Vì sao Sở Giao thông Hải Phòng bất lực?
Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy tại hội nghị trực tuyến ngày 6/7 đã thừa nhận: chỉ 10% doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Hải Phòng là có phép, phản ánh một thực tế lâu nay tại Hải Phòng công tác quản lý hoạt động vận tải xe container chưa được làm rốt ráo.
Các xe tải chở hàng quá khổ, quá tải nghênh ngang trên đường ở Hải Phòng
Buông xuôi, phó mặc
Theo ông Lũy, Hải Phòng hiện có 1.300 doanh nghiệp vận tải với hơn 7.100 đầu xe container đang hoạt động. Tuy nhiên, đến nay tại Hải Phòng mới chỉ có 46 doanh nghiệp vận tải container được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định với khoảng hơn 600 xe. Như vậy, còn tới hơn 90% số xe container của Hải Phòng chưa đủ điều kiện hoạt động do chưa có giấy đăng ký kinh doanh vận tải và phù hiệu.
Dự kiến, ngày 10/7, Thanh tra Bộ GTVT sẽ xuống Hải Phòng làm việc với Sở GTVT TP về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải của TP.
Theo quy định tại nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/10/2009 và Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xe vận tải bằng ô tô, các doanh nghiệp vận tải container phải được Sở GTVT TP cấp giấy phép kinh doanh vận tải và các xe container phải được cấp phù hiệu mới đủ điều kiện hoạt động.
Trong khi đó, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19/9/2012, có hiệu lực từ ngày 10/11/2012, có thêm quy định các xe container thuộc loại xe phải có phù hiệu, nếu không có phù hiệu sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng.
Chiều 8/7, trao đổi qua điện thoại, Ông Lũy thừa nhận, thực tế lâu nay Sở GTVT Hải Phòng không quản lý được xe container. Các doanh nghiệp chỉ cần mua xe, đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, xin cấp đăng ký ở Phòng Cảnh sát Giao thông xong cứ thế là chạy. Sở GTVT cũng chẳng làm gì họ được.
Theo ông Lũy, kinh doanh ô tô vận tải là loại hình có điều kiện, nhưng thực tế Sở từ lâu nay không quản lý nổi, không có phép xe container vẫn hoạt động. Trả lời câu hỏi dù có quy định của pháp luật đã rõ nhưng vì sao đa số các xe container không đủ điều kiện vẫn hoạt động, ông Lũy bày tỏ sự bất lực: “Các xe container nó cứ hoạt động ai làm gì được nó. Ai ra mà bắt để mà xử phạt được nó”.
Video đang HOT
Cần điều chỉnh việc cấp phép
Ông L.V.Đ, chủ một doanh nghiệp vận tải có 3 xe container thừa nhận, đa số doanh nghiệp vận tải container chưa làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải và phù hiệu cho xe container như quy định vì từ trước đến nay nhiều doanh nghiệp còn chưa biết có quy định bắt buộc này.
Theo ông Đ, các xe hoạt động trên đường không bị lực lượng tuần tra xử lý lỗi này, cũng không ai nhắc nhở nên không để ý. Chỉ có những doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng thì nhận được thông báo của Hiệp hội. Còn các doanh nghiệp không tham gia Hiệp hội như doanh nghiệp ông Đ bấy lâu vẫn mù tịt về quy định này.
Mới đây, tình cờ ông mới được một doanh nghiệp khác nói cho biết có quy định phải có giấy phép kinh doanh vận tải nên mới đến Sở GTVT xin cấp. “Nếu bị xử phạt về lỗi này thì các doanh nghiệp vận tải container sẽ chẳng dám hoạt động không giấy phép như thời gian qua”-ông Đ nói.
Một cán bộ thanh tra Sở GTVT cho biết, thực tế, thời gian qua Sở GTVT không xử lý được các vi phạm về giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu đối với xe container vì thẩm quyền của Thanh tra giao thông (TTGT) chỉ được dừng xe khi đã phát hiện ra vi phạm.
“Trong quy định không nêu rõ phù hiệu phải gắn ở đâu nên nếu kiểm tra, lái xe người ta lôi ở trong cốp xe ra phù hiệu rồi họ hỏi xe họ có lỗi gì mà dừng thì chúng tôi không biết trả lời làm sao. Chính vì thế lực lượng TTGT chưa xử lý được trường hợp xe container nào vi phạm không có phù hiệu”-cán bộ thanh tra này nói. Theo cán bộ thanh tra này, chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông mới đủ thẩm quyền kiểm tra xử lý vi phạm về giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu của xe container.
Cũng theo cán bộ TTGT này, để các doanh nghiệp vận tải container thực hiện nghiêm túc quy định về giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu xe thì cần phải điều chỉnh lại quy trình cấp phép. Cụ thể, đây là một giấy phép bắt buộc vậy thì cần phải coi là điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có thì Sở KH-ĐT mới cấp giấy phép kinh doanh. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GTVT với Sở KH-ĐT và Phòng CSGT thì việc quản lý hoạt động xe container sẽ chặt chẽ hơn.
CSGT: Cũng chỉ xử lý lái xe vi phạm trên đường
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, có đến hơn 90% xe ô tô vận tải hàng hóa ở Hải Phòng không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp là do để được cấp loại giấy phép kinh doanh này, doanh nghiệp (DN) phải đạt được hàng loạt tiêu chí điều kiện như số xe ô tô, bãi đỗ, đảm bảo an toàn, thiết bị giám sát hành trình… Để đạt được các điều kiện này thì DN phải lớn, qui mô đầu tư cả trăm tỷ đồng.
Trong khi đó, 80% các chủ xe vận tải container ở Hải Phòng chỉ có một hay hai xe để kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí vài người góp với nhau để mua một xe container chở hàng kiếm sống thì làm sao đủ điều kiện để xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được.
Cũng theo ông Tiến, lực lượng CSGT không có quyền hỏi lái xe về có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô vì giấy phép này cấp cho DN chứ không phải cấp cho từng xe ô tô. Không bị kiểm tra, xử lí nên các DN nhỏ, chủ xe họ cũng chẳng cần quan tâm đến giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp phép. Theo ông Tiến, việc DN đến sở GTVT làm giây phép kinh doanh vận tải bằng ô tô thì chỉ nên vận động họ thôi chứ cũng khó xử lí lắm.
Thượng tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt Hải Phòng cho biết, lực lượng CSGT chỉ được kiểm tra và xử lí đối với các lái xe ô tô tải vi phạm an toàn giao thông trên đường chứ không thể đến tận DN vận tải đề nghị kiểm tra xem họ có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp hay không.
Tại hội nghị trực tuyến nhằm ngăn ngừa hạn chế tai nạn giao thông ngày 6/7, ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT cho rằng do chỉ có 10% doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải, còn 90% chưa có phép nên đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Trước phát biểu này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi gay gắt tại sao không đủ điều kiện vẫn được cấp giấy phép kinh doanh? Bộ trưởng Thăng cho rằng nhiệm vụ của Sở GTVT là phải kiểm tra, rà soát nhưng đã buông lỏng quản lý để các doanh nghiệp không có giấy phép vẫn hoạt động. Vì vậy Bộ trưởng nói có thể sẽ đề xuất Hải Phòng cách chức giám đốc Sở GTVT đối với ông Lũy.
Theo 24h
Trưởng bến phà mất chức vì vụ 'vòi tiền' xe chở bí thư
Trưởng, phó cùng hàng loạt nhân viên phà Bính (Hải Phòng) đã bị cách chức, kỷ luật vì đã "vòi tiền" rồi mới đưa xe chở Bí thư Thành ủy cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão Sơn Tinh qua sông.
Chiều 13/11, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hải Phòng Đàm Xuân Lũy cho biết, ông đã tự nhận hình thức khiển trách do lỗi để điện thoại di động của mình hết pin trong cơn bão Sơn Tinh.
Phó giám đốc Sở này là ông Mai Xuân Phương cũng tự nhận hình thức khiển trách vì đã khuyên lãnh đạo TP Hải Phòng không nên đi qua phà Bính mà nên đi qua cầu Kiền để kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.
Các ông Vũ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thanh viên đường bộ Hải Phòng, và ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Công ty, tự nhận hình thức khiển trách.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bến phà Bính bị cách chức. Ông Vũ Đình Toản, Phó trưởng bến bị hạ bậc lương và thuyên chuyển công tác. Nhân viên thu ngân bán vé Phan Thúy Hằng bị điều chuyển công tác. 3 nhân viên nhà phà làm hợp đồng của Công ty TNHH một thanh viên đường bộ Hải Phòng bị chấm dứt hợp đồng.
Bến phà Bính. Ảnh: NLĐ
Theo ông Đàm Xuân Lũy, chiều 28/10, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão ở huyện Thủy Nguyên. Khoảng 18h30 cùng ngày, ông Thành từ huyện Thủy Nguyên trở lại nội thành Hải Phòng qua bến phà Bính.
Khi đến bến phà, do đoàn công tác, trong đó có ông Nguyễn Văn Thành sử dụng ôtô biển trắng, nên nhân viên bến không biết lãnh đạo thành phố đi công tác và đã từ chối chạy phà. Lý do là gió bão cấp 5, dòng chảy của nước vượt mức 2 m/s, không đảm bảo hoạt động của phương tiện thủy chuyên chở ôtô và nữ nhân viên bán vé đã về nghỉ.
Cuối cùng, đoàn công tác phải nói khó đang đi làm nhiệm vụ, nhưng vẫn bị nhà phà đòi "làm luật", đưa tiền mới được lên phà qua sông Cấm.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành đã điện thoại cho ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng, nhưng không liên lạc được.
Ông Thành cũng điện thoại cho ông Mai Xuân Phương đề nghị được qua phà Bính. Lúc này, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua sông Cấm, ông Phương đã khuyên lãnh đạo TP Hải Phòng nên đi bằng đường bộ qua lối cầu Kiền.
Ông Lũy cũng thanh minh, do điện thoại quá nhiều để điều hành, chỉ đạo nhiều việc cứu nạn 2 chiếc phà tại bến Đình Vũ (một chiếc chở khách bị sóng đánh lên bờ, chiếc phà còn lại mang theo nhiều người dân và phương tiện bị trôi ra phía biển) nên máy điện thoại bị hết pin.
Sau khi cứu nạn thành công 2 chiếc phà này và không để xảy ra hậu quả gì, ông Lũy đã sạc điện thoại trong phòng làm việc. Khi bật điện thoại lên, thấy cuộc điện thoại nhỡ của Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lũy đã chủ động gọi điện lại. Sau đó, ông Lũy đã cùng các vị lãnh đạo TP Hải Phòng đi chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các quận, huyện của Hải Phòng.
Theo VNE