Vì sao Tổng thống Bolivia từ chức sau gần 14 năm cầm quyền
Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức để dập tắt bạo lực lan tràn ở quốc gia Nam Mỹ này kể từ sau một cuộc biểu tình gây tranh cãi với kết quả ông trúng cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.
Ông Morales phải ra đi sau gần 14 năm cầm quyền
Ông Morales, đã cầm quyền trong gần 14 năm, nói trên truyền hình hôm 10/11 rằng ông sẽ đệ trình đơn từ chức để giúp ổn định trật tự, dù vẫn chỉ trích điều mà ông gọi là “một cuộc lật đổ” và sau đó nói cảnh sát đã lên kế hoạch bắt giữ ông.
Tuy nhiên tư lệnh cảnh sát Bolivia nói trên truyền hình rằng không có trát bắt nào dành cho ông Morales.
Hãng tin Reuters nói sự ra đi của ông Morales, một biểu tượng cánh tả có thể tạo ra một cơn “sóng xung kích” lan khắp khu vực ở vào thời điểm nhiều lãnh đạo thiên tả đã quay trở lại nắm quyền ở Mexico và Argentina.
Không chỉ tổng thống Morales, phó tổng thống Alvaro Garcia Linera cũng từ chức.
Video đang HOT
Một số nhà lãnh đạo ở Mỹ Latin như tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và tổng thống đắc cử Argentina Alberto Fernandez mô tả sự kiện ở Bolivia là “cuộc lật đổ”. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói nước ông sẽ cho phép ông Morales tị nạn chính trị nếu ông muốn.
Chính phủ Nicaragua cũng lên tiếng bảo vệ ông Morales, lên án diễn biến ở Bolivia là cuộc lật đổ thể hiện “hành vi phát xít”.
Bolivia dưới thời ông Morales có tỷ lệ tăng trưởng mạnh hàng đầu khu vực, tỷ lệ đói nghèo giảm một nửa. Tuy nhiên ý định cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ tư khiến ông bị nhiều đồng minh xa lánh.
Sức ép đối với tổng thống Morales bắt đầu tăng kể từ khi ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/10.
Tướng Williams Kaliman, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Bolivia hôm Chủ nhật nói quân đội đã đề nghị ông Morales từ chức để vãn hồi trật tự sau nhiều tuần đất nước rơi vào khủng hoảng sau bầu cử.
Tướng Kaliman nói thêm rằng quân đội kêu gọi nhân dân Bolivian bình tĩnh. Hôm Chủ nhật, ông Morales đã đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi có báo cáo từ Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), tổ chức tiến hành kiểm tra kết quả bầu cử ngày 20/10, tiết lộ những bất thường nghiêm trọng.
Theo kết quả do Tòa án Bầu cử Tối cao công bố, tổng thống Morales giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 20/10 với 47,08% số phiếu ủng hộ so với 36,51% của ứng cử viên đối lập Carlos Mesa. Với kết quả này, ông Morales đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp ngay tại vòng 1 với khoảng cách trên 10% theo luật định so với đối thủ.
Ngày 8/11, ứng cử viên Carlos Mesa yêu cầu Quốc hội Bolivia thông qua một dự luật khẩn cấp về việc tổ chức một cuộc bầu cử mới vì cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.
Báo cáo của OAS nói cuộc bầu cử cần được hủy bỏ sau khi họ phát hiện “những thao tác rõ ràng” của hệ thống bầu cử, đặt ra nghi vấn về chiến thắng của ông Morales.
Sinh năm 1959, ông Morales đã bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò người tổ chức của nghiệp đoàn Cocalero (những người trồng coca). Chính quyền của ông đã tập trung thực hiện các chính sách cánh tả, xóa đói giảm nghèo và đấu tranh với các ảnh hưởng của Mỹ và các công ty đa quốc gia ở Bolivia.
ANH MINH
Theo tienphong.vn
Tổng thống Bolivia tuyên bố không thương lượng với đối thủ
Ông Evo Morales khẳng định sẵn sàng bước vào vòng bầu cử thứ 2 nếu kết quả kiểm phiếu lại chứng minh được cuộc tổng tuyển cử vừa qua có sự gian lận.
Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 26/10 tuyên bố sẽ không "thương lượng chính trị" sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua tại nước này mà lực lượng đối lập cho là có gian lận và kích động các cuộc biểu tình bạo loạn trong nước.
Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ảnh: NBC News
Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo cánh tả nhấn mạnh, Bolivia không bao giờ có sự gian lận trong bầu cử, những lý giải của phe đối lập và một số quốc gia theo hướng này nhằm mục đích gây bất ổn tình hình. Ông cũng đồng thời khẳng định sẵn sàng bước vào vòng bầu cử thứ hai nếu kết quả kiểm phiếu lại chứng minh được cuộc tổng tuyển cử mà ông giành chiến thắng trước ứng cử viên đối lập Carlos Mesa vừa qua có sự gian lận.
"Tôi đã lắng nghe quan điểm của Bộ Ngoại giao các nước Colombia, Argentina, Brazil, Mỹ, và sẵn sàng mời đại sứ các nước này tham gia một cuộc kiểm phiếu lại như đã từng đề xuất. Có thể tất cả các lá phiếu sẽ được kiểm tra lại. Nếu họ kết luận có gian lận, chúng tôi sẵn sàng bước vào vòng 2 cuộc bỏ phiếu", Tổng thống Morales nói.
Ông Morales cũng cho rằng, các vụ biểu tình và đình công ở các địa phương khiến đất nước thiệt hại hàng triệu USD mỗi ngày.
Trước đó, Tòa án Bầu cử tối cao Bolivia ngày 25/10 đã công bố kết quả cuối cùng sau khi kiểm đếm 100% số phiếu bầu. Theo đó, Tổng thống Morales giành được 47,08% số phiếu ủng hộ và ứng cử viên đối lập Mesa giành được 36,51% sự tán thành từ các cử tri. Với kết quả này, Tổng thống Morales đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp ngay tại vòng 1 với khoảng cách trên 10% theo luật định so với đối thủ.
Tuy nhiên, trước đó vào hôm 21/10, Tòa án Bầu cử tối cao Bolivia bất ngờ dừng việc cập nhật kết quả sau khi công bố bản thông cáo đầu tiên vào tối 20/10 với lợi thế nghiêng về đương kim Tổng thống Morales. Sau đó 20 giờ, Tòa án Bầu cử tối cao Bolivia mới tiếp tục đưa ra các thông cáo tiếp theo.
Phản ứng trước các thông báo của Tòa án Bầu cử tối cao Bolivia, phe đối lập tại nước này đã kêu gọi tổ chức đình công vô thời hạn tại nhiều địa phương trên cả nước để phản đối kết quả bầu cử, cho rằng có sự "gian lận" nhằm tạo thuận lợi cho Tổng thống Morales tái đắc cử ngay trong vòng 1./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1 (biên dịch)
Reuters
Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo dân sự Bolivia duy trì quyền kiểm soát Quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang giám sát tình hình chính trị tại Bolivia và kêu gọi giới lãnh đạo dân sự duy trì quyền kiểm soát sau khi Tổng thống Morales từ chức. Người dân tham gia cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Bolivia Evo Morales tại La Paz, ngày 30/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)...