Vì sao thẩm phán liên bang ở tòa cấp thấp chặn được sắc lệnh của Trump?
Hệ thống kiểm soát và cân bằng của Mỹ khiến cho thẩm phán liên bang ở tòa cấp thấp có thể ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc và chặn sắc lệnh của tổng thống.
James Robart. Ảnh: Patent Law Conference Munich International
Thẩm phán liên bang Mỹ James Robart ở Seattle, bang Washington, ngày 3/2 ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump ký sau khi nhậm chức. Sắc lệnh này cấm người từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày và đình chỉ chương trình chấp nhận người tị nạn trong 120 ngày.
Phán quyết được đưa ra sau khi bang Washington và bang Minnesota nộp đơn kiện. Hai bang này cho rằng sắc lệnh của ông Trump nhắm vào người Hồi giáo, vi phạm quyền hiến định của người nhập cư và gia đình họ.
Sở dĩ thẩm phán Robart có thể chặn được sắc lệnh của ông Trump là vì nhà nước Mỹ được thiết kế theo mô hình tam quyền phân lập. Quốc hội nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.
Mục đích của việc phân quyền là tạo nên hệ thống kiểm soát và cân bằng. Mỗi nhánh có thể hạn chế quyền lực của nhánh kia để không một nhánh nào trở nên quá mạnh mẽ, đảm bảo rằng quyền lực giữa ba bên cân bằng.
Video đang HOT
Hệ thống tòa án liên bang Mỹ gồm ba cấp độ: tòa án địa phương – tòa sơ thẩm, tòa án khu vực – cấp phúc thẩm đầu tiên, và tòa án tối cao – cấp phúc thẩm cao nhất. Các tòa này có quyền thẩm định xem một đạo luật hoặc một quy định nào đó của chính quyền có vi phạm hiến pháp hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân hay không. Việc xem xét này phải thông qua các vụ án, tức là có người khởi kiện (trong trường hợp này là bang Washington và Minnesota), chứ toà không tự mang một luật hay chính sách nào đó ra để xem xét.
Các thẩm phán liên bang và các thẩm phán tòa tối cao được tổng thống lựa chọn và phê chuẩn với sự gợi ý và tán thành của thượng viện. Các thẩm phán có thể tại vị suốt đời, nhưng rất nhiều người đã từ chức hoặc nghỉ hưu sớm. Các thẩm phán này cũng có thể bị bãi nhiệm bởi ủy ban đại diện và các cáo buộc của thượng viện nếu có hành vi không đúng đắn.
James Robart là thẩm phán liên bang tại tòa quận Tây Washington, tức là tòa liên bang cấp thấp nhất. Dù vậy, vì là tòa liên bang, thẩm phán vẫn có quyền đưa ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc.
Thực tế, nhánh hành pháp, cho dù do ông Trump hay các tổng thống tiền nhiệm đứng đầu, đều thường không thích việc tòa liên bang cấp thấp ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc, theo Lawfare. Chính quyền Obama từng yêu cầu toà án tối cao lật lại phán quyết ngăn chặn chương trình DAPA (chính sách hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp để giúp họ không bị trục xuất) được ban hành bởi một thẩm phán tòa án quận ở Texas.
Sau khi ông Robart ra quyết định, ông Trump đã liên tục công kích thẩm phán. Bộ Tư pháp Mỹ ngày 4/2 gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực 9 (cao hơn tòa của ông Robart một bậc) để yêu cầu đảo ngược phán quyết của ông Robart. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác yêu cầu ngay lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh. Tòa yêu cầu bên khởi kiện là hai bang Washington và Minnesota và bên kháng cáo là Bộ Tư pháp Mỹ trình thêm thông tin với hạn cho hai bên lần lượt là 5/2 và 6/2.
Phương Vũ
Theo VNE
Trump tiếp tục công kích thẩm phán chặn lệnh cấm nhập cảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua nói không tin tưởng thẩm phán liên bang chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông vì người này đã "đưa đất nước vào tình thế nguy hiểm".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump dành những ngày cuối tuần tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, cắt đứt mọi liên lạc với các nhân viên Nhà Trắng nhưng vẫn lên tiếng đều đặn trên mạng xã hội Twitter, công kích thẩm phán liên bang Seattle James Robart, người đã quyết định dừng sắc lệnh cấm nhập cảnh do ông ký, theo CNN.
"Không thể tin tưởng vào một thẩm phán đã đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm như thế này. Nếu có chuyện gì xảy ra, lỗi lầm thuộc về ông ta cũng như hệ thống tòa án. Nhiều người đang tràn vào. Quá tệ!", Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
Ông sau đó nói thêm: "Tôi được báo rằng cơ quan An ninh Nội địa phải kiểm tra những người nhập cảnh vào nước ta rất cẩn thận. Tòa án đang khiến công việc trở nên vô cùng khó khăn".
Những bình luận trên xuất hiện chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ dùng cụm từ "người được cho là thẩm phán" để nói về ông Robart.
Giới quan sát đánh giá việc Tổng thống Trump công kích hệ thống tòa án không đem lại lợi ích cho chính quyền của ông, đặc biệt trong bối cảnh họ đang chờ đợi việc phê chuẩn chức danh thẩm phán tòa án tối cao đối với ông Neil Gorsuch.
"Tốt nhất, chúng ta không nên mang một thẩm phán ra chỉ trích. Chúng ta rồi sẽ dần cảm thấy thất vọng", ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, bình luận.
Ông Trump hôm 27/1 ra sắc lệnh di trú, hạn chế người nhập cư và người tị nạn Hồi giáo. Sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vào nước này trong 120 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp.
Thẩm phán Seattle James Robart ngày 3/2 ra phán quyết ủng hộ đơn kiện từ ông Bob Ferguson, Tổng chưởng lý Washington, trong đó đề nghị bác bỏ các điều khoản chính trong sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Bộ Tư pháp Mỹ sau đó yêu cầu ngay lập tức phục hồi lệnh cấm nhập cảnh nhưng bị tòa phúc thẩm ở San Francisco bác bỏ.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Chân dung thẩm phán dừng lệnh cấm nhập cảnh của Trump Thẩm phán James Robart được miêu tả là người công bằng và đã giúp đỡ nhiều người tị nạn và trẻ em gặp khó khăn. Thẩm phán James Robart. Ảnh: managingip Thẩm phán James Robart đã trở thành tâm điểm chú ý khi ra phán quyết ngừng sắc lệnh cấm người từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90...