Vì sao tòa tạm hoãn vụ xử chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên?
Sáng nay (3/7), TAND tỉnh Bình Dương họp phiên sơ thẩm xem xét đơn yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc hủy bỏ quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc.
Tại cuộc họp giải quyết hôm nay (3/7), phía nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu hủy bỏ các Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng quản trị và các biên bản cuộc họp của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên về việc bãi nhiệm bà khỏi vị trí đại diện theo pháp luật của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Đại diện phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, vì cần phải triệu tập một đương sự khác nên đề nghị tạm hoãn phiên tòa, phía bà Thảo cũng cung cấp một số tài liệu mới. Tuy nhiên, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên yêu cầu Thẩm phán chủ tọa xem xét lại tư cách của phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo khi chỉ có 5% cổ phần của công ty.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Đại diện phía bà Thảo cho rằng, một trong những yêu cầu của bà Thảo là hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã không được đưa vào xem xét ở phiên tòa là một sự thiếu sót.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ cho rằng, vụ án đã kéo dài 3 năm, việc bổ sung yêu cầu của bên bà Thảo cần phải nộp sớm để các bên có thời gian tham khảo chứ không phải sát ngày. Đồng thời, không đồng ý đề nghị chuyển vụ án hay đề nghị hoãn của phía bà Thảo.
Sau khi bàn bạc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố tạm đình chỉ vụ kiện để chờ ý kiến của chánh án.
Theo nội dung vụ kiện, tháng 11/2015, Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Đến tháng 3/2016, Trung Nguyên IC tổ chức họp Hội đồng quản trị tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại công ty này.
Ngày 21/4/2016, Trung Nguyên IC làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 từ bà Thảo sang ông Vũ. Không đồng ý, bà Thảo kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Trung Nguyên IC vì cho là trái pháp luật và điều lệ công ty.
Ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính của TAND tỉnh Bình Dương về việc yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 30/10/2017, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa áp dụng giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 về việc thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Video đang HOT
Sau đó, ông Vũ, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên khiếu nại quyết định trên của tòa. Sau khi xem xét yêu cầu của ông Vũ và những người liên quan, tòa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Trong lúc sao chụp, nghiên cứu hồ sơ theo yêu cầu của tòa, bà Diệp Thảo phát hiện ra các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước cung cấp cho tòa là giả mạo, trong đó có biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông và quyết định của Đại hội đồng cổ đông của TNG (nhằm thể hiện nội dung ông Vũ được cử đại diện 85% vốn góp của TNG tại Trung Nguyên IC).
Vì vậy, ngày 28/9/2018, bà Diệp Thảo đã có đơn tố cáo với Tòa án tỉnh Bình Dương, đồng thời đề nghị tòa ra quyết định trưng cầu giám định đối với các giấy tờ này.
Bà Diệp Thảo đã 3 lần gửi đơn đề nghị Tòa tiến hành trưng cầu giám định (ngày 9/10/2018, ngày 19/10/2018, ngày 5/11/2018)
Ngày 29/11/2018, tại phiên họp giải quyết vụ việc, Tòa án tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm ngừng phiên họp để tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu của bà Diệp Thảo và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.
Ngày 30/01/2019 và ngày 24/5/2019, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã đưa ra kết luận giám định có dấu hiệu cắt ghép trong các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước cung cấp cho Tòa án tỉnh Bình Dương.
Trước phiên họp sơ thẩm ngày 3/7, bà Thảo đã tố cáo việc có một nhóm thao túng đã dùng tài liệu giả mạo này để lập ra Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 trái pháp luật, cướp tài sản mà bà Thảo cho là của mình tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên
Trước đó, bà Thảo đã yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 8 và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7.
Tại phiên họp sơ thẩm này, bả Thảo vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị TAND tỉnh Bình Dương hủy bỏ các quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà tại Trung Nguyên IC, đồng thời khôi phục lại Giấy đăng ký kinh doanh lần 7 mà bà là người đại diện theo pháp luật tại công ty này; đồng thời đề nghị TAND chuyển hồ sơ cho cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm sáng tỏ vụ việc này và xử lý những người đã cố tình làm trái các quy định của pháp luật.
Ngày 30/01/2019, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đưa ra kết luận giám định có dấu hiệu cắt ghép trong các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước cung cấp cho Tòa án tỉnh Bình Dương.
Cụ thể: Trang 01 của Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ký hiệu A1-1 không được photocopy từ trang 01 của Biên bản họp đại hội đồng cổ đông ký hiệu A3-1.
Trang 02 của Biên bản họp ĐHĐCĐ ký hiệu A1-2 và trang 02 của Biên bản họp ĐHĐCĐ ký hiệu A3-2 được photocopy từ tài liệu có cùng nguồn gốc, trừ các chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” tại dòng chữ in thứ 10 từ trên xuống trên tài liệu ký hiệu A3-2.
Trang 01 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A2-1 và trang 01 của Quyết định của đại hội đồng cổ đông ký hiệu A4-1 được photocopy từ tài liệu có cùng nguồn gốc, trừ các chữ số ghi ngày, tháng, năm tại dòng chữ in thứ 3 và thứ 11 từ trên xuống trên tài liệu ký hiệu A4-1.
Trang 02 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A2-2 được photocopy từ trang 02 của Quyết định của đại hội đồng cổ đông ký hiệu A4-2 trước khi có hình dấu tròn có nội dung “Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên” trên tài liệu ký hiệu A4-2.
Các số nguyên thủy tại vị trí sau các chữ: “ngày”, “tháng”, “năm” tại dòng chữ in thứ 4 từ trên xuống trên trang 01 của Quyết định của ĐHĐCĐ ký hiệu A4-1 trước khi bị sửa chữa xác định được là: “30″, “12″, “2011″.
Ngày 24/5/2019 Viện Khoa học hình sự tiếp tục đưa ra kết luận thứ 2 cho thấy dòng chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” trong Biên bản họp đại hội đồng cổ đông bị cắt ghép.
Theo Danviet
Tranh chấp con dấu công ty Trung Nguyên: Có thể xin cấp lại không cần cưỡng chế
"Nếu xác minh đúng được là con dấu của công ty Trung Nguyên bị thất lạc, thì công ty Trung Nguyên có thể báo cáo đến cơ quan công an ở địa phương và sau đó làm thủ tục cấp lại con dấu mới" - luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, mới đây, đại diện theo ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn tố cáo chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc.
Theo đơn tố cáo này, bà Thảo gửi văn bản phúc đáp thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, trong đó làm rõ Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới (lần 3) và con dấu mới kể từ thời điểm ngày 20/10/2015. Hiện tại bà Thảo không chiếm giữ, đóng dấu như nội dung nêu trong thông báo.
Vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thu hút sự quan tâm của xã hội và nó càng ngày trở nên phúc tạp.
Từ đó cho thấy chấp hành viên có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ, dấu hiệu tội phạm quy định tại điều 357 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể là vượt quá quyền hạn làm trái công vụ quy định tại các điều luật nêu trên để tiếp tục yêu cầu bà Thảo giao giấy tờ con dấu.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên kiện bà Thảo về hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP HCM đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trong quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã tiến hành các thủ tục tống đạt quyết định thi hành án, giấy báo... nhưng bà Thảo vẫn chưa thi hành các khoản theo nội dung tuyên án.
Sáng 6/6, Cục Thi hành án dân sự TP HCM - cho biết chấp hành viên đã tiến hành cưỡng chế thi hành án bản án ngày 12/11/2018 của TAND cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, đoàn cưỡng chế đến nhà riêng của bà Thảo tại đường Tú Xương để thu hồi con dấu thì không có ai mở cửa, không vào được bên trong. Đoàn cưỡng chế đã lập biên bản ghi nhận sự việc.
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law Firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: "Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay thì việc tranh chấp còn dấu là diễn ra rất phổ biến.
LS Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Việc tranh chấp con dấu sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp mà tôi biết đã lao đao, hoạt động kinh doanh bị tê liệt vì tranh chấp con dấu.
Thông thường, rất hiếm khi con dấu doanh nghiệp bị thất lạc, nguyên nhân chủ yếu do tranh chấp giữa các cổ đông với nhau, do mâu thuẫn nên có người chiếm giữ con dấu.
Trong trường hợp của công ty Trung Nguyên, tòa án đã tuyên án quyền quản lý doanh nghiệp cho ông Vũ, đương nhiên ông Vũ sẽ được quản lý con dấu và là người đại diện cho doanh nghiệp.
Như vậy, việc cơ quan thì hành án thi hành bản án và cưỡng chế con dấu là một điều bình thường".
Luật sư Tú chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, việc cưỡng chế thi hành án cũng không hề dễ dàng bởi bà Thảo hiện nay đã tố cáo chấp hành viên đến cơ quan thi hành án. Đồng thời, bà Thảo cũng có biểu hiện bất hợp tác để chuyển giao con dấu. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động thi hành án trong thời gian tới".
Về việc cản trở thi hành án, luật sư cho rằng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng rất khó để xử lý và xưa nay cũng chưa có tiền lệ.
Hơn nữa, trong đơn tố cáo bà Thảo lại cho biết mình không chiếm giữ con dấu. Vì vậy, theo Luật sư Trương Anh Tú: "Nếu công ty Trung Nguyên xác minh được con dấu bị thất lạc thì có thể trình báo đến cơ quan công an, cơ quan chức năng và làm thủ tục xin cấp lại con dấu mới để doanh nghiệp hoạt động bình thường".
Còn trường hợp nếu phải cưỡng chế thi hành án, nhất là với những vụ án có sự tham gia của VKS ngay từ đầu nhưng lại thiếu vắng sự có mặt của Kiểm sát viên tham gia vào đoàn cưỡng chế là chưa phù hợp với các quy định của Luật Thi hành án.
"Thành phần thi anh án một vụ án dân sự bao giờ cũng có lực lượng chủ đạo là Chấp hành viên của cơ quan thi hành án cử đi, bên cạnh đó có lực lượng kiểm sát viên tham gia giám sát và các lực lượng hỗ trợ khác bao gồm cảnh sát hỗ trợ tư pháp, chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố đến để chứng kiến" - luật sư Tú cho hay.
Duy Khương
Theo phapluatplus
Hết ngôn tình, Nguyên Vũ - Diệp Thảo đốp chát trước phiên chia tiền mới Mấy ngày gần đây, trước những ồn ào quanh việc bị cưỡng chế yêu cầu trả con dấu của Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đưa ra những thông tin đối lập, cũng như những quan điểm trái ngược. Bà Thảo nói muốn cứu, ông Vũ bảo không phải cứu Mới đây, chia...