Vì sao Sông Lam Nghệ An ngày càng ‘khô hạn’ bàn thắng?
Kể từ V.League 2014 khi HLV Nguyễn Hữu Thắng rời SLNA đến nay, đội bóng xứ Nghệ đang dần tìm lại được truyền thống về khả năng phòng ngự của mình. Tuy nhiên, số bàn thắng lại ngày một ít đi theo mỗi mùa giải.
Trong 10 năm trở lại đây, SLNA liên tục có những biến động và thành tích theo đó cũng thay đổi phập phù. Số bàn thắng ghi được của đội bóng xứ Nghệ trong mỗi mùa giải đã phản ánh đúng thực lực và thứ hạng vào cuối mùa.
Cụ thể, tại V.League 2009 khi SLNA được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Văn Thịnh, dù không có được ngoại binh chất lượng, nhưng nhờ vào lối chơi phòng ngự phản công hiệu quả, đội bóng chủ sân Vinh vẫn cán đích ở vị trí thứ 3 ngoạn mục với 39 bàn thắng/29 bàn thua.
Đây là thời điểm mà SLNA chào đón một lứa cầu thủ nội đầy chất lượng, đạt độ chín như Huy Hoàng, Đình Đồng, Âu Hoàn, Trọng Hoàng, Văn Bình, Đắc Khánh. Đáng nói, đây là mùa bóng mà SHB Đà Nẵng vô địch, B. Bình Dương giành ngôi Á quân nhưng SLNA để thua ít nhất (5 trận).
Đến V.League 2010, SLNA vẫn chưa đầu tư mạnh mẽ về mặt lực lượng khi HLV Hữu Thắng vừa trở về. Các ngoại binh của SLNA như tiền đạo Vidovic, tiền vệ Zakovic, tiền đạo Miterovic và tiền đạo Mauro nhưng chỉ có Vidovic là chất lượng. Kết quả chung cuộc, SLNA chỉ ghi được 36 bàn thắng, để thua 26 bàn và trở thành đội bóng hòa nhiều nhất giải (10 trận).
Kavin Bryan – Diego Fagan là cặp tiền đạo chất lượng của SLNA mùa bóng 2011. Ảnh: VPF
Mọi thứ thay đổi khi đội bóng xứ Nghệ được đầu tư mạnh tay tại V.League 2011. HLV Hữu Thắng mang về 3 ngoại binh cực kỳ chất lượng là tiền vệ Edmund Ahsah – tuyển thủ Ghana, Kavin Bryan – tuyển thủ ĐT Jamaica, Diego Fagan, Devons. Cùng với dàn nội binh sẵn có, thầy trò HLV Hữu Thắng trở thành nhà vô địch với 48 bàn thắng/ 29 bàn thua, trung bình 1,8 bàn/trận.
Bước sang V.League 2012, SLNA chia tay cả 3 ngoại binh đã cùng họ vô địch mùa giải trước và mang về những cầu thủ khác như Abass, Dickson, Bebe, Hector Kerin. Đây là những tiền đạo khá chất lượng và giúp thầy trò HLV Hữu Thắng có được 45 bàn thắng (1,7 bàn/trận).
Mùa giải 2013, SLNA chào đón sự trở lại của Lê Công Vinh, các bộ khung nội binh vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn có thêm những nhân tố trẻ đầy triển vọng như Phi Sơn, Ngọc Hải, Khắc Ngọc, Mạnh Hùng. Các ngoại binh của SLNA lúc đó là Hector Kerin, Kavin Bryan, Willis Plaza khiến thầy trò HLV Hữu Thắng trở thành ứng viên vô địch.
Kết thúc mùa giải đó, đội bóng xứ Nghệ mất đi cơ hội vô địch bởi CLB Sài Gòn XT bỏ giải và bị hủy bỏ toàn bộ kết quả 2 trận thắng, bị trừ 6 điểm và rơi xuống vị trí thứ 4 chung cuộc. Nếu không vì sự cố đó, số bàn thắng của SLNA là 44 (trung bình 1,7 bàn/trận) thay vì 40 khi bảng xếp hạng đã thay đổi.
Thống kê số bàn thắng SLNA từ V.League 2009 đến nay. Đồ họa: TK
Đến V.League 2014, SLNA gặp đôi chút khó khăn khi đội bóng bắt đầu chia tay hàng loạt trụ cột và không giữ được những ngoại binh tốt nhất của mình. Mặc dù vậy, thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn có được 38 bàn thắng, trung bình 1,5 bàn/ trận và xếp ở vị trí thứ 5 chung cuộc.
Video đang HOT
Sau khi HLV Hữu Thắng ra đi, SLNA không còn giữ được vị thế như trước vì không được đầu tư mạnh mẽ cho việc chiêu mộ ngoại binh, các cầu thủ nội cũng lần lượt ra đi. Kết quả cho thấy V.League 2015, số bàn thắng chỉ là 36 đến V.League 2016 còn 34 (trung bình 1,3 bàn/trận) dưới thời HLV Ngô Quang Trường.
Tại V.League 2017, HLV Đức Thắng lên cầm quân và Michael Olaha ở tuổi 20 là cầu thủ ngoại tiêu biểu nhất. Dẫu vậy, “cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, số bàn thắng của đội bóng xứ Nghệ cũng không đạt mức ngoài 40 bàn như trước. Hàng công SLNA ghi được 36 bàn thắng, bằng với thành tích cách đó 2 năm.
Mùa giải 2018 là thời điểm hàng công SLNA thi đấu khá hiệu quả với sự xuất hiện của Olaha lẫn Jeremie Lynch. Ảnh: Xuân Thủy
Phải đến mùa bóng 2018, cặp đôi Michael Olaha – Jeremie Lynch đã mang về 12 bàn thắng, giúp SLNA có tổng cộng 38 bàn thắng, đồng thời xếp thứ 4 chung cuộc. Đây được xem là một thành công lớn của thầy trò HLV Đức Thắng. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2011 – 2013 thì đây vẫn là một con số khiêm tốn.
Mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn với SLNA tại V.League 2019 khi các tiền đạo ngoại như Alves Santos (0 bàn thắng), Vinicius (4 bàn) thi đấu không hiệu quả. Tiền đạo Michael Olaha vẫn chơi xông xáo nhưng cũng chỉ ghi được 5 bàn thắng. Tổng cộng, hàng công SLNA chỉ có 32 lần chọc thủng lưới đối phương (trung bình 1,2 bàn/trận), hòa đến 11 trận. Thành tích này là một kỷ lục buồn của SLNA trong suốt 10 năm qua.
Dễ nhận thấy, sự đồng đều về chất lượng của các ngoại binh đã quyết định phần lớn đến số bàn thắng và thứ hạng chung cuộc của đội bóng xứ Nghệ. Tại V.League 2020 sau 2 trận, SLNA mới chỉ ghi được 1 bàn thắng. Việc giữ sạch lưới là rất quan trọng, nhưng nếu không cải thiện được hiệu suất ghi bàn, thành tích bết bát vào cuối mùa là điều khó tránh khỏi.
Trung Kiên
Xứ Nghệ: Nơi ươm mầm những người gác đền tài ba cho bóng đá Việt Nam
CLB SLNA từ trước tới nay vẫn được xem là một cái nôi đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho bóng đá Việt Nam.
Từ thế hệ của những Hữu Thắng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Hùng tới lứa cầu thủ 8X của Huy Hoàng, Công Vinh, Văn Quyến, Quốc Vượng và bây giờ là lứa Ngọc Hải, Phi Sơn, Hoàng Thịnh, Văn Đức, Xuân Mạnh,...
Trong bất cứ giai đoạn nào, xứ Nghệ cũng luôn sản sinh ra những nhân tài cho bóng đá Việt Nam ở tất cả các vị trí trên sân. Và ở nơi trấn giữ khung thành, chúng ta cũng đang được chứng kiến rất nhiều thủ môn trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá xứ Nghệ. Và dưới đây là một số những cái tên tiêu biểu:
1. Trần Nguyên Mạnh
Thủ thành sinh năm 1991 từng có một thời gian là lựa chọn số 1 của các HLV ở cả cấp độ U23 lẫn trên ĐTQG. Dù không có thể hình lý tưởng khi chỉ cao 1m78 nhưng bù lại, Nguyên Mạnh lại có phản xạ cực tốt cùng khả năng phán đoán, và ra vào hợp lý.
Thủ môn Nguyên Mạnh từng có một thời gian là lựa chọn số 1 ở ĐT Việt Nam
Tuy nhiên sai lầm tai hại trong trận bán kết AFF Cup lượt về năm 2016 đã khiến Nguyên Mạnh mất cơ hội lên tuyển, giúp thủ môn Văn Lâm có cơ hội thi đấu và trở thành người gác đền số 1 của ĐT Việt Nam lúc này.
Trong sự nghiệp của mình, Nguyên Mạnh đã có được chiếc cúp vô địch V-League 2011, cùng với đó là danh hiệu Cúp QG 2017, bên cạnh đó là hai lần giành HCĐ ở AFF Cup năm 2014 và 2016.
2. Nguyễn Văn Hoàng
Văn Hoàng có chiều cao khá lý tưởng với một thủ môn (1m86). Tuy vậy, cầu thủ quê Tân Kỳ, Nghệ An chưa bao giờ là sự lựa chọn số 1 ở cấp độ đội tuyển từ đội U23 cho tới ĐTQG. Văn Hoàng cũng từng cùng U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á 2018 dù đây là giải đấu mà anh không được ông Park sử dụng.
Mùa giải năm nay, Văn Hoàng đang là thủ thành số 1 của SLNA sau khi Nguyên Mạnh ra đi. Hy vọng điều này sẽ giúp anh tích lũy thêm kinh nghiệm để kiếm được một suất lên tuyển trong tương lai.
Văn Hoàng thường đóng vai trò dự bị ở các cấp độ ĐT Việt Nam.
3. Nguyễn Văn Công
Có thể nói trong số những thủ môn gốc Nghệ An, Văn Công chính là thủ môn có được nhiều thành công nhất trong sự nghiệp quần đùi áo số. Người gác đền quê Quỳ Hợp, Nghệ An là thủ môn số 1 tại CLB Hà Nội trong nhiều năm qua.
Với phong độ ổn định, Văn Công đã cùng Hà Nội lên ngôi vô địch V-League các năm 2013, 2016, 2018, 2019, cũng như giành các danh hiệu vô địch cúp QG 2019. Ở mùa giải năm ngoái, Văn Công cũng đã cùng CLB Hà Nội lọt tới vòng bán kết AFC Cup 2019, tuy nhiên đáng tiếc là thủ môn này đã gặp chấn thương ở trận bán kết lượt đi khiến Hà Nội sau đó không thể vượt qua CLB 4.25 của Triều Tiên.
Văn Công thi đấu khá tốt nhưng không có duyên với ĐTQG.
4. Phạm Văn Cường
Văn Cường lớn lên ở Hưng Nguyên Nghệ An và trưởng thành từ lò đào tạo của Quân khu 4 và sau đó được đôn lên đội 1 thi đấu, trước khi chuyển sang Bình Định và hiện giờ là CLB Quảng Nam.
Với chiều cao 1m86, Văn Cường tỏ ra rất tự tin trong các pha không chiến cũng như ở các tình huống nhoài người cản bóng. Bằng tài năng của mình, Văn Cường đã cùng đội chủ sân Tam Kỳ vô địch V-League năm 2017. Tuy nhiên ở cấp độ đội tuyển, Văn Cường chưa bao giờ được coi là lựa chọn số 1 dù nhiều lần được gọi lên tuyển.
Phạm Văn Cường là cái tên thường xuyên được thầy Park gọi lên ĐT Việt Nam.
5. Trần Đức Cường
Đức Cường sinh năm 1985 tại Thanh Chương Nghệ An. Đây có thể nói là thủ môn xứ Nghệ đã trải qua nhiều đội bóng nhất trong sự nghiệp. Anh chỉ thi đấu cho SLNA trong 1 năm trước khi tới SHB Đà Nẵng vào năm 2003.
Sau đó, Đức Cường khoác áo CLB Hà Nội ACB, Bình Dương, SLNA và trở lại Bình Dương thi đấu từ năm 2016 tới nay. Tại đội bóng đất Thủ, Đức Cường đóng vai dự bị cho Tấn Trường, và khi thủ môn quê Đồng Tháp chia tay Bình Dương ở mùa bóng này, anh mới có được suất thi đấu chính thức.
Đức Cường đang là thủ môn số 1 của Bình Dương
Ở thời đỉnh cao sự nghiệp, thủ môn Trần Đức Cường cũng được gọi lên ĐTQG trong khoảng từ năm 2003 tới 2010. Tuy nhiên, anh cũng không thể cạnh tranh được suất bắt chính trên tuyển.
4. Tống Đức An
Tống Đức An sinh năm 1991, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh là thủ thành số 1 của CLB Sài Gòn từ năm 2016 tới nay với hơn 60 lần ra sân cho đội bóng Sài thành. Thủ thành có chiều cao 1m80 thi đấu khá tốt ở CLB Sài Gòn nhưng không để lại quá nhiều ấn tượng để có thể được triệu tập lên tuyển.
Minh Long
Báo châu Á: 'Công Vinh chỉ là cái bóng của Văn Quyến ở SLNA và U23 Việt Nam' Theo tờ thể thao nổi tiếng của châu Á, Văn Quyến xuất sắc hơn Công Vinh cả ở cấp câu lạc bộ và đội tuyển U23 Việt Nam. Mới đây, trang thể thao nổi tiếng châu Á Sport44 phiên bản tiếng Anh có bài viết đánh giá về hai cựu tiền đạo nổi tiếng của bóng đá Việt Nam là Công Vinh và...