Vì sao thế giới hốt hoảng khi Chính phủ Mỹ đóng cửa?
Hôm qua (9/10), Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục kêu gọi 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa hợp tác để giải quyết những bất đồng về ngân sách liên bang nhằm chấm dứt bế tắc tài chính.
Chống đối để bảo vệ giới tài phiệt
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tiếp tục kêu gọi Chủ tịch Hạ viện đồng thời là lãnh đạo phe Cộng hòa John Boehner tổ chức bỏ phiếu ngay lập tức để thông qua dự luật ngân sách và mở cửa trở lại chính phủ.
Video đang HOT
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc gặp với các thành viên Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện John Joehner cũng kêu gọi Tổng thống Obama đàm phán về ngân sách. Tuy nhiên, ông Boehner thừa nhận rằng, vẫn “chưa có bất cứ điều gì được đặt lên bàn nghị sự”. Sau cuộc họp này, một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể lấy việc giảm thâm hụt ngân sách làm một điều kiện để nâng trần nợ công của Mỹ trước thời hạn chót vào ngày 17/10 tới.
Mấu chốt cuộc khủng hoảng lần này chính là việc Đảng Cộng hòa muốn bác Luật Cải tổ y tế do ông Obama khởi xướng (nên được gọi là Obamacare). Vậy, vì sao Đảng Cộng hòa bất chấp mọi hậu quả của việc chính phủ đóng cửa chỉ để ngăn Obamacare. Rất đơn giản và rõ ràng. Nếu dự luật trở thành luật sẽ khiến túi tiền của các nhà tài phiệt, giới thượng lưu hao hụt nhiều hơn để “bù đắp” cho những người thu nhập thấp. Mục đích của Obamacare là muốn ai cũng như ai, người giàu cũng như người nghèo được đối xử công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.
Chính giới Hoa Kỳ về mặt đối ngoại thì tương đối nhất quán, về mặt đối nội thì: Đảng Cộng hòa được các nhà tư bản, tầng lớp thượng lưu chống lưng; Đảng Dân Chủ thiên về bảo vệ quyền lợi cho những người dân thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo khó. Vì vậy, bất cứ chủ trương chính sách đối nội (cũng như đối ngoại) nào bất lợi cho các nhà tư bản, các tập đoàn tư bản, các nhà tài phiệt, thành phần thượng lưu… đều bị Đảng Cộng hòa chống đối đến cùng.
Hôm qua, ông Obama nói sẽ không đàm phán ngân sách với phe Cộng hòa nếu đảng này không bỏ đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ. Chúng ta không thể để hành động tống tiền trở thành một phần trong nền dân chủ của chúng ta. Dân chủ không hoạt động theo cách này. Điều này không chỉ áp dụng với tôi mà còn với tất cả những người sẽ kế nhiệm tôi, bất kể họ đến từ đảng nào.
Thế giới lo ngại
Hơn 1 tuần bế tắc trong tình trạng chính phủ đóng cửa và chỉ còn chưa đầy 10 ngày trước thời điểm “vỡ nợ”, nhưng có thể thấy, đến nay cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa Mỹ mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi đàm phán mà chưa bên nào chịu nhượng bộ. Giới chức Hoa Kỳ cũng như nước ngoài và các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu tình trạng đóng cửa chính phủ tiếp tục kéo dài.
“Việc không nâng được trần nợ công và kéo dài tình trạng này có thể dẫn tới sự sụp đổ tài chính và làm kinh tế Mỹ chệch khỏi lộ trình phục hồi. Tuy nhiên, tác động của việc không trả được nợ có thể thấy được ngay bởi nó dẫn tới sự đổ vỡ của thị trường tài chính trong và ngoài nước Mỹ. Chúng ta coi đây là những nguy cơ ít có khả năng xảy ra nhưng một khi nó xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng lớn” – ông Olivier Blanchard – chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế nói.
IMF cũng cho rằng, nếu trần nợ công của Mỹ không được nâng lên vào ngày 17/10 tới thì chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu đột ngột. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư có thể gây nên hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế cả thế giới.
Trung Quốc và Nhật Bản – Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa và về việc Quốc hội có thể không nâng mức trần nợ, làm cho nước Mỹ vỡ nợ. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản sở hữu 1.135 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và Trung Quốc sở hữu 1.277 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản – Taro Aso đang tích cực vận động để hai phe Cộng hòa và Dân chủ giải quyết tranh chấp trước thời hạn chót 17/10, khi Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Còn hôm qua, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc – Chu Quang Diệu cũng lưu ý các nhà lãnh đạo Mỹ học hỏi những bài học từ quá khứ. Ông nhắc lại sự kiện vụ tranh chấp lần trước về mức trần nợ vào năm 2011, khiến công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ thấp thứ hạng tín dụng của Mỹ ảnh hưởng lớn đến sự hồi phục của nền kinh tế này.
Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và bất kỳ tác động nào đối với tỷ giá USD cũng đều phương hại tới sức cạnh tranh mậu dịch của họ.
Theo GTVT