Vì sao Tổng thống Trump mềm mỏng với Saudi Arabia?
Đằng sau thái độ mềm mỏng và thận trọng của Tổng thống Trump với Saudi Arabia là những lợi ích kinh tế và địa chính trị của nước Mỹ.
Lựa chọn của chính quyền ông Trump: Tiền, ảnh hưởng hay nhân quyền?
Theo các quan chức và cố vấn ở Nhà Trắng, dù trong những cuộc điện đàm riêng hay trong những cuộc hội ý kín tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có những lý lẽ riêng để bảo vệ mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: AFP
Ông Trump nhấn mạnh đến những khoản đầu tư khổng lồ của Saudi Arabia vào thị trường vũ khí Mỹ và lo ngại rằng nếu mối quan hệ giữa Washington và Riyadh bị rạn nứt thì Saudi Arabia có thể sẽ tìm giải pháp thay thế bằng cách mua vũ khí từ Trung Quốc hoặc Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lo ngại việc vương quốc này có thể sẽ cắt giảm việc cung cấp dầu mỏ cho Mỹ. Ông cảnh báo thêm rằng việc đối đầu với Saudi Arabia có thể khiến Mỹ mất đi một đối tác chủ chốt trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng thậm chí cả khi Mỹ cô lập Saudi Arabia, vương quốc này thực sự quá giàu có để có thể hoàn toàn bị cô lập.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng dù nhà báo Khashoggi sống ở bang Virginia, Mỹ và viết bài cho tờ Washington Post nhưng nhà báo bất đồng chính kiến này là một công dân Saudi Arabia. Hàm ý của ông Trump ở đây là muốn chỉ rõ rằng sự mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi không nhất thiết phải là vấn đề quan tâm của nước Mỹ.
Trở về Mỹ sau chuyến thăm thủ đô Riyadh của Saudi Arabia và sau cuộc ghé thăm “chớp nhoáng” Thổ Nhĩ Kỳ, ông Pompeo không cung cấp cho báo chí bất kỳ thông tin cụ thể nào về cách giải quyết của chính quyền Tổng thống Trump đối với vụ nhà báo Khashoggi mất tích nhưng hé lộ rằng bất kỳ sự phản ứng nào của Mỹ đều sẽ cân nhắc đến “mối quan hệ quan trọng” giữa Washington và Riyadh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, phía Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đoạn băng ghi âm được cho là bằng chứng về việc nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ “nếu nó tồn tại”, đồng thời thể hiện những nghi ngờ về bằng chứng này.
Là một Tổng thống được biết tới với các hành động khó đoán định nhưng đã 2 tuần trôi qua, ông Trump vẫn trì hoãn việc ra quyết định đối với trường hợp của nhà báo Khashoggi.
Tổng thống Trump kiên quyết không đưa ra một phản ứng vội vàng và phần lớn nghe theo những lời góp ý đầy thận trọng của ông Pompeo – hiện là một trong những quan chức thân tín nhất của Tổng thống Mỹ. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định rằng việc ông Trump cử Ngoại trưởng Pompeo tới Saudi Arabia đã cho thấy ông coi trọng vấn đề này như thế nào.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và cố vấn cấp cao Jared Kushner cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình chiến lược với Saudi Arabia của Tổng thống Trump. Cố vấn Kushner, người có mối quan hệ thân thiết với thái tử Saudi Arabia, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Saudi Arabia đối với sự thịnh vượng và nền hòa bình ở Trung Đông.
Video đang HOT
Dù nhân quyền vốn luôn là một “chiêu bài” để Mỹ và phương Tây can thiệp vào các nước Trung Đông nhưng Saudi Arabia dường như là một ngoại lệ. Đặt chân đến thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào tháng 3/2017, ông Trump trở thành Tổng thống đầu tiên của Mỹ tuyên bố công khai vấn đề nhân quyền của nước này không nhằm trong chương trình nghị sự của ông.
“Chúng tôi không ở đây để rao giảng. Chúng tôi không ở đây để nói với người khác phải sống như thế nào, làm gì hay thờ phụng ai”, Tổng thống Donald Trump tuyên bố với nước chủ nhà Saudi Arabia.
Thực ra, những lợi ích đan xen giữa Mỹ và Saudi Arabia đã được thiết lập vào năm 1945 khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt gặp Quốc vương Saudi Arabia Abdulaziz bin Saud trên một chiến hạm của Mỹ thả neo ở kênh đào Suez. Cuộc gặp lịch sử này đã đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ – Saudi Arabia khi Quốc vương đồng ý đảm bảo Saudi Arabia cung cấp dầu mỏ cho Mỹ với giá hợp lý. Đổi lại, ông Roosevelt cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quân đội Saudi Arabia khỏi những kẻ thù bên ngoài.
“Mỗi tổng thống Mỹ từ thời Roosevelt, D Franklin đều đặt dầu mỏ và những vấn đề chiến lược lên trước vấn đề nhân quyền khi gặp gỡ các Quốc vương Saudi Arabia để tránh làm sụp đổ mối quan hệ song phương này”, Chas Freeman, cựu đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia nhận định.
Những ý kiến trái chiều về thái độ mềm mỏng của ông Trump với Saudi Arabia
Sau cuộc điện đàm với vua Salman ngày 15/10, ông Trump đã đặt ra giả thuyết về khả năng có “những kẻ giết người bí hiểm” đã đột nhập vào Lãnh sự quán Saudi Arabia và giết hại nhà báo Khashoggi. Đặc biệt, ngày 16/10, sau khi Ngoại trưởng Pompeo mỉm cười chụp ảnh cùng hoàng gia Saudi Arabia tại một trong những cung điện lộng lẫy ở Riyadh, Tổng thống Trump càng cho rằng Saudi Arabia có thể chỉ là nạn nhân của một thế lực nào đó muốn biến họ thành những kẻ có tội.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp, gồm cả những người trong Đảng Cộng hòa kêu gọi chính quyền Mỹ cần có hành động mạnh mẽ hơn.
“Chỉ vì chúng ta đang hợp tác với một quốc gia thì không có nghĩa là Mỹ chỉ có thể nhún vai và nói rằng không có gì xảy ra cả”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio nhận định trên CNN ngày 16/10.
Thượng viện Mỹ có thể thực thi các lệnh trừng phạt với Saudi Arabia thậm chí cả khi Tổng thống Trump phản đối và điều này không phải chưa từng có tiền lệ khi năm 2017, Thượng viện Mỹ đã thông qua các lệnh trừng phạt Nga với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống.
Tổng thống Trump trong một thời gian dài luôn coi mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia được duy trì dựa trên tiền bạc. Ông thường hối thúc Saudi Arabia cam kết mua 110 tỷ USD vũ khí của Mỹ dù con số này đang gây nhầm lẫn bởi nó bao gồm các các thỏa thuận được ký kết dưới thời Tổng thống Obama cũng như doanh số này có lẽ chưa được hiện thực hóa trong nhiều năm.
Ngày 17/10, một nhóm các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã kêu gọi công khai hóa toàn bộ việc làm ăn giữa ông Trump và Saudi Arabia cũng như đóng băng mọi hoạt động kinh doanh với vương quốc này trong quá trình điều tra vụ nhà báo Khashoggi bị mất tích.
Dùng khái niệm “những kẻ giết người bí ẩn” để bảo vệ vương quốc Saudi Arabia, ông Trump đã thể hiện phản ứng hoàn toàn khác với các đồng minh chủ chốt của Mỹ khi các quốc gia này đều bày tỏ mối quan ngại về việc nhà báo Saudi Arabia bị mất tích và kêu gọi chính quyền này phải đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Việc Tổng thống Trump đưa ra giả thuyết về “những kẻ giết người bí hiểm” đã dấy lên những nghi ngờ rằng Tổng thống có thể sẽ chấp nhận thuyết âm mưu này nếu chúng có lợi.
“Châu Âu coi việc Tổng thống Trump sẵn sàng bẻ cong sự thật là để thực hiện các mục tiêu của ông mà không có một chút xấu hổ hay sợ hãi nếu bị phát hiện”, Jeremy Shapiro – giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế nhận định.
Trước sức ép gia tăng về việc trừng phạt Riyadh, Tổng thống Trump đang có những bước đi đầy thận trọng. Với ông Trump, buôn bán vũ khí với Saudi Arabia vẫn là ưu tiên hàng đầu.
“Tổng thống đang cố gắng giữ bình tĩnh trong tình huống này, chờ đợi và xem xét ai là người trực tiếp chịu trách nhiệm. Trong khi Tổng thống Trump khẳng định rằng ông không đồng tình với những gì đang diễn ra, tình hình vẫn vô cùng phức tạp bởi Riyadh không phải là kẻ thù thực sự mà ông đang đối phó. Ông nhìn thấy những bản hợp đồng ngoài kia với Saudi Arabia không chỉ là tiền, mà còn là công việc”, luật sư riêng của ông Trump – Rudolph W. Giuliani nhận định./.
Kiều Anh
Theo VOV.VN/ Washington Post, Newsweek
Ông Trump nói bảo hộ Saudi Arabia: Lời đáp bất ngờ
Hoàng tử Saudi Arabia đáp lời Tổng thống Trump nói phải trả tiền cho quân đội Mỹ bảo vệ.
RT hôm 5/10 dẫn cuộc phỏng vấn của Bloomberg với Hoàng tử Saudi Arabia là Mohammed bin Salman đã có phản hồi đáp trả lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nước này có thể không trụ được tình hình an ninh một khi quân đội Mỹ rút lui khỏi Trung Đông, đồng thời kêu gọi Saudi Arabia trả tiền cho việc đảm bảo an ninh này.
Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - Phó Thủ tướng thứ nhất của nước này và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trẻ nhất thế giới.
Theo đó, Hoàng tử Bin Salman đã bác bỏ những lời bình luận của Tổng thống Donald Trump về việc nhà Vua nước này sẽ bị trục xuất trong vòng 2 tuần nếu không được Mỹ bảo hộ an ninh.
Ông cho rằng, Saudi Arabia tồn tại rất lâu trước khi Mỹ trở thành là một quốc gia. Vị Hoàng tử cũng châm biếm rằng, những mối đe dọa và hiểm nguy có thể cần phải quãng thời gian tới 2.000 năm chứ không chỉ trong 2 tuần để giải quyết được.
"Thực ra chúng tôi không phải trả gì cho sự an toàn của mình. Chúng tôi tin rằng tất cả các vũ khí chúng tôi có từ Mỹ đều được trả tiền, nó không phải là miễn phí" - ông bin Salman nói.
Trả lời câu hỏi liệu Riyadh có cần trả thêm tiền cho Washington để bảo đảm an ninh hay không, Hoàng tử Saudi nói: "Kể từ khi mối quan hệ giữa Arabia Saudi và Mỹ bắt đầu, chúng tôi đã mua tất cả mọi thứ vũ khí bằng tiền của mình".
Hoàng tử Saudi nói thêm, kể từ khi Trump lên nắm quyền, nước này đã quyết định mua hơn 60% vũ khí cần thiết từ Mỹ "trong 10 năm tới". Điều này được cụ thể hóa bằng thỏa thuận mua vũ khí mà hai bên đã ký kết trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump hồi tháng 5/2017.
"Chúng tôi đã bỏ ra 400 tỷ USD cho các cơ hội về vũ khí, đầu tư và các cơ hội thương mại khác với Mỹ... Cũng trong các thỏa thuận này, một phần số vũ khí sẽ được sản xuất tại Saudi Arabia. Do đó nó sẽ tạo việc làm ở Mỹ và Saudi Arabia. Thương mại tốt, mang lại lợi ích tốt cho cả hai quốc gia và tăng trưởng kinh tế tốt hơn" - Hoàng tử Saudi nhấn mạnh.
Song trước những phát ngôn gần đây của ông Trump về việc nước này đối mặt với mất an toàn an ninh và cần quân đội Mỹ bảo hộ bằng việc đặt căn cứ quân sự ở các nước láng giềng, Hoàng tử bin Salma cho rằng, giữa Saudi Arabia với Mỹ thì quốc gia Trung Đông này có phần nhỉnh hơn nhiều phần.
"... Nếu bạn nhìn vào nước Mỹ, ví dụ như họ muốn giải phóng nô lệ. Giá là bao nhiêu? Nội chiến. Nó chia cắt nước Mỹ trong một vài năm. Hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã chết để giành được tự do cho nô lệ.
Ở đây chúng tôi đang cố gắng để thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan và khủng bố mà không xảy ra nội chiến, không ngăn cản sự phát triển của đất nước" - ông bin Salman ám chỉ tới cuộc nội chiến ở Mỹ xảy ra trong quá khứ so với những gì nước này khéo léo hành động để tránh gây ra xung khắc an ninh.
Dẫu vậy, Hoàng tử bin Salman vẫn dành lời ca ngợi Tổng thống Trump.
"Tôi thích làm việc với ông ấy [Tổng thống Trump -PV]. Tôi thực sự thích làm việc với ông ấy và chúng tôi đã đạt được rất nhiều điều ở Trung Đông, đặc biệt là chống lại chủ nghĩa cực đoan, tư tưởng cực đoan" - ông bin Salman nhấn mạnh.
Hoàng tử Saudi Arabia đáp lễ Tổng thống Trump dọa Vua nước này không trụ được 2 tuần.
Khi được hỏi về những lời tuyên bố của ông Trump cho rằng Mỹ chưa nhận được số tiền tương xứng với những gì đã làm cho an ninh của Saudi Arabia, vị Hoàng tử cho rằng, đây dường như là một sự hiểu lầm của nhà lãnh đạo Mỹ.
"Chà, bạn biết đấy, bạn phải chấp nhận rằng bất kỳ người bạn nào cũng sẽ nói những điều tốt đẹp và những điều xấu. Vì vậy, bạn không thể có 100% bạn bè nói những điều tốt đẹp về bạn, ngay cả trong gia đình bạn" - ông nói trong cuộc gặp riêng 5 phóng viên Bloomberg.
Theo baodatviet
Saudi Arabia lên kế hoạch đào kênh biến Qatar thành quốc đảo Nguồn tin cấp cao Saudi Arabia hôm 1-9 cho biết, nước này đang lên kế hoạch đào một con kênh trên biển để biến nước láng giềng Qatar thành một quốc đảo, trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao từ tháng 6 năm ngoái giữa các quốc gia vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát. Ông Saud al-Qahtani, cố vấn cấp cao của...