Vì sao quân đội Indonesia từ bỏ nỗ lực trục vớt QZ8501?
Ngày 27/1, quân đội Indonesia bất ngờ tuyên bố chấm dứt nỗ lực trục vớt xác chiếc máy bay xấu số QZ8501 trên biển Java sau gần một tháng chiếc máy bay này gặp nạn.
Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Moeldoko, đã ra lệnh cho quân đội nước này rút toàn bộ nhân lực và phương tiện tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ ra khỏi vùng biển Java, bỏ dở kế hoạch trục vớt xác chiếc máy bay đang nằm ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển.
Quân đội Indonesia rút toàn bộ nhân lực, trang bị khỏi chiến dịch tìm kiếm QZ8501
Gần một tháng nay, quân đội Indonesia là lực lượng chủ lực trong chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay QZ8501 với nhiều tàu chiến, trực thăng quân sự và người nhái hải quân trên biển Java. Sau khi lực lượng quân đội rút đi, cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia Basarnas sẽ tiếp quản chiến dịch tìm kiếm xác nạn nhân.
Lý giải việc quân đội rút lực lượng khỏi chiến dịch cứu hộ, Chuẩn Đô đốc hải quân Widodo cho hay đến nay gần 1/4 quân số trong 81 người nhái hải quân tham gia tìm kiếm xác nạn nhân đã bị ốm vì các triệu chứng giảm áp do lặn sâu. Hải quân đã phải chuyển họ tới một bệnh viện ở Jakarta để điều trị.
Ông Widodo nói: “Tôi đã nói với họ phải đặt an toàn lên trên hết. Nhưng như chúng ta đã biết, những người lính luôn làm việc cật lực để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Họ không nghĩ tới an toàn của bản thân mà chỉ hết mình thực hiện nhiệm vụ”.
Nhiều thợ lặn hải quân đã ngã bệnh trong quá trình tìm kiếm thi thể nạn nhân
Video đang HOT
Mặc dù các thợ lặn đã làm việc rất vất vả, nhưng họ không tìm thấy thêm bất cứ thi thể nào bên trong xác máy bay như dự đoán trước đó của các nhân viên tìm kiếm cứu hộ. Theo ông Widodo, những thi thể nạn nhân còn lại có thể đang mắc kẹt bên dưới xác máy bay.
Ngoài ra, một lý do nữa khiến quân đội Indonesia từ bỏ chiến dịch trục vớt xác máy bay QZ8501 là do điều kiện thời tiết quá xấu khiến các thiết bị của họ không thể làm việc hiệu quả.
Quân đội Indonesia đã dùng những bóng khí khổng lồ nối với xác máy bay bằng dây cáp để tạo sức nâng nhấc chiếc máy bay lên khỏi đáy biển. Nhưng nỗ lực này đã nhiều lần thất bại khi bóng khí và dây cáp của họ liên tục bị nổ, bị đứt trong điều kiện thời tiết xấu.
Trước tình hình trên, quân đội Indonesia đã quyết định chấm dứt chiến dịch trục vớt xác máy bay, sau khi xác định không còn thi thể nạn nhân mắc kẹt bên trong.
Sau một ngày nghỉ ngơi, cơ quan tìm kiếm cứu nạn Basanas sẽ tiếp quản nhiệm vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân với một lực lượng gồm 60 thợ lặn, 8 chuyên gia trục vớt, 7 tàu, 2 trực thăng và một máy bay, với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là vớt thi thể nạn nhân chứ không phải đưa xác máy bay lên mặt nước.
Basarnas sẽ tiếp quản nhiệm vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới đáy biển
Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ít nhất 14 thi thể ở gần xác máy bay, trong đó có một số nạn nhân trôi nổi tự do sau khi thân máy bay được nhấc lên một chút. Cho đến nay, vẫn còn 92 thi thể nạn nhân chưa được tìm thấy.
Quyết định rút khỏi chiến dịch tìm kiếm QZ8501 của quân đội Indonesia đã khiến không ít người thân nạn nhân thất vọng. Ông Imam Sampurno, người đã mất đi 4 người thân trong vụ tai nạn ngậm ngùi: “Chúng tôi thật sự thất vọng. Chúng tôi đã hy vọng rằng chiến dịch trục vớt vẫn đang diễn ra”.
Sau khi tiếp tục tìm kiếm trong khoảng một tuần tiếp theo, Basarnas sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân của chiếc máy bay nữa hay không.
Theo Khampha
Nỗ lực trục vớt xác QZ8501 liên tiếp gặp thất bại
Lực lượng cứu hộ Indonesia liên tục gặp sự cố trong quá trình trục vớt xác máy bay QZ8501, khiến chiếc máy bay cùng các nạn nhân mắc kẹt bên trong tiếp tục chìm xuống đáy biển nhiều lần.
Ngày 25/1, nỗ lực lần thứ hai trục vớt xác chiếc máy bay QZ8501 trên biển Java của lực lượng cứu hộ Indonesia đã tiếp tục thất bại khi một sợi dây cáp nối thân máy bay với những quả bóng khí khổng lồ trên mặt biển bị đứt.
Ông Manahan Simorangkir, người phát ngôn lực lượng hải quân Indonesia cho biết những dòng hải lưu chảy xiết là thách thức lớn nhất trong quá trình trục vớt xác máy bay. Ông nói: "Chúng tôi không thể chống lại được tự nhiên. Chúng tôi chỉ hy vọng thời tiết sẽ thay đổi và trở nên hợp tác hơn".
Xác máy bay QZ8501 nằm ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển Java
Theo lực lượng cứu hộ Indonesia, họ đã dùng một sợi dây cáp nối thân máy bay với những quả bóng khí khổng lồ và một chiếc tàu cứu hộ trên mặt biển để từ từ nhấc thân máy bay đang nằm ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển. Tuy nhiên, khi thân máy bay vừa nhấc lên được một chút thì sợi cáp bị đứt, khiến QZ8501 tiếp tục chìm xuống đáy.
Trước đó, nỗ lực trục vớt đầu tiên hôm thứ Bảy cũng đã thất bại, khi lực lượng cứu hộ nhấc được xác QZ8501 lên gần mặt biển thì những quả bóng khí bị nổ vì thời tiết xấu, khiến máy bay chìm trở lại.
Trong quá trình trục vớt máy bay lần thứ hai, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm một thi thể trôi ra bên ngoài. Cho đến nay họ đã tìm thấy tổng cộng 70 thi thể nạn nhân trên máy bay, và lực lượng cứu hộ tin rằng phần lớn thi thể nạn nhân vẫn còn mắc kẹt trong phần thân QZ8501.
Lực lượng cứu hộ Indonesia cho biết phần thân máy bay QZ8501 vẫn còn khá nguyên vẹn sau khi đâm xuống biển. Tuy nhiên phần buồng lái của máy bay đã bị gãy rời khỏi thân và nằm cách thân máy bay khoảng 500 mét, và thi thể của cơ trưởng cùng cơ phó có thể ở trong buồng lái.
Những bong bóng khí khổng lồ được sử dụng để trục vớt xác máy bay QZ8501
Cho đến nay, thời tiết xấu vẫn được cho là nguyên nhân chính khiến chiếc máy bay chở theo 162 người này gặp nạn. Kiểm soát viên không lưu đã từ chối yêu cầu tăng độ cao của phi công để tránh bão, tuy nhiên khi họ liên lạc lại, họ không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía phi công.
Sau khi phân tích các dữ liệu hộp đen của máy bay, các điều tra viên Indonesia đã loại trừ khả năng xảy ra khủng bố hay phá hoại trên máy bay.
Dữ liệu radar của Indonesia cho thấy máy bay QZ8501 đã vọt lên quá nhanh đến độ cao nguy hiểm, sau đó bị khựng lại giữa không trung và bắt đầu lao nhanh xuống mặt biển bên dưới. Phi công không hề phát đi tín hiệu cấp cứu hay cảnh báo nào trước khi máy bay gặp nạn.
Theo Khampha
Nụ cười cuối cùng của hành khách chuyến bay QZ8501 Bức ảnh do một hành khách chụp lại nụ cười cuối cùng với nhóm bạn trước khi chiếc máy bay đâm xuống biển Java khiến 162 người thiệt mạng. Mới đây, thân nhân của một hành khách trên chuyến bay xấu số QZ8501 đã quyết định công bố bức ảnh "tự sướng" cuối cùng của người này cùng các bạn bè khi ngồi...