Vì sao Philippines dùng chiêu “thuyết phục đạo đức” với Trung Quốc?
Về kinh tế hay quân sự, Philippines không có gì để đối phó với Trung Quốc. Manila chỉ còn biết trông cậy vào luật pháp quốc tế.
Báo GDVN trích dẫn nguồn tin từ tờ Channel News Asia ngày 11/4 cho biết, Philippines đang sử dụng biện pháp “ thuyết phục đạo đức” trong cuộc chiến với gã khổng lồ châu á – Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết hôm qua 10/4.
Đó là lý do tại sao Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển yêu cầu tòa tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò là bất hợp pháp.
Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: “Thông qua thuyết phục đạo đức, chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ giúp Trung Quốc nhận ra rằng họ tôn trọng và tuân thủ các phán quyết của tòa án sẽ là lợi ích tốt nhất của họ.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose.
“Nếu Trung Quốc muốn được xem như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tốt hơn là họ hành động trong khuôn khổ trật tự quốc tế đã được thành lập chứ không phải bên ngoài khuôn khổ.”
Được biết, ngày 30/3 vừa qua, Philippines đã nộp bản thuyết trình 4000 trang để bảo vệ luận điểm của mình cho Hội đồng Trọng tài của Tòa án Quốc tế về Luật Biển trong khi Bắc Kinh cảnh báo hành động này làm “tổn hại nghiêm trọng” quan hệ song phương.
Jose cho biết, Philippines đã nhận thức được họ có thể phải đối mặt với sự trả đũa bằng các lệnh trừng phạt thông qua thương mại hoặc du lịch từ Bắc Kinh.
Nhưng ông bảo vệ chiến thuật của Manila khi cho rằng, về kinh tế hay quân sự, Philippines không có gì để đối phó với Trung Quốc. Manila chỉ còn biết trông cậy vào luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Philippines dùng chiêu “thuyết phục đạo đức” còn bởi sự ngang tàng trong các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Được biết, trong vụ kiện của Philippines, Mỹ đã tuyên bố ủng hộ việc Chính phủ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để phân xử tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington tán thành việc thực thi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo “mà không e dè bất kỳ hành động trả đũa nào”.
“Bất chấp kết quả của việc phân xử là gì, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế đưa ra những hành động đơn phương gây bất ổn và leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn ngang tàng, “kiên quyết” đối phó với bất kỳ hành động nào mà họ coi là “khiêu khích” từ các bên có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Bưu điện Hoa Nam ngày 11/4 đưa tin, ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố quyết tâm của Bắc Kinh bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông là điều không thể lay chuyển tại diễn đàn kinh tế Bác Ngao, Hải Nam.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Ông Cường thề rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết” đối phó với bất kỳ hành động nào mà họ coi là “khiêu khích” từ các bên có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông trong khi vẫn khẳng định Trung Quốc đi theo con đường phát triển “hòa bình, hữu nghị” với láng giềng.
“Chúng tôi sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua biện pháp hòa bình và chúng tôi ủng hộ hợp tác hàng hải. Nhưng chúng tôi sẽ có phản ứng kiên quyết với bất kỳ động thái khiêu khích nào có ảnh hưởng đến hòa bình ổn định ở Biển Đông”, Lý Khắc Cường tuyên bố.
Biển Đông đã trở thành điểm nóng từ khi Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ với láng giềng, các quốc gia Đông Nam Á cảm thấy lo ngại về hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông với một loạt hành động khiêu khích.
Theo Báo Đất Việt
Trung Quốc sẽ "mạnh tay" ở Biển Đông
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua (10/4) đã phát đi một cảnh báo nhằm vào các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp ở Biển Đông, nói rằng Trung Quốc sẽ "đáp trả mạnh tay đối với những hành động khiêu khích".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ liên quan đến những tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc bằng những lời nói êm dịu nhằm trấn an các nước đang có những quan ngại nhất định về các ý đồ quân sự của cường quốc Châu Á.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình", ông Lý Khắc Cường đã tuyên bố như vậy trước các phái đoàn đến tham dự hội nghị ở Hải Nam - một tỉnh phía nam của Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt thành cho những sáng kiến nhằm giúp củng cố sự hợp tác hàng hải", ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Sau những phát biểu đầy dịu nhẹ, Thủ tướng Trung Quốc cũng nhanh chóng đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ. Ông này nói: "Mặt khác, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết trước những hành động khiêu khích làm phương hại đến hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi, người Trung Quốc tin rằng, tử tế đối lại với tử tế và những hành động sai trái sẽ phải đối mặt với công lý".
Trung Quốc xác định hành động khiêu khích là những việc có liên quan đến cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của nước này đối với hơn 90% Biển Đông và gần như toàn bộ các đảo lớn nhỏ, bãi đá, bãi san hô ở vùng biển chiến lược rộng lớn và giàu tài nguyên này.
Lời răn đe trên được ông Lý Khắc Cường đưa ra trong một bài phát biểu kêu gọi sự hợp tác khu vực. Nó được đưa ra sau khi Philippines hồi tháng trước vừa tung ra một hành động thách thức Trung Quốc chưa từng có. Theo đó, Manila đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với mong muốn tòa án này ra phán quyết khẳng định những đòi hỏi phi lý, thái quá trong tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc dựa trên yêu sách đường 9 đoạn là vô giá trị.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tung ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh giới chức Mỹ vừa có những phát biểu mạnh mẽ nhằm thể hiện lập trường phản đối mạnh mẽ đối với những bước đi ngày một quyết liệt của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa mới đây đã cảnh báo, hành vi của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã từ chối bình luận về những phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao.
Dù không trực tiếp đề cập đến cái tên Philippines nhưng người ta tin rằng, lời cảnh báo mà ông Lý Khắc Cường đưa ra tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ngày hôm qua chủ yếu nhằm vào Philippines sau khi nước này khiến Bắc Kinh giận sôi vì tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Trong cuộc gặp mặt mới đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung Quốc và Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng, Bắc Kinh không có quyền đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở khu vực tranh chấp mà không tham vấn các nước có liên quan.
Và ông Hagel cũng tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản, Philippines và các nước đồng minh khác đang có tranh chấp với Trung Quốc theo nghĩa vụ được đưa ra trong các hiệp ước mà Mỹ đã ký kết.
Trong thời gian gần đây, giới chức Mỹ ngày càng công khai thể hiện lập trường phản đối Trung Quốc và bênh vực các nước đồng minh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Châu Á. Trước đó, Washington thường tìm cách né tránh điều này, luôn khẳng định đứng trung lập trong những cuộc tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Sự thay đổi lập trường của Mỹ được cho là sẽ khích lệ Philippines và Nhật Bản đối đầu quyết liệt hơn với Trung Quốc. Hiện tại, Manila và Tokyo cũng là hai nước thách thức Bắc Kinh mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất. Mới đây, hồi cuối tháng 3, Philippines đã chính thức đệ trình lên tòa án những lý lẽ, bằng chứng để chứng minh cho lập trường của họ trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung Quốc dọa đáp trả các 'hành động gây hấn' ở biển Đông Trung Quốc ngày 10.4 tuyên bố Bắc Kinh 'kiên quyết' bảo vệ 'chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông' và sẽ đáp trả lại bất kỳ hành động gây hấn nào tại vùng biển này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Ảnh: Reuters Tại diễn đàn kinh tế Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam ngày 10.4, Thủ tướng Trung Quốc,...