Vì sao toà huỷ án sơ thẩm VN Pharma, trả hồ sơ điều tra lại?
HĐXX phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma cho rằng bản án sơ thẩm còn nhiều điều cần phải điều tra lại, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã tuyên huỷ bản án này và trả hồ sơ điều tra lại
Toàn cảnh phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma
Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, sáng 30.10, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao, tuyên hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại vụ án VN Pharma.
Sáng 30.10, HĐXX phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma buôn lậu, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan tổ chức và buôn lậu đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Phiên toà kéo dài hơn dự kiến 3 ngày với hàng loạt tình tiết cho thấy cần phải điều tra lại, nhiều bằng chứng bị “bỏ quên” trong quá trình tố tụng.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo tội buôn lậu thuốc H-Capita là không xác đáng. Những chứng cứ trong hồ sơ và lời khai tại toà cho thấy có dấu hiệu của tội làm giả thuốc chữa bệnh.
Nguyễn Minh Hùng đã thông qua Võ Mạnh Cường mua thuốc do Helix Canada cung cấp để đấu thầu tại các bệnh viện. Để thực hiện trót lọt vụ mua bán này, Hùng, Cường và nhiều nhân viên đã làm giả một loạt giấy tờ, từ giấy chứng nhận của Bộ Y tế Canada đến hồ sơ kỹ thuật thuốc.
H-Capita là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được sản xuất gia công, thử nghiệm đảm bảo yêu cầu. Bản thân bị cáo Cường đều không biết thuốc sản xuất được đâu. Bộ Y tế thẩm định thuốc ko rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Từ những chứng cứ này, căn cứ Luật Dược, các quy định về hàng giả, HĐXX cho rằng cần phải đánh giá toàn diện, ý chí của các bị cáo là buôn bán hàng giả thuốc chữa bệnh. “Việc xét xử các bị cáo về hành vi buôn lậu là chưa phản ánh toàn diện bản chất vụ án, động cơ mục đích của các bị cáo, ảnh hưởng xã hội của hành vi phạm tội này”, HĐXX nhận định.
Nguyễn Minh Hùng ôm ngực nghe HĐXX tuyên án sáng 30.10. Ảnh: Tùng Tin
HĐXX nhận định kết luận giám định của Bộ Y tế là quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, Hội đồng giám định của bộ do chính những người tham gia cấp phép cho lô thuốc H-Capita thì cần phải xem xét. Bởi lẽ, việc cấp phép này được đánh giá là có nhiều thiếu sót. Do vậy, theo HĐXX, việc trưng cầu giám định lại lô thuốc trên tại 1 cơ quan khác là hoàn toàn cần thiết.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng đã có đủ cơ sở để nhận định các bị cáo nhận thức được việc làm con dấu giả, giấy tờ giả. Do vậy, việc cấp sơ thẩm không điều tra, làm rõ hành vi này của bị cáo Hùng, Cường, Nhật, Quốc, Loan, Phương là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. HĐXX cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của hàng loạt người liên quan tại công ty VN Pharma.
“Sai phạm của Cục Quản lý dược là nghiêm trọng”
HĐXX nhận định để VN Pharma nhập khẩu số lượng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam bằng hàng loạt giấy tờ giả, hồ sơ kỹ thuật giả, có nội dung mâu thuẫn… xuất phát từ việc làm tắc trách và thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Không chỉ riêng với H-Capita, mà theo chứng cứ thu thập được trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập khẩu thuốc và được Cục Quản lý dược cấp phép. Cho đến khi vụ án bị khởi tố, Cục Quản lý dược mới thu hồi số đăng ký lưu hành.
HĐXX cũng chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong quy định của Bộ Y tế với phần xét hỏi các nhân viên của bộ này trước toà. Qua xét hỏi công khai tại phiên toà, HĐXX nhận thấy về quy trình thủ tục cấp phép H-Capita của Hội đồng thẩm định Bộ Y tế có nhiều biểu hiện thiếu sót.
Khi được hỏi việc truy xuất nguồn gốc và sự tồn tại của Helix Canada có phải là bắt buộc không, ông Đỗ Trung Hưng (Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nói bắt buộc. Tuy nhiên, theo HĐXX, chứng cứ trong hồ sơ và tại phiên phúc thẩm thể hiện quá trình cấp phép H-Capita, cục đã không thực hiện việc này.
“Điều này dẫn tới, toàn bộ tài liệu giả mạo của VN Pharma đã không bị phát hiện và xử lý. Ở đây xác định là sai phạm nghiêm trọng”, HĐXX nhận định.
Bị cáo Hùng và Cường bị áp giải về trại tạm giam. Ảnh: Tùng Tin
Phần các chuyên gia thẩm định, có 3 thành viên không ghi ý kiến, không ký tên. Chính đại diện Cục quản lý Dược khẳng định rằng theo quy định của Bộ Y tế nếu thành viên trong hội đồng không ký tên vào biên bản thì phải nêu rõ lý do. Chính vì vậy để xác định tính hợp pháp của quá trình giám định, cần phải tiến hành điều tra lấy lời khai của ba chuyên gia này.
Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu của VN Pharma ở Cục Quản lý dược thể hiện, Austin Hong Kong đã hết giấy phép làm việc và đang làm đơn xin gia hạn. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý dược khai tại toà phúc thẩm rằng theo quy định doanh nghiệp phải có đăng ký cấp phép tại Việt Nam. Theo quy định này, Cục Quản lý dược không thể không biết giấy phép của Austin đã hết hạn. Chính vì lẽ đó Cục cho phép nhập khẩu là trái quy định.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị phải làm rõ tính pháp lý của giấy phép mà Bộ Y tế cấp cho Công ty Helix Canada. Người ký trên giấy phép này cũng là người cấp phép cho lô thuốc H-Capita không ai khác chính là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
Tuy nhiên, trong suốt 5 ngày diễn ra phiên toà và cả phiên họp báo bất ngờ của Bộ Y tế, Thứ trưởng Cường chưa hề ra mặt để phát ngôn. Trong khi đó, qua các kênh phát ngôn của bộ, ông Cường nói không nhận được giấy mời đích danh của toà nên không đến tham dự phiên xét xử.
Làm rõ cán bộ nào của Bộ Y tế giúp sức cho VN PharmaQuyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS theo tôi là hoàn toàn phù hợp.Thứ nhất, việc xem xét tội danh thì mấu chốt phải giám định lại cụ thể chất thuốc là gì để không bỏ lọt người, lọt tội nhưng cũng không oan sai người vô tội. Nếu xác định không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, thì đó lại là câu chuyện khác. Còn về việc có phạm tội Buôn lậu hay không, phải xem xét vai trò của các bị cáo này có hành vi cố tình làm giả những giấy tờ đó hay không.Thứ 2, cần xem xét vai trò của Cục Quản lý dược. Trong vụ án này, giám định và cấp giấy phép đều do Cục Quản lý dược cấp; vì vậy, cần điều tra xem ai đứng đằng sau, liệu có sân sau hay không trong vụ án này.Thứ 3, làm rõ trách nhiệm, vai trò của những ai đang giúp sức cho VN Pharma. Cụ thể là những cán bộ nào trong Bộ Y tế.Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) Huỷ bản án sơ thẩm là cần thiếtCòn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Cụ thể là về nguồn tiền, số tiền 157 tỷ các bị cáo không chứng minh được nguồn gốc của nó. Số tiền này có phải là tiền nhập thuốc từ lúc mới thành lập cho tới trước khi xét xử ngoài lô thuốc H-Capita 5,3 tỷ hay không; hay còn các loại thuốc khác mà các bị cáo hưởng lợi, nâng khống để đưa người nghèo vào cửa tử.Đồng thời, cần xem xét lại số tiền 7,5 tỷ chi hoa hồng mà các bị cáo đã khai, có nằm vào hành vi đưa hối lộ hay không và ai là người nhận số tiền này. Do vậy, quyết định hủy án của Tòa Cấp cao là có căn cứ và cần thiết.Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Diễn tiến vụ án VN Pharma. Đồ họa: Minh Trí
Theo Nam Chi – Hoài Thanh (Zing)
Nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ, VN Pharma có dấu hiệu trốn thuế?
"Hành vi nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ đồng của VN Pharma có dấu hiệu tội trốn thuế. Rất tiếc, cơ quan điều tra không làm tới và bỏ qua tội danh này", luật sư phân tích.
Vụ VN Pharma: Nguyễn Minh Hùng hối hận, xin tại ngoại để lo cho vợ
"Bị cáo cầu xin sự khoan hồng của pháp luật. Cho bị cáo xin tại ngoại để chăm lo cho bố mẹ và người vợ đang có thai", Nguyễn Minh Hùng vừa khóc vừa nói.
Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án VN Pharma, nguyên Tổng giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng khai nhận việc nâng khống giá trị thuốc lên hơn 100 tỷ đồng so với giá trị thật, chứ không chỉ 7,5 tỷ trong lô thuốc H-Capita đã nhập về Việt Nam. Thông tin trên đã thực sự gây choáng cho những người dự tòa.
Ngay sau đó, chủ tọa, thẩm phán và đại diện viện kiểm sát lần lượt nói với bị cáo Nguyễn Minh Hùng rằng, việc nâng khống giá thuốc có nguồn gốc không rõ ràng không chỉ làm những người mang căn bệnh ung thư thêm đau khổ, mà còn khiến cho gia đình, người thân của họ trở nên khánh kiệt. Ngoài bản án mà các bị cáo phải lĩnh, còn có bản án lương tâm sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời các bị cáo.
Nhà nước thiệt hại tiền tỷ
Thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên lợi nhuận của công ty, không phải trên doanh thu. Lợi nhuận bằng doanh thu trừ chi phí. Giá nhập hàng (chi phí đầu vào) càng cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp càng giảm. Lợi nhuận giảm thì thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.
Chia sẻ với Zing.vn về hành vi nâng khống giá thuốc nhập khẩu H-Capita 500mg của VN Pharam, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Hành vi này có dấu hiệu của tội trốn thuế. Bởi lẽ, việc nâng khống giá thuốc nhập khẩu làm cho chi phí đầu vào tăng và lợi nhuận giảm. Lợi nhuận giảm thì thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ đóng ít đi. Với giá trị kê khống hơn 100 tỷ đồng thì với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như hiện nay, ngân sách Nhà nước bị thiệt hại hơn 20 tỷ đồng".
Theo đó, luật sư Sơn nhận định hành vi nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ đồng đã cấu thành tội trốn thuế được quy định tại Điều 161 BLHS và các bị cáo phải bị khởi tố thêm tội trốn thuế. Việc này, trong kết luận điều tra cũng đã đề cập đến.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm tới và bỏ qua tội danh này với lý do là "sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập khẩu về đã tiêu thụ, cơ quan điều tra không thu được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng hợp đồng cụ thể để kết luận".
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng thừa nhận đã nâng khống hơn 100 tỷ đồng so với giá trị thuốc. Ảnh: Tùng Tin
Luật sư Sơn cho rằng trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải tiến hành các nghiệp vụ cần thiết để điều tra, thu thập chứng cứ chứ không phải chờ đợi sự tự nguyện cung cấp của những người bị điều tra.
Và thực tế, cơ quan tố tụng đã chứng minh được số tiền kê khống trên 100 tỷ đồng được thực hiện bằng thủ đoạn dòng tiền từ VN Pharma chuyển ra nước ngoài rồi sau đó chuyển về Việt Nam thông qua một số công ty trung gian, rồi vào túi các cá nhân đang làm tại VN Pharma.
Theo đó, luật sư Sơn kết luận: "Từ số tiền nâng khống này, cơ quan điều tra nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại từng thời kỳ thì sẽ tính được số tiền trốn thuế mà không cần phải căn cứ vào hợp đồng giả tạo và hợp đồng mua bán thực tế xác định".
Cần làm rõ dòng tiền của VN Pharma ra nước ngoài
Trong những vụ án hình sự về lĩnh vực kinh tế, việc làm rõ các dòng tiền là căn cứ để xác định chính xác việc sử dụng tài sản có được từ hành vi phạm tội, mức độ sai phạm và thiệt hại gây ra cũng như các đồng phạm (nếu có).
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) giải thích dòng tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi quay lại Việt Nam là nguồn vốn của công ty. Vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn cho biết: "Nếu là vốn công ty thì phải có bằng chứng chứng minh mối quan hệ đầu tư, góp vốn giữa bên nước ngoài và VN Pharma. Hai bên phải có một thỏa thuận hợp tác, đầu tư nào đó chứ không thể nói suông được".
Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra cần làm rõ ai là chủ thật sự của các công ty trung gian ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt, đối với các công ty trung gian ở nước ngoài do người Việt thành lập thì cần phải điều tra xác minh những cá nhân này đã thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chưa? Thực tế có chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư hay việc thành lập công ty ở nước ngoài chỉ để làm bình phong? Việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư (nếu có), chuyển tiền về nước đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hay chưa?
Luật sư đề nghị cần làm rõ việc VN Pharma chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư (nếu có), chuyển tiền về nước đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hay chưa? Ảnh: Tùng Tin
"Nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy giữa các bên không có mối quan hệ hợp tác đầu tư, giao dịch; hoặc ký khống các hợp đồng mua bán, hợp đồng hợp tác đầu tư để hợp thức hóa việc chuyển tiền, thì nhìn trong một bức tranh tổng thể với hành vi nâng khống giá thuốc lên hàng trăm tỷ đồng, rõ ràng đây là một trong chuỗi các thủ đoạn nhằm trốn thuế của VN Pharma. Trong trường hợp này thì những cá nhân ở các công ty liên quan cũng được xem là đồng phạm trong tội trốn thuế", luật sư Sơn kết luận.
Về vấn đề này, luật sư Nông Minh Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng: "Theo tình tiết vụ án, việc cơ quan tố tụng không xử lý hành vi trên về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo điều 154 của Bộ Luật Hình sự là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm".
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
9 "góc khuất" trong vụ VN Pharma dần hé lộ Bất ngờ quay lại xét hỏi thay vì tuyên án, tòa làm rõ việc Bộ Y tế cấp phép sai; VN Pharma chi tiền hoa hồng cho bác sĩ, làm giả con dấu đối tác... Vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) và đồng phạm, nhập thuốc trị ung thư "kém chất lượng" H-Capita về bán cho các bệnh viện,...