Vì sao Tổng thống Kennedy được người Mỹ yêu mến?
50 năm sau ngày Kennedy bị ám sát, ông vẫn được cả nước Mỹ tưởng nhớ, yêu mến và khâm phục.
Ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho tất cả các trụ sở cơ quan chính phủ ở Mỹ treo cờ rủ để kỷ niệm 50 năm sự kiện Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963.
Tổng thống Obama tuyên bố đây là ngày nước Mỹ dành để tưởng niệm Kennedy và “dấu ấn lâu bền của ông trong lịch sử nước Mỹ”, và những ước mơ của Kennedy về nước Mỹ và thế giới sẽ sống mãi trong lòng nhiều thế hệ.
Tổng thống Kennedy và phu nhân đến sân bay Dallas trong ngày bị ám sát
Đã 50 năm trôi qua, tại sao vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ vẫn là một trong những vị tổng thống được yêu thích nhất sau thời kỳ hậu Thế Chiến II và vẫn được người Mỹ nhắc nhớ và tưởng niệm nhiều như vậy.
Trong thực tế, Tổng thống Kennedy đã không làm được gì nhiều về mặt chính sách trong nhiệm kỳ dang dở của mình. Các đạo luật về quyền tự do công dân và cắt giảm thuế thường được gắn với tên tuổi của ông thực ra lại được Quốc hội thông qua dưới áp lực của Tổng thống Lyndon Johnson. Một trong những nguyên nhân của việc này là vì Kennedy chỉ ở trên cương vị Tổng thống nước Mỹ trong khoảng một ngàn ngày.
Kennedy được nhớ tới như một người anh hùng trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba khi phản đối đề nghị dùng vũ lực phá hủy các bệ phóng tên lửa Liên Xô của nhiều cố vấn an ninh. Tuy nhiên chính việc phê chuẩn cuộc tấn công vào Vịnh Con Lợn xâm lược Cuba của Kennedy là một trong những nguyên nhân khiến Chủ tịch Cuba Fidel Castro chấp nhận để Liên Xô đưa tên lửa đến nước này.
Ngoài ra, Kennedy còn là vị tổng thống đã leo thang chiến tranh ở Việt Nam khi tăng số lượng cố vấn Mỹ ở Việt Nam từ vài trăm người lên tới 16.000 người. Không những thế, ông còn là một người nổi tiếng trăng hoa với nhiều vụ bê bối liên quan tới phụ nữ.
Kennedy trước giây phút bị ám sát
Thế nhưng các cuộc thăm dò dư luận do tổ chức tư vấn Gallup thực hiện vào năm 1990 vẫn cho thấy đa số người Mỹ coi Kennedy là Tổng thống nổi bật nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ. Cuộc thăm dò mới nhất được tổ chức mới đây cũng cho thấy gần 75% người Mỹ cho rằng Kennedy sẽ đi vào lịch sử như vị tổng tư lệnh nổi bật hoặc vượt trội của nước Mỹ.
Video đang HOT
Gallup cho hay đây là tỉ lệ ủng hộ cao nhất trong số 11 vị Tổng thống của nước Mỹ cầm quyền kể từ thời Dwight Eisenhower. Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia cũng cho thấy Kennedy được cho là vị tổng thống xuất sắc nhất kể từ năm 1950.
Theo Gallup, nếu chấm theo thang điểm từ 1 đến 10, Tổng thống Kennedy ở vị trí cao nhất với 7,6 điểm, Ronald Reagan xếp thứ 2 với 6,9 điểm, và Tổng thống Eisenhower được 6,8 điểm.
Một trong những lý do khiến Kennedy được yêu thích như vậy vì người Mỹ rất “mê” hình ảnh trẻ trung và khỏe khoắn của ông. Vẻ quyến rũ của vị tổng thống này luôn toát ra rất mãnh liệt, ngay cả trong những bức ảnh đen trắng, khiến ông trở thành vị tổng thống mà người Mỹ coi là biểu tượng của niềm hy vọng và sự thay đổi thực thụ.
Viện Hart đã yêu cầu những người tham gia cuộc khảo sát của họ viết ra cảm tưởng về những đặc điểm của Kennedy, và những cụm từ thường gặp nhất là “vĩ đại, trẻ trung, khỏe khoắn, gần gũi”, và cụm từ thường gặp nhất khi miêu tả về tâm trạng của nước Mỹ vào năm 1963 là “thay đổi” và “sức trẻ”.
Ngoài ra, những thông tin cho thấy Kennedy là một người đàn ông trăng hoa dường như không ảnh hưởng mấy tới danh tiếng của ông. Đa số người dân Mỹ được hỏi đều cho rằng những mối quan hệ “ngoài luồng” này không làm xấu đi hình ảnh của ông trong mắt họ, vì họ cho rằng ông cũng là một con người.
Hình ảnh trẻ trung của vị tổng thống được yêu mến nhất nước Mỹ
Thêm nữa, cái kết đầy bi thảm của Kennedy chính là một mấu chốt cho sự nổi tiếng của ông trong lịch sử. Sau khi bị sát thủ Lee Harvey Oswarld ám sát, Kennedy đã được coi như một vị anh hùng “tử vì đạo”, đặc biệt là trong lòng những người ủng hộ đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên Tổng thống William McKinley cũng từng bị ám sát bằng một viên đạn, thế nhưng danh tiếng của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng, trong khi Kennedy vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Nguyên nhân có thể là do Kennedy là hiện thân cho cảm nhận về sự tươi mới và triển vọng của thời đại, bởi ông là vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày nay, rất nhiều người Mỹ vẫn còn cảm thấy tiếc nuối về thời kỳ trước khi phát súng oan nghiệt của Oswald cướp đi sinh mạng của vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ. Một số người lớn tuổi nhớ đến ông như biểu tượng của một thời tuổi trẻ đã mất của họ. Tuy nhiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy những người trẻ tuổi cũng nhớ tới ông một cách tích cực như các thế hệ cha anh.
Cảm nhận đó đã được nhà văn Larry Sabato ở Đại học Virginia đúc kết bằng lời nhận xét: “Chúng tôi sẽ luôn nhìn thấy Jack (tên gọi khác của John F. Kennedy) và Jackie (vợ ông) trong chiếc xe limousine màu đen đó, đang mỉm cười, vẫy tay dưới ánh nắng huy hoàng rực rỡ.”
Theo CSM
Những điều chưa biết về vụ ám sát TT Mỹ Kennedy
Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy cách đây 50 năm là một tấn bi kịch của nước Mỹ, và xoay quanh nó có vô số những bí ẩn thú vị.
Ngày 22/11 tới đây, nước Mỹ sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas năm 1963. Mặc dù có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, song đến nay người ta đều thống nhất rằng kẻ đã gây ra vụ ám sát nổi tiếng này là Lee Harvey Oswald, kẻ đã bị doanh nhân Jack Ruby bắn hạ chỉ 2 ngày sau đó trong khi được áp giải đến tòa án.
Tuy nhiên rất nhiều người Mỹ tin rằng Oswald không phải là sát thủ đích thực ám sát Tổng thống Kennedy, đặc biệt là những người theo thuyết âm mưu ở Mỹ. Hàng chục cuộc điều tra, điều trần, hàng loạt tài liệu, hồ sơ được công bố, nhiều cuốn sách được xuất bản đã không trả lời được câu hỏi rằng Oswald có phải là sát thủ duy nhất trong vụ ám sát này hay không.
Nhà văn Vincent Bugliosi thống kê được rằng những người nghi ngờ giả thuyết này đã "buộc tội 42 tổ chức, 82 sát thủ và 214 người có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy".
50 năm sau ngày xảy ra tấn bi kịch này, có rất nhiều điều quanh cái chết của Tổng thống Kennedy vẫn chưa được làm sáng tỏ, và sau đây là những điều mà có thể bạn chưa biết về vụ ám sát vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ:
1. Oswald bị bắt giữ không phải vì đã ám sát Kennedy
Oswald (giữa) bị bắt tại một rạp hát chưa đầy 1 giờ sau vụ ám sát
Trong thực tế, Oswald đã bị bắt giữ vì đã dùng súng lục sát hại sĩ quan cảnh sát J.D. Tippitt ở Dallas khi ông này chặn hắn lại 45 phút sau khi xảy ra vụ ám sát. Oswald đã bác bỏ cáo buộc ám sát Kennedy và cả viên cảnh sát này, và trong khi anh ta được áp giải từ nhà tù tới tòa án 2 ngày sau đó, chủ hộp đêm Jack Ruby ở Dallas đã dùng súng bắn chết Oswald ngay trước cửa nhà tù.
2. Năm 1963, kẻ ám sát tổng thống không phải là tội phạm liên bang
Tổng thống Kennedy trên đoàn xe hộ tống trước khi bị ám sát
Tuy lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến những vụ ám sát 3 tổng thống trước đó gồm Abraham Lincoln, James Garfield và William McKinley nhưng việc ám sát tổng thống Mỹ vẫn không bị coi là tội phạm liên bang cho tới năm 1965, hai năm sau khi Kennedy bị sát hại.
3. Các đài truyền hình ngừng phát những chương trình bình thường trong suốt 4 ngày
Hãng tin NBC đưa tin về vụ ám sát Tổng thống Kennedy
Lúc 12:40 ngày 22/11/1963, chỉ 10 phút sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn, đài CBS phát bản tin truyền hình đầu tiên về vụ ám sát này tới toàn nước Mỹ. Sau đó, toàn bộ 3 mạng truyền hình lớn nhất nước Mỹ gồm CBS, NBC và ABC đều ngừng các chương trình bình thường khác để dành toàn bộ thời lượng đưa tin về vụ ám sát này trong suốt 4 ngày liên tiếp. Vụ ám sát Kennedy là sự kiện tin tức liên tục dài nhất trên truyền hình Mỹ cho đến khi sự kiện vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 xảy ra.
4. Người phụ nữ duy nhất tham dự buổi tuyên thệ của tổng thống Mỹ sau vụ ám sát
Thẩm phán Sarah Hughes (góc dưới bên trái) chủ trì lễ tuyên thệ của Lyndon Johnson
Vài giờ sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng thống Lyndon Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống trên chiếc chuyên cơ Air Force One với sự hiện diện của phu nhân cố Tổng thống Jacqueline Kennedy, và khoảnh khắc này đã được lưu lại trong một bức ảnh lịch sử. Người chủ trì buổi tuyên thệ nhậm chức tổng thống này là Thẩm phán Liên bang Sarah Hughes, người phụ nữ duy nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước Mỹ chủ trì lễ tuyên thệ kiểu này.
5. Oswald từng tìm cách ám sát đối thủ của Kennedy
Edwin Walker suýt bị Oswald sát hại trong một vụ ám sát tại nhà
Tám tháng trước khi ám sát Tổng thống Kennedy, Oswald đã từng tìm cách sát hại một chính trị gia nổi tiếng là tướng về hưu Edwin Walker. Sau khi rời khỏi quân đội vào năm 1961, Walker trở thành một chính trị gia đối lập phản đối chính quyền của Kennedy và mạnh mẽ chỉ trích việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong các trường học ở phía Nam. Ủy ban Warren phụ trách việc điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy phát hiện ra rằng Oswald đã từng tìm cách sát hại vị tướng về hưu này trong ngôi nhà của ông ta. Tuy nhiên Walker chỉ bị thương nhẹ vì mảnh đạn trong vụ ám sát không thành này.
Theo CNN
Nhẫn cưới của sát thủ giết Kennedy giá 2,2 tỉ Chiếc nhẫn cưới của sát thủ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy được bán đấu giá với số tiền là 108.000 USD (khoảng 2,2 tỉ đồng). Ngày 24/10, chiếc nhẫn cưới mà sát thủ Lee Harvey Oswald bỏ lại trong một chiếc cốc trước khi hắn ta tới một kho sách ở trường Texas để ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy...