Vì sao phim truyền hình Việt đi vào đường cùng?
Kịch bản nhàm chán, nội dung phi lý, lời thoại sáo rỗng… đó chỉ là bề nổi những bất cập khiến phim truyền hình Việt rơi vào thoái trào.
10 năm trước, phim truyền hình Việt phát triển cực thịnh: diễn viên nổi tiếng sau mỗi vai diễn, khán giả quan tâm, bàn tán sau mỗi tập phim… Nhưng hiện nay, phim truyền hình Việt đang đối diện với nhiều khó khăn cũng như chịu sự thờ ơ của khán giả.
Gameshow truyền hình – kẻ phá đám
Sự ra đời và du nhập của hàng loạt game show truyền hình đã trở thành “hung thần” với nhiều ngành nghệ thuật. Nếu game show thắng kịch, sân khấu ca nhạc nhờ sự đầu tư sân khấu hoành tráng, tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng thì truyền hình thực tế lại đánh bật phim truyền hình ở thứ tưởng như phía sau nhưng lại có tính quyết định – doanh thu quảng cáo.
Chi Pu và Nhan Phúc Vinh trong phim Vẫn có em bên đời. Ảnh: ĐPCC
Kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc sau cơn khủng khoảng nên thị trường quảng cáo năm 2016 tiếp tục giảm. Một miếng bánh bị chia nhỏ thành nhiều phần nên tất nhiên thị phần quảng cáo dành phim truyền hình giảm. Hiện nay, gameshow nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả vì vậy các nhãn hàng đổ xô vào quảng cáo. Họ thậm chí chấp nhận trả giá cao hơn để xuất hiện trong những chương trình hot.
Một nhà sản xuất phim lớn của TP HCM cho biết: “Nếu trước đây, một tập phim có thể thu về 700 triệu đồng quảng cáo thì bây giờ cao nhất là được 400 triệu đồng. Tuy nhiên con số này rất hiếm, đa số chỉ ở mức 200-300 triệu đồng”.
Dịp Tết vừa qua, các hãng phim không sản xuất phim mới mà chiếu lại phim cũ bởi dịp này lượng quảng cáo sụt giảm mạnh. Không ai dám mạo hiểm bởi sản xuất phim Tết là nắm chắc phần lỗ.
Không những thế, sự thay đổi trong chính sách của nhà đài cũng khiến nhà sản xuất phim truyền hình lao đao. Trước đây, nhà làm phim được nhận đủ định mức nếu đạt rating và định mức quảng cáo nhưng từ 2015 tới nay, mỗi tập phim, nhà đài sẽ nhận trước hơn 200 triệu đồng. Sau đó, nhà sản xuất mới được nhận. Nhận đủ 180 triệu thì số tiền còn lại sẽ chia hai bên theo tỉ lệ trong hợp đồng.
Một nhà sản xuất giấu tên cảm thán: “Hiện nay, thu đủ kinh phí sản xuất 180 triệu đồng mỗi tập đã khó, nói gì đến việc được chia số dư. Vào những tháng sau Tết, quảng cáo giảm thê thảm, chúng tôi phải nhờ đài giảm định mức nếu không thì lỗ lớn”.
10 năm, 1 giá tiền mỗi tập phim
Không chỉ bị khán giả quay lưng, doanh thu quảng cáo sụt giảm, nhà sản xuất phim truyền hình còn gặp khó khăn từ các đài truyền hình. 10 năm nay, trong khi chi phí cho bối cảnh, diễn viên ngày càng tăng thì số tiền đài trả cho mỗi tập phim vẫn giữ giá 180 triệu đồng với HTV, VTV và THVL1 cao hơn một chút. Vì vậy, đơn vị sản xuất phải liệu cơm gắp mắm, tiết kiệm tối đa mọi thứ.
Video đang HOT
Siêu mẫu Đức Hải trong phim Biệt thự Pensse. Ảnh: ĐPCC
Bà Thu Thủy, giám đốc Senafilm cho biết: “Đài phải cam kết ngân sách với nhà nước. Yêu cầu nộp ngân sách của nhà đài mỗi năm tăng đều đặn 10%. Nguồn thu của đài lại chỉ dựa vào quảng cáo do đó, đài phải đảm bảo nguồn thu cho mình trước. Những đơn vị như chúng tôi chỉ biết làm phim, không làm truyền thông, quảng cáo nên khó đủ chỉ tiêu như đài đặt ra. Bây giờ chỉ làm vì đam mê. Đến khi nào không duy trì được thì đành chịu”.
Chính vì số tiền đài trả cho mỗi tập phim không quá 200 triệu đồng, nhà sản xuất rất e dè đầu tư cho phim. Các dự án phim hiện nay đã bị cắt giảm 50-60%.
TP HCM vốn là thị trường sản xuất phim của hàng chục công ty sản xuất nhưng đến nay ngay cả những tên tuổi lớn đều sản xuất cầm chừng. M&T Picture đã giảm từ 600 tập phim mỗi năm xuống 300 tập. Công ty Sóng Vàng cũng giảm 50% số lượng tập phim và chuyển hướng sang đầu tư phim điện ảnh.
Bà Bích Liên giám đốc đơn vị này từng chia sẻ: “Đầu tư phim truyền hình cũng tốn gần 5 tỷ đồng, con số này tương đương với phim điện ảnh kinh phí thấp. Số tiền dành cho phim truyền hình lại bị chôn khá lâu. Trong khi đó phim điện ảnh ra rạp, lời lỗ biết ngay trong 1 tuần”.
Kịch bản nhàm chán vì bị bó hẹp trong khuôn khổ
Gần đây phim Hậu duệ mặt trời gây sốt khắp châu Á. Điều này chứng tỏ phim truyền hình vẫn là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim. Nhìn người, nghĩ đến ta, phim Việt cho đến bao giờ mới khởi sắc?
Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối. Ảnh: ĐPCC
So với nước ngoài, diễn viên Việt Nam đẹp và diễn xuất không thua kém nhưng phim Việt thua ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản. Một nhà làm phim nổi tiếng từng cho rằng: “Một bộ phim hay trước tiên phải là một kịch bản hay”. Đề tài phim truyền hình Việt khá nhàm chán vì quanh quẩn chỉ là những câu chuyện về mâu thuẫn gia đình, tình tay ba…
Lời thoại phim rơi vào sáo rỗng, tình tiết, nội dung phi logic… đó là những nhận xét quen thuộc khi xem phim. Đội ngũ viết kịch bản của Việt Nam đa số là các bạn trẻ, ít có kinh nghiệm sống.
Một đại diện nhà sản xuất M&T Picture cho rằng: “Kịch bản phim tốt đã khó nhưng đươc kiểm duyệt lại càng khó hơn. Chúng tôi tìm tòi đề tài mới, kinh dị hơn hoặc bay bổng hơn như phân thân, đồng tính thì bị cho rằng không sát thực tế. Tiêu chí của đài, nội dung phim truyền hình phải là thực tế như đời sống và có tính tuyên truyền.
Về chất lượng càng không thể so sánh với phim Hàn Quốc. Biên kịch phim Hậu duệ mặt trời nhận 7 nghìn USD/tập phim, còn chi phí sản xuất là 500 nghìn USD/tập. Những con số này gấp 100 lần phim Việt”.
Phim truyền hình Việt đang thoái trào, đối diện với nhiều khó khăn song chưa có giải pháp tháo gỡ. Bởi vậy, các nhà sản xuất đang làm phim với tâm thế: còn nước còn tát, khi sức cùng lực kiệt thì… đầu hàng.
Theo Zing
'Ngôn tình' tấn công màn ảnh Việt
Nhận thấy nhu cầu của khán giả, các nhà làm phim đã nhanh nhạy đáp ứng thị hiếu, đưa yếu tố "ngôn tình" xuất hiện nhiều trên màn ảnh, gây lo lắng cho các nhà tâm lý, xã hội.
Nhiều phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình, đang xuất hiện các yếu tố "ngôn tình", lãng mạn hóa chuyện tình yêu trên màn ảnh. Hiện tượng này đang phát triển và trở thành xu hướng, nhất là khi các nhà sản xuất phim cho rằng đơn thuần vì đáp ứng nhu cầu khán giả.
Xu thế "thời thượng"
Từ văn học, "ngôn tình" xâm chiếm sang điện ảnh - truyền hình. Ở Trung Quốc, thể loại này được nhiều nhà làm phim đua nhau mua bản quyền chuyển thể sang phim truyền hình. Những phim: "Bên nhau trọn đời", "Hãy nhắm mắt khi anh đến", "Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa", "Sam Sam đến rồi"... chuyển thể từ sách ngôn tình rất được người xem yêu thích.
Phim hóa từ tác phẩm "ngôn tình" trở thành trào lưu khi ngày càng thu hút đông khán giả. Những "fan" trước đây của sách chuyển sang theo dõi phim để so sánh với nguyên bản. Khán giả say mê "ngôn tình" Trung Quốc cũng tham gia bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, trang mạng, theo từng tập phim phát sóng.
Nhận thấy thị hiếu này, các nhà làm phim Trung Quốc, Hàn Quốc... bắt đầu thêm yếu tố "ngôn tình" như gia vị trong tác phẩm của mình nhằm thi vị hóa những câu chuyện tình thật lãng mạn theo hướng kết hợp hoàn hảo giữa "soái ca" cùng một cô gái xinh đẹp không kém hoặc ngược lại. Thường đó là những anh chàng đẹp trai, có tài năng, hết lòng yêu thương, chung thủy với một cô gái có phần ngây thơ, thuần khiết...
Thậm chí, phim không hoàn toàn về "ngôn tình" nhưng pha trộn thêm một chút yếu tố này cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Điển hình, phim "Hậu duệ của mặt trời" gây sốt khán giả châu Á của Hàn Quốc có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố "ngôn tình".
Một cảnh trong phim Taxi, em tên gì?. Ảnh: NLĐ
Ở Việt Nam, "ngôn tình" cũng xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh: "Yêu", "12 Chòm Sao: Vẽ đường cho yêu chạy" hoặc pha trộn cùng yếu tố khác như: "Taxi, em tên gì?", "Gái già lắm chiêu", "Bệnh viện ma"... Phim truyền hình "Tuổi thanh xuân" (đạo diễn: Nguyễn Khải Anh, Myung Hyung-woo, Bùi Tiến Huy) do Nhã Phương và Kang Tae-oh đóng vai chính, vừa đoạt Cánh diều vàng 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đậm đặc yếu tố "ngôn tình". Một số dự án phim khác ra mắt sắp tới của nhiều đạo diễn Việt Nam cũng chạy theo yếu tố này.
Lý giải về việc "ngôn tình" xuất hiện trong nhiều phim Việt hiện nay, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng nhận định do cuộc sống hiện đại hối hả, thời gian trôi nhanh, mọi thứ theo guồng xoáy, người ta lại càng khao khát tình cảm lãng mạn, những khoảnh khắc mơ mộng. Khi bắt gặp chúng trong tác phẩm văn học hoặc qua phim, họ thích thú vì nó chạm đến phần sâu kín trong tâm hồn mỗi người, đánh thức những giấc mơ lãng mạn về một tình yêu đẹp.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Phạm Văn Hải lý giải: "Thời kỳ nở rộ phim hành động pha hài hoặc phim hài hước đơn thuần đã qua và các nhà làm phim buộc phải tìm đề tài mới lạ, tránh lối mòn, trong khi yếu tố "ngôn tình" thu hút chú ý của người xem. Nhất là khi một số phim có yếu tố này nhận được tín hiệu tốt từ công luận trong thời gian qua".
Một nhà phát hành phim cho rằng hiện nay, khán giả đến rạp hoặc xem phim qua truyền hình đa phần là giới trẻ. Họ quyết định doanh thu của phim cũng như lượng rating (chỉ số khán giả xem qua màn ảnh nhỏ) nên việc đáp ứng nhu cầu của giới này được đề cao.
Nên chỉ là gia vị
Theo diễn viên Quý Bình, "ngôn tình" là trào lưu của thế giới, trong đó có Việt Nam, khai thác yếu tố ngôn tình trong nghệ thuật là xu hướng tất yếu.
"Tuy nhiên, trong xu hướng tất yếu đó, mình có tạo được điều gì đặc biệt không, có đáp ứng được nhu cầu của khán giả trẻ và có để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng không mới là điều quan trọng.
Trấn Thành và Hari Won trong phim Bệnh viện ma. Ảnh: ĐPCC
Với phim "Bao giờ có yêu nhau", các bạn xem xong sẽ thấy đấy là câu chuyện tình đẹp, ngôn ngữ điện ảnh đẹp, nhân vật trong phim yêu nhau tha thiết và sẵn sàng vì tình yêu đó mà hy sinh cho nhau. Sự lãng mạn hóa tập trung ở góc máy quay, khung cảnh... chứ còn nội dung câu chuyện tình này vẫn mang đến cảm giác chân thật, nó có đâu đó trên cuộc đời này nhưng chúng ta có thể chưa gặp, chưa chạm tới" - anh bày tỏ.
Rõ ràng, đề tài tình yêu nếu như có thêm yếu tố lãng mạn hẳn sẽ hấp dẫn hơn so với thực tế cuộc sống có phần phũ phàng. Thời điểm nở rộ, dòng văn học "ngôn tình" từng bị chỉ trích dữ dội với lo ngại sẽ gây nghiện rồi lôi kéo người đọc khỏi cuộc sống thực tế, suốt ngày "ảo tưởng" hình ảnh "soái ca" hoàn hảo.
Các nhà tâm lý lo ngại giới trẻ sẽ thất vọng, buồn bã khi đối diện hiện thực cuộc sống không như thế giới mình từng mộng mơ. Các nhà xã hội học cũng cho rằng khó khăn của cuộc sống thực tế dễ khiến hôn nhân của những đôi vợ chồng mộng mơ trong thế giới ngôn tình sẽ sớm đổ vỡ. Vì thế, khi "ngôn tình" bắt đầu có nhiều trong phim, những lo ngại này càng tăng lên.
Nhiều nhà làm phim cho biết sử dụng yếu tố ngôn tình để làm tăng gia vị cho cho câu chuyện tình lãng mạn hơn trên phim chứ không đóng vai trò chính. Nó sẽ kết hợp cùng nhiều yếu tố khác như hành động, kinh dị, kỳ ảo, liêu trai..., giúp "món ăn" tinh thần thêm thi vị, thu hút khán giả mà không gây nên hệ lụy như các nhà tâm lý, xã hội học lo ngại.
Theo Minh Khuê (Báo Người lao động)
Phim truyền hình hết thời, diễn viên gặp khó Công việc chủ yếu của diễn viên là đóng phim nên sự sụt giảm số lượng phim truyền hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của nhiều người. Trước thực trạng số lượng phim truyền hình sẽ bị cắt giảm đáng kể trong năm 2016 và cả những năm tiếp theo do tình hình khó khăn chung, nhiều diễn...