Vì sao tiêm kích Nga, Trung liên tục áp sát máy bay Mỹ
Việc máy bay Mỹ liên tục bị chiến đấu cơ Nga và Trung Quốc áp sát thời gian qua khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng răn đe của Washington.
Máy bay do thám EP-3 của Mỹ. Ảnh: US Navy
Ngày 17/5, hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bay cách máy bay do thám EP-3 của hải quân Mỹ chỉ khoảng 15 m trên Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng bồi đắp phi pháp các bãi đá ngầm và xây dựng đường băng, theo Time.
“Các máy bay Mỹ đang liên tục đi vào vùng biển ven bờ của Trung Quốc để thực hiện các cuộc do thám, đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng hải và hàng không của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói hôm 19/5.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã phản bác tuyên bố này. “Theo tôi hiểu thì sự việc xảy ra trên không phận quốc tế trên Biển Đông”, ông Peter Cook, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định khi được hỏi về vụ việc hôm 17/5. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu tới và hoạt động tại bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép”.
Từ đầu năm đến nay, đã có một loạt các vụ áp sát tương tự được các chiến đấu cơ Nga thực hiện, nhắm vào máy bay và tàu chiến Mỹ. Hôm 14/4, một chiếc Su-27 đã nhào lộn trên đầu máy bay do thám RC-135 của không quân Mỹ tại biển Baltic, theo Lầu Năm Góc.
Trước đó, hôm 11 và 12/4, cũng trên vùng biển này, các chiến đấu cơ Su-24 Nga đã có những màn bổ nhào cách tàu khu trục tên lửa USS Donald Cook của Mỹ chỉ khoảng 20 m.
Video đang HOT
Một số chuyên gia xem những vụ việc trên là hoạt động bình thường, trong khi những người khác xem đó như bằng chứng cho thấy các cường quốc đang cảm thấy dễ dàng “lấn sân” Mỹ. “Những hành động kiểu này sẽ còn xảy ra nhiều hơn cho tới ngày tổng thống mới của Mỹ nhậm chức năm 2017″, David Deptula, cựu thiếu tướng không quân Mỹ đã về hưu, cho biết.
“Ông Putin biết Tổng thống Mỹ Obama sẽ lùi bước trước bất kỳ sự phô diễn sức mạnh nào”, Deptula nói. “Điều tương tự cũng diễn ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là tâm lý cơ bản của kẻ mạnh, chừng nào còn chưa có phản kháng, những người bắt nạt sẽ còn gây khó dễ cho người yếu hơn”.
Anthony Cordesman, học giả quân sự tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược, thì có cái nhìn khác. Ông xem sự gia tăng các vụ việc áp sát của máy bay Nga và Trung Quốc “hoàn toàn là tình cờ”. Nó là một phần trong hiện tượng “nước triều lên xuống” thông thường giữa các đối thủ trên trường quốc tế, và trong những năm Chiến tranh Lạnh, các vụ việc này còn diễn ra thường xuyên hơn.
Trong nỗ lực kiềm chế căng thẳng, có nhận định cho rằng các phi công liên quan đến những hành động mạo hiểm này đã tự ý hành động mà không có lệnh trực tiếp từ cấp trên. Tuy nhiên, ông Cordesman không tin vào khả năng này. “Xét tới cùng, nếu bạn tự ý làm chuyện như vậy, bạn có thể phải đối diện với một năm thực sự tệ khi trở lại căn cứ”.
Học giả này cũng không tin vào nhận định rằng sự yếu đuối của Mỹ là một phần nguyên nhân hiện tượng này, mà có thể là ngược lại. “Điều này xảy ra không phải vì Mỹ yếu đuối hay thiếu quyết đoán. Nó xảy ra bởi chúng ta đã tăng cường lực lượng và gia tăng mạnh hoạt động diễn tập tại biển Baltic”, ông Cordesman nhận định.
“Và nó xảy ra gần Trung Quốc không phải vì chúng ta tránh xa các khu vực họ tuyên bố chủ quyền, mà vì chúng ta đang khẳng định một cách rất mạnh mẽ các quyền chúng ta có cả ở trên không và trên biển”.
Tướng Deptula nói rằng phi công quân đội Mỹ không hành động “một cách bất cẩn và thiếu chuyên nghiệp” như phi công Nga và Trung Quốc trong các vụ việc trên. “Quân đội Mỹ chặn máy bay nước khác theo đúng các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế”, ông nói.
Theo tướng Mỹ về hưu này, các vụ áp sát nhằm cản bước máy bay do thám Mỹ thường do các chiến đấu cơ nhanh hơn thực hiện, bởi việc này “phát đi một tín hiệu rất rõ ràng về rủi ro”. “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là một vụ va chạm mà mà nước gây ra sẵn sàng chấp nhận, trong khi nước kia buộc phải chấp nhận”.
Những vụ áp sát trong cự ly rất gần, hay nhào lộn phía trên máy bay Mỹ là nhằm đảm bảo rằng thông điệp sẽ được phát đi. “Đó chính xác là dạng hành động sẽ phát đi một tín hiệu thực sự mạnh mẽ”, Cordesman khẳng định.
Hải quân Mỹ đang phát triển một loại camera có thể gắn trên các máy bay do thám để ghi lại bằng chứng về những vụ đối đầu nguy hiểm này. Các máy bay hiện được trang bị nhiều camera, nhưng chúng chỉ có thể quét và chụp ảnh mặt đất và mặt nước phía dưới, chứ không thể ghi bằng chứng về các máy bay khác áp sát.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Trung Quốc biện bạch về vụ chặn máy bay Mỹ trên Biển Đông
Trung Quốc nói rằng chiến đấu cơ nước này đã tuân thủ các quy tắc khi áp sát máy bay do thám Mỹ trên Biển Đông hồi tuần trước.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Ảnh: china-defense-mashup
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hôm 17/5 chặn hai máy bay do thám EP-3 của Mỹ trên Biển Đông. Máy bay Trung Quốc chỉ cách phi cơ Mỹ 15 m. Các quan chức cho biết vụ việc xảy ra tại phía đông của đảo Hải Nam.
Vụ việc xảy ra ở không phận quốc tế vào tuần trước, khi máy bay Mỹ tiến hành "một cuộc tuần tra thường xuyên", Lầu Năm Góc cho biết.
Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm nay nói trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc đã hành động hoàn toàn chuyên nghiệp và phù hợp với thoả thuận giữa các nước về nguyên tắc xử lý các cuộc chạm trán như vậy.
Tuy nhiên, ông nói rằng thỏa thuận có tên Quy tắc về Hành vi Ứng xử đối với Chạm trán trên không và trên biển chỉ có thể cung cấp "tiêu chuẩn về mặt lý thuyết", và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là Mỹ dừng các chuyến bay như vậy.
"Đó là nguồn gốc nguy hiểm thực sự cho an toàn quân sự Trung - Mỹ trên biển và trên không", ông nói.
Cuộc chạm trán trên không diễn ra một tuần sau khi Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ bám đuôi tàu hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn cải tạo đất, xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biện hộ rằng các cơ sở nhằm phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và mang lại lợi ích cho cả những nước khác.
Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các đá ở Trường Sa là vô giá trị, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Mỹ cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về những biện pháp Trung Quốc thực hiện để theo đuổi yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Lầu Năm Góc tháng trước kêu gọi Trung Quốc phải tái khẳng định không có ý định điều thêm phi cơ quân sự ra quần đảo Trường Sa, sau khi Bắc Kinh sử dụng một phi cơ quân sự để sơ tán công nhân bị ốm từ đá Chữ Thập.
Phương Vũ
Theo VNE
Trung Quốc theo dõi tàu nước khác trên Biển Đông bằng máy bay không người lái Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc dùng máy bay không người lái để do thám các tàu nước khác ở Biển Đông. Trung Quốc bị tố dùng máy bay do thám cỡ lớn Air Sniper để giám sát tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông. Ảnh: Dailybeast Trung Quốc triển khai cả phương tiện công nghệ cao là máy bay do thám...