Vì sao tội ác gia tăng?: Bạo lực áp đảo pháp luật?
Trong nhiều trường hợp, pháp luật không được xem là một công cụ chế tài có tác dụng phòng ngừa, răn đe kẻ phạm tội.
Thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cá nhân hoặc băng nhóm dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội. Bạo lực được sử dụng ngang nhiên, công khai trước thanh thiên bạch nhật, trong gia đình, nơi công cộng, trường học, BV… mà không cần phải lén lút trong bóng tối. Một món nợ vài triệu đồng, một cái nhìn vô tư của một người xa lạ cũng được coi là “nhìn đểu”, một vụ xô xát nhẹ trên đường, một lời nói vô tình… cũng là những lý do để bạo lực có cớ xuất hiện.
Tội ác có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Phương tiện thực hiện bạo lực gồm đủ các loại hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu, kể cả súng đạn là loại cấm hoặc hạn chế sử dụng trong đời sống dân sự cũng được đem ra. Những vụ thanh toán đẫm máu gần đây đã khiến dư luận có cảm tưởng cái ác đang tự do lộng hành, gây nên nỗi lo sợ trong đời sống thường nhật của người dân. Hệ thống tổ chức phòng, chống tội phạm trong xã hội cũng đã hoạt động tích cực nhưng xem ra hiệu quả còn rất hạn chế, khiến tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, gây nên nỗi hoang mang, nhức nhối trong lòng mỗi người lương thiện về một xã hội mà trật tự luật pháp và đạo đức đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Video đang HOT
Do sử dụng bạo lực trong việc tranh chấp tiền bạc dẫn đến chết người nên các bị cáo phải ra trước vành móng ngựa. Ảnh: HTD
Nhìn tổng quát, các vụ bạo lực thường bắt đầu từ các sự kiện, có thể là:
- Tranh chấp về dân sự mang tính chất tài sản và nhân thân phi tài sản. Mặc dù pháp luật đã dành cho chủ thể giao dịch các phương thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như thương lượng, hòa giải, khởi kiện ra trước tòa nhưng nhiều người lại muốn chọn cách xử lý khác mà theo họ là ngắn hơn;
- Giao dịch trái pháp luật như chơi đề, cá độ, cờ bạc… Các trường hợp này do pháp luật cấm nên thường xảy ra lén lút, ngấm ngầm. Khi xảy ra tranh chấp thường phải tự xử.
- Các hành vi mang tính chất bột phát, nhất thời trong quan hệ xã hội dẫn đến mâu thuẫn xảy ra giữa các cá nhân;
- Các tranh chấp trong làm ăn, chia chác giữa các băng nhóm mang tính chất giang hồ v.v…
Pháp luật yếu thế hơn bạo lực?
Một xã hội lành mạnh, trong đó mọi công dân có ý thức thượng tôn pháp luật thì các loại, dạng mâu thuẫn tranh chấp trong các giao dịch hợp pháp sẽ được các bên giải quyết thỏa đáng trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi xã hội phải có một môi trường pháp lý trong sạch, một hệ thống pháp luật đầy đủ làm công cụ hữu hiệu trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể, nói rộng ra là trong quản lý xã hội.
Việc xử lý chưa rốt ráo các tranh chấp dân sự của hệ thống tài phán đã làm giảm sút hoặc mất lòng tin của nhân dân. Có những vụ án dân sự được nhiều cấp giải quyết nhưng các phán quyết mâu thuẫn nhau, phải xử đi xử lại nhiều lần vẫn không bảo đảm sự khách quan, công bằng. Thậm chí bản án có hiệu lực thi hành vẫn chậm được thi hành, hoặc có trường hợp không thể thi hành được vì người phải thi hành không có tài sản. Và rồi thực tế cho thấy việc đòi nợ trực tiếp bằng các biện pháp đe dọa dùng bạo lực lại có hiệu quả hơn là khởi kiện ra tòa (!).
Còn khi tham gia các giao dịch bất hợp pháp như cá độ, cờ bạc, đề đóm… thì đương nhiên khi tranh chấp xảy ra, các bên đã biết các giao dịch đó là vi phạm pháp luật nên không thể nhờ pháp luật can thiệp. Thay vào đó, họ tự ý dùng các biện pháp ngoài pháp luật để giải quyết, trong đó có việc sử dụng bạo lực. Hầu hết các vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm đều xảy ra trong các trường hợp này.
Như vậy, nguyên nhân chính của thực trạng bạo lực gia tăng bắt nguồn từ chính ý thức pháp luật của bản thân công dân. Những người sử dụng bạo lực đã không còn “sợ” pháp luật như là một công cụ của chế tài có tác dụng phòng ngừa, răn đe mà ngược lại, có trường hợp họ còn thách thức, coi thường và bất chấp pháp luật.
Lực hấp dẫn của đồng tiền
Chưa bao giờ ý thức pháp luật và đạo đức xã hội bị xuống cấp một cách trầm trọng như bây giờ. Cơ chế thị trường và quyền tự do kinh doanh đã mở ra cho mọi người nhiều cơ hội làm ăn nhưng cũng là phép thử dữ dội đối với họ trong cuộc cạnh tranh nhằm mục đích lợi nhuận, bất kể bằng con đường nào. Tiền bạc đã trở thành một lực hấp dẫn, len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm, chi phối hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ xã hội. Nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn là những ung nhọt nhức nhối trong một bộ phận cơ thể quyền lực, làm bại hoại các giá trị đạo đức truyền thống vốn là những giá trị đã được tôn vinh trong mối quan hệ giữa người với người.
Nạn bạo lực ngày càng gia tăng đang là một tiếng chuông cảnh báo nguy cơ đối với sự an ninh của xã hội. Trong cuộc đấu tranh này nhất định phải đặt nặng việc củng cố, tăng cường các biện pháp phòng, chống theo những cơ chế thích hợp, trong đó có trách nhiệm của các thiết chế quản lý và của cả hệ thống chính trị xã hội.
Theo Pháp Luật TP