Vì sao Tổng thống Nga Putin vẫn im lặng về tình hình Syria?
Trong cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao Nga hôm thứ hai, Tổng thống Putin không nhắc đến Syria mà chỉ nhấn mạnh tới việc giành chiến thắng ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Vladimir Putin và Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tại một cuộc họp ở Moscow hôm thứ hai (Ảnh: EPA).
Ngày 16/12, Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp thường niên với các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga. Tại đây, nhiều nội dung được thảo luận như vấn đề NATO, chiến sự ở Ukraine hay việc huy động binh lính nghĩa vụ. Tuy nhiên, có một chủ đề mà ông Putin đã không đề cập tới, đó là tình hình Syria.
Cho đến nay, nhà lãnh đạo Nga vẫn chưa phát biểu bất cứ điều gì trước sự kiện chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị sụp đổ tại Syria từ hơn một tuần trước, thậm chí ngay cả khi Moscow đang nỗ lực cứu vãn ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.
Sự im lặng khác thường này cho thấy tương lai không chắc chắn liên quan tới các căn cứ quân sự của Nga tại Syria và dường như ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với Điện Kremlin là cuộc chiến ở Ukraine.
Mọi thứ có vẻ đã rất khác so với thời điểm một năm trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu luôn mạnh mẽ khẳng định Quân đội Nga vẫn sẽ triển khai ở cả Syria và Karabakh – vùng lãnh thổ ly khai mà Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát từ lực lượng thân Armenia hồi tháng 9/2023.
“Các đơn vị thuộc lực lượng Nga vẫn giữ vai trò trụ cột và là sự bảo đảm chính cho hòa bình ở Syria và Karabakh”, ông Shoigu phát biểu trong cuộc họp hội đồng quốc phòng Nga vào thời điểm này năm ngoái.
Video đang HOT
Giờ đây, sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ có thể sẽ trở thành một trở ngại lớn hơn nữa trong nỗ lực khôi phục vị thế cường quốc của Nga mà ông Putin đang theo đuổi.
Anton Mardasov, nhà phân tích quân sự chuyên về tình hình Trung Đông làm việc ở Moscow, nhận định rằng kịch bản tốt nhất đối với Nga lúc này là nên giảm bớt quy mô hiện diện tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải.
Làm như vậy sẽ vẫn giúp Nga duy trì được một cơ sở tiếp nhiên liệu và trung chuyển cho các hoạt động quân sự có giới hạn tại khu vực cũng như ở châu Phi.
Tất nhiên, viễn cảnh này sẽ không đáp ứng đầy đủ tham vọng của ông Putin nêu ra trước đây khi muốn khuếch trương sức mạnh tới cửa ngõ NATO.
Phi đội máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga từng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở Syria vào năm 2021, một tín hiệu cho thấy ông Putin coi sự hiện diện của quân đội Nga tại quốc gia này là thành trì để đối phó với phương Tây.
Tuy nhiên, theo ông Mardasov, tình hình an ninh hiện nay tại Syria nhiều khả năng sẽ diễn biến căng thẳng khiến Nga không thể đưa những phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân tới đây, ngay cả khi đạt được một thỏa thuận với chính quyền mới ở Damascus.
“Những tiền đồn có tính đe dọa đến sườn phía Nam NATO như vậy đã biến mất 100%. Ngay cả khi Nga cố gắng duy trì sự hiện diện thì điều đó cũng chỉ mang tính biểu tượng là chính”, ông Mardasov nói thêm.
Tại Syria những ngày gần đây, Nga dường như đã thu hẹp sự hiện diện của mình khi nhiều đoàn xe chở quân đồn trú trên khắp đất nước được nhìn thấy đang rút về hai căn cứ Hmeymim và Tartus. Hình ảnh vệ tinh tuần trước còn cho thấy thiết bị quân sự của Nga đang được đóng gói để đưa lên máy bay vận tải.
Trên thực tế, các quan chức Nga đã tìm cách tiếp cận Hayat Tahrir al-Sham, lực lượng vũ trang đứng đầu chiến dịch tấn công lật đổ Tổng thống Assad.
Hôm thứ 16/12, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, vẫn nói với các phóng viên rằng “chưa có quyết định cuối cùng” nào liên quan tới tương lai hiện diện quân sự của Nga tại Syria.
Trong khi đó, truyền hình nhà nước Nga tìm cách khỏa lấp sự im lặng bằng tuyên bố Nga đã hoàn tất sứ mệnh của mình tại Syria và cho rằng bất kỳ bất ổn nào tại đây “là do lỗi của phương Tây”.
Trong bản tin hàng tuần nổi tiếng trên kênh Rossiya hôm chủ nhật, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov cho biết Nga đã liên lạc với các nhà lãnh đạo của phe đối lập vũ trang Syria và cả hai bên đều thể hiện “sự kiềm chế lẫn nhau”.
“Nga tìm mọi cách có thể nhằm mang lại sự hòa bình và ổn định ở Syria”, ông Kiselyov nói. “Nước Nga cần có lập trường thực tế”.
HTS tiên phong giải tán lực lượng vũ trang
Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS tại Syria - tuyên bố nhóm này sẽ tiên phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia.
Các thành viên lực lượng đối lập sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/12 đánh dấu bước ngoặt lịch sử tại Syria khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau hơn 13 năm quốc gia chìm trong xung đột. Cuộc tấn công chớp nhoáng của liên minh vũ trang do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Tuy nhiên, tương lai của Syria vẫn đối mặt với vô số thách thức lớn về chính trị, kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS - tuyên bố nhóm này sẽ tiên phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia. Ông khẳng định: "Ở bất kỳ quốc gia nào, các đơn vị quân sự phải được tích hợp vào hệ thống nhà nước và HTS sẽ là những người tiên phong". Ông cũng nhấn mạnh rằng các khu vực do người Kurd kiểm soát sẽ được hội nhập dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới tại Syria, đồng thời bác bỏ mọi hình thức liên bang hoặc chia cắt lãnh thổ. Ông nêu rõ: "Người Kurd là một phần không thể tách rời của dân tộc Syria. Syria sẽ không bị chia rẽ và sẽ không tồn tại các thực thể liên bang".
Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, Syria vẫn tiếp tục đối mặt với căng thẳng khu vực, đặc biệt tại biên giới phía Bắc. Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự tại thành phố Kobani nhằm giảm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. SDF cũng đã rút khỏi Manbij, một thành phố chiến lược mà lực lượng này từng kiểm soát từ năm 2016. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các biện pháp an ninh chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, do ngại về sự hiện diện của lực lượng người Kurd mà họ coi là "khủng bố". Nước này cũng đang tăng cường cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho làn sóng hồi hương của người tị nạn Syria.
Cộng đồng quốc tế đang tích cực tham gia quá trình chuyển giao chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như tại Libya hay Iraq. Đức và Pháp đã cử phái đoàn đến Damascus để thảo luận với lãnh đạo mới của Syria, thảo luận về việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số và thúc đẩy một chính phủ toàn diện. Cờ Pháp lần đầu tiên được kéo lên tại đại sứ quán của nước này ở Damascus sau 12 năm gián đoạn.
Mỹ cũng đóng vai trò trung gian trong việc gia hạn lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và SDF tại thành phố Manbij.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tương lai Syria, tập trung vào việc xây dựng một chính phủ không tồn tại các lực lượng vũ trang độc lập.
Trung Quốc và Nga cam kết hỗ trợ Syria đạt được hòa bình lâu dài. Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc - ông Cảnh Sảng đã kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích của Israel, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho Syria tái thiết quốc gia.
Các diễn biến tại Syria đang tạo ra một "thực tế hoàn toàn mới" như nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria - ông Geir Pedersen. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những trở ngại lớn và căng thẳng gia tăng có thể đe dọa những tiến bộ mong manh vừa đạt được.
Hiện trên 16 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo khi các cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, nước và y tế gần như bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, các cuộc không kích của Israel vào các cơ sở quân sự tại Syria đã làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Khối tài sản của cựu Tổng thống Assad đang ở đâu? Nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ Bashar Assad có thể đã mang theo hàng tỷ USD và chuẩn bị cho kế hoạch sống lưu vong từ nhiều năm. Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad (Ảnh: Reuters). Không ai thực sự biết đích xác nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ Bashar Assad cùng gia tộc của ông có bao nhiêu...