Vì sao TP.HCM chưa được mua trực thăng chữa cháy nghìn tỷ?
Theo thông tư 60 của Bộ Công an, Hà Nội và TP.HCM khi đủ điều kiện cần và đủ (hạ tầng, sân đỗ, đội ngũ phi công…) sẽ trang bị máy bay trực thăng. Với TP.HCM, để thực hiện hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ và xây dựng đề án tiền khả thi, nếu được trang bị rồi phải khai thác hiệu quả.
Sở PCCC TP.HCM vừa công bố kế hoạch mua sắm trang thiết bị đến năm 2025 với kinh phí lên đến gần 8.200 tỷ.
Theo ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc PCCC TP.HCM, phạm vi điều chỉnh của kế hoạch PCCC trên địa bàn TP.HCM có 4 nội dung cơ bản đó là phát triển, quy hoạch mạng lưới cấp nước chữa cháy trên địa bàn. Trong đó có nội dung phát triển những trụ nước chữa cháy trên trục giao thông có hệ thống cấp nước đô thị đi qua.
Ngoài ra còn có nội dung tận dụng hồ chứa, hồ điều tiết trong doanh nghiệp, công cộng và phát triển mạng lưới các đơn vị PCCC cấp phòng trên 24 quận huyện. Bên cạnh đó kế hoạch sẽ lồng ghép vấn đề PCCC vào giải pháp chung trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP. Từ đó sẽ có phương án cụ thể như ngăn cháy lan, đào tạo lực lượng tại chỗ… để đề phòng khi xảy ra sự cố trong những hẻm sâu thì người dân sẽ biết cách xử lý. Tùy địa hình của từng khu vực cụ thể, cảnh sát PCCC sẽ đưa ra cách xử lý riêng.
Trang thiết bị của lực lượng PCCC TP.HCM trong một lần tham gia cứu hỏa.
Liên quan đến các phương án xử lý trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng, ông Bửu cho rằng PCCC TP đều có phương án xử lý. Còn trong trường hợp không còn cách nào khác thì PCCC cũng có phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để khi cần thì sẽ báo cáo lãnh đạo TP điều động máy bay trực thăng tham cứu hộ cứu nạn.
Về việc trong đề án đến năm 2025 không đề cập đến việc mua máy bay trực thăng, ông Bửu cho rằng việc mua trực thăng đã được quy định trong thông tư 60 của Bộ Công an. Theo thông tư này thì với 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM khi đủ điều kiện cần và đủ (hạ tầng, sân đỗ, đội ngũ phi công…) sẽ trang bị máy bay trực thăng.
Video đang HOT
Với TP.HCM, để thực hiện hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ và xây dựng đề án tiền khả thi, nếu được trang bị rồi phải khai thác hiệu quả.
“Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ có báo cáo với lãnh đạo TP để có chủ trương đầu tư. Vì chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhưng thực tế thì thấy cần thiết. Trong đề án quy hoạch lần này không đề cập đến nhưng khi có nhu cầu sẽ có đề án báo cáo riêng”, ông Bửu nói.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc PCCC TP.HCM.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn đến năm 2025 với kinh phí lên đến gần 8.200 tỷ đồng.
Quy hoạch chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn trước năm 2020 sẽ đầu tư 2 tàu, 258 xe chữa cháy, 61 máy bơm, 6 ca nô, 2 xuồng cứu nạn – cứu hộ và rất nhiều trang thiết bị.
Trong 5 năm tiếp theo, mua thêm 131 xe, 1 ca nô, các trang thiết bị và lắp đặt mới gần 20.000 trụ nước để phục vụ công tác chữa cháy…
Theo Danviet
TP HCM vẫn muốn có máy bay trực thăng để chữa cháy, cứu hộ
Dù không được đề cập trong quy hoạch PCCC đến năm 2025, song lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC cho rằng cần thiết phải trang bị máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ cho TP HCM.
Ngày 29/7, sau khi công bố dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM - nói thêm rằng, trong thời gian tới rất cần thiết phải trang bị máy bay trực thăng cho công tác cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy nhà cao tầng tại TP HCM.
"Dự án quy hoạch vừa được UBND thành phố phê duyệt chưa đưa trang thiết bị này vào. Nhưng nếu có nhu cầu chúng tôi sẽ có đề án báo cáo riêng về máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ", ông Bửu nói.
Đối với việc xử lý cháy, cứu hộ, cứu nạn nhà cao tầng trên địa bàn TP HCM hiện nay, ông Bửu cho biết, tất cả các tòa nhà từ 20 tầng trở lên đều phải thiết kế hệ thống thang máy riêng cho PCCC; có lối thoát nạn, hệ thống chữa cháy tự động để xử lý ban đầu và phục vụ cho lực lượng PCCC khi ứng phó.
Hiện TP HCM mới có các xe thang, chưa có máy bay trực thăng chuyên dụng nên việc chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.C
Trong trường hợp tắc đường, kẹt xe và không còn cách nào khác để ứng phó với sự cố cháy nổ nhà cao tầng, đại tá Bửu khẳng định đã có sự phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn như Quân khu 7, Bộ Tư Lệnh TP HCM, Bộ Quốc Phòng...
"Chúng tôi có kết nối, có thông tin, khi cần sẽ tham mưu cho UBND TP để có kế hoạch điều động máy bay trực thăng xử lý tình huống chẳng đặng đừng tại các tòa nhà cao tầng", ông Bửu chia sẻ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành PCCC TP HCM khẳng định, quy định dùng trực thăng cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy đã có trong thông tư của Bộ Công an. Theo đó, tại các đô thị đặc biệt như TP HCM và Hà Nội khi đã chuẩn bị các điều kiện cần và đủ như trang bị hạ tầng, bộ phận bảo trì, bảo dưỡng, sân bay và phi công... sẽ được trang bị máy bay trực thăng.
Theo ông Bửu, để sử dụng có hiệu quả máy bay trực thăng cứu hộ và chữa cháy nhà cao tầng ở TP HCM, phải nghiên cứu kỹ và xây dựng phương án tiền khả thi. Thành phố phải tính toán việc trang bị là cần thiết như thế nào để khi trang bị rồi phải khai thác triệt để, có hiệu quả.
"Đây là vấn đề chúng tôi hướng tới. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ thông qua phương án tiền khả thi từ sự thống nhất với các sở ngành và lực lượng vũ trang. Từ đó, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể cho lãnh đạo thành phố để có chủ trương đầu tư" ông Bửu cho hay.
Tại buổi công bố, Phó chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng cho rằng, ngành PCCC thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm xảy ra 1.461 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu hộ - cứu nạn. Trong đó, mặc dù vụ cháy giảm 110 vụ (chỉ 220 vụ so với cùng kỳ) nhưng số điểm cháy tăng 540 vụ, đã có 1.166 điểm báo cháy chiếm tỷ lệ tăng 86,26% (so với cùng kỳ năm 2015).
Dự án quy hoạch PCCC lần này được đánh giá là cơ hội để ngành PCCC TP HCM nâng cao quản lý nhà nước, từng bước hiện đại và tinh nhuệ mang tầm khu vực. Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025 là phát triển mạng lưới cấp nước phục vụ PCCC, đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đào tạo huấn luyện xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC...
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 8.100 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là gần 2.300 tỷ đồng; thành phố hơn 4.000 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, phí, lệ phí.
Trước đó, hồi đầu năm 2013 UBND TP HCM lần đầu phê duyệt đề cương chi tiết dự án của Sở cảnh sát PCCC. Trong đó có đề xuất lần lượt mua 6 máy bay trực thăng chuyên dụng phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn với giá mỗi chiếc khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trang bị máy bay chữa cháy là việc không đơn giản, cần phải được xem xét và tính toán thấu đáo nên trong dự án vừa được phê duyệt không có nội dung này.
Ngọc Hậu
Theo VNE
TPHCM không phê duyệt mua trực thăng chữa cháy Ngoài việc sắm thêm hàng trăm xe và tàu chữa cháy, tăng cường quân số, nhân lực, TPHCM sẽ phát triển mạng lưới cấp nước, trụ nước chữa cháy. Đáng chú ý, dù trước đó Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP từng đề xuất mua 6 máy bay trực thăng chuyên dụng để chữa cháy nhưng dự án vừa phê duyệt không...