Vì sao TP.HCM triển khai nhiều biện pháp phòng dịch nhưng ca nhiễm vẫn tăng cao?
Ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nêu lý do các ca COVID-19 tăng cao dù thành phố thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch.
Chiều 28/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin dịch COVID-19, ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, khi xuất hiện chủng virus Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng, dù có những biện pháp phòng ngừa tích cực, chủ động nhưng chưa thể ngăn chặn được chuỗi lây nhiễm, từ đó lây lan nhiều hơn.
Cụ thể, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra sự lây nhiễm thành từng chuỗi, khó cắt đứt trong thời gian ngắn.
” Gần như toàn bộ người trong gia đình có ca nhiễm đều mắc bệnh. Mức độ lây lan của biến chủng này rất kinh khủng” , ông Phan Thanh Tâm nói.
Ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Video đang HOT
Các biến chủng Anh trước đây cũng có tốc độ lây lan nhanh, nhưng dễ cắt đứt và hầu hết chỉ lây nhiễm khi tiếp xúc rất gần. Còn với khả năng lây lan mạnh của biến chủng Delta, ngành Y tế cùng chính quyền thành phố dù có biện pháp quyết liệt, chủ động nhưng chưa ngăn chặn, cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm.
Đại diện HCDC hy vọng với những giải pháp quyết liệt mới như Chỉ thị 10 và một số biện pháp tăng cường, thành phố sẽ sớm giảm được tỷ lệ lây nhiễm thời gian tới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố sáng 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố triển khai rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Do đó, cả thành phố cần tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên đến 3 con số mỗi ngày.
'Biến chủng nCoV mới nhẹ hơn, lơ lửng trong không khí rất lâu'
Theo thông tin từ Giám đốc HCDC, biến chủng Delta khiến tốc độ lây nhiễm và tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng ở TP.HCM cao hơn.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 14/6, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhận định biến chủng virus Delta B.1.617.2 (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) là sự khác biệt trong đợt dịch mới bùng phát tại TP.HCM.
Ông Dũng chia sẻ lần đầu tiên biến chủng này được phát hiện trên địa bàn thành phố là 2 bệnh nhân ở Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3). Thời điểm này, sự lây lan chưa được thể hiện rõ ràng khi các đồng nghiệp của 2 trường hợp trên không mắc bệnh.
"Tuy nhiên, khi chúng ta phát hiện ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng với 7 ca đầu tiên đều nhiễm biến chủng Delta, tốc độ lây lan là hoàn toàn khác biệt so với các biến chủng trước đây có mặt tại Việt Nam", Giám đốc HCDC nói.
Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là khác biệt trong vụ dịch lần này tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Hoàng Giám .
Trước đó, TP.HCM từng ghi nhận sự lây lan nhanh nhất là trong chùm ca bệnh liên quan một quán bar trên địa bàn. Việc tiếp xúc gần là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan trong ổ dịch này.
"Điều này cho thấy các trường hợp nhiễm biến chủng virus trước đó phải tiếp xúc rất gần mới làm lây lan virus", ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, trong đợt dịch lần này, TP.HCM ghi nhận rất nhiều chùm ca nhiễm trong gia đình, tòa nhà chung cư. Thậm chí, 71 nhân viên trong hơn 300 người cùng làm việc chung một môi trường kín có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ đạt gần 1/4. Con số này cho thấy mức độ lây lan virus với biến chủng Delta rất nhanh.
Giám đốc HCDC cho biết thêm biến chủng Delta khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhanh hơn. Người bệnh chỉ tiếp xúc F0 sau 3 ngày đã có thể xuất hiệu triệu chứng của Covid-19.
Các bệnh nhân tại Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua đã chứng minh chu kỳ lây nhiễm của virus bị rút ngắn chỉ còn 3 ngày. Sau thời gian này, SARS-CoV-2 có một chu kỳ lây nhiễm mới.
"Với biến chủng tại Anh, chúng ta ghi nhận 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, với ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng vừa qua, 66% người được thống kê là có triệu chứng. Chu kỳ lây nhiễm trong 3 ngày kết hợp tỷ lệ xuất hiện triệu chứng cao dẫn đến sự lây nhiễm rất nhanh của biến chủng", vị lãnh đạo này nhận định.
Ngoài ra, ông Dũng cũng lý giải tốc độ lây nhiễm nhanh còn đến từ việc virus được phát tán trong không khí khi "tỷ trọng của virus nhẹ hơn, chúng lơ lửng trong không gian rất lâu sau đó mới rơi xuống bề mặt".
Giám đốc HCDC cũng đánh giá biến chủng Delta của SARS-CoV-2 khá giống virus H1N1 từng xuất hiện tại Việt Nam. Dù vậy, so với H1N1, tỷ lệ xảy ra triệu chứng của biến chủng Delta SARS-CoV-2 vẫn nhỏ hơn.
"Việc biến chủng này có dẫn làm tăng nguy cơ tử vong hay không, chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ do còn đợi kết quả của quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng bệnh nền của các bệnh nhân Covid-19", ông Dũng cho hay.
Biến chủng Delta của virus corona ở TP.HCM nguy hiểm thế nào? Giám đốc HCDC thông tin về mức độ nguy hiểm từ biến chủng Delta của virus corona được ghi nhận ở TP.HCM. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, biến chủng Delta có chu kỳ lây nhiễm ngắn, khiến người bệnh nhiều triệu chứng, làm tăng khả năng lây lan. TP.HCM từng ghi nhận sự lây lan...