Vì sao TQ có thể đã rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough?
Thông tin Trung Quốc rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh và Manila.
Ông Duterte (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Bắc Kinh.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Mỹ và Philippines hiện đang xác minh liệu các tàu hải cảnh Trung Quốc đã rút khỏi Scarborough hay chưa.
Phát biểu trước các phóng viên tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói rằng mọi hành động rút khỏi bãi cạn đều được Washington hoan nghênh. Ông Blinken nhắc đến khả năng diễn biến này bắt nguồn từ đàm phán song phương giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn khiến quan hệ Mỹ-Philippines trở nên xa cách.
Ngày 29.10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói ngư dân nước này lần đầu tiên sau 4 năm, đã có thể vào đánh cá một cách không bị cản trở ở bãi cạn Scarborough. Ông Lorenzana cũng thừa nhận thông tin này cần phải được kiểm chứng thêm.
Các máy bay của Không quân Philippines trong tuần này sẽ có chuyến tuần tra trên cao xung quanh bãi cạn để đánh giá tình hình. Bãi cạn Scarborough cách phía tây đảo Luzon của Philippines khoảng 250 km.
Đây là một trong những điểm nóng tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Bắc Kinh và Manila. Trung Quốc gọi bãi cạn này là Hoàng Nham.
Theo chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh tránh nhắc đến việc “cho phép Philippines đánh cá” trong tuyên bố chung với Manila khi ông Duterte thăm Trung Quốc. “Bắc Kinh muốn né tránh những hiểu nhầm rằng Trung Quốc nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Philippines”.
Video đang HOT
Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012.
“Cho phép đánh cá tự do có thể không phải là vĩnh viễn và chính thức, vẫn còn quá sớm để đánh giá xem quan hệ Trung Quốc-Philippines sẽ phát triển theo chiều hướng nào”, Du Jifeng chuyên gia nghiên cứu các vấn đề khu vực Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Chuyên gia hàng hải ở Bắc Kinh nói rằng, cả Trung Quốc và Philippines muốn tìm lối thoát cho tranh cãi về quyền đánh bắt cá. Đây là một trong những điểm mấu chốt kể từ khi Manila cáo buộc Bắc Kinh cấm ngư dân nước này đến ngư trường truyền thống ở Scarborough.
“Sau chuyến thăm của ông Duterte, dường như cả hai bên đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực”, ông Du nói.
Nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh, Li Jie nhận định, vấn đề đánh cá trong vùng biển tranh chấp liên quan trực tiếp đến chủ quyền và cần có thời gian để các bên giải quyết.
Thay vì đơn giản là cấm ngư dân Philippines vào bãi cạn, Bắc Kinh muốn thử nghiệm xem liệu quyết định cho phép ngư dân Philippines quay trở lại Scarborough có phải là cách hạ nhiệt căng thẳng hay không, chuyên gia Li Jie nói.
Trước chuyến thăm đến Bắc Kinh của ông Duterte, có những tin đồn rằng liệu vấn đề Biển Đông có được nhắc đến hay không. Trên thực tế, ông Duterte sau đó xác nhận rằng hai bên đã có cuộc “đàm phán riêng” và ông sẽ “để chính quyền Trung Quốc” quyết định xem nên làm thế nào.
Vấn đề này không được nhắc đến trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines kể từ năm 2012 và là một trong những nguyên nhân chính khiến Manila nộp đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng Tài thường trực năm 2013.
Theo Danviet
Trung Quốc tìm đồng minh trong vấn đề biển Đông
Người phát ngôn chính phủ Campuchia nói không có thỏa thuận nào.
Trung Quốc tuyên bố theo thỏa thuận bốn điểm đã đạt được về vấn đề biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào, tranh chấp biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN và tranh chấp phải được giải quyết qua đàm phán trực tiếp.
Báo The Straits Times (Singapore) ngày 26-4 dẫn lời ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính trị tại Bộ Ngoại giao Singapore, nhận định thỏa thuận này là cách để chia rẽ ASEAN trước khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye công bố phán quyết về vụ Philippines kiện "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Ông cảnh báo ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á có thể có tác động địa-chính trị rộng lớn hơn với các nước ASEAN. Ông ghi nhận quan hệ kinh tế sẽ tác động đến cách thức một số nước thành viên ASEAN tính toán lợi ích riêng của họ.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Hassan Wirajuda lo ngại "ASEAN không đủ khả năng đối phó với các căng thẳng gia tăng hoặc giải quyết hòa bình các tranh chấp".
Dù vậy, nguyên Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong trấn an, Singapore với tư cách là nước điều phối ASEAN-Trung Quốc sẽ làm hết sức để bảo vệ quan điểm của ASEAN.
Máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ Clark (Philippines) tuần tra gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: KHÔNG LỰC MỸ
Trong khi đó, báo The Phnom Penh Post (Campuchia) nhắc lại lời của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: Một nước thành viên ASEAN không thể thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp cùng liên quan đến các nước khác trong ASEAN.
Báo cho biết hôm 25-4, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan lên tiếng phản bác: "Không có thỏa thuận hay thảo luận gì, chỉ là chuyến thăm của bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc" (chuyến thăm Campuchia vào cuối tuần trước).
Song song theo đó, trang web breitbart.com (Mỹ) đã đăng bài viết ghi nhận Trung Quốc đang tìm kiếm đồng minh ủng hộ cho yêu sách chủ quyền ở biển Đông.
Báo dẫn nguồn từ trang tin Quartz của Mỹ cho biết tuần trước, quốc gia châu Phi Gambia đã đưa tuyên bố ủng hộ Trung Quốc đầu tiên. Tuyên bố sử dụng ngôn từ không khác gì cơ quan tuyên truyền Trung Quốc.
Gambia tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và các vùng biển lân cận". Tuyên bố cũng bác bỏ phán quyết sắp tới từ Tòa Trọng tài thường trực và cho rằng "tòa không có thẩm quyền đưa ra phán quyết về đường biên giới trên biển ở biển Đông".
Trong quá khứ, Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong nỗ lực tìm kiếm đồng minh ủng hộ yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc đã lôi kéo đảo quốc Fiji nhưng Fiji khẳng định sẽ thực hiện chính sách không liên kết.
Trung Quốc cũng tìm cách có được sự ủng hộ của Nga để phản đối Tòa Trọng tài thường trực bởi Nga đang vướng một vụ kiện ở đây vì bị cáo buộc xâm chiếm Crimea của Ukraine. Song Nga chưa đưa ra tuyên bố ủng hộ cụ thể nào.
Tại cuộc họp báo ngày 25-4, trả lời câu hỏi báo South China Morning Post ngày 25-4 dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết Trung Quốc tiến hành cải tạo đất và xây đường băng trên bãi cạn Scarborough trong năm nay, vậy hoạt động này có đi ngược lời Trung Quốc nói đã chấm dứt xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở biển Đông hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời chưa nghe nói đến vấn đề này. Bà nói Mỹ và Philippines đưa máy bay quân sự bay gần bãi cạn Scarborough là bình thường nhưng động cơ thì bất thường. Bà khăng khăng cho rằng bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền Trung Quốc và Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền. Cùng ngày 25-4, Tân Hoa xã đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối sáu máy bay Mỹ tuần tra trên bãi cạn Scarborough hôm 19-4 là "thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông nhân danh tự do hàng hải". 13 nước và vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải trong năm 2015. Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc công bố ngày 25-4 (giờ địa phương), 13 nước này gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Libya, Iran, Maldives, Oman, Đài Loan, Nicaragua và Argentina.
BẢO YẾN - PH.QUỲNH
Theo PLO
Philippines: Tàu TQ đã rời bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh thông tin được Bộ Quốc phòng Philippines công bố về việc tàu thuyền Trung Quốc đã rút toàn bộ khỏi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012 đến nay. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố ngày 28.10 rằng toàn bộ tàu thuyền...