Vì sao Thủy điện Sơn La vượt tiến độ 3 năm?
Ông Nguyễn Hồng Hà-Trưởng Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Hà – Trưởng Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La (thuộc EVN), cho biết: Tính đến thời điểm này, Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện đầu tiên của cả nước vượt tiến độ, mà vượt tới ba năm.
Được “tiền trảm hậu tấu”
Vậy yếu tố nào đã đưa đến thành công của ngày hôm nay, thưa ông?
Dự án Sơn La được rất nhiều người quan tâm. Các đối tác tham gia dự án đã kết hợp chặt chẽ với nhau nên đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, nói vượt tiến độ cũng phải có cơ sở.
Ban đầu, do tính chất quan trọng nên chọn quy mô nào ở Sơn La để khỏi ảnh hưởng tới quy hoạch bậc thang của cả Sông Đà, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn, hiệu quả… được cân nhắc rất kỹ. Có một cái hay là, chúng ta đã chọn được vị trí đặt đập tốt nhất để xây dựng công trình.
Dù ở quy mô nào, cao hay thấp đằng nào cũng phải có đường vào (đường nhựa dài hơn 40km từ TP Sơn La vào huyện Mường La – PV); phải có cầu, đường điện… nên EVN đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ cho phép triển khai trước một số công việc.
Thông thường, đối với các dự án, bao giờ có quyết định đầu tư lúc đó mới được triển khai. Nhưng ở dự án Sơn La, do đặc thù nên được Chính phủ chấp thuận cho triển khai một số hạng mục khi chưa có quyết định đầu tư. Có lẽ đây là dự án thuỷ điện duy nhất từ trước đến nay có được “ngoại lệ” như vậy.
Vậy triển khai “ngoại lệ” đó thế nào, thưa ông?
Để triển khai mặt bằng, cách đây 10 năm, từ thành phố Sơn La vào huyện Mường La đường sá rất khó đi. Khoảng cách có 40km nhưng không có cầu.
Video đang HOT
Việc được chấp thuận để chuẩn bị hạ tầng trước nên ngày khởi công dự án cũng chính là ngày ngăn sông. Đến thời điểm này, mọi người mới thấy khi quyết định như vậy là đúng.
Ngoài ra, cũng phải có đường dây điện 110-220 để cấp điện, cần có cầu để qua Sông Đà… Làm được những việc đó, đã tiết kiệm thời gian được 1 năm. Nếu đợi quyết định đầu tư, có thể khởi công năm 2005, nhưng chưa chắc đã ngăn sông được vào năm đó.
Hệ thống quan trắc động đất ra sao?
Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư cho dự án Thủy điện Sơn La là bao nhiêu?
Về tổng mức đầu tư hiệu chỉnh vừa được Thủ tướng tạm phê duyệt theo quyết định là hơn 60.195 tỷ đồng (so với Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh phương án xây dựng Thuỷ điện Sơn La năm 2002, vốn đầu tư chưa tính lãi vay là 31.000-37.000 tỷ đồng-PV).
Khi Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, sẽ mang lại cho Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng điều gì?
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Thuỷ điện Sơn La đã đóng gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế VAT cho địa phương (chưa tính thuế tài nguyên). Hiện, nguồn thu của Sơn La chủ yếu do Thủy điện Sơn La đóng góp.
Ngoài ra, thuế tài nguyên, một mét khối nước bao nhiêu đều được nộp theo từng tháng cũng rất lớn. Thực tế, để phát triển một ngành công nghiệp nào đó ở Sơn La để đạt được tiền thuế tới 1.000 tỷ đồng/năm chắc chắn rất khó.
Thế còn hệ thống quan trắc dự báo động đất tại Thủy điện Sơn La ra sao?
Hệ thống dự báo quan trắc đối với cả vùng Tây Bắc do Viện Vật lý địa cầu chịu trách nhiệm. Trong hệ thống quan trắc tại Sơn La, chúng tôi lắp đặt các trạm, các máy đo trong đập, ở các cao độ khác nhau (có khoảng 11 điểm đo).
Các trạm đo này tự động đưa thông số về hệ thống điều khiển trung tâm và lưu trữ lại trong máy tính. Hệ thống hoạt động và đo hằng ngày. Số liệu quan trắc ở Sơn La đều có trong báo cáo quan trắc của đập. Đây là một trong những tài liệu quan trọng để báo cáo với Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Cảm ơn ông!
Theo 24h
Hy sinh để dòng điện tỏa sáng
Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, hơn 20 cán bộ, công nhân Thủy điện Sơn La đã ngã xuống. Họ vĩnh viễn không trở về!
Hôm nay, 23/12 buổi lễ trọng đại "Khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La" đã diễn ra trên chính công trường mang tầm vóc thế kỷ. Để có được giờ phút này, tôi và tất cả đồng nghiệp đều không thể quên được sự hy sinh của những con người đã đánh đổi cả cuộc đời mình cho thủy điện.
Họ đến từ nhiều vùng quê, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một mục đích "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc". Những ai đã từng gắn bó với thủy điện Sơn La chắc hẳn giờ phút thiêng liêng này đều cảm thấy lưu luyến, nhớ thương, tiếc nuối, mỗi người có một tâm trạng riêng. Mỗi vụ tai nạn thương tâm đều làm tôi nhức nhối khi phải cầm nén nhang biệt ly họ về cõi vĩnh hằng.
Lúc công trường thi công cao điểm nhất lực lượng lao động lên tới gần 13.000 người trong đó thanh niên chiếm tới 80%, họ là những người xung kích đi đầu trong mọi khó khăn gian khổ và những hy sinh của họ cũng thật lớn lao. Với con số thống kê từ năm 2007 đến nay, hơn 20 người đã ngã xuống vĩnh viễn không trở về. Trong số đó đa số là thanh niên, nhiều người còn đang độ tuổi thanh xuân phơi phới, người trẻ nhất là 18 tuổi, già nhất 47 tuổi.
Nhà tưởng niệm những người đã hy sinh vì dòng điện của Tổ Quốc, nằm ngay sát công trình Thủy điện Sơn La
Anh Lê Hoàng Nam, sinh năm 1991 quê quán Hương Sơn - Hà Tĩnh đã hy sinh khi mới tròn 18 tuổi, chưa vợ chưa con, ở quê còn có mẹ già. Vì cuộc sống mưu sinh và lòng yêu thủy điện anh đã tạm biệt gia đình lên công trường với niềm tin vì một ngày mai tốt đẹp hơn.
Đó là đêm 25/1/2009 khi đang gấp rút hàn nốt những mối nối cốt thép để ngày mai đổ bê tông cho kịp tiến độ thời gian lắp ráp bỗng trời nổi cơn dông. Tiếc công việc còn dở dang phía trước anh cố làm cho xong, tiết kiệm thời gian cho cả đội. Cơn mưa rào trút xuống bất ngờ làm kìm hàn chập điện, anh bị điện giật ngã xuống nền bê tông. Bạn bè đồng đội đã sơ cứu tại chỗ và đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên tất cả đều đã muộn...
Cuối năm 2010 khi cả công trường đang khẩn trương thi công để quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ. Việc hoàn thành công tác lợp giàn mái nhà máy để chống lũ mùa mưa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định sự an toàn khi đưa thiết bị tổ máy số 1 vào vị trí thiết kế.
Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Licogi đã điều động cán bộ công nhân viên làm 3 ca 4 kíp cho kịp tiến độ được giao. Sáng ngày 16/6/2010 ba công nhân của Licogi đang thực hiện bắt bulông để kết nối các khung giàn thành một khối hợp nhất.
Trong quá trình thi công đã xảy ra sự cố, do các khung giàn chưa liên kết chặt chẽ với nhau nên đã rơi xuống khiến cả ba người tử nạn. Các anh Lò Văn Hà, Lò Văn May sinh năm 1987 (Quê quán Mường La, Sơn La), Mạc Đinh Toàn sinh năm 1988 (quê quán Chí Linh, Hải Dương) đã mãi mãi ra đi.
Lễ cầu siêu cho những người xấu số
Công tác nâng hạ van cung xả mặt đúng tiến độ có vai trò quyết định cho việc tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La, đẩy nhanh tiến độ phát điện tổ máy số 1 làm lợi cho đất nước hàng tỉ đô la. Một trọng trách vô cùng cao cả đặt lên vai chủ đầu tư là lập và phê duyệt biện pháp thi công đúng tiến độ được giao.
Đối với các hạng mục quan trọng, các kỹ sư của Ban quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La phải xem xét từng chi tiết nhỏ để công việc phê duyệt được bám sát thực tế hiện trường.
Anh Trần Sĩ Hoàn sinh năm 1980 quê ở Hà Nam chuyên viên phòng kinh tế Ban quản lý Dự án, sau khi thẩm tra biện pháp thi công nâng hạ van cung xả mặt đã ra công trường để tận mắt xem xét thực tế. Trong quá trình khảo sát hiện trường anh đã không may ngã xuống khoang tràn số 6. Bạn bè cơ quan đi tìm anh khắp nơi, ba ngày sau mới thấy anh nằm dưới cửa xả đáy. Đưa anh ra nhà tang lễ lòng ai cũng thương xót khôn nguôi...
Còn nhiều cuộc chia ly, vĩnh biệt đầy nước mắt khác mà trong trang viết này tôi không thể trình bày hết với độc giả. Họ đã vĩnh viễn ra đi để lại đằng sau nỗi nhớ thương vô hạn, để lại đằng sau những công việc dở dang nhờ đồng nghiệp viết tiếp bản hùng ca thủy điện.
Để tưởng nhớ những người hy sinh vì thủy điện Sơn La ngày 18/12 vừa qua, trên công trường thủy điện Sơn La đã làm lễ cầu siêu cho những người xấu số và lập một nhà tưởng niệm tri ân công lao của họ tại nơi thiêng liêng và trang trọng nhất.
Hơn 30 năm về trước sau 15 năm xây dựng( từ 1979 tới 1994), công trình thủy điện Hòa Bình với công suất 1920MW, số người hy sinh là 186 người, trong đó chuyên gia Liên Xô là 11 người, cán bộ nhân viên Việt Nam 175 người
Theo 24h
Thủy điện Sơn La, chuyện giờ mới kể Nhiều câu chuyện về lòng quả cảm, sự hy sinh và cả tình yêu... đã diễn ra ngay trên đại công trường thủy điện Sơn La... LTS: Ngày mai, 23/12/2012, sau 8 năm thi công, công trình Thủy điện Sơn La sẽ chính thức được khánh thành. Ai từng gắn bó với thủy điện Sơn La đều không thể quên những dấu mốc...