Vì sao Sông Lam Nghệ An khó có thể thành công với sơ đồ 3-5-2?
Sông Lam Nghệ An đã có nửa đầu mùa giải thành công với sơ đồ 5-3-2, nhưng những trận đấu gần đây đội bóng xứ Nghệ đã bị chững lại sau khi những đối thủ đã bắt được bài của Huấn luyện viên Huy Hoàng.
Đá cánh nhưng không mạnh ở cánh
Có thể dễ dàng nhận thấy Sông Lam Nghệ An chủ yếu tấn công từ hai bên cánh, và hầu hết các bàn thắng của đội bóng xứ Nghệ đều xuất phát từ những đường chuyền từ 2 biên hoặc các tình huống cố định. Bộ đôi Mai Sỹ Hoàng và Trần Đình Hoàng là những người đóng vai trò lớn vào các tình huống như vậy. Bên cạnh đó, Olaha, Phan Văn Đức hoặc Oseni sẽ chủ động dạt ra 2 cánh để phối hợp với bộ đôi này trước khi có những đường bóng được đưa vào trung lộ.
Ở đầu mùa giải, sơ đồ 5-3-2 đưa về cho Sông Lam Nghệ An nhiều kết quả khả quan. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy
Khi mà lối đá tấn công biên chủ yếu dựa vào 2 hậu vệ cánh thì rõ ràng sức tấn công của Sông Lam Nghệ An là không đáng sợ. Vai trò Sỹ Hoàng và Đình Hoàng khi tham gia tấn công chỉ là đưa bóng xuống 2 biên và có những đường tạt cánh vào phía trong, hiếm khi thấy bộ đôi này xâm nhập vào nách trung lộ để thực hiện những đường căng ngang. Cũng phải thông cảm cho 2 cầu thủ này khi vị trí sở trường của họ là những hậu vệ biên. Do đó, các đối thủ dường như chỉ cần bịt đường xuống 2 cánh là đội bóng xứ Nghệ sẽ rơi vào bế tắc trong tiếp cận khung thành. Các trận gặp Đông Á Thanh Hóa, Câu lạc bộ Viettel và SHB Đà Nẵng là những minh chứng rõ nhất.
Lỗ hổng đôi cánh
Khi đôi cánh chưa mang lại hiệu quả ở mặt trận tấn công thì Sông Lam Nghệ An đã phải nhận những quả đắng từ những vị trí này. Với việc Sỹ Hoàng và Đình Hoàng phải dâng cao lên đá như một tiền vệ cánh đã tạo ra các lỗ hổng phía sau. Những đường chuyền khoét vào vị trí giữa trung vệ và hậu vệ cánh để cho các tiền đạo có tốc độ băng xuống đã làm cho đội bóng xứ Nghệ nhiều phen khốn đốn.
Video đang HOT
Trong trận với SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An gặp nhiều tình huống khốn đốn với lối đá của mình. Ảnh tư liệu: Chung Lê
Bộ đôi hậu vệ cánh dường như đang phân vân giữa 2 nhiệm vụ phòng ngự và tấn công nên chưa tạo ra hiệu quả trên cả 2 mặt trận. Kể cả khi họ chuyên tâm để tấn công thì 3 trung vệ ở phía dưới không bọc lót kịp thời cũng đã làm cho họ phải quay trở về để hỗ trợ nhiều hơn cho hàng phòng ngự. Tình huống SHB Đà Nẵng nâng tỷ số lên 2-1 ở vòng đấu vừa qua đã chứng minh khoảng trống mà các hậu vệ cánh Sông Lam Nghệ An để lại khi tham gia tấn công là rất lớn.
Điểm yếu 3 trung vệ
Quan sát cách di chuyển của 3 trung vệ Sông Lam Nghệ An ở thời điểm đang bị dẫn 2-1 trong trận gặp SHB Đà Nẵng tại vòng 16 V.League, chúng ta có thể nhận thấy sự không hợp lý trong đội hình của đội bóng xứ Nghệ. Lúc mà ở phía trên của đội bạn chỉ cắm duy nhất 1 tiền đạo thì chúng ta cũng đang phải cắt cử 3 người để đi theo. Vô hình trung điều đó đã kéo hụt lực lượng để tham gia tấn công. Ngoài trung vệ Đội trưởng Quế Ngọc Hải thì Hoàng Văn Khánh hay Thái Bá Sang đều chưa có những đường chuyền sáng nước để phát động tấn công.
Ở trên thế giới có rất nhiều đội sử dụng đội hình 3 trung vệ, ở những đội bóng đó những trung vệ lệch biên sẵn sàng cầm bóng nhô cao để tham gia phối hợp với các đồng đội bên phần sân đối phương tạo nên sự áp đảo về quân số. Trong khi đó, 3 trung vệ của đội bóng xứ Nghệ hiếm khi dâng cao quá vạch giữa sân trừ các tình huống cố định. Khi mà các đồng đội đang bị theo sát, khoảng trống giữa sân được tạo ra nhưng các trung vệ của chúng ta vẫn không chủ động để nhô cao chiếm lĩnh các khoảng trống đó để gây náo loạn hệ thống phòng ngự của đội bạn. Có cảm tưởng bộ 3 trung vệ của đội bóng xứ Nghệ đang sợ đội mình bị mất bóng và phải chịu những đường phản công từ phía đội bạn. Sự tự tin chính là điểm mà Sông Lam Nghệ An đã đánh mất từ sau trận gặp Câu lạc bộ Hà Nội ở lượt đi.
Sơ đồ ưa thích 5-3-2 của Huấn luyện viên Huy Hoàng có thể chuyển thành 3-5-2 khi dâng cao tấn công. Đồ họa: Xuân Quý
Khoảng thời gian nghỉ của Đội tuyển Quốc gia sẽ là thời điểm thích hợp để Huấn luyện viên Huy Hoàng có những sự điều chỉnh. “Rất may” cho Sông Lam Nghệ An là chỉ có 2 cầu thủ Phan Văn Đức, Quế Ngọc Hải được triệu tập lần này nên gần như đội bóng xứ Nghệ sẽ có đầy đủ đội hình để rèn luyện trong quãng thời gian này. Hy vọng khi V.League 2022 trở lại, Sông Lam Nghệ An sẽ “lột xác” để trở lại với cuộc đua tốp 3.
Dũng cảm lên huấn luyện viên Huy Hoàng!
Trận thua 2-0 trước Đông Á Thanh Hóa đã kéo Sông Lam Nghệ An về với thực tại. Và nó đã chỉ ra huấn luyện viên Huy Hoàng còn nhiều điều phải làm đối với đội bóng xứ Nghệ nếu muốn có được một vị trí trong top 3 khi mùa giải 2022 hạ màn.
Thời còn thi đấu, Nguyễn Huy Hoàng là một trong những cầu thủ máu lửa bậc nhất của Sông Lam Nghệ An và Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Đã không ít lần trung vệ thép này đổ máu sau những pha bóng lăn xả của mình. Sau khi chuyển sang công tác huấn luyện, ở vai trò nào người đàn ông 40 tuổi này cũng dồn hết tâm huyết của mình vào công việc để đưa đội bóng đến kết quả tốt nhất.
Kể từ khi lên nắm quyền đội 1 Sông Lam Nghệ An, để vực dậy một Sông Lam Nghệ An rệu rã sau mùa giải V.League 2021, mái tóc của chiến lược gia gốc Nghĩa Đàn đã bạc đi rất nhiều.
Huấn luyện viên Huy Hoàng. Ảnh tư liệu
Cùng với sự đầu tư mạnh tay của Tập đoàn Tân Long và sự cải tổ ở trên băng ghế ban huấn luyện, đội bóng xứ Nghệ đã có những thay đổi rõ rệt. Điều dễ dàng nhận thấy đầu tiên chính là tinh thần thi đấu của Sông Lam Nghệ An ngày càng được cải thiện. Dường như huấn luyện viên Huy Hoàng đã cố gắng thổi lửa vào các cầu thủ để họ vào sân với tinh thần chiến đấu cao nhất. Trong 20 phút đầu tiên của các trận đấu đã qua, Sông Lam Nghệ An luôn là đội bóng thi đấu rất tốt, đội bóng xứ Nghệ đã ghi được 6 bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào ở khoảng thời gian này. Ngay cả trong trận thua Đông Á Thanh Hóa vừa qua, Sông Lam Nghệ An cũng tạo ra được 2 cơ hội ngon ăn ở thời điểm này, rất tiếc Đình Tiền và Olaha không thể tận dụng được.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian đầu thi đấu đầy hưng phấn này đội bóng xứ Nghệ phần nào bị chững lại ở những phút thi đấu tiếp theo. Kịch bản quen thuộc đó là bị thủng lưới và thua trận đã diễn ra ở các trận gặp Topenland Bình Định, Câu lạc bộ Viettel, Đông Á Thanh Hóa. Rõ ràng huấn luyện viên Huy Hoàng vẫn chưa đưa ra được các phương án chiến thuật hợp lý trong các giai đoạn này. Hay nói cách khác là Sông Lam Nghệ An không kịp trở tay khi đối thủ đã bắt nhịp với trận đấu. Cũng phải thông cảm cho huấn luyện viên Huy Hoàng khi hàng tiền vệ đội bóng xứ Nghệ thiếu đi một người cầm trịch có thể điều tiết nhịp độ trận đấu. Mặc dù Xuân Mạnh vẫn làm rất tốt nhiệm vụ đánh chặn, nhưng anh và những vệ tinh bên cạnh như Mario hay Đinh Xuân Tiến vẫn chưa thể giúp cho Sông Lam Nghệ An kiểm soát được khu trung tuyến.
Sang đến hiệp thi đấu thứ 2, Sông Lam Nghệ An còn thể hiện rõ sự hụt hơi hơn nữa. 10 bàn thua và chỉ ghi được 6 bàn thắng đã chỉ ra vấn đề về chiều sâu đội hình của đội bóng xứ Nghệ. Nếu không kể đến những trường hợp thay đổi người bất đắc dĩ thì đội hình Sông Lam Nghệ An chỉ có khoảng 15-16 người có thể thi đấu "tròn vai" các vị trí trên sân. Trong một cuộc đua dài hơi thì đó là một con số quá ít để cho huấn luyện viên Huy Hoàng sử dụng và xoay tua. Chưa kể đến những lúc các trụ cột bị chấn thương hoặc treo giò thì khó khăn đó lại càng thêm chồng chất.
Ở trận gặp Đông Á Thanh Hóa, Oseni sở hữu khá nhiều cơ hội ở hiệp 2, tuy nhiên, không thể làm tung lưới của đối phương. Ảnh tư liệu: Chung Lê
Đơn cử như hàng công của Sông Lam Nghệ An, nhìn lên, nhìn xuống chỉ có 3 cái tên Olaha, Oseni và Phan Văn Đức. Thi đấu liên tục và không có những dự bị chất lượng để cạnh tranh đã làm cho bộ 3 trên hàng công càng ngày càng mai một. Dường như các đối thủ đã sớm bắt được bài huấn luyện viên Huy Hoàng ngay từ lúc trận đấu chưa bắt đầu.
Trong trận đấu với Đông Á Thanh Hóa, huấn luyện viên Huy Hoàng đã mạnh dạn đẩy Oseni lên băng ghế dự bị và tung Trần Đình Tiến vào sân ngay từ đầu. Đây là một bước đi táo bạo của huấn luyện viên 40 tuổi này. Nước cờ này tận dụng sự khao khát thi đấu của Đình Tiến để báo động cho phong độ của Oseni. Được ra sân thi đấu từ đầu, Đình Tiến thi đấu rất xông xáo bên hành lang cánh phải của đội bóng xứ Nghệ. Anh có pha đệm bóng cận thành, tuy nhiên, bị hậu vệ chủ nhà phá bóng ngay trên vạch vôi. Oseni cũng được huấn luyện viên Huy Hoàng tung vào sân từ đầu hiệp 2 để tận dụng sức mạnh và sức nhàn của tiền đạo Nigeria để càn quét hàng thủ đội bóng xứ Thanh. Ý đồ của Ban Huấn luyện Sông Lam Nghệ An phần nào đã được chuyển hóa khi những cơ hội liên tiếp đến với tiền đạo mang áo số 91 này. Tuy nhiên, sự vô duyên tiếp tục đeo bám Oseni khi anh bỏ lỡ 2 cơ hội mười mươi và đến khi đưa được bóng vào lưới thủ thành Thanh Diệp thì lại không được công nhận do lỗi việt vị.
Người còn lại trên hàng công cũng đang có phong độ mờ nhạt trong thời gian qua chính là Phan Văn Đức. Sau siêu phẩm vào lưới Câu lạc bộ Hải Phòng tiền đạo người Yên Thành không để lại nhiều dấu ấn trong lối chơi của Sông Lam Nghệ An. Đã lâu lắm rồi người hâm mộ xứ Nghệ không còn thấy bóng dáng ngày nào của Phan Văn Đức từng làm nức lòng người hâm mộ trong màu áo câu lạc bộ cũng như Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Nếu tiếp tục thi đấu như thế này, Đức cọt có thể sẽ là người tiếp theo làm bạn với băng ghế dự bị. Vấn đề là Ban Huấn luyện đội bóng Sông Lam Nghệ An có dũng cảm để đưa ra quyết định này khi Phan Văn Đức đang là một trong những biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ hiện nay. Và khi đó ai sẽ là người thay thế Phan Văn Đức?
Phan Văn Đức trong một buổi tập cùng các đồng đội. Ảnh tư liệu: Đức Anh.
Ngoài vấn đề con người, khán giả xứ Nghệ dễ nhận thấy trong lối đá của Sông Lam Nghệ An sử dụng quá nhiều những đường chuyền dài, đặc biệt là những lúc bị đối thủ dẫn trước. Người hâm mộ rất hiếm khi để thấy nhường tình huống ban bật đẹp mắt để khoan phá hàng thủ của đối phương mà thay vào đó là những đường tạt cánh cầu may từ hai biên. Với lối đá đó thì rất khó để đội bóng xứ Nghệ tạo ra đột biến trước các đối thủ. Bên cạnh đó, cầu thủ Sông Lam Nghệ An thường có những pha xử lý cồng kềnh mất khoảng 3, 4 nhịp làm lỡ mất cơ hội phản công nhanh hoặc tự đẩy mình vào thế khó.
Trong bóng đá hiện đại, rất nhiều đội bóng trung bình yếu sẵn sàng "hy sinh" để xây dựng một lối đá ban bật từ ngay phần sân nhà. Họ dũng cảm phối hợp với nhau tạo ra những màn thoát pressing để chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Tất nhiên, lối chơi này không phải được xây dựng ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình rèn luyện và trau dồi của cả tập thể trên sân tập cũng như trong các trận đấu.
Trận thua trước Đông Á Thanh Hóa có thể chưa làm ảnh hướng lớn đến mục tiêu vào top 3 của Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, trận thua này sẽ là một bài học lớn để các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ nhìn lại mình. Nếu không có sự thay đổi tích cực, cái đích top 3 dường như quá xa vời đối với Sông Lam Nghệ An.
Nhìn lại các cầu thủ Sông Lam Nghệ An sau lượt đi V.League 2022 Lượt đi V.League 2022 đã kết thúc, Sông Lam Nghệ An tạm đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng - một thành tích chấp nhận được so với mục tiêu nằm trong top 3 đã đặt ra từ đầu mùa giải của câu lạc bộ. Cùng nhìn lại màn trình diễn của các cầu thủ sau 13 vòng đấu. 1. Thủ môn Nguyễn...