để vừa duy trì được sự trung lập trong vấn đề tranh chấp (chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển), vừa có thể tham gia vào cuộc tranh chấp theo một cách nào đó.
Cho đến mùa hè năm 2012, chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp Biển Đông vẫn không có nhiều thay đổi đáng kể, ngoại trừ một ngoại lệ. Thảo luận về việc "tạo điều kiện" cho các cuộc đối thoại hoặc trao đổi đã không còn xuất hiện trong luận điểm mà quan chức Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh mối quan tâm của mình đến vấn đề tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không sử dụng các biện pháp cưỡng ép. Mỹ cũng tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các bên tranh chấp cùng tham gia đối thoại, và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ tiến trình đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông.
(Còn tiếp)
Theo Hà Trang (lược dịch theo RSIS)/Dantri
*Tên tiếng Anh của Nghiên cứu là "U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995". Tiêu đề các phần chuyển ngữ do Tuần Việt Nam đặt.
Nga biến Crimea thành lá chắn trên không Thiếu tướng Victor Gumennyi, chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không trực thuộc Không quân Nga ngày 6/12 cho biết kể từ đầu tháng 12, hệ thống phòng không của Nga đã hoạt động trên bán đảo Crimea và tại bán đảo này cũng đã hình thành trường radar liên tục. Ông Gumennyi được dẫn lời nói: "Giờ không một phương tiện...